Thursday, January 28, 2021

Vị Tướng Của Mùa Hè Đỏ Lửa Năm 1972 - Nguyễn Kỳ Phong

Tháng 8, 1969: Trong một buổi thuyết trình dành riêng cho đại sứ Hoa Kỳ ở Lào, G. Mcmurtrie Godley, đại tướng tư lệnh MACV, Creighton Abrams, nói về tình hình quân sự và tình hình của các đơn vị chủ lực của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH). Về Vùng I, tướng Abrams nói : “Chúng ta có Sư Đoàn 1 ở đây. Sư đoàn này có 17 tiểu đoàn tác chiến đây là sư đoàn loại hạng nhất; sư đoàn có những quân nhân thượng thặng trên cả nước. Đơn vị có cấp chỉ huy giỏi, từ tiểu đoàn trưởng cho đến tư lệnh sư đoàn. Người tư lệnh sư đoàn… tôi không nghĩ QĐVNCH có một người tư lệnh như ông ta tài giỏi về chiến thuật một người dẫn đầu làm gương”.

Hơn một năm sau, tháng 10 năm 1970, trong buổi thuyết trình dành riêng cho giám đốc CIA, Richard Helms, đại tướng tư lệnh phó MACV. Fredenck Weyand, nói, “Trưởng … tôi không cần phải nói nhiều về ông ta vì khả năng của ông đã đựơc biết. Từng là tư lệnh Sư Đoàn 1, nếu nói về cấp sô quân ông ta đã chỉ huy hơn 2 sư đoàn…. Lâu nay ông đã chứng tỏ được khả năng chỉ huy; không ai lung lay ông được. Từ lúc xuống coi Vùng IV, với cá tính năng động, ông đã đề ra những kế hoạch ưu tiên phải thực hiện.. ông đã đem lại nhiều phấn khởi cho Vann (John Paul Vann chỉ huy trửơng Xây Dựng và Phát Triển Nôn.Thôn Vùng IV ) và McCrown ( thiếu tướng Hal D. McCrown, cố vấn trương Vùng IV ) ngoài sức tưởng tượng.”

Người chỉ huy trưởng Sư Đoàn 1 và vị tư lệnh Quân Đoàn IV được nhắc đến, là trung tứơng Ngô Quang Trưởng, cựu tư lệnh Quân Đoàn IV, và sau đó, Quân Đoàn I. Trung tướng Trưởng đã từ trần ngày 22 tháng 1, 2007, tại Fairfax, Virginia. hưởng thọ 77 tuổi.

Lời bình phẩm của hai vị đại tướng Abrams và Weyand, là hai trong nhiều lời bình phẩm và khen ngợi về khả năng chỉ huy của tướng Trưởng, đến từ nhiều sĩ quan cao cấp Hoa Kỳ trong thời gian họ phục vụ ở Việt Nam. Một trong những lời ca tụng cao quý nhất dành cho tướng Trưởng đến từ Tham Mưu Tr­ởng Liên Quân Earl G.Wheeler. Tháng 7, 1969, trong cao điểm của chương trình Việt Nam Hóa, tướng Wheeler đến Việt Nam thăm viếng và hội thảo với đại tướng Cao Văn Viên. Khi nói về chương trình gia tăng quân số cho QLVNCH, tướng Wheeler nói ý nghĩ của ông với tướng Viên: cách gia tăng nhanh chóng sự hữu hiệu của QLVNCH là không phải tạo ta thêm nhiều đơn vị mới, mà là tạo thêm ra nhiều anh hùng trong đơn vị. Giống như ở Sư Đoàn 1, một sư đoàn đang hoạt động rất hữu hiệu. Cái quý trọng đáng nói về những lời khen ngợi này, là tất cả cuộc đối thoại nói về tướng Trưởng đều xảy trong vòng bí mật giữa các tưởng lãnh cao cấp Hoa Kỳ; họ nói về tướng Tr­ởng trong vòng kín đáo riêng tư chứ không phải những lời khen thưởng, khích lệ tinh thần ngoài công cộng. Đó là vinh dự cho một vị tướng mà theo lời của đại tướng Norman Schwarzkopf – người đã gọi tướng Trưởng là bậc thầy – “không cao lớn, không đẹp trai, không có vẽ gì là một thiên tài tài quân sự. “

Ngô Quang Trưởng sanh ngày 13-12-1929, tại Giao Thanh. tỉnh Bến Tre, trong một gia đình được coi là khá giả ở miền Nam. Sau khi hoàn tất bậc trung học ở trường Trung Học Mỹ Tho, ông gia nhập trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Ra trường tháng 6 năm 1954, tân thiếu úy Ngô Quang Trưởng đậu hạng 162 trên 1148 tân sĩ quan của Khóa 4. Khóa 4 Sĩ Quan trừ Bị Thủ Đức (ra trường cùng thời gian với khóa 10 trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt) là một trong những khóa sĩ quan đông nhất và đào tạo nhiều sĩ quan sau này là rường cột của QLVNCH. Cùng khóa 4 với tướng Trưởng là các tướng Bùi Thế Lân, Lê Quang Lưỡng, Hồ Trung Hậu, Nguyễn Văn Điềm, Vũ Văn Giai. Những người bạn cùng khóa còn lại là những sĩ quan chỉ huy trưởng quan trọng của các sư đoàn, lữ đoàn, như Nguyễn Trọng Bảo, Liêu Quang Nghĩa, Tôn Thất Soạn, Nguyễn Thu Lương, Nguyễn Thế Lương, Hoàng Tích Thông, Lê Cảnh Dị, Phạm Hy Mai, Nguyễn Viết Cần. . . . Một số những sĩ quan nói trên hoặc đã hy sinh vì tổ quốc, hoặc đã trải qua một thời gian dài đầy cay đắng trong lao tù cộng sản chỉ vì có tội trung thành với Tổ quốc của họ.

Ra trường, tướng Trưởng chọn binh chủng Nhảy Dù và được chỉ định về phục vụ ở tiểu đoàn 5, tiểu đoàn mà chưa đến một năm trước đó đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng; tiểu đoàn của đại úy Phạm Văn Phú, của những đồi Eliane, Dominique, ở Điện Biên Phủ. Trừ cấp bực đại úy được chánh phủ thăng thưởng chung cho nhiều sĩ quan có thârn niên quân vụ đến thời gian đó (l tháng 11 1961), tất cả cấp bực về sau, tướng Trưởng được đặc cách ngoài mặt trận, hay được đính thân tư lệnh chiến trường, tư lệnh quân đội vinh thăng. Vinh quang đầu tiên của tướng Trưởng xảy ra vào cuối tháng 2 năm 1964, khi tiểu đoàn 5 của Nhảy Dù đánh vào mật khu Đỗ Xá (Đỗ xá là một địa danh nằm ngay biên giới của ba tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Tín và Kontum), ở Vùng I. Với chiến thắng này, cố đại tương Đỗ Cao Trí (lúc thiếu tướng Trí coi Vùng I) đích thân đặc cách thiếu tá nhiệm chức cho tướng Tr­ởng. Đầu tháng 6-1964, ông được lên thiếu tá thực thụ – một cấp bực rất hiếm trong tháng năm đó cho một sĩ quan với mười năm quân vụ.

Sau cuộc đảo chánh 1 thắng 11, năm 1963, trong khi thủ đô Sài Gòn sôi sục với những biến động chính trị, thì những người quân nhân thuần túy vẫn thi hành nhiệm vụ của họ ở chiến trường. Hoạt động của cộng sản gia tăng mạnh. Với những yểm trợ vũ khí và huấn luyện của các đơn vị chánh quy xâm nhập từ miền Bắc vào. Việt Cộng bây giờ đã có đủ quân và vũ khí để đánh cấp trung đoàn nếu không nói là sư đoàn. Cuối năm 1964 đầu năm 1965, sau khi phục kích và đánh thiệt hại hơn ba phần tư tiểu đoàn 4 TQLC và một tiêu đoàn Biệt Động Quân ở Bình Giả, Phước Tuy, cộng sản tụ quân lại chung quanh địa cứ đó để biểu dương lực lượng. Bộ Tổng Tham Mưu lập tức khởi động chiến dịch Nguyễn Văn Nho, cho hai tiểu đoàn Nhảy Dù, ba tiểu đoàn TQLC và một chi đoàn thiết giáp trở lại Bình Giả truy lùng các đơn vị cộng sản. Nhưng khi thấy lực lượng hùng hậu đó, các đơn vị cộng sản lẫn tránh giao tranh. Nhưng cùng lúc, theo tin tức tình báo đến từ thiếu tá Lê Đức Đạt tỉnh trưởng Phước Tuy, cộng sản sẽ đem ba cố vấn Mỹ mà họ bắt được trong trận Bình Giả trước đó, diễn hành như một chiến thắng cho dân chúng địa phương coi (trong trận Bình Giả, Hoa Kỳ có 5 tử trận, 8 bị thương, và 3 mất tích). Tin tức này cũng được MACV xác nhận: MACV cho biết máy bay thám thính xử dụng hồng ngoại tuyến đã chấm được tọa độ đóng quân của cộng sản ở chung quanh xã Bình Giả và Hắc Dịch (Bình Giả, Bình Ba, Ngãi Giao và Hắc Dịch là bốn xã tạo thành Tống Cơ Trạch.

“Tổng” là một đơn vị hành chánh cho một vài vùng lúc đó. Có nhiều sách địa lý gọi là Hắc Dịch). Với tin tức cụng cấp, Sài Gòn quyết định trở lại truy lùng các đơn vị còn lẩn quẩn chung Bình Giả thêm một lần nữa. Lần này lực lượng tân công là ba tiểu đoàn Nhảy Dù. Ngày 9 tháng 2-1965, tiểu đoàn 5 của Ngô Quang Trưởng; tiểu đoàn 6, Vũ Thế Quang; và tiểu đoàn 7, Ngô Xuân Nghị, nhảy vào Hắc Dịch. Tiểu đoàn 5 và 6 là lực lượng chánh tấn công, tiểu đoàn 7 đi sau lưng để yểm trợ và chận không cho các đơn vị cộng sản thoát ra liên tỉnh lộ 15. Theo đại tá Nguyễn Thu Lương kể lại – lúc đó là đại úy đại đội trưởng tham dự cuộc hành quân – khí tiểu đoàn 5 đã nhận ra và tiến vê mục tiêu là một ngôi làng có tên là Phước Chi, cộng sản cho đốt rừng tre và cỏ tranh trước mặt hướng tiến quân. Họ hy vọng khi lính Dù thấy lửa cháy trước mặt thì sẽ quay đầu lại tìm hướng khác tấn công … và cộng quân sẽ bất ngờ phục kích khi lính tiểu đoàn 5 đi ngược lại. Nhưng tiểu đoàn trưởng Ngô Quang Trưởng không cho lính quay lại; ông ra lệnh xung phong thẳng qua thế hỏa công của địch, đánh thẳng vào bộ chỉ huy cộng sản trước mặt, ở phía sau đám lửa đốt ngụy công đó. Và kết quả của trận chiến? Theo tiểu đoàn trưởng Vũ Thế Quang, “… ông Trưởng đã đánh một trận để đời; đánh tan lực lượng Việt cộn ở Hắc Dịch. Và tên ông Trưởng được nhắc đấn nhiều từ trận đó” Theo báo chí Hoa Kỳ tường trình lại, trong trận này, tướng Trưởng và lính tiểu đoàn 5 Dù đã cứu được vị đại úy Mỹ cố vấn tiểu đoàn, Đại úy Thomas B. Throckmorton là con trai của trung tướng John L. Throckmorton, tư lệnh phó cho đại tướng William Westmoreland, đương kim tư lệnh MACV. (Cũng muốn nói thêm ở đây, tướng Trưởng hình như có duyên với những sĩ quan Mỹ cố vấn cho ông: Trong thời gian ở Sư Đoàn nhảy Dù, ba người cố vấn đều là con của tướng hay là trở thành tướng của quân đội về sau. Sau đại úy Throckmorton là thiếu tá Schwarzkopf. Thân phụ của Schawarzkopf là chuẩn tướng; và chính ông thì trở thành đại tướng. Sau Schwarzkopf là thiêu tá Guy S. Meloy, III. Cha của

Meloy lúc đó là đại tướng ở Mỹ; và Meloy sau này cũng trở thành một vị tướng, coi Sư Đoàn 82 Nhảy Dù trước khi về hưu.)

Nhưng cũng theo đại tá Quang, chiến thắng của Nhảy Dù, của tiểu đoàn 5, không được báo chí loan tin, hay nhắc đến rầm rộ, vì những biến động chính trị ở Sài Gòn đã lấy đi tất cả sự chú ý lúc đó. Nhận định và quan sát của đại tá Quang về chiên thắng bị bỏ quên của tướng Trưởng không xa sự thật. Tháng 2 của năm 1965 là một tháng đầy biến động ở miền Nam: Tướng Nguyễn Khánh vừa bị Hội Đồng Quân Nhân hạ bệ và muốn ông ta rời khỏi Việt Nam; nội các của thủ tướng Trần Văn Hương thay đổi nhân sự tới lui và có thể bị thay thế. Năm 1964-65 là năm mà trung úy TQLC Trần Ngọc Toàn – người đã thoát chết trong trận Bình Giả – gọi là năm của những sĩ quan cao cấp ngồi ở nhà tranh luận và bảo vệ vị thế chính trị cá nhân, trong khi các sĩ quan cấp nhỏ thì đang chết ở chiến trường bảo vệ họ; năm 1964-65 có nhiều đảo chánh – hay tin đồn đảo chánh – đến độ tác giả Nhảy Dù Phan Nhật Nam, khi cho người lính trong trung đội văng mặt một chút, nhưng căn dặn phải trở lại đơn vị ngay “khi nghe nhạc đảo chánh trổi lên trên đài phát thanh.” Trong khi tờ tường trình về chiến thắng Hắc Dịch chưa kịp gởi về Hoa Thịnh Đốn, thì Hoa Thịnh Đốn đã quan tâm, lo lắng, về những thiệt hại ở trận Bình Giả, và họ chuẩn bị gởi quân tác chiến qua Việt Nam, dựa vào tờ tường trình của CIA gởi về Hoa Thịnh Đốn hai tuần trước. Nhưng cũng có thể, trong tuần lễ thứ nhì của tháng 2 năm đó, QLVNCH đang hân hoan về một chiến thắng khác lớn hơn, quan trọng hơn: ngày 16 tháng 2. ở Vũng Rô, Phú Yên, Không Quân VNCH đã đánh chìm một chiếc tàu sắt, chở hàng trăm tấn vũ khí từ miền Bắc vào tiếp tế cho cộng sản ở miền Nam. Với số vũ khí tịch thu được ở Vũng Rô, sự quên lãng của báo chí về trận Hắc Dịch có thể hiểu được.

Chưa nhạt mùi thuốc súng ở Vùng III, tháng 3-1965, tướng Trưởng đem tiểu đoàn trở lại Vùng I đánh trận Thăng Bình. Chiến thắng ở Thăng Bình có sự quan sát của một sĩ quan sau này trở thành đại tướng: Norman Schwarzkopf. Tướng Schwarzkopf lúc đó là thiếu tá cố vấn của tiểu đoàn. Hai mươi năm sau, sau khi cuộc chiến đã tàn; miền Nam đã thất thủ, tướng Schwarzkopf vẫn không quên ấn tượng ông thấy, và bài học ông học được về lối điểu binh của tướng Trưởng. Năm 1995 khi tướng Schwarzkopf trở lại Việt Nam thăm chiến trường cũ, ông có thực hiện một chương trình truyền hình cho một hãng thông tấn. Chiếu lại địa hình của trận Thăng Bình ông nói, khi tiêu đoàn lọt vào địa cứ của cộng sản, quân địch tràn ra đánh. Tiêu đoàn 5, dù bị thiệt hại, nhưng họ chấp nhận và tiếp tục xung phong và chiếm được mục tiêu…. Lính của tướng tTrưởng đánh như để thử thách đối phương; để chứng tỏ họ không sợ đối phương (trong trận này, y sĩ tiêu đoàn là bác sĩ Đỗ Vinh bị tử trận. Bệnh viện Nhảy Dù Đỗ Vinh là tên của vị y sĩ này). Nhưng sự khâm phục của một vị tướng tương lai không quan trọng bằng sự hài lòng của một vị tướng đang quan sát mặt trận: thiếu tướng Nguyên Chánh Thi đang là tư lệnh Vùng I. Với tiểu đoàn chiến thắng là tiêu đoàn cũ của mình 10 năm trước (tướng Thi coi tiều đoàn 5 Nhảy Dù tháng 5-1955), tướng Thi đặt cách cho tướng Trưởng lên trung tá.

Lên trung tá trong những năm của thập niên 1960 là niềm vui một sự hãnh diện, nếu người đó không còn thích làm tiều đoàn trưởng hay thích đi tác chiến. Vào thời đó, tiểu đoàn trưởng -commandant; chef de bataillon; hay chef d’escadron – chỉ là thiếu tá. Trên thiếu tá thì . . . phải đi tìm một việc khác! Lên trung tá, tướng Trưởng được gọi về làm tham mưu trưởng sư đoàn. Nhưng làm về tham mưu không phải là việc làm tướng Trưởng thích. Và ông để lộ ra ý nghĩ đó vài tháng sau, khi được chỉ định làm tư lệnh phó sư đoàn Nhảy Dù.

Giữa tháng 5 năm 1966 một biến cố xảy ra làm thay đổi cuộc đời của tướng trưởng. Những biến động đồn dập ở miền Trung gây ra nhiều sự lo âu cho chính quyền trung ương Sài Gòn. Sài Gòn thay sáu tư lệnh Vùng I trong ba tháng, nhưng tình hình vẫn không thay đổi. Hội Đồng Quân Nhân quyết định dùng quân đội để tái lập trật tự. Tướng Trưởng, đang là tư lệnh phó Nhảy Dù, dưới quyền chỉ huy của tướng Cao Văn Viên và đại tá Nguyễn Ngọc Loan đem năm tiểu đoàn Nhảy Dù và TQLC ra Vùng I để tái lập trật tự. Sau cuộc hành quân biểu dương thẩm quyền trung ương, tướng Trưởng được thăng chức đại tá. Từ giai đoạn này đến ngày tướng Trưởng rời binh chủng Nhảy Dù để về làm tư lệnh sư đoàn 1, chúng ta không biết chuyện gì xảy ra – về phương diện tài liệu có được. Chúng ta không biết tướng Trưởng bị hay đựơc chỉ định thay thế chuẩn tướng Phan Xuân Nhuận, tư lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh. Sau khi tướng Nhuận và một số sĩ quan cao cấp của Vùng I bị đưa ra hội đồng kỷ luật. Theo những người quen với tướng Trưởng kể lại tướng Trưởng đã lưỡng lự tạm thời nhận thức tư lệnh một sư đoàn bộ binh vì ông không muốn rời màu áo của lính Dù. Tướng Trưởng từ Sài Gòn đi máy bay ra Huế để nhận nhiệm sở mới. Và để giới thiệu với đơn vị mới cùng người dân địa phương mình là lính Dù, tướng Trưởng nhảy dù xuống Huế để nhận nhiệm sở. Nhưng nhảy dù biểu diễn đôi khi có nhiều rũi ro hơn là nhảy dù vào trận địa. Ngày hôm đó chắc trẻ con và dân chúng Huế ở hai bên bờ sông sẽ reo hò thích thú khi thấy một người lính Dù đáp xuống nước giữa sông Hương! Theo lời đại tá Tôn Thất Soạn, lúc đó đang cùng đại tá Nguyễn Thanh Yên chỉ huy các đơn vị TQLC đang có mặt ở Huế, một chiếc thuyền máy chờ sẳn trên sông chạy đến vớt tướng Trưởng lên. Tử sông Hương, TQLC dùng hai xe Jeep hộ tống tướng Trưởng vào thành nội Huế để nhận chức tư lệnh đầu tiên của ông.

Trong thời gian chỉ huy Sư Đoàn 1 Bộ Binh, tướng Trưởng được nhiều sĩ quan Hoa Kỳ chú ý. Trong hồi ký A Soldier Reports, Westmoreland nói ông nhận được nhiều báo cáo tốt về Sư Đoàn 1 và người tư lệnh. T­ớng Westmoreland đi xa hơn khi ông viết, “nhiều tướng lãnh nói cho tôi biết họ tin vào khả năng của tướng Trưởng đến độ họ nghĩ ông có thể chỉ huy một sư đoàn lính Mỹ được”. Năm 1999 khi tác giả Lewis Sorley cho ra tác phẩm A Better War , và sau đó năm 2004, The Abrams Tapes, chúng ta mới đọc đ­ợc nhiều lời bình phẩm về tướng Trưởng giữa các tướng lãnh cao cấp Mỹ ở bộ tư lệnh MACV. Lý do phải chờ những cuốn sách nói trên ra đời để biết thêm những nhận định về tướng Trưởng, là vì phần lớn những nhận định xảy ra trong những cuộc đàm thoại bí mật ở MACV. Hai tác phẩm của nhà quân sử Sorley phần lớn dựa vào những tài liệu giải mật của bộ tư lệnh MACV.

Tướng Trưởng được thăng chức chuẩn tướng khi về chi huy Sư Đoàn 1. Sau trận Mậu Thân 1968, tổng thống Thiệu thăng cấp tướng cho một số tướng lãnh – một số tướng vì có công trạng, và một số tướng được thăng chức để củng cố thế lực của tổng thống Thiệu trong quân đội. Chuẩn tướng Trưởng có tên trong danh sách được thăng thưởng. Tướng Trưởng mang lon thiếu tướng vào mùa thu năm 1968. Mùa xuân năm 1970, khi QLVNCH chuẩn bị đánh qua Cam Bốt, trong một lần nói chuyện giữa tổng thống Thiệu và đại tướng Abrams, ông Thiệu nói với tướng Abrams là ông muôn thay đổi một số tư lệnh sư đoàn và quân đoàn và theo ý kiến của tướng Abrams thì ai xứng đáng cho những chức vụ tư lệnh mới. Đại tướng Abrams nói ông không hiểu hay biết nhiều về tâm lý người Việt Nam. Nhưng với tất cả sự thiếu hiểu biết của một nư­ời Mỹ, ông nghĩ tướng Trưởng là người xứng đáng nhất; một người tướng có khả năng về mọi mặt, nhất là về bình định nông thôn, một một chương trình mà chính phủ VNCH cần phải thực hiện nhanh.

Trước đó, trong một lần nói chuyện với đại tướng Cao Văn Viên, tướng Abrams có so sánh lối chỉ huy của tướng Trưởng với lối chỉ huy của một vị tướng tư lệnh sư đoàn khác cũng có khả năng như tướng Trưởng. Nghe xong, tương Viên giải thích cho t­ớng Abrams về sự khác biệt giữa hai ông tướng: khi tướng Trưởng ra một quân lệnh nào đó, ông sẽ đích thân đi ra các cấp đơn vị từ nhỏ đến lớn đê coi lệnh của ông có được thi hành không; trong khi người tương kia thì chỉ để cho sĩ quan dưới quyền hành sự. Sau này, qua những gì sĩ quan báo cáo lại; Tướng Abrams nghĩ nhận xét của đại tướng Viên là đúng. Và sau này, vào năm 1972, khi tướng Trưởng ra chỉ huy Vùng I, hai người cố vấn Mỹ ở quân đoàn đều thấy lối làm việc của tướng Trưởng: quân lệnh lúc nào cũng đi kèm với sự hiện diện của ông ở mọi cấp của đơn vị. Trong khi tổng thông Thiệu còn đang lưỡng lự với quyết định chọn lựa các tư lệnh quân đoàn, thì một biến cố xảy đến bắt ông phải quyết định: Ngày 20 tháng 5-1970, thiếu tướng Nguyễn Viết

Thanh, tư lệnh Vùng lV bị tử nạn trực thăng trong cuộc hành quân đánh qua Cam Bốt. Tổng thống Thiệu bổ nhiệm thiếu tướng Ngô Dzu thay cố trung tướng Thanh ở Vùng IV. Nhưng chỉ ba tháng sau, vì một lý do nào đó, tổng thống Thiệu đưa tướng Dzu lên coi Vùng II, và chỉ định thiếu tướng Trưởng về Vùng IV.

Vùng IV tương đối được yên tỉnh trong thời gian tướng Trưởng ở Vùng IV. Trong thời gian này ông đã khích động tinh thần của binh chủng Nghĩa Quân và Địa Phương Quân – một binh chủng cho đến thời gian đó gần nư­ bị bỏ quên trong cấp số của QĐVNCH. Ông cố gắng hiện đại hóa bỉnh chủng này, và tuyên bố, trên đường dài của cuộc chiến, nghĩa Quân và Địa Phương Quân sẽ là lực lượng rường cột của quân đội trên đường dài. Mùa hè năm 1972 chứng minh nhận định của tướng Trưởng: tướng cao điểm của cuộc tổng tấn công vào miền Nam, từ ngày 1 tháng 4 đến ngày 10 tháng 6, các đơn vị chủ lực của QLVNCH bị thiệt hại 23 ngàn quân so với 14 ngàn của nghĩa Quân và Địa Phương Quân. Phần lớn 14 ngàn thương vong này xảy ra ở Vùng IV. Trong thời gian ở Vùng IV, ông cũng phát động nhiều cuộc hành quân vào các chiến khu mà từ trước được coi là vùng bất khả xâm phạm của cộng quân. Đầu năm 1971, ông ra lệnh cho trung đoàn 33/ Sư Đoàn 21, vào chiếm chiến khu U Minh Thượng và lập nhiều đồn bót ở đó. Khi đại sứ Bunker xuống viếng thăm, ông hỏi tướng Trưởng sẽ định đóng quân ở mật khu U Minh Thượng đó bao lâu, “ở lại luôn”, tướng Trưởng trả lời. Ngoài mật khu U Minh Thượng, hai Sư Đoàn 7 và 9 của quân đoàn cũng tấn công và thiết lập sự hiện diện thường trực ở các mật khu Thất Sơn, Đầm Dơi, và Đồng Tháp.

Nhưng sự bình yên của Vùng IV không kéo dài để tướng Trưởng hưởng thụ những thành quả, hay tiếp tục thực hiện những kế hoạch mà ông dự định cho Vùng IV. Mùa xuân năm 1971 ông nghe ngóng tin tức của cuộc hành quân Lam Sơn 719 đánh qua Lào với nhiều lo lắng. Năm đó ông cũng rất buồn khi tiễn đưa một chỉ huy trưởng cũ ra đi vĩnh viễn: trung tướng Đỗ Can Trí, cựu tư lệnh Nhảy Dù bị tử nạn trực thăng vào ngày 23 tháng 2-1971, trong khi chỉ huy quân của Vùng III đánh qua Cam Bốt lần thứ hai. Ngoài tướng Trí, ông cũng mất một số bạn bè Nhảy Dù ở Hạ Lào.

Thứ Năm ngày 30 tháng 3-1972, cộng sản tấn công qua vùng quân sự ở Vùng I. Vài ngày sau, các cuộc tổng tấn công cũng bắt đầu Ở Vùng II và III. Ở Vùng IV, cộng quân đã có nhiều hoạt động chuẩn bị cho cuộc tổng công kích từ giữa tháng 3. Theo lởi tướng Trưởng kể lại, trong suốt tháng 4, cộng quân tấn công vào 5. 6 tỉnh của Vùng IV, nhưng các cuộc tấn cộng không đủ mạnh để gây lo lắng cho QLVNCH như họ đang lo lắng cho ba Vùng còn lại, nhất là Vùng I. Ngày 2 tháng 5-1972. Quảng Trị thất thủ. Ngày hôm sau, 3 tháng 5, tông thống Thiệu triệu tập các tư lệnh Vùng về họp ở dinh Độc Lập. Trong buổi họp tổng thống Thiệu chỉ định thiếu tướng Trưởng ra thay tướng Hoàng Xuân Lãm ở Quân Đoàn I với chức trung tướng tư lệnh Quân Đoàn. Đúng một tuần sau tổng thông Thiệu chỉ định thiếu tướng Nguyễn Văn Toàn – đang là tư lệnh phó cho tướng Trưởng – về thay trung tướng Ngô Dzu ở Quân Đoàn II.

Tướng Trưởng bay ra Huế cùng ngay nhận được lệnh. Khi đến Huế thì tình hình Vùng I đã bi quan rồi. Chúng ta có thể thay chữ bi quan bằng chữ bi đát ở đây. Ngày hôm sau, ông ra lệnh lập bộ tư lệnh tiền phương của Quân Đoàn ở hướng bắc thành phố Huế. Đồng thời ông ra lệnh tất cả các quân nhân đang đi lạc khỏi đơn vị, hay không còn đơn vị đê trở về, phải tìm cách trình diện thẩm quyền quân sự lập tức. Mọi sự bất tuân th­ợng lệnh sẽ bị trừng phạt ngay tại chỗ. Sau khi phân chia vùng trách nhiệm tác chiến cho các đơn vị đã được ổn định, tướng Trưởng tái huấn luyện, tái trang bị lại cho các đơn vị bị tan rã một tháng trước đó. Trong khi chờ đợi các đơn vị hoàn phục sức tác chiến, ông xử dụng hỏa lực của hải quân và không quân Hoa Kỳ để phá hủy các điểm tập trung quân của cộng sản. Trong tháng 5, sau khi được Bộ Tổng Tham Mưu tăng viện cho hai lữ đoàn Dù, tướng Trưởng bắt đầu chuyển từ thế phòng thủ qua thế tấn công giới hạn. Tấn công giới hạn ở đây có nghĩa là ông dùng trực thăng vận để bất thần đột kích sau lưng những đơn vị cộng sản.

Với không vận cung cấp từ TQLC Hoa Kỳ, tướng Trưởng cho những tiểu đoàn của TQLC và Sư Đoàn 1 đột kích sau lưng địch. Hai tiểu đoàn của lữ đoàn 369 nhảy vào Hải Lăng; Lữ đoàn 147 vừa đổ bộ bằng tàu lên Mỹ Thủy, vừa đổ bộ bằng trực thăng vào Cổ Lũy. Sau những lân đột kích như vậy, TQLC hoàn tất nhiệm vụ và trở lại tuyến bạn một cách an toàn. Cùng lúc, Sư Đoàn 1 bất thần nhảy vào chiếm lại căn cứ hỏa lực Bastogne, rồi từ đó chiếm lại luôn căn cứ Checkmate. Đây là hai cao điểm quan trọng bảo vệ hướng tây nam của Huế. Cuối tháng 5, Sài Gòn cho tướng Trưởng thêm lữ đoàn 1 Dù. Như vậy Vùng I bây giờ có được hai sư đoàn tổng trừ bị đủ và ba sư đoàn bộ binh thiếu. Tình hình cuối tháng 5 ở Vùng I sáng sủa hơn hai tháng tr­ớc. Ngày 28 tháng 5, trước cửa Ngọ Môn Huế, tướng Trưởng chứng kiến người bạn cùng khoá, đại tá TQLC Bùi Thế Lân, được tổng thống Thiệu gắn cho ngôi sao chuẩn tướng trên vai. Để đáp lại sự khen thưởng đó, tướng Lân thề sẽ lây lại Quảng Trị.

Cuối tháng 6, khi thấy mình có đủ quân và khả năng để lây lại Quảng trị, ông soạn thảo một kế hoạch và trình về Sài Gòn; cùng lúc ông cho MACV một bản sao của kế hoạch hành quân. Vài ngày sau, trước khi Sài Gòn trả lời, MACV đã trả lời nói với ông là chưa đến lúc. MACV đề nghị ông tiếp tục đột kích và chờ một thời gian nữa. Thất vọng vì kế hoạch không được chấp nhận, Tướng Trưởng bay về Sài Gòn đích thân tường trình kê hoạch cho tổng thống Thiệu. Theo những gì tướng Trưởng viết lại trong tác phẩm The Easter Offensive of 1972, sau khi nghe kế hoạch của ông, tổng thống Thiệu – cũng có thái độ như MACV – ra lệnh cho ông chờ thêm một thời gian nữa. Trong lúc này chỉ nên tấn công phá rối và đột kích như đang làm. Bực tức trong sự yên lặng, tướng Trưởng gom bản đồ lại và bay trở về bộ tư lệnh. Sau một đêm mất ngủ, sáng sớm hôm sau ông gọi điện thoại cho trung tướng Đặng Văn Quang, cố vấn an ninh quốc gia cho tổng thống Thiệu, ông nói: “tôi sẽ không đệ trình thêm một kế hoạch nào nữa. Nếu họ muốn tôi thi hành ra sao thì nên đưa cho tôi một bản kế hoạch bằng tiếng Việt và tôi sẽ thi hành”. Những chữ nghiêng trong câu trích dẫn là do người viết đánh dấu. Người viết muốn nhấn mạnh những chữ đó, vì đây là một câu nói bí mật, khó hiểu. Phải chăng người Mỹ đã làm áp lực với tổng thống Thiệu và không cho tướng Trưởng đánh trong thời gian đó, hay đánh theo ý của QLVNCH?

Qua những tài liệu của MACV được giải mật sau này, trong khoảng thời gian từ 1 đến 24 tháng 6, tình hình Vùng I và tên của tướng Trưởng được nhắc đến nhiều lần. Những tài liệu mật cho thấy MACV không nói gì đến kế hoạch phản công chiếm lại Quảng Trị, nhưng có vài đoạn chúng ta đọc thấy MACV và chính tướng Abrams lo ngại Quân Đoàn I không đủ quân để thực hiện một kế hoạch đầy tham vọng như vậy. Trong tập hồ sơ giải mật do sử gia Sorley soạn thảo – và tướng Trưởng cũng ghi những chi tiết tương tự trong tác phẩm của ông – đến giữa tháng 6-1972, Quân Đoàn I chỉ có hai sư đoàn TQLC và Nhảy Dù là đủ cấp số và khả năng tác chiến. Các đơn vị cơ hữu còn lại của Quân Đoàn – ba sư đoàn bộ binh 1. 2. 3; Lữ đoàn 1 Thiết Kỵ, và Liên Đoàn 1 BĐQ – chỉ còn một-phần-ba cấp số và khả năng tác chiến nguyên thủy. Sư đoàn 3 chỉ còn hai tiểu đoàn tác chiến được; bốn tiểu đoàn thì đang được tái trang bị và bổ xung.

Lữ Đoàn 1 Thiết Kỵ mất hơn 200 xe tăng và thiết vận xa; 10 tiêu đoàn pháo binh cần phải được trang bị lại 100% Trong một buổi họp ở MACV ngày 18 tháng 6 (hai ngày sau khi tướng Trưởng đề nghị kế hoạch tái chiếm Quảng Trị), một sĩ quan sau khi tường trình về tình hình các đơn vị ở Vùng I, nói tướng Trưởng cần phải có hơn hai sư đoàn Nhảy Dù và TQLC nếu muốn tái chiếm Quảng Trị; ông không biết số quân cần thêm đến từ đâu nhưng phải có nếu tướng Trưởng muốn thực hiện kế hoạch hành quân. Cũng trong buổi họp này, sĩ quan thuyết trình nói đến vấn đề tiếp liệu đạn đại bác cho Vùng I. Đại bác 105 ly được giới hạn lại 20 quả cho một khẩu/một ngày; trong trường hợp cần thiết 40/ngày. Nếu bắt đầu chiến dịch tái chiếm Quảng Trị, pháo binh có thể xài 120 viên, và có thể 180 vlên khẩu/một ngày.

… Trong trường hợp đó, Hoa Kỳ có khó khăn trong việc tiếp tế. Về tướng Abrams, chúng ta đọc được sự lo ngại của ông về hỏa lực phòng không của địch, nhất là loại hỏa tiễn địa không SA-7. MACV cho biết địch bắn 14 quả SA-7 và hủy diệt 6 phi cơ. Tướng Abrams nói ông nhấn mạnh với Tướng Trưởng về sự nguy hiểm của loại hỏa tiễn địa không mới, vì tướng Trưởng sẽ dùng nhiều trực thăng vận cho cuộc đổ bộ tái chiếm. (Sự lo sợ của tướng Abrams không phải không có lý. Vì chỉ một tháng sau, trong cuộc độ bộ xuống Triệu Phong nằm trong khuôn khổ cuộc hành quân chiếm lại Quảng Trị, hai chiếc trực thăng CH-53 chở quân tiểu đoàn 1 TQLC của trung tá Nguyễn Đăng Hòa bị hỏa lực phòng không địch bắn rơi. Một trong hai chiếc bị SA-7 bắn nổ tung trên trời. Thiệt hại quân là hơn 100 tử thương từ hai chiếc). Đó là tất cả những gì chúng ta biết về MACV và tướng Trưởng vis-a-vis cuộc hành quân tái chiếm Quảng Trị. Dĩ nhiên đó là những gì đã được giải mật; những gì chưa được giải mật chúng ta chưa biết đ­ợc.

Chín giờ sáng hôm sau tổng thống Thiệu gọi điện thoại và yêu cầu tướng Trưởng trở lại trình bày lại kế hoạch một lần nữa. Lần này tổng thống Thiệu chấp nhận kế hoạch hành quân tái chiếm Quảng Trị của tướng Trưởng. Hành quân Sóng Thần 72 sẽ bắt đâu ngày 28 tháng 6, 1972.

Theo tướng Trưởng, kế hoạch tái chiếm Quảng Trị rất “đơn giản”: từ ngày 10 đến ngày 18, trong khi hai Sư đoàn 2 và 3 bộ binh ở lại lo bảo vệ và phòng thủ, Sư đoàn 1 tấn công về hướng tây, Nhảy Dù và TQLC đánh nhích qua sông Mỹ Chánh vài cây số thăm dò khả năng phản cự của địch. Từ 19 đến 27 tháng 6, với sự giúp đỡ của không và hải vận Mỹ, hai sư đoàn tổng trừ bị làm bộ nhảy vào Cam Lộ và Cửa Việt. Và hai ngày trước khi thật sự tiến quân, hỏa lực từ Không và hải Quân và B-52 sẽ dọn bãi và san bằng những điểm kháng cự khả nghi. Ngày 28, Nhảy Dù đánh bên trái, mục tiêu là La Vang; TQLC đánh bên phải, mục tiêu là Triệu Phong. Quốc lộ 1 là trục làm chuẩn của hướng tiến quân. Nhảy Dù là lực lượng có trách nhiệm chiếm thành phố Quảng Trị. Những ngày đầu của cuộc hành quân, Dù và TQLC đánh chậm nhưng đi được. Trừ một vài trận đụng độ mạnh cấp trung đoàn với địch ở những lớp phòng thủ vòng ngoài . . . địch rút dần theo đà tiến của chúng ta.

Nhưng càng đi gần về bờ sông Thạch Hãn, sức chống cự của dịch càng mãnh liệt hơn. Đầu tháng 7, khi quân Nhảy Dù đến ngoại ô thành phố Quảng Trị, cộng quân từ chối rút: Cổ thành Quảng Trị là cứ điểm kháng cự cuối cùng – đến người cuối cùng; viên đạn cuối cùng – của cộng quân. Chẳng những địch quyết tâm tử thủ, họ còn viện quân thêm từ ngoài vào để củng cô thêm hang phòng thủ. Để chận đường tiếp liệu, tiếp quân của địch, tướng Trưởng ra lệnh cho một tiêu đoàn TQTC trực thăng vận vào một địa điểm ở hướng đông bắc của thành phô để ngăn chân hướng tiếp tế của địch … nhưng TQLC bị bộ binh và thiết giáp của địch chân đứng ngay nơi họ đổ bộ. Nhưng sau khi chỉnh đốn, lính tiểu đoàn 1 của Nguyễn Đăng Hòa chẳng những bám được địa điểm đổ quân, họ còn gom địch ngược về hướng tây (về h­ớng Cổ Thành). Đến ngày 14, TQLC thành công cắt được đ­ờng liên lạc tiếp tế 560 của địch. Hơn 50 ngàn quân của địch ở Quảng Trị bây giờ chờ gạo từng ngày.

Cuối tháng 7, các cuộc tấn công của Nhảy Dù hết hơi: Cách bức tường Cổ Thành Quảng Trị chừng 200 mét, lữ đoàn 2 của đại tá Trân Quốc Lịch “hết xăng”. Tướng Trưởng thông cảm cho lực lượng Nhảy Dù: Những trận đánh đấm máu ở Võ định, Tân Cảnh, ở Quân Đoàn II đã làm lữ đoàn 2 bị móp. Cộng thêm vào đó là sự cương quyết tử thủ của cộng quân. Không cần phải nghe Sài Gòn nhắc, tướng Trưởng biết Cổ Thành bây giờ là một mục tiêu chính trị; một biểu tượng chính trị cho hai phía VNCH và cộng sản Bắc Việt ở Paris (lúc này cộng sản đã trở lại bàn hội nghị), ở trên đầu môi chót lưỡi của mọi người dân hai phía. Trong tác phẩm của ông, tướng Trưởng nói ông không còn chọn lựa nào khác: Đánh không vào được, hay bao vây chung quanh, hay đi vòng qua Cổ Thành chiếm các mục tiêu khác, rồi sau đó trở lại chiếm Cổ Thành trong một thời gian khác, cũng không được; cũng bị giải thích là thua. Chỉ có Cổ Thành nằm trong tay VNCH thì mới gọi là thắng.

Ngày 27 tháng 7-72, tướng Trưởng thay Nhảy Dù bằng TQLC. “Mục tiêu vẫn như cũ; chỉ thay đổi vùng trách nhiệm,” Tướng Trưởng viết. Nhận được lệnh, thiếu tướng Bùi Thế Lân dung hai lữ đoàn 147 và 258 TQLC quyết tâm đánh chiếm Cổ Thành. Tám tiểu đoàn tác chiến và một tiểu đoàn pháo binh TQLC bỏ ra hơn 50 ngày để hoàn tất nhiệm vụ. Theo lời kể của đại tá Ngô Văn Định, lữ đoàn trưởng 258, đến ngày 16 tháng 9, khi quốc kỳ VNCH tung bay trên kỳ đài Cổ Thành, TQLC đã mất trên 3500 tử thương, và hàng ngàn quân nhân khác bị thương. Với sự thiệt hại đó câu nói “Nhất tướng công thành, vạn cốt khô” nói lên thật nhiều ý nghĩa.

Cuối năm 1972, cuộc chiến Việt Nam đã đến thế cờ tàn trên ván cờ chính trị quốc tế: hơn bốn tháng sau, ngày 27 tháng 1-1973, VNCH không còn chọn lựa nào khác hơn là ký vào hiệp định ngưng bắn; tự ký vào một bản án tử hình cho chính mình. Tuyến đầu Vùng I của tướng Trưởng bị áp lực thường xuyên từ mùa thu năm 1974. Không còn lo sợ không lực của Hoa Kỳ, cộng sản rãnh tay kiến tạo hệ thống tiếp liệu của họ: đ­ờng “mòn” Hồ Chí Minh bây giờ là một xa lộ với những quán ăn như “Quán ăn Trường Sơn”. Phi trường Khe Sanh trở thành một căn cứ hỏa tiễn SAM của địch. Trực thăng Bắc Việt có thể đáp ở phi trường Vĩnh Linh, bên kia bờ sông Bến Hải, để đưa các cán bộ cao cấp của họ đi thẳng vào thăm các binh trạm của binh đoàn Trường Sơn. Tháng 7-1974, sư đoàn 304 đánh chiếm Thường Đức, Quảng Nam, rất đau lòng, rất lo lắng, nhưng tướng Trưởng phải “mượn” hơn một lữ đoàn Nhảy Dù để giải tỏa áp lực của địch từ cao điểm 1062 đang đè xuống Đà Nẵng. Dĩ nhiên Nhảy Dù giải tỏa được cao điểm 1062. Nhưng phải tốn 500 quân chết và gần 2000 quân bị thương – trận đánh lớn nhất từ sau ngày ngưng bắn. Vùng I, trong những ngày tháng đó, chỉ ổn định được với sự hiện diện của hai sư đoàn tổng trừ bị Nhảy Dù và TQLC.

Phước Long mất vào đầu năm 1975; Ban Mê Thuột mất, và Pleiku, Kontum bỏ ngỏ để di tản vào ngày 16 tháng 3-75. Vùng I và Tướng Trưởng chờ một quyết định tối hậu từ Sài Gòn: Tử thủ hay rút quân về những cứ điểm để phòng ngự.

Ngày 13 tháng 3-75, Sài Gòn gọi tướng Trướng về để duyệt xét lại các kế hoạch phòng ngự Vùng I. Trong buổi họp này – và cho đến ngày VNCH bị thất thủ – ai nói gì quân lệnh ra sao, nhiệm vụ của tướng Trưởng là gì . . . vẫn còn nằm trong vòng bí mật. Chúng ta biết một chút nội dung, biết một cách gián tiếp, nhưng không ai trong cuộc trực tiếp nói rõ chuyện gì xảy ra. Chúng ta biết ngay trong buổi họp ngày 13 TT Thiệu ra lệnh cho Tướng Trưởng phải giữ Vùng I với số quân cơ hữu của quân đoàn và sư đoàn TQLC. Cũng trong buổi họp này, Tướng Trưởng biết Quân Đoàn I phải “trả” sư đoàn Nhảy Dù lại cho Bộ Tổng Tham Mưu, nhưng ông xin TT Thiệu cho ông giữ lại sư đoàn TQLC để dân quân có được tinh thần. Trước mặt ông, TT Thiệu cho ông tùy nghi xử dụng TQLC, chỉ trả sư đoàn Dù lại mà thôi. Nh­ng sau buổi họp, trong lúc nói chuyện riêng giữa ông và thủ tướng Khiêm, thủ tướng Khiêm nói hé ra là Sài Gòn có thể lấy TQLC khỏi Vùng I. Ngày 14, TT Thiệu ra Nha Trang ra lệnh cho thiếu tướng Phạm Văn Phú di tản tất cả quân còn lại ở Kontum và Pleiku về Tuy Hòa, Nha trang, để tái trang bị và bổ xung rồi từ đó … đánh ngược lên chiếm lại Ban Mê Thuột và Vùng II !

Trở lại Quân Đoàn I ngày 14, Tướng Trưởng thông báo quyết định của sài Gòn cho trung tướng tư lệnh phó Lâm Quang Thi. Ông nói quân đoàn sẽ được giữ lại 2 trong số 3 lữ đoàn củaTQLC. Hai lữ đoàn TQLC sẽ về thay Nhảy Dù ở Đà Nẵng, vì lữ đoàn 2 Dù có thể được trưng dụng trong kê hoạch chiếm lại Ban Mê Thuột. Ngày 18 thủ tướng Trân Thiện Khiêm bay ra Đà Năng họp với tướng Trưởng (theo lời yêu cầu của Tướng Trưởng) để giải quyết vấn đề dân di tản. Trong buổi nói chuyện ngày 13, Tướng Trưởng xin thủ tương Khiêm giúp ông giải quyết vấn đề dân di tản đang dồn về thành phố. Theo ông, dân di tản sẽ làm ứ động quốc lộ 1 con đường huyết mạch để chuyển quân trên toàn Vùng I. Ngày 19, ông được yêu cầu trở về Sài Gòn thêm một lần nữa để trình bày lại kế hoạch di tản và phòng thủ Vùng I. Trong lẩn họp này, với tình hình dân chúng di tản tấp nập trên quốc lộ 1, Tướng Trưởng nói rút quân từ Huế về Đà Nẵng trong tình trạng hôn loạn đó sẽ khó thực hiện được, ông đề nghị cho ông ở lại tử thủ Huế, Đà Nẵng và Chu Lai sẽ là điểm kháng cự cuối cùng của Vùng I. Tông thống Thiệu và đại tướng Cao Văn Viên đồng ý. Tướng Trưởng bay trở lại Quân Đoàn I và thông báo cho trung tướng Lâm Quang Thi quyết định của TT Thiệu thêm một lân nữa.

Ngày hôm sau, 20 tháng 3, TT Thiệu lên đài phát thanh đọc lời hiệu triệu, ra lệnh dân quân giữ Huế bằng mọi giá. Nhưng tối đêm đó, TT Thiêu đôi ý: ông ra lệnh cho Bộ Tổng Tham Mưu đánh cho Tướng Trưởng một quân lệnh, cho biết Sài Gòn chỉ còn đủ phương tiện để yểm trợ cho một cứ điểm kháng cự. Trong ba cứ điểm Huế, Chu Lai, Đà Năng, Tướng Trường phải chọn một. Dĩ nhiên, Đà Nẵng phải là cứ điểm ưu tiên. Tướng Trưởng ra lệnh di tản về Đà Nẵng. Tướng Lâm Quang Thi, trong tác phẩm The Twenty-five-year Century của ông, có nói quân lệnh thay đổi như vậy, nhất là ở cấp quân đoàn thì khó làm việc, và gây thêm nhiều hoang mang cho người thừa hành. Đại tướng Frederick Weyand, đang là tư lệnh Lục Quân Hoa Kỳ, trong tờ tường trình cho tổng thống Ford sau chuyến viếng thăm ở Việt Nam cuối tháng 3-75, cũng cho biết trong tuần lễ đó, Tướng Trưởng đã nhận 3 quân lệnh trái ngược nhau từ TT Thiệu.

Trong hoàn cảnh hỗn loạn của Đà Năng, ngày 25 Tướng Trưởng nhận thêm một tin không vui tư Sài Gòn: đích thân trung tướng Lê Nguyên Khang – đang là tổng tham mưu phó quân đội – bay ra Đà Năng đưa cho Tướng Trưởng một quân lệnh yêu câu ông trả lại sư đoàn TQLC ngay lập tức. Tướng Trưởng phản đối, ông nói Đà Nẵng không thể nào phòng thủ được nêu không có mặt của TQLC. Trong hai ngày 26-27,.Tướng Trưởng và Tướng Lâm Quang Thi cố gắng san sẻ quân để lấp vào những lổ trống của vòng đai phòng thủ càng lúc càng xiết chặt chung quanh Đà Nẵng. Chín giờ đêm ngày 27 ông gọi cho Tướng Viên báo cáo tình hình và yêu cầu cho phép ông di tản sư đoàn TQLC và những trung đoàn còn lại của sư đoàn 1 và 3. Tướng Viên nói đó là quyết định của tổng thống thiệu. Tướng Trưởng gọi Dinh độc Lập, nhưng tổng thống Thiệu không có mặt; khoảng 10 giờ đêm tổng thống Thiệu gọi lại … sau khi nghe Tướng Trưởng báo cáo tình hình, ông Thiệu hỏi Tướng Trưởng sẽ giải quyết rạ sao. Tướng Trưởng trả lời ông sẽ giải quyết theo sự biến chuyên của tình hình. Tổng thống Thiệu cúp điện thoại. Vài phút sau Tướng Trưởng ra lệnh di tản khỏi Đà Nẵng. Nhưng không, đến đó không còn di tản nữa. Vì chữ di tản có chứa đựng một khái niệm về sự thứ tự và trật tự trong lúc lui quân. Địch đã cắt nát quốc lộ 1 ra từng đoàn và đang dùng pháo binh để hăm dọa các cửa khẩu từ biển đi vào bờ. Đến giờ phút dó, chữ bỏ ngõ có nghĩa và đúng nghĩa hơn chữ di tản. Đà Nẵng và Vùng I mất hai ngày sau đó, và ngày sau, cộng quân gom tất cả lực lượng của họ dang có mặt ở Vùng I lập ra một binh đoàn có tên là Binh Đoàn Duyên Hải. Từ đó họ tiến về Vùng III.

Cuộc đời có nhiều nghịch lý và bi hài kịch. Tướng Ngô Quang Trưởng sanh ra và lớn lên ở Bến Tre, một vùng đất được mệnh danh là cái nôi của cộng sản; một nơi mà trong năm Mậu Thân 1968, một sĩ quan Hoa Kỳ tuyên bố phải tàn phá hết để xây dựng lại, nhưng ông đã xả thân chống lại những người cộng sản, chủ thuyết cộng sản, cho đến hết cuộc đời. Sanh ra ở Bến Tre, nhưng Tướng Trưởng lớn lên, yêu, quí mến, và bảo vệ một vùng đất thật xa cho đến hết cuộc đởi: ông thương Quảng Trị và Thừa Thiên đến độ ông đặt tên người con trai út là Ngô Trị Thiên.

Tháng 8 năm ngoái, khi được thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh chuyển lời, người viết có dịp nói chuyện với Tướng Trưởng. Trong lần nói chuyện đó, với bản tính thích tìm căn nguyên của lịch sử, người viết mạo muội hỏi Tướng Trưởng về thái độ của ng­ời Mỹ trong cuộc chiến “Mùa Hè Đỏ Lửa’’ năm 1972; hỏi về nội dung những đối thọai giữa ông và TT Thiệu vào tháng 3-1975. … Nhưng Tướng Trưởng tránh không trả lời thẳng những câu hỏi đó. Ông chỉ nói . . cũng không có gì đê nói . . . tất cả đã được nói hết rồi … những gì anh em chúng ta làm trong quá khứ đều có nghĩa”. Câu chuyện tiệp tục được vài phút sau thì người viết lại cố gắng “lái” về hai câu hỏi nguyên thủy. Lần này ông cũng tránh trả lời. Nhưng lần này ông nói cho người viết nghe về triết lý của một người quan võ Á Đông. Đại khái Tướng Trưởng muốn nói đến câu “Bại binh chi tướng bất khả ngôn dũng. Vong quốc chi đại phu bất khả ngôn trí” (Tướng bại trân thì không thể nói mình anh dũng. Bậc trí sĩ đại phu khi đã mất nước thì không thể nói mình có mưu lược). Thâm thúy, thật thâm thúy.

Với tất cả sự kính trọng của một hậu sinh đối với Trung Tướng Ngô Quang Tr­ởng, người viết xin kính dâng lên vị tướng quá cố đôi dòng tưởng niệm này./.

NGUYỄN KỲ PHONG

Hình Ảnh





















 

Tiểu Đoàn 3 & 6 TQLC - Tiến về Quảng Trị Một Cọp Biển

Ba mươi tháng ba năm 1972, quân Cộng sản Bắc Việt đã bất thần mở trận đại tấn công vào tỉnh Quảng Trị với 3 Sư đoàn Bộ binh, khoảng 4O ngàn quân cùng các loại chiến xa T54, T34, PT76, hỏa tiễn SA2, SA7 và dữ dội nhất là hỏa lực của Sư đoàn Pháo với đại bác 13O ly nòng dài, bắn xa cả 3O cây số.

Sư đoàn 3 Bộ binh với sự tăng cường của một Lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến, một Liên đoàn Biệt Động Quân chỉ cầm cự được có 31 ngày. Ngày 1/5/72, ta phải triệt thoái khỏi tỉnh Quảng Trị. Tất cả lực lượng đều lui về lập tuyến phòng thủ tại bờ Nam sông Mỹ Chánh, ranh giới Quảng Trị và Thừa Thiên.

Tại ranh giới này, quân sĩ của Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến đã chận đứng tất cả mưu toan tiến xa về phía Nam của quân Bắc Việt, và đồng thời cũng đã mở nhiều cuộc tấn công giới hạn vào Hải Lăng và Mỹ Thủy, phía Bắc phòng tuyến Mỹ Chánh bằng phương tiện trực thăng và đổ bộ bằng tàu Hải quân. Những cuộc hành quân đột kích này đã khiến cho địch quân phải luôn luôn ở thế phòng thủ, không biết ta sẽ phản công vào chỗ nào và bất cứ giờ phút nào.

Ngày 27/7/72 Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến được lệnh thay thế Sư đoàn Nhảy Dù đánh chiếm cổ thành Đinh Công Tráng, mục tiêu chính trong việc tái chiếm tỉnh Quảng Trị.

Kể từ lúc qua sông Mỹ Chánh, chỉ trong vòng một ngày quân ta đã tiến sát ngoại ô tỉnh lÿ. Và 3 ngày sau lực lượng của Sư đoàn Dù đã kiểm soát được toàn diện tỉnh lÿ, trừ khu vực Cổ thành Đinh Công Tráng. Ngôi thành cổ hình vuông, mỗi chiều chỉ 5OO mét nhưng lại xây bằng gạch nung cứng được bao bởi lớp đất dày trên 5 mét mặt thành, bao quanh là một lớp hào sâu, rộng khoảng 1O mét. Đây là Tiểu khu Quảng Trị, và trong suốt tháng 4/72 là bản doanh của Bộ tư lệnh Sư đoàn 3 Bộ binh. Tướng Giai đã ra lệnh tăng cường tối đa vật liệu phòng thủ như hàng chục rào kẽm gai bao quanh chân thành. Trên mặt bốn bờ thành, binh sĩ Tiểu khu đã đào công sự phòng thủ với hàng trăm lô cốt kiên cố, cạnh Bộ chỉ huy Tiểu khu Quảng Trị, Trung tâm Hành quân Sư đoàn 3 Bộ binh đã được một Đại đội Công Binh xây cất kiên cố bằng gỗ, bằng sắt và trên nóc là 15 lần bao cát. Tất cả những công trình phòng thủ này đã để lại cho địch xử dụng. Gậy ông đập lưng ông! Cộng quân đã lợi dụng những phòng thủ này để cầm cự với Sư đoàn Nhảy Dù trong suốt 2O ngày qua. Bốn Tiểu đoàn thiện chiến Nhảy Dù, kể cả Tiểu đoàn đã nổi danh tạo nên 6 sĩ quan cấp Tướng đã bị chặn lại dưới bức thành cổ này. Vào những giờ phút cuối bàn giao trách nhiệm, cấp chỉ huy của lực lượng Dù còn đẩy một toán quân lên bờ thành với hy vọng cắm được cây cờ ! Tất cả đều hy sinh.

Nhận trách nhiệm tái chiếm Cổ thành Quảng Trị, đoàn chiến sĩ Mũ Xanh có ngờ đâu là nhận trách nhiệm với quân đội, với lịch sử Việt Nam, danh dự to tát này đã được tạo nên bằng sự hy sinh của hàng ngàn chiến sĩ Cọp Biển.

Đại tá Ngô Văn Định, vị Lữ đoàn trưởng thâm niên nhất, được giao nhiệm vụ này, ranh giới đã được vẽ lại trên bản đồ: Bên phải quốc lộ 1 là trách nhiệm của Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến.

Tiểu đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến thay thế cho Tiểu đoàn 6 Nhảy Dù đánh vào hướng Tây Nam, những đứa con của Thần Ưng một thời oanh liệt ở căn cứ Phượng Hoàng đã luân phiên chiến đấu trong suốt 4O ngày sau đó.

Tiểu đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến thay thế cho Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù đánh vào mặt Đông cổ thành vào những ngày đầu, và chính những chiến sĩ Sói Biển trong ngày chót của chiến dịch đã may mắn leo lên bờ Cổ thành phía Đông mở đường cho quân ta kéo vào cắm cờ trong ngày 15/9/72.

Lữ đoàn 147 phía Đông, chặn địch ngang từ quận Triệu Phong ra đến bờ biển, Tiểu đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến từ ngày xuống phía Nam quận Triệu Phong vẫn còn nằm lì ở đây chịu pháo để ngăn chận trục tiếp tế của Cộng quân từ phía Bắc vào Cổ thành. Việc tiếp tế phải thực hiện vào ban đêm qua sông Thạch Hãn nên rất hạn chế và khó khăn. Có Quái Điểu che chở sườn phía bên phải, các chiến sĩ Sói Biển yên lòng nhìn về phía Bắc. Cổ thành rêu phong chỉ còn cách xa có 4OO mét, cở 2 tầm đạn M16. Chỉ 2 tầm đạn súng tay, 2 Tiểu đoàn 3 và 8 Thủy Quân Lục Chiến đã luân phiên đánh 48 ngày ròng rã, tiến lên từng thước một, có ngày bò xa được vài chục thước, tối lại phải lui về chỗ cũ. Đại đội quân số 14O, chỉ 48 giờ sau còn lại 8O, lại phải lui ra bổ sung và tiếp tế. Pháo, cối từ bờ Bắc sông Thạch Hãn rót sang, 75 ly không giật, B4O, B41 từ trong bờ thành bắn ra như tên vãi.

Không thể đánh ban ngày, mọi hoạt động của ta, từ trên bờ thành cao địch đã quan sát rõ, mọi sự di chuyển đều là mục tiêu địch tập tác xạ đủ mọi loại súng. Một chiếc nón sắt đưa cao khỏi giao thông hào là đạn đủ loại tập trung bắn tới, một con chó hoang dại dột chạy ra chỉ vài phút sau là “chầu bác”.

Tin tức tình báo là 1 Trung đoàn địch cố thủ trong ngôi Cổ thành này, như vậy trên mặt thành phía Nam có ít nhất 1 Tiểu đoàn Bộ binh địch đào hầm chữ A trên bờ thành, mỗi thước đất có 1 tên địch nằm tử thủ, làm sao đẩy được tụi lính trẻ con cháu Bác Hồ nhất định giữ lời thề Sinh Bắc Tử Nam. B52 không đánh được vì quá gần quân bạn, Pháo binh không hiệu quả, bắn ngàn trái chỉ rơi 15 trái trên mặt bờ thành, tụi lính Cộng chui trong lỗ như chuột, trái nào may mắn rơi trúng miệng hố thì cũng chỉ sát hại 1 tên là cùng. Chỉ còn có bom là hiệu quả, phi cơ phải bay thật thấp, bất chấp hỏa lực phòng không, mỗi trái 5OO lbs phá được vài thước bờ thành. Phải xử dụng cả ngàn phi vụ mới đập nát bốn mặt thành, nhưng đập nát không phải là mặt thành sẽ bỏ trống để quân ta bò lên dễ dàng.

Bom trúng địch có chết, nhưng khi máy bay vừa hết bom rời vùng thì toán địch khác bò lên trám vào chỗ trống, lại đào hố, sửa lại nắp hầm. Bờ thành có mòn đi nhưng hàng rào hỏa lực lại được lập lại thật nhanh đan kín 3 mặt thành, một con chim không bay qua được.

Chính những khó khăn này đã làm cho quân sĩ Mũ Đỏ bị chặn lại xa bờ thành không tiến lên được. Họ đã từ bờ Mỹ Chánh tiến vào ngoại ô tỉnh lÿ Quảng Trị trong 7 ngày, nhưng 2O ngày sau Sư đoàn Nhảy Dù chỉ tiến được thêm có 5OO thước và bị chận lại. Cuối cùng Tướng Trưởng phải giao trọng trách này cho Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến. Khó khăn nào cũng vượt qua, chiến trường nào cũng thích hợp, mục tiêu nào cũng đánh thắng, đó là châm ngôn của người lính Mũ Xanh.

Bằng mọi giá phải áp dụng câu châm ngôn trên vào mặt trận này. Điều khó nghĩ của Bộ tư lệnh Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến là phải có một kế hoạch để có thể đạt được mục tiêu mà không phung phí xương máu của quân sĩ.

Trước hết là sử dụng hỏa lực tối đa của Không quân, Hải pháo, Pháo binh cơ hữu của Sư đoàn. Thứ hai là đánh chậm mà chắc, tiến được thì lên, không tiến được thì lui, không được hy sinh một cách vô ích. Có kế hoạch bổ sung tiếp tế và tải thương đầy đủ đáp ứng nhu cầu của chiến trường. Có đủ những yếu tố trên, sự chiến thắng là lẽ đương nhiên, có chăng là vấn đề thời gian... Cái thời gian đó đã kéo dài trong suốt 48 ngày đêm, kể từ ngày trám tuyến Nhảy Dù đến ngày cắm được Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ trên Cổ thành Đinh Công Tráng.

Ngay sau hôm lực lượng Thủy Quân Lục Chiến thay thế Sư đoàn Nhảy Dù, tôi đã theo chân Lữ đoàn trưởng 369 lên Bộ chỉ huy Tiểu đoàn 6 để nhìn cho rõ sư điêu tàn của thành phố Quảng Trị. Xe vừa ngừng thì pháo 13O ly đã ầm ầm đổ xuống, những người lính Tiểu đoàn 6 đã nhanh nhẹn ẩn nấp vào những căn hầm nhỏ ở những góc nhà đổ nát. Còn chúng tôi đành ngồi xuống chịu trận mưa pháo mãi gần 1O phút, pháo ngớt chúng tôi mới được hướng dẫn vào Bộ chỉ huy Tiểu đoàn 6.

Thiếu tá Tùng, người hùng của chiến thắng căn cứ Phượng Hoàng 2 tháng trước, với thành tích hạ 12 chiến xa của địch. Anh đã 2 lần đem Tiểu đoàn 6 nhảy xuống đất địch tại Hải Lăng và Mỹ Thủy phá nát căn cứ địch rồi trở về nguyên vẹn. Bây giờ đơn vị anh là mũi dùi chính, đánh vào Cổ thành rêu phong đổ nát kia, anh cười nói với chúng tôi:

- Nghĩ sao với loạt pháo 13O ly chào đón vừa rồi ?

- Không có gì lạ cả, anh quên rằng những ngày ở Ái Tử chúng tôi đã từng chịu pháo dữ dội hơn nhiều. Ngày đó, cả Sư đoàn Pháo địch tập trung vào Ái Tử. Bây giờ trận địa quá rộng cho một Sư đoàn Pháo phải không anh ? Vài chục quả không ăn thua gì.

Sau đó anh đưa chúng tôi lên đài quan sát của Tiểu đoàn và chỉ cho chúng tôi những địa điểm đã kiểm soát được. Đó là sân thượng của những cái nhà 2 tầng đã bị sập, chỉ còn cái cầu thang bằng gạch đi lên từng trên, một bức tường được đục một lỗ châu mai để quan sát về phía Cổ thành. Đứng ở đây nhìn bao quát cả thành phố Quảng Trị, tôi không thấy gì ngoài gạch đá, tôn gỗ và ngói vụn. Không biết bao nhiêu bom đạn đã ném xuống cái thành phố khốn khổ này. Không nhìn thấy đường phố, không còn một căn nhà nhỏ nào nguyên vẹn ! Những cụm khói bốc lên khắp nơi, địch vẫn pháo thường xuyên vào những vị trí đóng quân của ta, xa hơn nữa về mé Đông chừng 7OO mét là cái Cổ thành đang chìm trong màn khói của phi cơ oanh kích.

Tôi rời đài quan sát, thầm thương xót cho người dân thành phố này. Nếu ta chiếm lại được thì đến bao giờ họ mới kiến thiết được ngôi nhà cũ ?

Hỏi thăm tình hình, anh Tùng cho tôi biết chung quanh bức tường kia phía ngoài 4OO mét vẫn còn rất nhiều chốt của địch. Ta và địch vẫn còn lẫn lộn trong những đống gạch vụn đổ nát, không thể vẽ ranh giới chính xác trên bản đồ. Chỉ những ông Đại đội trưởng và Trung đội trưởng mới biết ta ở đâu và địch đóng chốt ở chỗ nào. Chiều hôm qua, ta còn phát hiện một Tiểu đội của Tiểu đoàn 6 Nhảy Dù nằm sâu trong tuyến địch. May mà ta phát hiện trước khi trời tối nếu không sẽ bắn lầm. Tại tuyến đầu, lính gác ban đêm đều sẵn sàng lựu đạn, nghe tiếng động phía trước là ném ngay, đặc công địch đêm tối mò mẫm tìm cách đánh trộm, bên ta sơ hở là lãnh đủ.

Có một sĩ quan Tiểu đoàn 6 kể lại cho chúng tôi nghe, chỉ có một cái chốt địch mà Trung đội anh không tiến lên được bước nào trong mấy ngày liền. Trong đám bám chốt này có một tên đầu trọc gan lì và khôn lanh như cáo, tên đầu trọc này đã được binh sĩ Sư đoàn Dù bàn giao lại, y đã bắn hạ rất nhiều khinh binh của ta và của Tiểu đoàn Dù lúc trước. Mãi sau ta phải dùng cái lối đánh đặc công để tiêu diệt cái chốt này.

Mặt trận tại thành phố Quảng Trị cứ chậm chạp diễn tiến như vậy, chẳng có trận đánh nào lớn, địch không có đất để điều động xe tăng vào vòng chiến. Nhưng pháo địch vẫn là điều e ngại cho quân ta, ngày ẩn nấp chịu pháo, đêm chờ đón đặc công địch, lúc thuận tiện chiếm thêm vài căn nhà, lúc khó khăn lại lùi về vài thước.

Cấp cao ở xa, đâu có nhìn thấy tận mắt cái khó khăn của những Trung đội trưởng và Đại đội trưởng. Những ngày trên tuyến đầu của họ là những ngày đêm mất ăn mất ngủ. Ăn làm sao ngon giữa những cơn mưa pháo và lính bị thương đem về liên tiếp. Ngủ làm sao yên khi đêm nào địch cũng hò hét xung phong đôi ba lần ? Dẫn Đại đội lên tuyến đầu với quân số 14O, ba ngày sau bị thương một phần ba, phải lui lại về bổ sung. Đại đội nào ngon lắm thì cũng chỉ chịu đựng được 1O ngày, sau 1O ngày là quân số tác chiến sẽ hao phân nửa. Thượng cấp xài xễ sao không đánh mà tổn thất nhiều, thật ra nhiều lúc “chỉ giữ được cũng đã là anh hùng”, có ai hiểu cho nỗi khó khăn của những sĩ quan cấp nhỏ thế này!

Bốn Tiểu đoàn Bộ binh xa luân chiến trong suốt 4O ngày mới xua được hết địch chui trong cái Cổ thành khốn nạn này. Trong suốt 4O ngày đó, Đại đội nào đi xa nhất chỉ được 5OO thước, và cũng trong thời gian ấy có phía chỉ tiến lên được 2OO thước, 2OO thước bằng xương máu của binh sĩ.

Mặt trận phía Nam quận lÿ Triệu Phong cũng vậy. Hai Tiểu đoàn 1 và 2 của Thủy Quân Lục Chiến cũng thay nhau đánh cả tháng trời mà cũng không ai làm được Quận trưởng quận Triệu Phong.

Tất cả một Trung đoàn địch chui vào một cái bánh chưng mỗi bề 5OO thước, bằng cách nào phải đập cái bánh, làm tê liệt khả năng của địch và đuổi chúng chạy về bên kia sông Thạch Hãn. Chiến dịch 9O ngày tái chiếm lãnh thổ đã chầm chậm bước qua ngày thứ 8O, chỉ còn có 1O ngày mỏng manh nữa, phải làm sao thanh toán được cái bánh chưng Cổ thành Quảng Trị đổ nát kia.

Kể từ ngày qua sông Thạch Hãn, chỉ 1O ngày sau mình đã tiến gần, đã thấy ngôi Cổ thành Đinh Công Tráng, Sư đoàn Nhảy Dù đã chiến đấu trong 2O ngày mà chỉ bám được vào mặt thành, dựng vội một lá cờ để rồi bị đánh bật trở lại. Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến lên thay thế đã chiến đấu ròng rã trong 8O ngày, chỉ đẩy được tất cả các chốt địch ngoài bờ thành vào trong, và điểm gần nhất cũng còn cách bờ thành 2OO mét. Trận đánh thật kỳ cục, cả một Sư đoàn dồn vào một mục tiêu mỗi chiều có 5OO mét, thượng cấp sốt ruột, người dân cũng nóng lòng chờ tin chiến thắng. Không thể chần chờ, Bộ tư lệnh Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến soạn thảo kế hoạch Phong Lôi, xử dụng tối đa hỏa lực trong 48 giờ liên tiếp, Không quân chiến lược B52 oanh tạc ngày đêm trải thảm bên kia sông Thạch Hãn tới Đông Hà, đập nát những dàn Pháo binh hỏa tiễn cùng những bộ chỉ huy, điểm tiếp vận của địch.

Hải pháo từ các chiến hạm ngoài khơi bắn vào các điểm tình nghi của địch suốt ngày đêm. Pháo binh 175 ly từ Phong Điền tăng cường quấy rối, đặc biệt ngôi Cổ thành được chiếu cố thật kỹ, 12 khẩu đại bác 155 ly, 54 khẩu đại bác 1O5 ly cơ hữu của Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến được lệnh tác xạ không ngừng một phút, pháo thủ chỉ được thay nhau ngủ vài giờ đồng hồ nửa đêm, từng khẩu pháo được điều chỉnh để không một trái nào lọt ra ngoài bờ thành. Đạn bắn không cần đếm, hàng trăm xe vận tải dài chở đạn suốt ngày đêm trên lộ trình Đà Nẵng - Quảng Trị; đạn pháo để dọc lề đường quốc lộ 1 hàng cây số. Các xe của Tiểu đoàn Pháo binh cứ chạy ra vác về, khỏi phải làm phiếu lãnh. Tại điểm tiếp liệu Mỹ Thủy, xà lan chở đạn cũng đổ đầy bờ biển. Chưa bao giờ các pháo thủ được bắn xả ga như vậy. Có người đã ôm viên đạn nhưng không đủ sức nạp vào nòng súng và ngã xuống. Trong 48 giờ đồng hồ 4 Tiểu đoàn Pháo binh đã bắn đi 6O ngàn trái đạn. Có thể nói không thước đất nào là không có đạn rơi.

Bốn bờ tường thành được dành cho Không quân chiến thuật, các phi công phải lựa chiều bay ném bom sao cho trúng bờ thành có 5 thước bề ngang. Phải làm sao san bằng các bờ thành kia, làm cho nó càng thấp càng tốt, phải đập nát những cái lô cốt ở 4 góc thành, phải làm câm họng đại liên, thượng liên, phải tiêu diệt những tên Cộng quân điên cuồng đã tự khóa xích chân mình vào vũ khí để tử thủ.

Sau hết, phải nhờ đến một số bom “Mắt thần”, những trái bom nặng 5OO lbs điều khiển bằng Radar, đánh trúng bờ thành đã làm nhiều chỗ mòn đi quá nửa. Cái tường thành ngạo nghễ rêu phong chỉ còn thấp chừng vài ba thước, gạch đất ngỗn ngang. Nhưng giữa đống gạch vụn cao thấp đó vẫn còn đám con cháu Bác Hồ chui rúc trong những căn hầm chữ A, loại hầm cứng chắc có khả năng chịu đựng được các loại pháo của ta. Cứ dứt pháo là địch lại nhô đầu ra bắn điên cuồng về phía trước mặt.

Cái bánh chưng khó nuốt đã được cắt làm hai, Bộ tư lệnh Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến giao cho mỗi Lữ đoàn một nửa: Nửa phía Đông thuộc phần của 147 với 2 Tiểu đoàn làm 2 mũi nhọn, Tiểu đoàn 8 từ Đông đánh qua, Tiểu đoàn 3 vào chính diện góc bên phải bờ thành phía Nam. Nửa bên trái phiá Tây là trách nhiệm của Lữ đoàn 258 gồm 2 Tiểu đoàn 2 và 6, Trâu Điên từ hướng Tây đánh vào, Ó Biển đánh chính diện, mục tiêu là cái bờ thành đổ nát. Tất cả sẵn sàng để chờ sau 48 giờ của kế hoạch Phong Lôi làm tê liệt khả năng chiến đấu của địch là tiến quân.

Tại căn hầm của Bộ chỉ huy Tiểu đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến, Thiếu tá Cảnh chậm rãi nói với Đại úy Thạch, Đại đội trưởng Đại đội 3:

- Anh Thạch, tôi biết Đại đội anh mới lui về nghĩ có mấy ngày mà lại giao nhiệm vụ này thì cũng kỳ quá, nhưng trong Tiểu đoàn bây giờ, anh là Đại đội trưởng cứng nhất...

Thạch ngắt lời:

- Xin Thiếu tá cứ ra lệnh, tôi sẽ cố gắng.

Anh đã đoán được ý định của ông Tiểu đoàn trưởng. Anh chửi thề trong bụng: “Mẹ kiếp, bốc thơm tôi làm gì. Tên tôi là Thạch, Thạch là đá. Đá ném đâu chẳng được”.

- Tôi thì cũng muốn vậy, lệnh thượng cấp phải làm sao chiếm được cái thành trước mặt kia trước thời hạn ấn định. Chỉ còn 1O ngày nữa, kế hoạch Phong Lôi bắt đầu từ hôm qua, với bom đạn như vậy tôi hy vọng sức địch yếu đi nhiều. Tối nay anh đem Đại đội lên trám tuyến cho thằng H rồi tìm cách tiến sát vào cái chân thành kia trước khi trời sáng. Nếu không được thì lui về, đừng để trời sáng tụi nó nhìn rõ là hỏng việc.

- Tôi nhận rõ, tôi sẽ cho con cái “move” vào lúc nửa đêm. Xin Đại Bàng chỉ thị ngưng soi sáng vào lúc 12 giờ.

- Đúng, tôi sẽ làm như vậy. Chúc may mắn, anh cần gì thêm ban 4 sẽ lo cho anh.

Thạch chào ông Tiểu đoàn trưởng theo đúng lễ nghi quân cách, đàng sau quay rồi rão bước về vị trí đóng quân của Đại đội. Anh triệu tập ngay các Trung đội trưởng và ra lệnh chuẩn bị xuất quân. Nhìn các sĩ quan trẻ tuổi đã cùng anh chịu gian khổ trong mấy tháng qua, anh vừa kiêu hãnh vừa bồi hồi xúc cảm. Họ vẫn tin tưởng ở anh, họ cũng mệt mỏi chỉ muốn được nghĩ thêm ít ngày nữa, nhưmg họ cũng hiểu rằng quân đội là kyœ luật, lệnh phải được triệt để thi hành. Thạch trầm giọng nói:

- Tập họp ở đây, chắc anh em cũng đoán được việc phải làm. Lệnh Tiểu đoàn, chúng ta lên trám tuyến cho Đại đội 1 tối nay, và nửa đêm sẽ là mũi dùi chính tấn công cái bờ thành khốn kiếp ở trước mặt. Đây không phải là lần thứ nhất chúng ta làm chuyện này, nhưng lần này chúng ta phải làm cho được. Danh dự của các bạn, của tôi, của Tiểu đoàn và của tất cả những người lính Mũ Xanh của Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến, bao nhiêu bạn bè chiến hữu của chúng ta đã hy sinh chung quanh cái bờ thành đổ nát kia, các anh em nghĩ sao?

Những lần trước chúng ta không dám ủi bừa bãi vì thương xót sinh mạng người lính trẻ. Lần này là lần chót, chúng ta không làm được thì phải nhường vinh dự cho đơn vị khác. Không bao giờ tôi nói nhiều như tối nay, giờ thì chúng ta bàn kế hoạch đánh đêm nay.

Mục tiêu chẳng cần phải vẽ trên bản đồ, cứ nhắm mắt đi thẳng là tới cái hào sâu, băng qua được là tới cái chân thành đổ nát. Chúng ta không thể vừa bắn vừa xung phong như những trận đánh trước kia, 12 giờ đêm nay phi cơ soi sáng sẽ rời vùng, mình sẽ âm thầm bò tới, len lỏi qua những đống gạch đổ nát, giữ thật im lặng

Bây giờ anh em về chuẩn bị trám tuyến, xong còn vài giờ để ngủ. Cố mà ngủ chút nào hay chút nấy. Đúng 12 giờ xuất phát, đội hình như thường lệ: ông Thạch dẫn Trung đội đi tiền đạo, Tòa hữu vệ, Thanh tả vệ. Ông Phán đi với tôi và Trung đội súng nặng theo tiếp ứng, còn ông Phó nhòm từ bây giờ đến nửa đêm ông điều chỉnh pháo vào cái bờ thành đó. Sau 12 giờ đêm chuyển pháo xa hơn chừng 1OO thước và ngưng đạn soi sáng. Nhớ xử dụng “delay” càng nhiều càng tốt, ông rót được bao nhiêu trái lên bờ thành là đỡ từng ấy mạng binh sĩ hy sinh. Trăm sự nhờ ông đó.

- Thưa Đại úy, tôi sẽ làm hết mình.

Chưa bao giờ anh sĩ quan tiền sát trẻ tuổi thấy mình quan trọng như đêm nay.

- Thôi trước khi giải tán, ai còn thắc mắc gì cứ hỏi. Không có ai hỏi gì thì chúng ta chia tay về chuẩn bị di chuyển khi chặp tối. Điều chót tôi dặn kỹ là chỉ thị binh sĩ không có bắn vu vơ, cứ im lặng bò tới, làm sao đến sát cái bờ thành thì tung lựu đạn thật nhiều rồi leo lên bám chặt vào đó, đừng để tên nào leo trở xuống. Bám được vào đó là ta có thể tựa để bụng ngang hai bên. Điều duy nhất để thành công. Chúc anh em may mắn.

Đại úy Thạch bắt tay từng Trung đội trưởng, đến lượt Thiếu úy Thạch, anh nói:

- Ông cùng tên với tôi. Thạch là đá, đá thì phải cứng, tôi chọn ông đi tiên phong là thế. Tôi hy vọng ông làm được việc.

*

Đại úy Thạch ngồi dựa lưng vào một bức tường thấp, hỏi khẽ người lính truyền tin lúc nào cũng theo ông như bóng với hình: “Có tin gì của các Trung đội không ? Đưa ống nói cho tao”.

- Thạch Thảo, Thạch Sanh gọi.

- Thạch Thảo nghe Đại Bàng.

- Anh tới đâu rồi ?

- Tôi nghĩ sắp đến cái bờ nước, nhưng không có nước nhiều, tối quá không thấy gì hết. Tôi chưa liên lạc được với thằng Xuân dẫn đầu, nó bò nhanh quá.

- O.K anh cho người tìm nó, tôi chắc anh chẳng còn xa lắm đâu. Tôi chờ tin anh, tạm dứt.

Thạch trả ống nói cho người lính truyền tin, anh đoán Trung đội tiên phong chắc đã tới sát cái hào kia. Xuất phát từ lúc nửa đêm, cả Đại đội anh mò đi trong bóng tối đã gần 3 giờ đồng hồ. Ba giờ đồng hồ với khoảng cách chưa đầy 2OO thước. Chưa bao giờ đoàn quân tiến chậm như vậy, cái may là cho đến giờ phút này con cái đều vô sự. Địch vẫn thỉnh thoảng pháo và bắn vu vơ, tuy ít hơn mọi đêm nhưng cũng làm chậm bước tiến vì binh sĩ phải tìm chỗ ẩn núp cho dứt cơn pháo rồi lại dò dẫm bò lên từng bước một.

Bỗng lúc đó có một loạt đạn pháo binh nổ chát chúa ngay trước mặt. Thạch giật mình cầm lấy ống nói:

- Thạch Thảo anh có làm sao không ?

- Trình thẩm quyền vô sự.

Có tiếng nói lào xào ở bên kia, rồi Thạch nghe tiếng la mừng rỡ của người Trung đội trưởng:

- Trình Đại Bàng, thằng Xuân của tôi đã qua hào vào sát bờ thành, pháo nổ ngay trên đầu nó, thẩm quyền bảo ông Phở Bắc ngưng đi để tụi nó leo lên.

- O.K anh cũng leo nhanh lên và tiến với nó, tôi theo sát anh đây. Tôi sẽ thúc thằng Hai và Ba lên song song với anh, trời sắp sáng rồi, hãy vào hết chân thành và đồng loạt leo lên.

Thạch ra lệnh cho binh sĩ bò nhanh thêm, anh không ngờ mọi việc lại thuận buồm xuôi gió như vậy. Trung đội 1 đã bám được vào chân thành. Vừa báo cáo cho Tiểu đoàn diễn tiến của Đại đội thì từ phía trước hàng chục trái lựu đạn đã nổ trên mặt thành và tiếng báo cáo trong máy vọng ra:

- Thằng Xuân đã lên đến đầu tường rồi, chúng tôi đều sang cả bên kia bờ nước.

- Tốt lắm Thạch Thảo, tôi lên với anh đây, leo hết cả lên cái bờ thành và nằm thủ ở đó, không thằng nào được lui.

Lúc này địch đã phát hiện ta tấn công, súng từ trên bờ thành bắn ra như mưa, rồi cối, pháo đổ xuống phía sau của Đại đội. Thạch đứng dậy hét to: “Xung Phong!”. Tất cả chạy nhanh qua cái hào đã cạn vì gạch đất từ 2 bên đổ xuống. Không còn đường lui, kẻ nào lui là kẹt trong hàng rào hỏa lực của pháo và cối. Chỉ còn một đường sống là vào sát chân thành.

*

Trong lúc đó, phía Tây Nam Cổ thành Đinh Công Tráng, một Đại đội của Tiểu đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến do Đại úy Định, tức Định con, chỉ huy cũng đã bò vào đến chân thành. Nghe tiếng súng nổ và tiếng xung phong phía bên phải, Đại úy Định cũng hô xung phong và thúc con cái xông lên. Chỉ 5 phút sau, lính của Thần Ưng đã làm chủ góc thành phía Tây Nam.

Sức kháng cự của bộ đội Cộng sản yếu dần, một số nhanh chân tẩu thoát về phía Bắc, tên nào ngoan cố không chịu ra khỏi hầm đều bị tiêu diệt bằng lựu đạn. Trời vừa hừng sáng thì toàn thể bờ thành phía Nam đã bám đầy lính của Thần Ưng và Sói Biển.

Hướng Tây Bắc Cổ thành, Trâu Điên đang theo sau đoàn cua sắt M48 ép sát vào chân thành. Trận chiến đã nghiêng chiều thắng lợi rõ ràng...

Đúng ra khi 2 Đại đội của Tiểu đoàn 6 và 3 Thủy Quân Lục Chiến tiến chiếm được cái bờ thành phía Nam thì có thể coi như đã cắm được ngọn cờ lên bờ thành ngay sáng ngày 15 tháng 9 năm 1972.

Tin về đến Lữ đoàn, rồi về đến Bộ Tư lệnh Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến ở Hương Điền, Chuẩn tướng Bùi Thế Lân thức dậy ngay từ 5 giờ 3O theo dõi diễn tiến tình hình và đích thân cầm máy ra lệnh cho 2 ông Lữ đoàn trưởng 147 và 258 Thủy Quân Lục Chiến phải thu dọn sạch cái bánh chưng trong vòng 24 giờ đồng hồ để loan tin chiến thắng, cắm cờ vào 8 giờ sáng ngày 16. Không được cho phái đoàn báo chí vào gần hôm nay. Phòng 5 bàng kế hoạch làm sao có cái ảnh dựng cờ cho đẹp như cái cảnh Thủy Quân Lục Chiến Mỹ dựng cờ ở Nhật Bản năm 1945 tại đảo Iwo Jima.

Tám giờ sáng ngày 15, bờ thành phía Nam đã do 4 Đại đội của 2 Tiểu đoàn 3 và 6 làm chủ. Phía Đông, Tiểu đoàn 8 Thủy Quân Lục Chiến đang tiến sát vào chân thành, việc leo lên chỉ là vấn đề thời gian. Phía Tây, bên trái của Tiểu đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến, đoàn chiến xa của Thiết đoàn 2O cũng ào ào lên vào sát chân thành. Bị tấn công cả 3 mặt, sức kháng cự của Cộng quân sút kém dần. Cho đến chiều thì quân ta đã thanh toán được một nửa thành phía Nam. Địch lui dần và vẫn cố thủ ở bờ thành phía Bắc. Phải xua cho hết lũ chuột trong những cái hầm chữ A ra khỏi thành đêm nay. Thượng cấp đã tuyên bố sẽ cắm cờ ngày mai, mà cờ thì phải cắm ở giữa thành và cả 4 mặt bờ thành.

*

Đại úy Thạch đứng trên bờ thành quan sát: ta đã chiếm được mấy căn hầm của nhà tù, như vậy Bộ chỉ huy của địch cũng đã chém vè, tinh thần địch đã sút kém, tù binh cho biết bị pháo mấy ngày đêm chúng chỉ muốn bỏ chạy. Quả thật như vậy, địch phần chết, phần tháo chạy, súng vất bừa bãi khắp nơi. Thạch ra lệnh cho các Trung đội trưởng chỉnh đốn hàng ngũ, lãnh thêm M72 và lựu đạn. Không thể xử dụng pháo binh lúc này đành xài M72.

M72 đồng loạt khai hỏa, lựu đạn tung vào những miệng hầm. Lính Sói Biển ào ạt xông lên. Đám lính Cộng ném súng tháo chạy như đàn vịt, tên nào chậm chân là lãnh đủ. Hàng trăm tên leo nhanh qua bờ thành, nhảy xuống sông lội qua bờ Bắc.

Trời đã về chiều, khu trục cơ đã rời vùng, chỉ còn có một chiếc L19 lờ lững trên cao. Nhìn lính Cộng đang lội qua sông, anh phi công trẻ tuổi tinh nghịch lao xuống cho phi cơ bay sát mặt sông dọa địch. Vũ khí của anh chỉ có khẩu súng lục và vài ba trái khói, làm sao mà giết giặc ?

*

Trận đánh chiếm lại Cổ thành Đinh Công Tráng coi như chấm dứt vào 8 giờ tối ngày 15 tháng 9 năm 1972. Các đơn vị thu dọn chiến trường báo cáo vũ khí thu được chưa kịp đếm. Mỗi tiểu đoàn cần vài xe vận tải 2 tấn rưỡi mới chở hết. Dựa lưng vào bờ thành, Đại úy Thạch nâng cao ly cà phê nóng, nhấp một hớp nhỏ, anh gọi người lính truyền tin ra lệnh gọi các Trung đội đi tìm cột để cắm cờ, càng cao càng tốt.

Trong suốt 48 ngày đêm, kể từ ngày thay Sư đoàn Nhảy Dù lãnh nhiệm vụ tái chiếm Cổ thành, đêm nay là đêm thứ nhất Đại úy Thạch cởi đôi giày trận và ngủ một giấc đến sáng. Khi người cận vệ đánh thức anh dậy vào sáng hôm sau, anh cảm động muốn khóc khi nhìn thấy 4 bờ tường thành hàng trăm lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ phất phới trong ánh nắng mai.

Đó là buổi sáng ngày 16 tháng 9 năm 1972.

Một Cọp Biển

Tiểu Đoàn 3 TQLC - Dựng Cờ

 LTS:
Viết cho người binh sĩ Tiểu đoàn 3 TQLC về một chiến thắng với hình ảnh sống thực. Xin đóng góp phần nhỏ cho sử liệu về chiến thắng Cổ thành Quảng Trị năm 1972
MX Giang văn Nhân


Hành quân tìm địch trong rừng
Ngày 24 tháng 8

Sau một tháng rưởi nằm bịnh viện Lê hữu Sanh điều trị vết thương với bao kỹ niệm vui buồn của người thương bệnh binh về từ mặt trận Quảng Trị. Nhìn các người bạn đồng đội hiên ngang dũng cảm hôm nào giờ đây có người đã hiến dâng một phần thân thể cho đất nước. Có người mất hẵn ánh sáng cuộc đời, vào một ngày cuối tuần được tin báo cô bạn gái vào thăm đã vội vã nhờ anh bạn ngồi xe lăn hướng dẩn vào ẩn trốn trong phòng vệ sinh. Có người nằm im bất động, chỉ còn đôi mắt tinh anh rực sáng niềm tự hào lẫn chua xót. Có người bị cháy phỏng khắp thân hình, mình được thoa đầy thuốc mở nằm nhúc nhích trên tấm nylon. Ðó là hình ảnh những người lính TQLC tiêu biểu cho một phần nhỏ hình ảnh những người lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà vì bảo vệ sự tự do đã chấp nhận sự hy sinh vô bờ bến. Tuổi đời son trẻ phải xa gia đình, xa những người thân yêu, xa phố phường, ngày đêm lặn lội trong rừng sâu, dãy Trường Sơn trùng điệp, hay trong vùng sình lầy, nước phèn làm hoen màu áo trận. Họ quên mạng sống mình để bảo vệ an bình cho tha nhân. Trong hoàn cảnh hiện tại nầy nếu suy nghỉ sâu xa sẽ thấy thương họ thật nhiều.

Là người lính tổng trừ bị, một năm 7 ngày phép thường niên mà bộ tổng tham mưu qui định họ có bao giờ được biết đến. Hành quân gian khổ cận kề với cái chết chỉ mong ngày Tiểu đoàn về hậu cứ có được mấy ngày phép thăm gia đình, nếu còn độc thân thì thoải mái cùng bạn gái khỏi bị mấy ông quân cảnh quấy rầy. Người dân sống an lành nơi thành thị có ai biết rằng chiếc xe cuối cùng chở người lính từ mặt trận trở về vào trong doanh trại, như một thói quen khi cửa vừa đóng lại hiện rõ bảng cấm trại 100% đã được treo lên từ lúc nào. Ðơn vị ứng chiến cho bộ Tổng Tham Mưu. Dù vậy người lính vẫn một lòng chiến đấu có người đã vĩnh viễn ra đi và đồng đội còn lại vẫn tiếp tục chiến đấu cho lý tưởng tự do.

Vì nhu cầu cấp thiết của mặt trận mà sư đoàn trách nhiệm, các thương bệnh binh sau khi xuất viện được đưa thẳng về Tiểu đoàn và được bổ sung ra hành quân trong chuyến bay ngay ngày hôm sau.

Chiếc xe jeep Tiểu đoàn đưa Thảo và Ðại úy Anh khoá 21 Trường Võ Bị Ðà Lạt vào cổng Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn lúc đường phố Sàigòn đã lên đèn. Trong sân cờ vừa điểm danh xong số quân nhân bổ sung do các tiểu đoàn gởi đến. Thảo vác ba lô theo chân họ lên phòng thuyết trình trải tấm poncho rồi đặt lưng nằm xuống. Trong phòng có khoảng 70 Chuẩn úy tốt nghiệp từ hai khoá kế cận nhau tại Trường Bộ Binh Thủ Ðức. Thảo hiểu tâm trạng của họ, thật ra đó là tâm tình chung của người lính QLVNCH xuất thân cùng một quân trường hoặc một trung tâm huấn luyện, được về phục vụ cùng Sư đoàn, rồi tạm chia tay về các tiểu đoàn, nay gặp mặt đầy đủ. Chỉ còn một đêm nay thôi, đêm cuối cùng vì sẽ không bao giờ tìm lại được đông đủ như vậy. Ngày mai đây ra chiến trường sôi bỏng, mặt đối mặt cùng kẻ thù, địch quân với hoả lực hùng hậu của cả khối Cộng Sản đưa sang, đạn pháo 130 ly như cơn mưa dai dẳng trút xuống thị xã Quãng Trị biết ai còn ai mất, chuyện tử sinh là lẻ thường tình xảy ra chỉ trong khoảnh khắc không sao tránh khỏi. Họ chuyện trò quên đi giấc ngủ. Những nụ cười vô tư và hồn nhiên khi nhắc lại chuyện quân trường của những người bạn trẻ, chính những người bạn trẻ nầy đã đóng một vai trò rất quan trọng cho cuộc chiến thắng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà trong năm 1972.

Thảo trằn trọc không ngủ được. Thảo nhớ lại những ngày đang ở bịnh viện, đại đội Thảo đã mất mát khá nhiều tại mặt trận Cổ Thành Quãng Trị. Thiếu úy Lê văn Môn hy sinh, Thiếu úy Nguyễn văn Nhái bị thương chờ phân loại, Thiếu úy Nguyễn văn San đang điều trị tại quân y viện. Hạ sĩ quan và binh sĩ thiệt hại 40% sau tuần lễ đầu hoán đổi cho Tiểu đoàn 5 Dù. Thảo nhớ đơn vị, nhớ lại khuôn mặt của những người luôn sát cận với quân đội chính qui Bắc Việt. Thảo đứng dậy ra ngoài hành lang đốt thuốc hút và nhìn bầu trời xanh đầy ánh sao. Thảo bâng khuâng nghĩ đến câu chuyện của Uyên người bạn gái và cũng là người tình về chị Chính, bạn học chung lớp trường Gia Long. Chị Chính có người yêu bị động viên vào trường Hạ sĩ quan. Anh ra trường chiến đấu dũng cảm. Trong trận phãn phục kích ở La Ngà, địch quân dù chủ động nhưng bị thảm bại, hàng chục xác để lại trên trận địa. Bạn bè anh hy sinh khá nhiều, phần chân trái anh bị gảy vụn, bác sĩ đành phải cắt bỏ. Ðám cưới đã kết thúc câu chuyện tình đẹp nhất trong thời chinh chiến nầy
- Nếu là em, em sẽ không làm như thế đâu. Em chỉ chấp nhận nếu đã là vợ chồng. Uyên nói với nụ cười mĩa mai.
Thảo chỉ biết im lặng
Khoảng cách giửa hai người như mặt nước hồ bị khuấy động và làn sóng nước càng xa dần ra. Người lính Tổng trừ bị luôn luôn hiện diện tại mặt trận khốc liệt, nào ai biết được ngày mai hình hài mình sẽ ra sao? Thảo không bi quan mà cũng chẳng lạc quan chỉ biết sống tròn trách nhiệm của người đại đội trưởng, an nguy của gần hai trăm sinh mạng thì sá gì cái thân phận tầm thường cỏn con của mình.
Thảo cảm thấy có bàn tay choàng vai mình và một giọng nói thật thân mật
- Chào Trung sĩ,Trung sĩ chắc phục vụ lâu năm ở binh chủng và có nhiều kinh nghiệm chiến trường có thể kể cho anh em chúng tôi để học hỏi thêm.
Thảo quay mặt nhìn người sĩ quan trẻ, chấp nhận cấp bậc mới để cho tự nhiên rồi từ tốn kể cho các bạn trẻ nghe về cuộc chiến đang diễn ra ngoài Quãng Trị. Ðịch đã tạo yếu tố bất ngờ đồng loạt tấn công. Toàn bộ Sư Ðoàn 3 Bộ Binh và Thiết đoàn 11 triệt thoái khỏi vùng hoả tuyến. Tiểu đoàn 3 TQLC cùng thiết đoàn 20 chiến xa đã chận đứng và đẩy lui các cuộc tấn công vũ bão của Sư đoàn 308 cùng 2 trung đoàn chiến xa tại Ðông Hà và trên Quốc Lộ 9 gần Cam Lộ. Chuẩn úy Hải mới ra trường là sĩ quan OJT của Ðại đội 1 đã dùng M.72 bắn thẳng vào chiếc T.54 vừa chồm lên đầu cầu bờ bắc sông Miếu Giang, sau đó các binh sĩ đồng loạt bắn M.72 . Lần đầu tiên bị kháng cự, thiết giáp địch lui lại, vài phút sau đó cầu Ðông Hà được phá hủy.
- Các quan nên nhớ rằng, các quan sẽ là những trung đội trưởng với cấp số thật lý tưởng khoảng 40 người, mọi quyết định của các quan rất quan trọng, chính các quan cũng như những người lính ở tiểu đội, trung đội mới quyết định chiến trường.Các quan mà lui thì người lính sẽ lui theo, và đại đội sẽ bể, các đại đội khác bể theo và tiểu đoàn sẽ rả ra từng mảnh.
- Còn tinh thần anh em binh sĩ ra sao? Những bạn trẻ nầy hỏi
- Anh em rất vửng tâm chiến đấu. Phút đầu tiên đối diện với T.54 có hơi bối rối, nhưng nay không còn nữa. Các trung đội trang bị đầy đủ M.72, ngoài ra đại đội còn có một tiểu đội săn chiến xa với súng 202. Người Mỹ lúc nào cũng viện trợ vũ khí sau khối Cộng Sản, đó là sự thật.

Ngày 25 tháng 8
Thảo thức dậy và rời khỏi phòng thật sớm vì phải đón Ðại úy Anh tận Phú Lâm. Thảo quay mặt để tránh cảnh chia tay của người vợ với con thơ tròn tháng. Thảo lái xe lao vào trong đêm tối. Tất cả đều im lặng, mỗi người đang có tâm sự riêng vì ai biết được ngày mai sẽ ra sao? Vừa vào cổng bộ tư lệnh cũng là lúc đoàn xe đang chuẩn bị lên đường.
Phi vụ C.123 đã đưa toán bổ sung xuống phi trường Phú Bài. Không khí ngột ngạt của chiến tranh như bao trùm thành phố cổ kính. Hậu trạm của các tiểu đoàn đón nhận toán quân nhân bổ sung và đưa về thành nội Huế chuẩn bị hành trang, nhận lảnh áo giáp, mặt nạ, khẩu phần lương khô để rồi nhập vào cuộc chiến. Trên quốc lộ 1, người dân An Lổ vẫn vui vẻ cày cấy, đường vào Sịa vẫn an lành. Vượt qua giòng sông Mỹ Chánh để nhìn thấy cảnh tang thương mà chỉ có những người cộng sản vô thần mới nhẩn tâm bắn giết, tàn sát cả đoàn người chạy loạn. Ðối với họ những ai sống trong vùng quốc gia đều là kẻ thù

Xác người nằm ngổn ngan, trên xe, trên bải cát trắng, có bà mẹ nằm mà tay vẫn còn ôm chặc hai đứa con thơ, tất cả đã rữa nát Trong khung cảnh nầy Thảo không biết tâm trạng của những người sĩ quan trẻ mới ra trường ra sao, nhưng với người lính dầy dạn chiến trường, cái chết là điều phải chấp nhận để tìm cái sống. Ðoạn đường nầy làm sục sôi lòng hận thù, càng nung chí phải chiến đấu để bảo vệ miền Nam, phải tiêu diệt hết người Cộng Sản sắt máu. Nhưng người lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà có lòng nhân đạo và tình dân tộc, thà bỏ sót cỏn hơn giết lầm. Người Cộng Sản đã biết và triệt để khai thác tình thương dân của người quân nhân miền Nam để ẩn trốn, trà trộn trong dân, đôi khi lùa dân đi trước đở đạn cho chúng rồi tuyên truyền cho cuộc chiến tranh xâm lược của chúng.

Ðại lộ kinh hoàng năm 1972

Xe chay qua Hải Lăng, thôn Cu Hoan có bờ đê Ruộng Nhi, nơi các binh sĩ trung đội 3 của Thiếu úy Nguyễn văn Nhái bố trí yểm trợ hoả lực cho trung đội 2 của Thiếu úy Lê văn Môn tiến chiếm bờ thôn. Trung đội 1 của Thiếu úy Nguyễn văn San cặp theo bờ đê bên phải đánh vào cạnh sườn. Ðại bác không giật 106 ly trên chi đoàn thiết vận xa M.113 của Ðại úy Nghiệp Thiết Ðoàn 18 cày nát phía sau phòng tuyến. Ðạn M.79 phá tung hầm ẩn núp, tuyến địch bị chọc thủng, Trung đội 3 tràn lên chiếm bờ thôn bên trái, tiêu diệt toán bắn sẽ, giúp Tiểu đoàn 8 TQLC tiến quân ngang bên trái. Ðịch rút chạy hiện rõ trên đồng cát trắng, vào xóm Thuận Nhơn và thôn Lương Chánh. Thảo miên man hồi tưởng những đồng đội giờ đây không còn nữa, sự hy sinh của họ trải dài cho từng bước tiến ra giải thoát Quãng Trị thân yêu.
Thảo vào trình diện Thiếu tá Nguyễn văn Cảnh, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 TQLC. Bên ngoài bộ chỉ huy, Thượng sĩ Võ Lách thường vụ đại đội và một số anh em đang chờ đón Thảo. Nhìn gương mặt họ, một niềm thương cảm dâng lên.
- Ðại úy
- Ông thầy
Tiếng gọi thật thân thương, thật ngọt ngào. Kể từ giờ phút nầy, giửa họ và Thảo nối lại mối dây liên kết. Mạng sống và binh nghiệp Thảo nằm trong tay họ, ngược lại Thảo trách nhiệm sư an nguy cho họ, phải suy tính làm sao hoàn thành nhiệm vụ mà giảm thiểu sự thiệt hại. Thảo trò chuyện với anh em để chuẩn bị tinh thần cho cuộc chiến trước mặt.

Ngày 26 tháng 8
Buổi họp thân mật cùng các trung đội trưởng, phân chia nhiệm vụ vào hoán đổi cho Tiểu đoàn 8 TQLC tại mặt trận Cổ Thành sáng ngày mai.

Th/úy Lãm, Th/úy San, Th/úy Phán, Ch/úy Ngôn
Thiếu úy Nguyễn văn Lãm Ðại đội phó
Chuẩn úy Trần trung Ngôn Trung đội trưởng trung đội 1
Thiếu úy Nguyễn văn Phán Trung đội trưởng trung đội 2
Chuẩn úy Lê đình Lời Trung đội trưởng trung đội 3
Chuẩn úy Khúc thừa Thế Trung đội trưởng trung đội 4
Chuẩn úy Ðỗ hữu Ðôn OJT với trung đội 2
Chuẩn úy Trần tuấn Dũng OJT tại đại đội.

Thảo luôn luôn nhắc nhở các bạn trẻ về qui luật tại Cổ Thành. Ban ngày canh gát, mở rộng giao thông hào, mọi sinh hoạt trong giao thông hào, thay phiên ngủ lấy sức. Ðịch quân từ trên bờ thành cao, dể quan sát và bắn sẻ, hạn chế tối đa ra khỏi giao thông hào. Ban đêm chuẩn bị tác chiến diệt chốt địch và bung rộng phòng tuyến mà mục tiêu chính là cắm lá quôc kỳ Việt Nam Cộng Hoà.

Ngày 27 tháng 8
Ðại đội 2 đã hoán đổi xong vị trí của Ðại úy Bùi phúc Lộc TÐ 8 TQLC. Pháo binh vẫn đều đặn bắn phá trên bờ thành. Ðại bác 130 ly địch nổ dồn dập chung quanh thị xã, nguời lính nhiều kinh nghiệm đã tránh được sự thiệt hại và an toàn trên phòng tuyến mới. Nửa đêm địch thăm dò phía trung đội 1 nhưng bị đẩy lui bằng lựu đạn.

Ngày 28 tháng 8
Thảo vừa chợp mắt khi hừng đông ló dạng, Các trung đội tuần tự báo cáo tình hình trong đêm
- Nam Giao đây 21, velo solex ( vô sự)
Tựa lưng vào vách hầm chử A, Thảo rít một hơi dài điếu thuốc Ruby và nhấm nháp ly cà phê sửa nóng. Tội cho người lính chiến, trong cảnh nguy hiểm mà vẫn lo được cho ông thầy từng ly từng tí, đôi khi hơn cả người vợ, Thảo chưa có gia đình nhưng chỉ nghe lóm từ các bạn đồng ngủ.
- Thiếu tá, đêm rồi địch thăm dò, nhưng bị phản ứng mạnh. Con cái mới tới chưa ổn định và nhận diện rõ được địch tình
Thảo trình bày cùng Ðệ Ðức, Thiếu tá Tiểu đoàn phó.
- Ði với anh tôi thấy an tâm. Mấy ông chuẩn úy mới nầy coi bộ ngon lành.
Ðệ Ðức vừa nói dứt câu thì có báo cáo của trung đội 2
- Nam Giao đây 22, ông Alpha uống rượu quá độ say hết ngồi dậy rồi.
Chuẩn úy Ðổ hữu Ðôn vừa lên khỏi giao thông hào để quan sát vị trí địch trên Cổ Thành thì bị địch bắn sẽ ngay đầu tử thương.. Sự ra đi đột ngột của anh Ðôn làm cả đơn vị phải cẩn thận hơn khi di chuyển ra khỏi giao thông hào.

Ngày 29 tháng 8
Cũng như mọi hôm khi màn đêm buông xuống là cuộc thanh toán được thực hiện, cả hai bên đều đã sẵn sàng. Ánh trăng lưởi liềm làm mờ ảo khung cảnh nồng nặc uế khí, nhà cửa đổ nát, các trụ đèn cong quẹo hoặc gẫy đổ. Xác chết đã rữa chỉ còn là những bộ xương trắng nằm đón sương đêm. Ðạn pháo địch rót vào vị trí như một âm thanh quen thuộc
- Nam Giao đây 21. Ðịch đang bò vào
Thảo chụp ngay lấy ống liên hợp
- 21 đây Nam Giao, tôi nhận rõ, cho con cái xem tivi (vào vị thế tác chiến)
Ðại đội sẵn sàng, đạn đã lên nòng
Thảo trình với Ðệ Ðức xin hoả châu phía sau lưng địch để dể quan sát, bắn pháo binh vào các điểm tiên liệu để đàn áp tinh thần cán binh Cộng sản. Ðạn lướt qua đầu và nổ trên cao. Ánh sáng hoả châu đem lại cái ấm cúng và tự tin cho người chiến sĩ
- Nam Giao đây 21, chúng tôi đã thấy địch rất rõ
- 21 đây Nam Giao, cố gắng tác xạ cho chính xác
Ðạn bắt đầu nổ dòn. Hoả châu liên tục rọi sáng bờ thành. Pháo binh TQLC bắn rất đẹp. Mấy con gà cồ đầu bạc (đại bác 155 ly) của quân đoàn được điều chỉnh gần 10 hoặc 15 thước rất chính xác. Ðại pháo 130 ly của địch cũng tác xạ mãnh liệt vào phía sau chạm tuyến. Có trong hoàn cảnh nầy, người lính mới biết rõ giá trị của giao thông hào. Hầu hết hầm trú ẩn tránh pháo các binh sĩ đã thiết kế chử A. Trận chiến bắt đầu lúc 23 giờ. Giờ phút đó con người sống trong sự réo gọi hỗn loạn của các loại vũ khí, cái chết thoáng hiện thoáng mất , trước mặt những bóng đen gục ngã, lựu đạn và M.79 được xử dụng tối đa. Tiếng càu nhàu giọng miền bắc của Hạ sĩ Nguyễn văn Lợi tiểu đội phó
- Cho chúng mầy về với bác và đảng.
Miệng nói tay làm, Lợi tặng ngay chúng 2 quả lựu đạn M.67 rất nhanh và thành thạo. Hạ sĩ nhất Nguyễn văn Dương tiểu đội trưởng vừa bắn vừa di chuyển đồng thời đôn đốc anh em cố gắng giử phòng tuyến.
Ðịch bắt đầu ném beta, bắn B.40 vào phòng tuyến, và xung phong. Ba cây đại liên M 60 giờ mới được xử dụng, Ðạn M.79 nổ trên những căn nhà đổ nát, tạo nên sự sát hại mãnh liệt hơn. Xạ thủ đại liên và hai khinh binh của trung đội 4 biệt phái bị tử thương, địch tràn vào cắt đứt hai trung đội 1 và 3. Hạ sỉ Nguyễn ngọc Ninh tiểu đội trưởng cùng anh em còn lại rút về phía trung đội 1. Phòng tuyến bị bể. Ðịch tràn lên nhưng bị Trung sĩ nhất Nguyễn tấn Thành trung đội phó trung đội 1 cùng tiểu đội của hạ sĩ nhất Lê văn Hùng chận đứng. Bên phía trung đội 3, Hạ sĩ Nguyễn văn Phúc tiểu đội trưởng dùng lựu đạn tiêu diệt địch quân đang cố gắng tràn vô kẻ hở. Binh nhất Trần văn Voi, người lính mang hai giòng máu Việt Pháp, xạ thủ đại liên xiết mạnh cò, đạn bay là là trên mặt đất, một số địch bị trúng đạn nằm chết trước phòng tuyến. Ðịch quân không làm sao tiến thêm được.
- Nam Giao đây 21. Ðang củng cố phòng tuyến phụ để phản kích.
- 21 đây Nam Giao, cố gắng giử phòng tuyến phụ, tôi thêm kẹo và tiền cho anh.
Thảo tung tiểu đội săn chiến xa của hạ sĩ nhất Ngô văn Ðáo tăng cường cho trung đội 1 và khinh binh tiểu đội súng cối của Hạ sĩ Nông văn Quang tăng cường cho trung đội 3 đồng thời chuyển đạn dược lên phía trước.
Pháo binh được điều chỉnh gần hơn nữa. Hai chục thước. Mười thước. Toán pháo thủ mấy con gà đầu bạc bắn tuyệt diệu. Ðạn lướt qua đầu và nổ tung trước phòng tuyến. Ðệ Ðức báo cáo tình hình cho Chương Thiện (Thiếu tá Nguyễn văn Cảnh Tiểu đoàn trưởng)
- Sao 27 (ám danh của Thảo), còn đủ tiền để đánh bài không? Chương Thiện hỏi qua điện thoại hữu tuyến.
- Trình 909 (ám danh cuả TÐT), tôi vẫn đủ tiền để chơi, xin đèn cầy và phở cho thật nhiều.
- Tôi bắn tối đa, cần tiền thêm cho tôi biết ngay.
- Nhận rõ 909.
Hai tiểu đội của Hùng và Phúc đã khoá chặc không cho địch tràn thêm vào. Alpha Trần trung Ngôn và Lê đình Lời điều động quân vá lại phòng tuyến. Pháo binh rãi đều dọc theo bờ thành, màn đêm nhạt dần. Trên bầu trời hai phi tuần A37 đánh chính xác vào mục tiêu . Sự kết hợp nhịp nhàng của không yễm và pháo binh giúp các toán quân của đại đội 2 tiến lên với hàng rào lựu đạn chiếm lai phòng tuyến
- Nam Giao đây 23, chúng tôi gặp lại nhau tại mái nhà xưa (chiếm lại tuyến củ).
- Nhận rõ. Cho củng cố chổ ở. Gom góp mấy chai rượu (bị thương), sẽ có người mang đi.

Các pháo thủ TQLC
Binh nhất Nguyễn đăng Thâu, y tá đại đội cùng toán biệt kích lên phòng tuyến di tản thương binh về sau nhà thờ Trí Bưu.
Thảo báo cáo về tiểu đoàn. Tất cả thương binh được M.113 chở ngay về Ngô xá. Số quân nhân bổ sung ra thay thế sau đó đuợc đưa lên tuyến đầu.
Trong cuộc chiến, khối bổ sung đã cung cấp kịp thời để thay thế số quân nhân bất khiển dụng, nhờ vậy phòng tuyến lúc nào cũng đầy đủ quân số. Người Ðại đội trưởng rất an tâm để tìm mọi phương cách hoàn thành nhiệm vụ được ủy thác.
- Nam Giao đây 23, ba con chuột nằm bất động, thu 1 B.40, 2 AK 47.
- Nam Giao đây 21, năm trự trong giao thông hào, tịch thu 1 RPD, 2 B.40, 3 AK 47.
Ðại đội có 4 binh sĩ hy sinh và 7 người bị thương, 1 M.60 bị phá hủy cùng một số mặt nạ, áo giáp.
Thảo họp bàn cùng các trung đội trưởng phân tích về trận đánh. Sự thất bại trong cuộc tấn công chứng tỏ lực lượng địch suy yếu, không mở được các cuộc tấn công kế tiếp. Nắm vững vấn đề nầy, đại đội chủ trương sẽ từng bước diệt chốt để tiến sát bờ thành.

Quảng Trị năm 1972

Ðịch rãi mỏng từng chốt nhỏ, bố trí trong các căn nhà đổ nát khó nhận biết. Các chốt nầy được sự yểm trợ của đại bác 82 không giật trên bờ thành. Thảo và các trung đội trưởng thảo luận để đi đến phương thức:
1. Chọc phá để xác định vị trí chốt
2. Tổ chức các toán diệt chốt
3. Ðồng loạt tấn công các vị trí chốt
4. Dùng pháo binh để làm tê liệt các khẩu 82 ly không giật
5. Xử dụng lựu đạn
6. Ðánh vào ban đêm

Ðịch trong Cổ thành đang bị cô lập. Ðường về Triệu Phong bị Tiểu đoàn Trâu Ðiên khoá kín tại đập đá qua chợ Sải. Ðường xuôi thượng nguồn sông Thạch Hãn bị các đơn vị Dù kiểm soát ở Như Lệ. Ðường duy nhất là vượt sông Thạch Hãn đang bị pháo binh và không quân oanh tạc. Nhờ các yếu tố đó, sự kháng cự của địch rất yếu ớt. Lần lượt các chốt bị bứng đi, phòng tuyến được mở rộng. Màn đêm vừa buông xuống là anh em ôm lựu đạn bò đi diệt chốt. Thùng lựu đạn từ tiểu đoàn chuyển lên hàng ngày, đây là món khoái khẩu nhất tặng cán binh Cộng sản.

Ngày 7 tháng 9
Trung úy Nguyễn kim Chung xuất viện về lại tiểu đoàn, anh em đều có thơ đọc và tán gẩu trong giao thông hào, mặc cho đại pháo 130 ly hay đại bác 100 trực xạ từ chiến xa . Cuộc sống của người lính tác chiến thật hào hùng nhưng giờ phút nầy thấy họ hiền lành, ngây thơ như trẻ nhỏ.
- Nhã Ca, uống nữa đi. Ðệ Ðức rót rượu từ chai Hennessy do bà xả gởi ra.
- Cám ơn Thiếu tá, thế là ấm giò rồi. Ly nầy là ly cuối.
- Phải chi có Thạch Sanh thì chai nầy không đủ đó Ðại úy. Chuẩn úy Lý hồng Phát delo pháo binh cũng là em vợ của Nguyễn kim Chung ngỏ lời.

Ngày 9 tháng 9
Phóng đồ hành quân phản công chiếm lại thị xã Quãng Trị bày ra trước mặt. Ðệ Ðức hút thuốc ngồi ngắm . Ánh sáng vàng vọt từ cái bóng đèn chỉ còn là sợi dây tóc đỏ, nó đã mòn mõi cháy suốt đêm.
Ðịch quân bắt đầu pháo dữ dội, cả đại đội sẵn sàng vị thế chiến đấu. Ðạn nổ dòn phía đại đội 1 và đại đội 3. Thảo chỉ nghe tiếng la, tiếng gọi pháo binh của Ðại úy Phạm tuấn Anh. Anh Ðào điều chỉnh pháo thật táo bạo. Bổng dưng đại đội 1 im lặng vô tuyến. Mươi phút sau có tiếng nói
- Chương Thiện đây Thạch Sanh, Anh Ðào say rượu rồi
Ðại úy Anh được tản thương gấp về bịnh viện.
Chiều hôm đó Ðại úy Anh đã vĩnh viễn ra đi để lại người vợ với đưa con tròn tháng mà trong buổi chia tay vẫn còn đậm nét nơi tâm hồn Thảo. Ðời người lính Tổng trừ bị là thế đó!
Ðài phát thanh và báo chí có đề cập đến một đơn vị của Tiểu đoàn 6 đã vào được cổ thành.

Ngày 11 tháng 9
Chi đội chiến xa của thiết đoàn 20 vào tăng phái cho tiểu đoàn. Thiếu úy Quyền khoá 24 Võ Bị danh hiệu Tố Quyên đưa một M.48 lên đại đội 2. Chuẩn úy Khúc thừa Thế trung đội trưởng súng nặng hướng dẩn xe vào vị trí ẩn núp an toàn vào ban đêm.

Ngày 12 tháng 9
Mấy hôm rày cánh quân của Tiểu đoàn 6 bất động. Ðiểm đóng quân của một đơn vị thuộc Tiểu Ðoàn 6 mà ban 3 Tiểu Ðoàn 3 cho Thảo lại là đơn vị Bắc Việt, nơi xuất phát các cuộc đánh phá đơn vị Thào. Sau mấy lần cho các toán nhỏ bò lên dò xét tình hình, đêm nay sẽ tiến lên tiêu diệt, mở rộng đường tiến sát vào cổ thành.
Hai giờ sáng các toán diệt chốt đã bao quanh mục tiêu. Máy vô tuyến thỉnh thoảng sè sè tiếng nói.
- Chương Thiện đây Nhã Ca, Tất cả đã vào vị trí
- Nhã Ca đây Chương Thiện, anh ráng làm sao cho tốt đẹp
- Nhận năm trên năm.
Những người lính nằm chờ đợi trong đêm, tất cả chong mắt thật sáng, tay nắm chặc quả lựu đạn M.67 hay con cóc mìn Claymor. Tuy trời đêm trở lạnh nhưng mồ hôi toát ra. Tiếng quân Cộng sản Bắc Việt đổi gác, tiếng ho và vài câu nói vớ vẩn

Thiết đoàn 20 chiến xa

- Ðồng chí canh gác cẩn thận, đồng chí chánh trị viên cho biết quân Ngụy quyết đánh cổ thành.
Làm sao có thể diển tả được cảm giác của người chiến sĩ trong lúc nầy, vì bảo vệ tự do, chống lại sự xâm lược và bành trướng của chế độ Xã hội chủ nghĩa nên đành phải ra tay.
Cánh quân của trung đội 2 bò về hướng Nam chiếm khu nghĩa địa ngăn chận đơn vị địch đến viện binh cho toán chốt.
Ðịch quân có loại CKC nòng dài, thêm máy nhắm trở thành khí cụ bắn sẽ rất chính xác nên khi trời mờ sáng địch ơ hờ vì biết ta không tấn công vào ban ngày. Pháo đội TQLC bắt đầu bắn vào cổ thành. Delo Lý hồng Phát theo sự điều chỉnh của các Alpha cho gần lại 50 thước đến khi đạn nổ sát bờ thành, pháo đội 20 tràng cày nát các vị trí yểm trợ cho chốt địch. Quả đạn đầu tiên thoát khỏi nòng đại bác trên M.48 nổ trên bờ thành là khẩu lệnh tấn công. Lựu đạn như những nắm cát tung vào mặt kẻ thù. Ðịch trở tay không kịp, hai chốt địch bị tiêu diệt
- Nam Giao đây 21, nhiệm vụ hoàn tất, hạ sát 8 tên tịch thu 2 CKC , 2 B.40 và 3 AK.47. Gia đình có hai nằm (tử thương), ba ngồi (bị thương)
Đơn vị bên nghĩa địa được địch điều sang tiếp viện. Ðạn từ 3 khẩu M.79 nổ mãnh liệt. Vùng đất an nghĩ nầy là mồ chôn xác giặc. Ðịch mất tinh thần, rút chạy vào bên trong cổ thành.
- Nam Giao đây 22. Ðã diệt 20 chuột, thu 12 AK, 3 B40, 2 RPD, 2 SKS. Gia đình có 3 nằm và 5 ngồi.
Thảo báo cáo về Tiểu đoàn
- Nhã ca đây Chương thiện, anh cho thừa thắng xông lên dựng cờ đi.
Ðịch vào Cổ thành cố thủ và chống trả. Lấy vị trí địch làm công sự, các toán quân bố trí và cố gắng lục soát tìm tài liệu.
- Trình Nam Giao, gia đình 21 lấy được bức tranh (bản đồ) của chuột
- Trình Nam Giao, gia đình 22 lục soát tử thi có một tên là chính trị viên.
Không khí tanh mùi máu và thuốc súng như men chiến thắng, anh em cùng cảm thấy ngày dựng cờ chiến thắng đang chờ phía trước
Thảo nhìn chai Hennessy còn nằm đó như một sự thách thức.
Cuộc chiến càng ác liệt thì nhiệm vụ của người y tá đại đội càng cần thiết và nguy hiễm nhiều hơn nữa. Binh nhất Nguyễn đăng Thâu y tá biệt phái cho đại đội lắng nghe trên máy truyền tin, nơi nào có người say rượu là anh phóng đi ngay. Có thể bảo rằng anh Thâu là người duy nhất biết rõ hết các ngả ngách của giao thông hào, và đã đi vòng quanh tuyến đại đội không biết bao nhiêu lần. Ngày nào mà chẳng có người bị thương hoặc chết. Nhìn Thâu, Thảo chợt nghĩ không có một huy chương nào xứng đáng để tưởng thưởng công lao. Mà thật sự điều Thâu ước muốn là anh em thương binh được an lành và trở về. Người chiến sĩ ngoài trận tuyến không bao giờ nghĩ đến cấp bậc, huy chương, và họ cũng không bao giờ để tâm đến mặt trái của cấp bậc, mặt trái của tấm mề đay do xin xõ, bè phái hoặc luồn cuối. Lúc bây giờ, nơi chiến tuyến tình người biểu hiện một cách trọn vẹn, cao quý nhất. Chốt của địch nay trở thành tiền đồn của ta.

Không ảnh thành Ðinh công Tráng nhìn từ Trí Bưu

7 giờ tối Thảo cùng các đại đội trưởng về họp tại bộ chỉ huy Tiểu đoàn, Trung tá Ngyễn xuân Phúc Lữ đoàn phó Lữ đoàn 147 hiện diện và chủ toạ cuộc họp.
Thiếu tá Nguyễn văn Cảnh trình bày vị trí của các đại đội cùng thành quả đã đạt được. Nhiệm vụ của Tiểu đoàn phải chiếm cho bằng được Cổ thành trụớc thời hạn mà vị Nguyên thủ quốc gia đã ra lệnh trong ngày Quân Lực 19 tháng 6 năm 1972 là phài lấy lại các vùng đất đã bị địch kiểm soát trong 3 tháng.
- Các anh cần gì tôi sẽ yểm trợ tối đa để hoàn thành nhiệm vụ. Chúng ta chỉ còn 6 ngày nữa thôi. Thiếu tá Cãnh dứt lời.
Nhìn thẳng các đại đội trưởng, Trung tá Phúc tiếp lời
- Các anh đánh đấm thế nào vậy. Tiểu đoàn 6 đã vào được một toán nhỏ từ lâu rồi, mà các anh vẫn chưa làm được gì cả. Ðây là lệnh, ai không thi hành sẽ trả lời trước toà án quân sự.
Vị Robert lửa người mà báo chí thường ca ngợi cũng như khoá 16 trường Võ bị Ðà Lạt hãnh diện đang ở trước mặt chúng tôi.
Có thể vậy sao!
Thảo chăm chú nhìn vào tấm không ảnh mới nhất mà tự hỏi thầm.
Cổ thành nằm trước mặt, chung quanh là hào nước. Làm sao mà Tiểu đoàn 6 của Trung tá Tùng có đơn vị vào trong đó được. Lại thêm nữa đã được báo chí và đài phát thanh truyền đi khắp nơi thì họ ẩn trốn nơi đâu vì địch sẽ lục soát góc thành dễ dàng. Làm sao nhận tiếp tế lương thực. Ðã chọc thủng vào được, sao trung đội, đại đội không bám theo rồi đánh bung rộng ra. Ðây phải chăng là một hình thức chiền tranh tâm lý với người không am tường quân sự.
Thảo nghĩ đến những người lính đại đội 2 đã hy sinh mở rộng phòng tuyến đẩy lui địch tận sát bờ thành. Thảo mạo muội lên tiếng
- Thưa Trung tá, anh em chúng tôi đã chiến đấu nhiệt tình, thiệt hại cũng khá nhiều. Nếu Tiểu đoàn 6 có đơn vị nằm góc thành, xin cho tôi được phép dẩn đại đội theo đường đó vào ngay trong đêm nay. Câu nói của Thảo đã làm vị Lữ đoàn phó bộc phát vài chử không đẹp ngoài ý muốn và trút cơn giận dữ lên các sĩ quan có mặt trong phòng họp

Rời bộ chỉ huy Tiểu đoàn, Quảng Trị (Trung úy Nguyễn văn Dương ÐÐT đại đội 4) chưởi thề cho vơi cơn bực tức, Thạch Sanh (Ðại úy Nguyễn văn Thạch ÐÐT đại đội 3) nhún vai như chẳng cần đời, Cần Thơ ( Trung úy Nguyễn kim Chung ÐÐT đại đội 1) chỉ mĩm cười gượng gạo, Thảo thì im lặng lầm lũi cùng hai cận vệ chạy trở về vị trí dưới cơn mưa pháo.
Thảo về tới hầm chử A thì nhận công điện mật của Chương Thiện đại đội phải tiếp tục đánh vào Cổ thành đêm nay.

Ngày 13 tháng 9
Hai trung đội 21 và 22 vẫn là nổ lực chính, xuất phát vào lúc 1 giờ sáng. Thiếu úy Lãm điều động 2 trung đội dò dẫm từng bước thật nhẹ nhàng tránh gây tiếng động. Cánh quân vượt qua các tổ tiền đồn và tới sát đường Duy Tân.
Toán tiền sát của trung đội 1 là Hạ sĩ Nguyễn văn Lợi, Binh nhất Nguyễn báu Quí, binh nhất Ngyễn Cân sẽ chiếm cầu vào ngay cửa Hữu. Toán của trung đội 2 là Hạ sĩ Dư minh Chiếu,Binh nhất Thạch Rong, binh nhì Huỳnh ngọc Lanh sẽ lội qua hào nước. Hai toán chạy nhanh qua đường Duy Tân. Ðạn AK nổ rền. Pháo hiệu (Signal) đỏ bay vút lên cao. Ðó là hiệu lệnh báo động của quân phòng thủ. Ðạn từ trên bờ thành rải xuống mặt đường. Lựu đạn nổ dưới hào nước làm mặt đất run chuyển nhẹ. Kế hoạch bị địch phát hiện. Thảo đành cho cánh quân lui về vị trí. Cả ngày mệt mỏi từ mờ sáng chập tối, thêm vào đó hơn nữa tháng thức trắng đêm chống chọi với địch, diệt chốt, mở rộng đường tiến sát mục tiêu. Thảo biết anh em đã thấm mệt, Thảo xin Chương Thiện cho được hoán đổi về cánh A. Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng chấp thuận nhưng Thảo phải để lại hai trung đội tăng cường cho Ðại úy Thạch.
Các trung đội của đại đội 3 bắt đầu thế tuyến cho trung đội 21 và 24. Riêng trung đội 22 và 23 vẫn còn ở lại tăng phái giữ phòng tuyến cùng các toán tiền đồn.
Buổi chiều mưa rét, Thảo về nhà thờ Trí Bưu chỉ là đống gạch đổ nát, chui dưới sàn nhà tâm hồn Thảo cảm thấy yên vắng khác lạ, có lẽ vơi bớt đi sự lo lắng và tù túng trong căn hầm chử A chật hẹp.

Ngày 14 tháng 9

(Binh sĩ ÐÐ2 dựng cờ ngày 15 tháng 9 năm 1972)

4 giờ sáng. Máy truyền tin vẫn im lặng, thỉnh thoảng lại vang lên báo cáo của Trung úy Trà đã gìàn quân dọc theo đường Duy Tân (cặp theo các căn nhà đổ). Ðịch báo động từ chập tối bắn vu vơ đang mõi mắt đợi chờ.
5 giờ sáng. Pháo binh bắn quấy rối rỉ rả như mọi đêm để đánh lừa địch. Cùng lúc đó các toán nhỏ lội nhè nhẹ qua hào nước. Cơn bảo Elsie gầm thét, giọt mưa như thác đổ làm bức màn che các toán cảm tử bò lên bờ thành đổ nát. Lựu đạn nổ đồng loạt trên thành, tiếng la xung phong vang dậy trong đêm. Trung úy Trà cùng hai trung đội của Thiếu úy Văn tấn Thạch vá Thiếu úy Vũ duy Hiền như cơn sóng thần ập vào thành. Tiểu đoàn 3 đã phá vở phòng tuyến địch nơi cửa Hữu.
Thảo thức giấc và chăm chú theo dõi từ lúc toán tiền sát bò lên thành. Thảo đã cho cả đại đội sẵn sàng tiếp ứng cho đại đội 3
- Nhả ca đây Ðệ Ðức, cho con cái lên đánh canh bạc chót.
- Nhận Ðệ Ðức năm trên năm.
Thảo truyền lệnh các trung đội tiến lên theo đội hình 22, 23 ban chỉ huy đại đội, 21, 24. Pháo binh 130 ly và đại bác 100 ly trực xạ từ Ái Tử không cản được đoàn quân. Trung đội 22 chiếm cổng chính cửa Tiền đường Lê văn Duyệt. Tinh thần cán binh Cộng Sản đã suy sụp, chống cự yếu ớt và rút về cố thủ ở cửa Tả đường Phan đình Phùng. Chai Hennessy được khui ra và chuyền tay cho các binh sĩ. Bên cánh trái Tiểu đoàn 6 bắt đầu tràn lên thành và tác xạ về phía Tiểu đoàn 3. Ðệ Ðức tức giận gào to trong máy truyền tin
- Chương Thiện bảo mấy đứa con của Thái Dương (Trung tá Tùng TÐT) còn bắn cái con mẹ gì nữa. Sói Biển đầy cả thành rồi. Có mấy đứa say rượu nè. Bố chúng nó.

Ðịch xử dụng tất cả hoả lực còn lại để tàn sát đoàn quân chiên thắng. Tiểu đoàn 7 đã tiến ngang bên dưới đường Lê văn Duyệt, một số cán binh Cộng Sản chui ra đầu hàng.
Ðạn pháo và bóng đêm cũng như sự mệt mõi không làm người chiến sĩ dừng bước, họ chiến đấu liên tục, tiêu diệt các tàn quân địch còn cố thủ. Sau gần 24 giờ chiến đấu không nghĩ, những người lính đại đội 2 Tiểu đoàn 3 TQLC đã dựng ngọn cờ trên cổng thành cửa Tả vào mờ sáng ngày 15 tháng 9 năm 1972. Trung sĩ Trương văn Hai trung đội phó trung đội 22 đã hy sinh trong giây phút hào hùng nầy.

Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đã chiến thắng, chiếm lại Quảng Trị trước hạn định 3 ngày. Sự thành công nầy là do đóng góp của Sư đoàn Dù (Tích tường, Như Lệ), Biệt Ðộng Quân (Liên đoàn 7 ở chợ Sãi), Không quân, Hãi quân, Liên đoàn 81 Biệt cách Dù, Thiết đoàn 20 chiến xa, Thiết đoàn 18 kỵ binh, Pháo binh 155 ly… và Sư đoàn TQLC là nổ lực chính.

Chiến thắng cổ thành Quãng Trị đã được nhiều người viết do tưởng tượng phong phú hoặc do nghe người khác thuật lại. Tôi là một trong những chứng nhân và cùng các chiến hữu TÐ 3 TQLC tham dự chiến thắng hào hùng nầy. Nhưng sự thật đã bị đão ngược, những trung đội trưởng chạy đặc cách đều bị loại, một số huy chương cấp bậc rơi rớt trên vai trên ngực những người đánh giặc Tâm lý chiến hoặc bè phái. Biết bao nhiêu chiến sĩ vô danh đã hy sinh vì bảo vệ tự do. Sự hy sinh cũa các vị anh hùng đó đem lại bổng lộc vài cá nhân. Ðể phù hợp việc tô bóng một cá nhân, thay đổi tên họ cũng như đơn vị của các anh em binh sĩ trong hình dựng cờ. Việc làm đó lịch sử sẽ phê phán.

Trích hồi ký “ Người lính Tổng trừ bị”
MX Giang văn Nhân

TỔNG LƯỢC VỀ TRẬN ĐÁNH TÁI CHIẾM CỔ THÀNH QUẢNG TRỊ Chu Tất Tiến.

Tháng 12, năm 2020, một nhóm người trẻ thuộc thế hệ thứ 2 đã xin được sự đồng thuận 5/5 của thành phố Westminster cho phép xây dựng Tượng Đà...