Saturday, July 17, 2021

Dấu Binh Lửa - Phan Nhật Nam - Chương 21: Trong Rừng Cây Lá Xanh - Chương 22: Người Chỉ Huy Về Già

Chiến dịch mở được một tháng, đêm đầu tiên, một ngày đầu của tháng mười một, đóng ở ngã ba quận Xuân Lộc, nơi quốc lộ 1 và đường liên tỉnh đi Bình Giã gặp nhau. Đêm thật lạnh, đây là cực bắc của miền Nam và cực nam của miền Trung. Bụi mù đất đỏ, rừng cao su xanh thẩm và hơi núi lạnh se sắt. Đã lâu lắm tôi không được hưởng cái lạnh này, mùa đông của miền Trung như kéo dài, xâm chiếm vào miền Nam nắng đỏ. Quốc lộ số 1, đường ra Phan Thiết, sông Phan... Bao lâu tôi không đi trên quãng đường này. Thưở mười bốn, mười lăm, tôi đã thân thiết con đường sắt chạy hun hút về phương nam, mỗi buổi chiều ở ga Đà Nẵng, tàu Sài Gòn ra lúc bảy giờ tối, trong nắng chiều chập choạng con tàu uể ỏai lười biếng như gã giang hồ tìm về nhà trọ, đi vào sân ga sau khi đã quành vòng để trở đầu về phía đèo Hải Vân. Tôi ngồi trên bãi cát ở nghĩa địa nhìn hành khách từ phương nam đến, mơ ước những chuyến đi xa, thật xa và để đến chiều bước vào một thành phố lạ trong ánh nắng cuối của ngày. Con đường sắt xuyên Việt, quốc lộ số 1 đối với tôi từ thuở bé đến bây giờ vẫn là những sinh vật linh động có tâm hồn, hơi thở, thân thích đầy kỷ niệm.

Buổi chiều hôm nay, tôi thấy lại cảm giác bâng khuâng khi đọc trên trụ cây số ở vệ đường: Nha Trang - 526 cây số... Tưởng ra, thành phố có nắng tươi như lá non, những ngày bắt đầu lớn. Ngồi ở trụ cây số nhìn con đường chạy hút mất xa như tìm lại người bạn đã lâu không gặp, một gã bạn giang hồ luôn luôn bị hoạn nạn nhưng sẵn sàng lao người vào vùng đầy gió bão. Quốc lộ 1, người bạn trong cơn đau ốm của quê hương. Trăng thượng tuần mọc ở góc trời, ốm yếu như người khốn khó...
Từ ngày đầu tiên của cuộc hành quân, chúng tôi bỏ quốc lộ 1, tung quân hoạt động trong khu tam giác giới hạn bởi ba con đường, quốc lộ 15, đường liên tỉnh Bà Rịa — Long Khánh và đường Long Thành (Biên Hòa) - Long Giao. Bộ chỉ huy hành quân tiến dọc theo con đường đất đỏ chia đôi khu vực trên. Con đường chạy từ sân bay đồn điền ông Quế ra đến Long Thành thẳng góc với trục giao liên của Việt cộng từ sông Đồng Nai đến mật khu Hắc-Dịch. Một tháng trời đã qua, bây giờ chúng tôi tiến sát quốc lộ 15, cách quận Long Thành mười lăm cây số đường chim bay. Bộ chỉ huy hành quân thiếp lập trung tâm hỏa lực và tung các tiểu đoàn hoạt động sâu về hướng bắc, khu vực đồn điền An Viêng, làm thành phần an ninh xa cho các căn cứ quan trọng của Mỹ. Tình hình quân sự được xem là yên tĩnh, chỉ chạm địch nhẹ cấp trung đội, ngoại trừ lần tấn công để thử sức của một tiểu đoàn địch vào vị trí đóng quân của tiểu đoàn 5 Nhảy dù. Địch thất bại và từ đó tránh né hẳn với lực lượng chúng tôi. Tôi mất niềm thú vị nhẹ nhàng mỗi khi đêm xuống vì rút gần về Biên Hòa độ lạnh giảm theo, đồng thời sự giao dịch Việt - Đồng Minh càng ngày càng tệ. Lẽ tất nhiên từ lâu chúng tôi đã không khoái vụ "cố vấn Mỹ", nhưng vì đấy là cái nợ bắt buộc phải chịu đựng, nay lại thêm vài chú Úc nữa thật khó chịu đành lòng.
Chúng tôi là lính Nhảy dù, không tự kiêu, nhưng chẳng một ly tự ty nào với họ. Anh đại uý thâm niên nhất đám đi lính không đầy mười năm; ở lính lâu thì cũng chẳng có gì là quan trọng, nhưng nếu so sánh hai anh lính, dù khác từ màu da, quốc tịch, quân đội... Chúng tôi, người lính Việt Nam có kẻ gần hai mươi năm, kẻ sớm nhất cũng vài năm được trui luyện trong một cuộc chiến tranh ngặt nghèo lẽ tất nhiên hơn hẳn, hơn xa hẳn loại lính con nhà giàu bất kỳ Anh, Mỹ, Úc hay gì gì đi chăng nữa. Chúng tôi biết rằng khi đề cập đến khả năng để chỉ huy những lộ quân lớn với hàng ngàn công việc rắc rối về thiết kế và yểm trợ, chúng tôi chắc sẽ thua mấy anh ngoại quốc. Nhưng nếu kể đến khả năng từ tiểu đoàn trưởng trở xuống trong trận chiến du kích này, các anh da trắng chỉ có thể là học trò mà thôi. Thế thì cố vấn cái gì... Nỗi bực mình từ đấy cứ tăng lên. Xin trực thăng tải thương, viên thiếu uý Úc hỏi từ A đến Z... Ai? Bị thương giờ nào? Tọa độ? Bị thương nặng nhẹ? Ở đâu?... Gần hai mươi câu hỏi được hỏi một lúc, ghi ghi chép chép, mã hóa (1) hết cả thảy bản văn rồi mới lấy máy ra liên lạc. Một giờ trôi qua mới đủng đỉnh trả lời: "Có thể có trực thăng và không biết địa điểm di tản thương binh về đâu! Ai có thể chịu được? Tàu bay đến tản thương được một người, tôi mệt mỏi như chính mình thọ nạn. Hai ngày sau, hậu cứ hỏi di tản thương binh về đâu? Bố da trắng ngú ngớ như thằng ngọng, xong thật vắn tắt: Không biết. Không biết thì cắn răng mà chịu, chỉ có được chửi thề một câu.
Sắp đến Noel rồi đấy. Noel, có một cái gì ấm áp đôn hậu bềnh bồng trong linh hồn. Tôi là kẻ ngoại đạo, nhưng đêm Thiên Chúa ra đời vẫn choáng ngập trong lòng một niềm hân hoan mới lạ. Âu cũng là lộc đời. Nhớ lại những Noel thưở bé, bảy tuổi đứng trông rừng lồng đèn của khu nhà thờ, chiếc áo len mới đan ấm áp và từ trong nhà thờ tiếng hát dặt dìu như cánh bay của thiên thần, Noel của những năm mới vào lính, nằm ở rừng Tân Phong với Hải, thấm thoát thế là bao nhiêu lâu.... Thôi, tôi đã vào một tuổi già. Một người đi gần đến bên tôi:
- Có thư của em gái hậu phương gửi ra, ông có đọc không?
- Đưa tôi xem thử...
Đây là loại thư của các trường học cứ đến dịp lễ, Tết, bắt buộc học sinh phải viết trong giờ hiệu đoàn để gởi cho lính, một anh lính vô danh ở một nơi xa xôi - Cung cách yểm trợ tinh thần cho lính của Chánh phủ, giây liên lạc giữa học đường và quân đội. Thuở xưa tôi cũng đã khó nhọc vì viết những lá thư như vậy.Xem thử ra sao?
Bây giờ trong lòng tôi là một cơn giận, giận ghê gớm, lá thư thay vì có những ý tình ngây ngô vụng về hay một vẻ khôn ngoan thơ dại như tôi nghĩ, nhưng không phải là như vậy. Thư này của một em xưng là học sinh Đệ Nhất (Nghĩa là đã đậu xong bằng tú tài I rồi) của trường Lê Văn Duyệt. Em viết thư để tỏ ra mình là một người lớn xưng tôi và gọi: Anh lính. Tóm tắt bức thư nói rõ cái bực dọc của kẻ bị bắt buộc viết thư cho một người không xứng đáng với mình - Một anh lính tồi tàn ở một nơi nào đó không biết. Thoạt tiên thì tôi giận, giận cùng mình... Học Đệ Nhất, thì mới là lớp của em út tôi, già lắm là hai mươi tuổi, thua tôi mười tuổi, một thế hệ... Thế mà nó lên mặt cao ngạo, trịch thượng, nếu không nói là mất dạy. Nhưng rồi xét cho cùng, tôi không trách đứa con gái nhỏ đó. Tôi không trách cứ, vì trách nhiệm là tầng lớp của cha mẹ, thầy giáo và xã hội đang nuôi dưỡng và giáo dục lớp tuổi cô bé đó. Tại sao cô gái nhỏ đó khinh lính? Vì từ học đường kéo ra đời sống bên ngoài, ngay cả đến cơ quan Chiến tranh chính trị quân đội có ai vẽ được chân dung đích thực của người lính Việt Nam? Chỉ có loại lính bột, lính kiểng, lính không có xương, giống như hình ảnh của hai em bé tặng một cành hoa hạng bét cho một anh lính văn phòng, tóc để dài như kép hát, mang áo giáp một cách vụng về, bức ảnh được chụp tại một doanh trại ở Gò Vấp, nhưng được ghi chú "Xuân ở tiền đồn"...
Làm gì có loại lính Nhảy dù "nhảy xuống đất chơi"? Nhảy một saut là một điều nguy nan, saut thứ ngàn lẻ vẫn có tai nạn như thường... Nhảy tim sẽ to lên vì máu bị dồn mạnh, đứng đợi ở cửa máy bay người bị đun vào trong một vùng hờ hững mênh mông. Đó chỉ là kỹ thuật, huống gì nhảy một saut hành quân là bán hẳn đi phần số tuổi thanh xuân. "Thiên Thần Mũ Đỏ" cái tước vị này nếu dùng thật đứng đắn mới có giá trị kích thích niềm hãnh diện trong lòng người lính, chứ dùng như một vật công cộng, một thứ đầu môi chót lưỡi, thì hình ảnh người lính Nhảy dù còn là gì? Làm gì có những người lính "viết thư dưới trăng đại dương", làm gì có hoa sóng, hoa rừng... Một ngàn lần, tôi đoan chắc như vậy không có loại lính kể trên. Nó chỉ qua hình ảnh của mấy anh kép hát... Tôi cũng cả quyết rằng hình ảnh người lính Việt Nam không phải hình ảnh của anh kép cải lương mặc áo lính in trên bìa bản nhạc, cũng không phải là hình tượng của các cô gái nhỏ làm thơ đăng ở báo Văn Nghệ Tiền Phong... Vậy trách đứa con gái nhỏ đó làm gì? Cả xã hội này còn ngộ nhận, xa lạ với chiến tranh và người lính huống gì một đứa trẻ chưa rời lớp học. Nhưng rồi trong một tương lai thật gần, cô con gái nhỏ đó có cha, có chú, một người anh một người yêu ở Quang Trung, Thủ Đức. Em vào đấy thăm và sẽ biết... Em sẽ chờ đợi một lá thư, một ngày phép. Một năm sau, người thân đó trở về như một con thú, như kẻ điên, kẻ xa lạ với loài người từ lâu lắm... Khi đó em sẽ hiểu và chắc rằng em phải hiểu rõ hơn lúc người thân của em được gửi về trong chiếc túi ny lông. Lúc đó em ắt biết thế nào là lính... Chắc chắn như thế, cô gái nhỏ ạ.
Tháng 12-1968, Long Khánh.
 
Chương 22: Người Chỉ Huy Về Già
Có thể nói sếp cũ của tôi là một ông già, già nhất trong những người giữ nhiệm vụ chỉ huy đơn vị tác chiến. Ông đi lính từ một thuở thật xa, lâu lắm, cách đây hơn hai mươi năm lúc quân đội chỉ độc các loại commando, Lê-Dương, Nhẩy Dù thuộc địa... Đánh nhau bằng súng mút-cờ-tông từng phát một hay những cây FM đầu bạc bắn gật gù như ông già ho lao. Lúc chiến tranh còn nằm tít trên biên giới Lào - Việt - Trung, trận đánh toàn một cách xung phong ầm ầm, ào ào để giữ những làng, thị trấn mang tên lạ hoắc như Bản Hiu-Siu, Mường Phen, Thất Khê... Ông già sếp tôi thuở đó khởi nghiệp nhà binh với lon Cai ở Commando. Không rõ những ngày ở đơn vị đó ông có những gì đặc biệt, chỉ biết ông ta nhắc lại đoạn đời qua bằng một câu thật gọn: Cai thậttrẻ... Giọng Bắc Kỳ khàn khàn xuống mạnh vào chữ mang đầy kiêu hãnh và tự tín. Tước hiệu "cai thật trẻ" hình như là nỗi hãnh diện đầu tiên và đích thực nên sau này khi đã đóng đến lon "quan Năm", lúc say rượu, dù cơn say vào độ tơi bời tàn khốc, ông vẫn còn nhớ được: "Tao là Cai Hùng, đếch phải là trung tá cái củ c... gì ráo...". Cai Hùng! Cai Hùng! Một tuổi trẻ gió bão nào đó đã đi qua.
Lúc tôi đến đơn vị này, ông năm mươi tuổi; năm mươi tuổi để tất cả đầu tóc bạc trắng và những nếp nhăn cày sâu trên mặt, nhưng ông vẫn còn nguyên vẹn thái độ nồng nhiệt đối với đời sống của ngày trai trẻ. Thời gian về trước ông đã nổi tiếng với những câu chuyện như sau: Quan Ba Nhảy dù nhưng vẫn đánh một chiếc xe đạp thổ tả cọc cà cọc cạch rong chơi với một con gà ở đằng sau porte-bagages. Thú nuôi gà của ông đã lên đến cao độ đến nỗi ông ta mang biệt hiệu "Hùng gà chọi". Nghe tiếng một con gà nào đó ở Bà Điểm nổi danh vì ngón đòn, ông lọc cọc chiếc xe vượt qua một quãng đường dài lồi lõm sống trâu để chứng kiến cho được ngón đòn của gà... Hãy nghe ông "luận" về gà: Nó là một guerrier, đấy là một combattant, không bao giờ lùi không bao giờ chịu thua... Đến chữ "thua" ông đưa một quả đấm lên trời, mắt long lên sòng sọc. Đúng là hình ảnh của một con gà chọi. Chẳng hiểu thằng nào gán cho ông cái biệt hiệu thật đúng phong phóc!!! Nó là một tay gan lì! C’est un type! Dù có bị đánh lê nhê, máu me đầm đìa, hắn ta vẫn nhẫn nha chiến đấu... Có con gà bị đánh mù mắt, hắn ta mù nhưng vẫn lừa đối thủ để kẹp lấy chiếc cổ và thế là a-lê-hấp nó phản đòn ngay. Ông có thể luận về gà đầy đủ chi tiết, nhại lại thế đứng,một ngón đòn hay của con gà... Không có gì phải bất tiện, hai tay là hai cánh gà, hai chân biến thành một cặp chân tưởng như có đủ cựa nhọn, đầu cúi xuống, ông diễn tả nhiệt tình và chi tiếp hấp dẫn của mỗi trận đấu. Thế giới loài gà nếu biết được sự ái mộ nồng nhiệt đó chắc hẳn không bao giờ buồn phiền nếu ở trong tường hợp "à la casserole" hay "à la gamelle"... sau khi bị thua trận. Sau đá gà là rượu, rượu là nước của ông, chiếc bi-đông sau lưng bao giờ cũng đầy rượu đế ngâm vài cục đường phèn. Nhấp một tí rượu, cắn một miếng cóc nhỏ là đủ sức đi thêm một đoạn đèo, vượt một rặng núi. Dừng quân, cởi chiếc nón sắt, ông rút bi-đông làm ngụm rượu, đốt điếu thuốc, loại thuốc đen Mélia hay Bastos ngồi lim dim đôi mắt...
- Trung tá có ăn cơm không?
Anh lính cần vụ lân la đến hỏi.
- Tớ đ... cần! - Trung tá có mệt không?... - Mệt chó nào được, ngày rút từ Lào về tớ chạy bộ suốt bao nhiêu ngày đêm cũng chẳng bõ bèm gì... -
- Chết mẹ... - Tụi lính xì xào...- Ông già lại nói chuyện bản Hiu-Siu thì chết cả lũ!
Đúng ngay bong! Ông bắt đầu kể chuyện Bản Hiu-Siu ở bên Lào...
- "Lúc đó tớ là thiếu úy, ban đêm Việt Minh ùa vào, dây kẽm gai giăng thấp chừng này, lính Bayonnette au canon! À la grenade... En assaut... Việt Minh lùa vào, mặc, tớ cứ tương lựu đạn đều đều...
Ông ta đứng dậy ngay trên sườn núi biểu diễn thế ném lựu đạn và đâm lưỡi lê, ngừng một chút để hớp thêm tí rượu. Thiếu tá cố vấn Mỹ đến hỏi một điều gì đó, ông cụt hứng gắt um:
- C... Đ.m cứ lẩm cà, lẩm cẩm cả ngày...
Anh cố vấn de lui, mặt mũi thộn ra trông "quê" một cục. Ở Phú Thứ, Thừa Thiên năm 1967, ông chỉ huy tiểu đoàn tôi cùng tiểu đoàn 7 Nhảy dù tiến đánh vào khu giải phóng của vẹm, lúc tiểu đoàn 7 đụng trận, ông đứng trên thiết vận xa nhảy cỡn lên vì thích thú...
- Đấy, tớ biết ngay, các chú (Việt cộng) đang ở chỗ này, nhất định là ở chỗ này... Thằng Bảy đụng ở đây, tớ dàn cậu (chỉ tiểu đoàn trưởng tôi) ở chỗ này là đi đoong đời các chú, tớ nghiền... Nghiền nát các chú ấy.
Chữ "nghiền" được diễn tả bằng hai bàn tay bóp chặt vào nhau và kéo dài theo hơi thở, mồm ông méo hẳn lại để diễn tả cảnh tan nát của các anh Việt cộng. Đại loại là như thế, ông sống ở đời với thái độ "Tiếu Ngạo Giang Hồ", nhân vật Lão Ngoan Đồng Chu Bá Thông chắc cũng đến độ của ông già sếp tôi mà thôi. Năm 1965 hành quân tại Đức Cơ khi rút ra Pleiku nghỉ, không hiểu bị lôi kéo thế nào ông đi theo mấy đại đội trưởng vào hội quán Phượng Hoàng để khiêu vũ! Lệnh ông tướng vùng bấy giờ cấm mặc quân phục vào hội quán, anh quân trấn trưởng nói năng ra làm sao, ông nổi sùng...
- Đ.m Hùng đi hành quân chỉ có mỗi bộ quần áo nhà binh, không cho tớ mặc đồ trận thì tớ cởi truồng sao?
Thuận tay ông đưa luôn một qua dirrect, anh quân trấn trưởng nằm thẳng cẳng. Đóng quân ở Hương Trà, Huế, tiểu đoàn tôi làm tiệc mời ông ra hát. Hát không được thì tớ múa vậy! Nói là làm, ông đi một đường flammenco cũng lắc mông, lắc ngực, và kết thúc là một bài thuyết trình "Qu’est ce que L’armée?" Tiếp theo là những lời sỉ vả tàn tệ vua quan sĩ thứ người trong nước, ông nhớ đến ai ông chửi tơi bời hoa lá, chửi đích danh, chửi ngon lành, chửi như một cơn giận từ bao nhiêu lâu che dấu nay cho tuôn ra như dòng sông được mở... Đầu năm 1968, gần Tết Mậu Thân, lữ đoàn ông hết nhiệm vụ, từ Huế trở về Sài Gòn. Ông Tướng khu chiến thuật nhắc ông ở lại Huế để đón Tổng Thống cùng Thủ Tướng, ông hạ ngay một câu:
- Tớ hết hành quân là tớ về, Tổng thống đâu có thương tớ bằng mẹ đĩ được!
Nói xong ông leo lên tàu bay đi thẳng. Có một anh nhà báo lân la đến phỏng vấn...
- Xin trung tá cho biết ý kiến về cuộc hành quân vừa qua?
- Ý kiến hả...? - Đợi cho anh nhà báo sửa soạn ghi chép, ông "tuyên bố": Sướng nhất là đêm Noel tớ say rượu gọi máy truyền tin qua Bến Haœi chửi Võ Nguyên Giáp và Hồ Chí Minh!!
Nhưng đằng sau những cơn say, những màn tiếu ngạo ồn ào trên, thật dễ dàng nhận được niềm thiết tha, mối nhiệt tình nồng nàn đối với quân đội và quê hương. Thật lạ lùng với hai mươi năm ở đơn vị tác chiến, thời gian bằng số tuổi của một gã trai trẻ, một gã trai trẻ cỡ tôi nhưng lòng hiu hắt như cơn nắng quái sắp tàn. Hơn hai mươi năm nhà binh với năm mươi tuổi, một mái tóc bạc trắng, ông vẫn có một nụ cười thật tươi để thêm vào câu chuyện. Thế nào là một cán bộ giỏi? Thế nào là những nguyên tắc căn bản để chỉ huy? Thế nào là DOC (Dirriger, Organiser, Controler) ông nói say sưa, dẫn giải từng điểm chi tiết về bổn phận của người trung đội trưởng, đại đội trưởng. Khói thuốc lá làm ánh mắt thành hiền hòa, ông nói sang sảng, trình bày mạch lạc. Ông gây nơi tôi một sự xúc động kỳ lạ, nỗi xúc động khám phá được niềm tin vẫn còn trong lòng một người giáo tóc bạc da nhăn với hơn hai mươi năm đi khắp rừng sâu núi cả quê hương. Hơn hai mươi năm gánh chịu cơn đau yếu đỏ lửa của tổ quốc, cơn đau yếu nhọc nhằn của dòng sống dân tộc chông chênh. Chiến tranh vẫn chưa đốn ngã niềm tin trong lòng ông... Tớ chỉ là Cai Hùng... Cai thật trẻ!! Sau này ông bị ra khỏi binh chủng vì một lý do nào đó tôi không hiểu nhưng điều này chắc chắn là một vết thương lớn nhất trong đời ông. Ông im lặng ngồi trong chiếc phòng con nhìn xuống chân đồi doanh trại cười gằn uất nghẹn đau đớn. Làm sao nói cho hết nỗi cay đắng của người lính già khi phải từ bỏ đơn vị, binh chủng cùng sống trên hai mươi năm lúc tóc còn xanh như niềm hy vọng đến nay mái đầu nhuốm bạc trắng. Không những vì một tuổi già nhưng cũng là lớp sương giá chồng chất lên sau khỏang thời gian binh biến. Thường ngày trong cơn say ông hay mò đến văn phòng chúng tôi để tìm người nói chuyện, nhưng trong thời gian này ông ngồi im như một kiêu hãnh bị xúc phạm, tiếng hét được ghìm xuống giữa kẽ răng thành những tiếng cười gằn nhức nhối như lưỡi dao đâm vào qủa tim đang mở miệng cười.
Ông ra khỏi binh chủng, chỉ huy một đơn vị bộ binh nhưng vẫn mặc đồ ngụy trang và đội nón đỏ. Đâu còn là những kích thích về hình thức quyến rũ đối với ông. Nhưng phải nghe ông ta nói: "Tớ là Nhảy Dù... Tớ là Cai Hùng..." Tiếng "Nhảy Dù" nghe ngắn, chắc như xác định niềm hãnh diện có thật của một người đã sống hết đời cho tập thể. Sau một thời gian ở trung đoàn này ông bị tai nạn trầm trọng, tất cả cơ quan trong người bị đảo lộn. Ông phải chịu nhiều cuộc giải phẫu, thị giác trở nên yếu kém, mất phần lớn ý niệm về sự việc. Lúc chúng tôi đến thăm, ông không nhận ra, nhưng trong nỗ lực của trí nhớ, bỗng nhiên ông nhận ra Vinh "con", viên sĩ quan nhỏ tuổi nhất được ông thương mến như con cháu. Ông nhận ra nó đồng thời với một giọng nói run run:
- Tớ lúc này chỉ thấy mờ mờ nhân ảnh!
Trong tận cùng của đổ vỡ, ông cũng không mất đặc tính khôi hài, dấu hiệu của tâm chất dũng mãnh dù hoàn cảnh đã đẩy đưa vào hố thẳm của tuyệt vọng. Sau này khi nhìn thấy được cảnh vật nhạt nhòa, ông đến trại thăm lại nhà cửa, hỏi thăm các hạ sĩ quan và lính cũ. Trí nhớ chưa phục hồi hẳn, ông mệt nhọc hỏi từng người với những câu nói rời rạc hỗn độn, sau cùng ông nói với tôi để xin người lính về giúp ông công việc riêng tại nhà. Lần đầu tiên nghe ông nói công việc liên quan đến gia đình. Khi tôi bảo người lính theo ông về nhà, ông vui vẻ ra mặt:
- Quý hóa quá, thế mới biết anh em Nhảy dù luôn giúp đỡ nhau...!
Lòng tôi trùng xuống như cơn mưa của ngày đông buồn bã. Tiễn ông xuống đồi, bóng người lính già khuất bụi mờ. Sau kiếp người đằng đẵng gian lao cho Tổ Quốc một khỏang trống xám đặc bụi mù.
Tháng 5-1969. Hậu cứ Long Bình.
Hậu Từ: Về Trung Tá Đào Văn Hùng, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn II Nhảy Dù - Sau 30-4-1975, lực lượng Cộng sản vào khu ngã Ba Ông Tạ truy lùng và xét xử ông cùng gia đình. Do thương trận từ trước (bị mù mắt và tê liệt) nên bộ đội CS chỉ xử tử người con trai của ông tại Lăng Cha Cả ngay sáng ngày 30-4-1975.

No comments:

Post a Comment

TỔNG LƯỢC VỀ TRẬN ĐÁNH TÁI CHIẾM CỔ THÀNH QUẢNG TRỊ Chu Tất Tiến.

Tháng 12, năm 2020, một nhóm người trẻ thuộc thế hệ thứ 2 đã xin được sự đồng thuận 5/5 của thành phố Westminster cho phép xây dựng Tượng Đà...