Friday, July 2, 2021

Phóng viên BBC Việt ngữ Quảng Trị 30 năm sau cuộc chiến

 16 Tháng 4 2005 - Cập nhật 18h56 GMT

Hoàng Dương
Phóng viên BBC Việt ngữ

Quảng Trị 30 năm sau cuộc chiến

Quảng Trị là một trong những mảnh đất chứng kiến giao tranh ác liệt nhất trong cuộc chiến của Việt Nam xưa kia, với những địa danh chỉ nhắc đến tên thôi cũng đủ gợi lại những ký ức máu lửa của một thời.

Điểm đầu tiên tôi đến là Khe Sanh, nơi lực lượng thủy quân lục chiến của Mỹ đã đóng tại đây từ năm 1966.

Trong trận đánh ác liệt diễn ra đầu năm 1968, theo một số báo cáo, lực lượng Mỹ mất khoảng 200 binh sĩ, trong khi lực lượng cộng sản mất tới hàng ngàn.

Những trận địa ngày trước tại Khe Sanh giờ đây đã bị màu xanh cây cỏ phủ kín, ngay đến những cựu binh từng chiến đấu ngày trước cũng khó lòng nhận ra.

Một chiếc xe tăng đứng nghễu nghện đứng ở nga ba đường vào làng Vei, nơi lực lượng cộng sản xuất phát tấn công trong trận đánh năm 68.

Sân bay Tà Cơn ngày trước giờ được chuyển thành bảo tàng lưu giữ những chứng tích của chiến tranh cho khách du lịch tới thăm.

Theo nhiều người, cuộc sống của người dân địa phương tại Khe Sanh, huyện Hướng Hoá, Quảng Trị đã khá hơn rất nhiều so với trước đây. Nông dân dọc theo đường 9, Khe Sanh giờ đây đa phần trồng chuối, sắn, cà phê, hồ tiêu và cả cây ăn quả.

Thế nhưng, dọc đường, tôi có thể thấy sự chênh lệch khá rõ về đời sống kinh tế giữa người Kinh và người dân tộc: nhà cửa của đa phần bà con dân tộc - chủ yếu là Vân Kiều, Paco - đều còn rất nghèo.

Anh Hồ Xuân Hương, một người dân tộc Vân Kiều ngay tại làng Vei nói đời sống của bà con đã khá hơn ngày trước, thế nhưng cũng chỉ ở mức đủ ăn, các điều kiện sinh hoạt vật chất khác còn thiếu thốn.

Cổ Thành

Ngày 30/3/1972, lực lượng cộng sản miền bắc Việt Nam bắt đầu chiến dịch Nguyễn Huệ, mở đầu một loạt các cuộc tấn công vào các căn cứ của quân đội VN Cộng hoà tại Quảng Trị, tạo nên cái gọi là Mùa hè đỏ lửa 72.

Các khu căn cứ của VN Cộng hoà lần lượt rơi vào tay cộng sản trong những ngày sau đó.

Sau đó, khi Cộng sản kiểm soát Cổ thành, các lực lượng Mỹ và VN Cộng hoà đã liên tục đánh bom và pháo kích, mà theo số liệu của chính quyền Quảng Trị, trong thời gian 81 ngày, họ đã phải hứng chịu tới hơn 300 ngàn tấn bom đạn của Mỹ và phe VN Cộng hoà.

Đến ngày 25/7/72, lực lượng dù VN Cộng hoà cắm được cờ tại Cổ thành Quảng Trị, nhưng phải đến tận ngày 16/9 họ mới giành lại được quyền kiểm soát, đẩy phe Cộng sản Bắc Việt rút sang bờ bắc sông Thạch Hãn.

Ngày nay, cổ thành Quảng Trị được chuyển thành công viên tưởng niệm những người đã ngã xuống để cho nhân dân vào tham quan.

Khu vực dân cư xung quanh thành cổ phát triển giống như nhiều khu vực thị tứ khác ở Việt Nam, không có nét gì đặc sắc, nếu không muốn nói là còn nghèo so với các thành phố lớn.

Và cũng như tại nhiều nơi khác ở VN, những người dân mà tôi gặp̣ thường ít nói về chính trị; họ cho biết quan tâm chính của họ lâu nay đa phần chỉ tập trung vào miếng cơm manh áo, làm sao lo phát triển đời sống kinh tế, có đủ tiền đóng góp cho con em học hành.

Không hiểu có phải vì họ đã từng trải qua một quá khứ quá đau thương và gian khổ, nên đa phần những người dân mà tôi có dịp trò chuyện chỉ hay so sánh cuộc sống ngày nay với thời điểm trước đây, và cho rằng thế là tốt lắm rồi; mà họ ít so theo chiều ngang, chẳng hạn so với mức sống của các nước láng giềng ngay cạnh như Thái Lan, Lào, hay đâu đó...

Hậu quả bom mìn

Chiến tranh đã qua đi 30 năm, nhưng dấu ấn chiến tranh cho đến ngày nay vẫn còn đó.

Chính quyền VN cho biết trong thời gian từ năm 1975-2000 có hơn 100 ngàn ca thương vong vì trúng phải bom mìn để lại từ thời chiến tranh, trong đó có gần 40 ngàn ca tử vong.

Tại tỉnh Quảng Trị nơi tôi đến thăm, được biết chỉ có 33% các khu vực huyện lỵ có biển chỉ dấu về các nơi còn bom mìn để lại, trong khi theo một báo cáo của tổ chức chống bom mìn quốc tế, 92% những người trúng bom mìn mà còn sống cho biết họ gặp nạn tại những nơi không có ghi biển thông báo.

MAG (Mines Advisory Group) là tổ chức phi chính phủ của Anh, có trụ sở tại thành phố Manchester, đã giúp rà phá bom mìn tại Quảng Trị và một số nơi ở VN trong một số năm lại đây.

Ông Stephen Bradley, người phụ trách chương trình tại Quảng Trị, cho biết MAG bắt đầu hoạt động tại Quảng Trị năm 1999.

Cho tới nay, họ đã giải phóng được 500ha đất tại hai tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình, tháo gỡ được 50 ngàn các loại bom mìn vũ khí lớn nhỏ mà chiến tranh để lại, kể cả các loại bom lớn nhất mà máy bay Mỹ từng thả xuống.

Anh Trần Hồng Chi, cán bộ chương trình hỗ trợ nạn nhân bom mìn CPI (Clear Path International) cho biết tần suất thương vong vì bom mìn tại Quảng Trị giờ đây tuy có giảm so với trước, nhưng vẫn tiếp tục là một mối đe doạ gây ra những tai hoạ khó ngờ cho dân thường.

Theo anh Chi, cứ hai ngày, tổ chức CPI của anh lại được thông báo về một tai nạn liên quan đến bom mìn còn sót lại trong chiến tranh.

Tôi được dẫn đến thăm một số nạn nhân bom mìn tại thị xã Đông Hà. Năm 92, anh thanh niên 20 tuổi Lê Văn Phúc tại thị xã Đông Hà bị vướng phải quả mìn cóc khi đang làm vườn.

Anh bị thương rất nặng, phải mổ nhiều lần và bệnh viện đã từng tuyên bố bó tay, thế nhưng anh vẫn gắng gượng, và với sự giúp đỡ của tổ chức hỗ trợ nạn nhân bom mìn CPI, giờ đây anh đã khá hơn.

Tuy nhiên, gia cảnh của anh, cũng như đa phần các nạn nhân, lại rất nghèo, nên việc điều trị và phục hồi cũng khó khăn.

Anh buồn buồn nói với tôi mong muốn duy nhất của anh là có thể mở một cửa hàng nhỏ bán đồ để phụ giúp gia đình, vì anh là con trai cả, cha mẹ đã già, mà giờ đây anh cũng không còn sức khoẻ để làm những công việc khác.

Phát triển kinh tế

30 năm sau khi chiến tranh kết thúc, Quảng Trị vẫn là một tỉnh nghèo, với hơn 600 ngàn dân đa phần sống dựa vào nông nghiệp.

Thực ra, từ lâu nay, giới chức Quảng Trị đã nhận thấy mục tiêu phát triển kinh tế phải được đặt lên hàng đầu.

Gần đây, giới chức Quảng Trị đặt nhiều kỳ vọng vào việc phát triển khu thương mại tự do Lao Bảo, là khu vực ngay cạnh Khe Sanh, giáp với Lào, nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây.

Ông Nguyễn Văn Cường, trưởng Ban Quản Lý Khu Thương mại Lao Bảo, nói giới chức hiện đầu tư rất nhiều vào phát triển cơ sở hạ tầng cũng như các chính sách đầu tư thông thoáng để mời gọi các nhà đầu tư tới Lao Bảo.

Ông hi vọng khi tuyến hành lang kinh tế Đông Tây đi vào hoạt động, khu thương mại tự do Lao Bảo sẽ phát triển thêm nhiều.

Khác với những tỉnh thu hút nhiều đầu tư nước ngoài mà giờ đây tỏ ra khắt khe trong việc lựa chọn các dự án đầu tư, Quảng Trị hiện mới chỉ ở giai đoạn đầu, và còn đang ra sức mời chào, kêu gọi, lôi kéo các nhà đầu tư tới đây.

Đi tới đâu, tôi cũng được nghe giới lãnh đạo địa phương quảng bá rằng chính sách khuyến khích đầu tư tại Quảng Trị là ưu đãi và thông thoáng nhất so với cả nước. Không hiểu điều đó đúng đến đâu.

Được biết một trong những trọng tâm của tỉnh còn là tập trung phát triển các khu công nghiệp, để làm sao chuyển dân lao động nông nghiệp thu nhập thấp sang làm việc trong lĩnh vực công nghiệp.

Ông Nguyễn Cư, trưởng ban quản lý các khu công nghiệp tại Quảng Trị, cho biết Quảng Trị hiện có bốn khu công nghiệp đang được xây dựng, và giới chức đang kêu gọi nhà nước đầu tư xây dựng sân bay, cảng biển để giúp Quảng Trị phát triển.

Tuy nhiên, tại nhiều nơi khác trong tỉnh, sự phát triển vẫn còn khá chậm chạp.

Chẳng hạn khu vực "Đại lộ Kinh hoàng" - là trục Quốc lộ I nối giữa huyện Hải Lăng tới cầu Mỹ Chánh, nơi vào ngày 1/5/72, sau khi tướng Vũ Văn Giai của Việt Nam Cộng hoà thất trận và được di tản, đã để lại một dòng người bỏ chạy hỗn loạn gồm cả lính thất trận lẫn thường dân, và bị cộng sản tiêu diệt, mà theo các báo cáo, là tới hàng ngàn - giờ đây chỉ có một nhà máy tinh bột sắn mới đi vào hoạt động và một khu nuôi tôm không thu được lời lãi gì nhiều.

30 năm sau cuộc chiến, mảnh đất Quảng Trị ngày nay vẫn còn nghèo, có vẻ vẫn còn in đậm những dấu ấn hữu hình và vô hình của cuộc chiến.

Và vấn đề phát triển có vẻ vẫn còn là cả một cuộc vật lộn tốn nhiều thời gian và công sức tại đây.

---------------------------------------------------------
Trung, Sài Gòn
Bạn HA, mình cũng là một học sinh lớp 12 ở TPHCM.Đọc ý kiến của bạn, mình có nhiều băn khoăn. Thứ nhất, những nhận xét trên của đồng bào Việt Kiều, dù khách quan hay chủ quan thì đều không phải là không có cơ sở. Việt Nam vẫn là nước NGHÈO, nhìn đi nhìn lại xung quanh thì nước ta vẫn là nước dân trí còn kém, nhất là ở nông thôn, hạ tầng cơ sở, dịch vụ đều thiếu thốn. Bạn thử bước ra ngoài đường xem: đường xá thì lồi lõm lung tung, nhà cửa lộn xộn,dây nhợ chằng chịt... bộ mặt thành phố như thế cũng đã đủ để tạo ấn tượng xấu rồi... Đôi khi nhìn lại chúng ta hay hài lòng với những thứ như di động đẹp, xe máy xịn mà không nghĩ rằng ra đường thấy ngay thành phố xập xệ, nông thôn nghèo nàn, lạc hậu cả về vật chất hay tinh thần... nếu bạn nói cuộc sống tốt đẹp thì không nên nhìn nhận một cách tương đối, nếu không thì sẽ chỉ là chủ nghĩa sô-vanh thôi.

Thứ hai, xã hội chúng ta còn nhiều bất công, mà đành rằng xã hội nào cũng có, nhưng mục đích của mọi sự phát triển chẳng phải là thu hẹp những bất bình đẳng đó hay sao. Dường như chính phủ chúng ta chưa tạo được một hình ảnh đẹp về đất nước... nói theo ý bạn là dù cho các thầy bói có mù loà đi chăng nữa, thì người nài voi phải làm mọi cách để nói với họ rằng con voi nó như thế này, như thế kia, chỉ cho họ đâu là cái vòi, cái tai... tới khi họ không thể cãi lại được nữa. Ta chưa làm được điều đó.

Trẻ VN
Chính Bác Hồ đã nói " con người ta sinh ra là bình đẳng" , trên diễn đàn, nơi hội họp ai có kiến thức, nhận xét phân minh thì cứ mạnh dạn tham gia góp ý, dù sinh sau đẻ muộn nhưng biết tìm tòi sách sử, biết phân tách phải quấy thì đừng câu nệ trẻ hay già để biện bạch sự vô tư hay thiên vị . Đọc giả HA còn trong tuổi học trò, nhưng văn phong khá già dặn , biết rào đón trước sau, đúng là hậu sinh khả uý, tuy nhiên có những điều đã nhận mình không biết, không trải qua thì tại sao lại phê bình, thế không phải là khiêm tốn.

HA
Cháu chỉ là một HS lớp 12, cháu đã đọc di đọc lại bài này rất nhiều lần bài này, và cháu có cảm tưởng một số tác giả trong bài này viết ra cảm tưởng của họ như trong cay cú, và các đánh giá, nhận xét của họi nói như bọn cháu bảo là các thầy bói mù trong truyện ngụ ngôn Việt nam "Thầy bói xem voi". các thầy bói này đều bị mù, và cố gắng tỏ ra minh là người hiểu biết, sáng suốt đưa ra những nhận xét, đánh giá... rất chi là chân thực, nhưng hỡi ôi, các thầy ơi hãy để con voi là con voi vỗn có của nó.

Cháu là người sinh ra sau cuộc chiến, không được cảm nhận được sự ác liệt của chiến tranh. Nhưng cuộc chiến đã đi xa rồi, có cần thiết các bác cứ phải "trỉ chích" mọi người không nhỉ như bác "Trần Việt Nhân, Alexanria, VA, USA : nhà! cầm quyền Hà Nội còn làm được gì? Sau 30 năm nhìn lại,.." hoặc bác "Hoàng Hà, Huế, VN: Vì tôi đang sống tại Huế và thường ra ngoài Quảng Trị nên thấy những gì anh Hoàng Dương mô tả là đúng", và anh Hoàn Dương nữa, em cũng chẳng hiểu anh Hoàng Dương, anh đã miêu tả rất chân thực nhưng giọng văn lại hướng người đọc nghĩ rằng VN ko quan tâm dến những nơi từng sảy ra chiến tranh hoặc đến những người dân.. em cảm tưởng anh so sánh rất khập khiễng như kiểu mấy thằng cháu em học lớp 1 hay nói: " nhà tao giàu hơn nhà mày, tao với mày đánh nhau, tao thua mày đấy, nhưng sao nhà mày vẫn không giàu hơn nhà tao?, mày có dám trả lời tao không?".

Cháu không được sống những năm 60-80 của thế kỷ trước, không được chịu đựng cuộc sống khổ cực, nhưng cháu lại may mắn được sống trong xã hội hiện tại ở Việt nam, các tác giả có đồng ý với cháu rằng, cuộc sống của người dân VN hiện tại đã được cải thiện rất nhiều, cuộc sống đã không còn phải cố gắng ăn no, mặc ấm mà đang tiến tới ăn ngon mặc mode. hơn hẳn rất nhiều cuộc sống của cả hai miền thời chiến. Còn về an ninh, trật tự xã hội, chẳng phải những năm qua VN được đánh giá là nước có độ an toàn cao về an ninh và kinh tế sao. Nhưng cháu biết vẫn còn nhiều bất công, ngay cả nước Mỹ còn đầy đấy, tại sao các độc giả không thấy được điều đấy, cứ trỉ chích VN như kiểu " thắng tao sao lại không bằgn tao" của học sinh lớp 1. C! ác bác ơi, sao các bác không cố gắng làm ăn thật tốt, nuôi dạy các con bác thật tốt, đấy cũng là một điều làm tốt cho cái Xã hội bác đang tham gia sống rồi đó. Như thế là các bác đang giúp ích rồi đó. Cám ơn các bác đã đọc, xin lỗi bác nào, nếu cháu có hơi phạm úy nhé. Còn giờ cháu đi bơi đây. Chúc bác vui.

Phong, Houston, USA
Cám ơn Hoàng Dương đã có bài viết này. Quảng Trị là quê vợ của tôi, những nghèo nàn của vùng đất chiến tranh một thời này vẫn còn đè nặng lên vai người dân ở đây, anh Hoàng Dương phải thông cảm cho họ khi hỏi tại sao họ không biết so sánh gì hơn ngoài so sánh cái hiện có và cái đã có trước đây (từ 1975 trở về sau). Cũng xin chia buồn với anh về nhiều người phê phán bài viết của anh khi nó đụng chạm đến sự thật về Đại lộ Kinh Hoàng khi xưa. Không biết ở trong những người phê phán này có mấy người "cao niên" đã từng tham chiến tại vùng này? Có mấy người có tuổi vào thời gian này?

Tôi chỉ biết lúc đó tôi cũng còn chưa lớn khôn đầy đủ nhưng những hình ảnh trên báo chí và các kênh truyền hình lúc đó vẫn còn trong tâm khảm của tôi. Những ai không tin điều này thì vẫn còn có rất nhiều hình ảnh tài liệu về nó trên thế giới. Những ai phê phán xin đừng quên: chiến tranh là đi đôi với giết chóc! Cho dù người Cộng Sản Việt Nam đặt cho nó là cuộc chiến tranh thần thánh, nó vẫn không có nghĩa là binh sĩ Bắc Việt chỉ bắn vào binh sĩ đối phương mà những người dân thường! chết chỉ là do binh sĩ đối phương lạm sát. Nếu suy nghĩ như vậy thì quả thật là những người lính cộng sản đều là thần thánh cả rồi!

Tôi cũng xin trả lời Lux là tại sao quân Cộng Sản lại tấn công khi quân VNCH đã bỏ chạy như bạn viết ra thắc mắc: bởi vì họ không biết họ có thắng trong cuộc chiến này không? (ngay cả khi tấn công vào Buôn Mê Thuột vào 1975 cũng không có ông tướng nào dám mơ có thể vào tới Sài Gòn vào ngày 30/4/1975). Khi không biết mình có thắng hay không thì tiêu diệt đối phương vẫn là kế hoạch hàng đầu được ưu tiên. Và ai đó phê phán khi không đồng ý dùng cụm từ "cộng sản" hay "cộng sản bắc việt" cho là có hiềm khích hay ý xấu thì thật là khôi hài. Xin các vị hỏi lại các lãnh đạo Đảng Cộng Sản VN xem họ có thấy bị xúc phạm không? Đã nói là tự hào là người Cộng Sản thì tại sao người ta gọi mình là Cộng Sản thì nổi giận? Nếu không gọi là Cộng Sản thì phải gọi là gì? Không lẽ một đài trung lập như BBC phải gọi là "bộ đội Cụ Hồ" hay sao?

Chiến tranh là cái gì đó xấu xa, nếu chúng ta cứ mãi chỉ biết hãnh diện về chiến tranh mà không biết làm sao để hãnh diện là một nước giàu thì ... thật đáng tiếc. Có người cho rằng quá khứ nên khép lại để cùng chung tay xây dựng quê hương nhưng như ông Võ Văn Kiệt đã nói là chúng ta nên hành động chớ đừng nói suông nữa. Khi luôn miệng chửi bới và nhục mạ những người thất trận và luôn kỷ niệm rình rang những gì mà ai đó nói muốn khép lại thì làm sao khép lại được? Muốn cây lặng thì gió phải ngừng thổi trước. Và điều cuối cùng là Đảng CSVN luôn nói cái quan trọng là biết nhận lỗi và sửa sai, vậy xin các bạn hãy làm điều này bằng hành động. Đừng nói rằng Đảng CSVN của chúng ta chưa bao giờ sai lầm, rằng Đảng ta là thần thánh chỉ có một số ít đảng viên thoái hoá và không được xem đó là Đảng sai. Một lần nữa xin cám ơn Hoàng Dương và Ban Việt Ngữ đài BBC.

Trần Ba, Madison, US
Anh Tuấn ơi, chắc anh sẽ không bao giờ tin những vụ tắm máu ở Quảng Trị như vậy, hay chuyện chôn sống hàng ngàn người trận Mậu Thân 68, hoặc những cảnh giết người bị trói trong trại cải tạo, hoặc những người vượt biên bị chết, đàn bà bị hải tặc hãm hiếp,v.v... Tôi nghĩ anh chỉ biết những chuyện ngừời miền Nam bị đế quốc Mỹ kiềm kẹp ăn không đủ no, sống không có tự do,v.v.. Tại vì những gì anh biết đã được Đảng ta lọc hết rồi. Đâu phải ai muốn viết sự thật là viết ở dưới chế độ cộng sản!!!

CGO, Sài Gòn, Việt Nam
Anh Tuấn nói sai rồi... Saigon sau khi bị CSVN chiếm thì đâu có khá gì hơn bị tắm máu. Từ bao chiến dịch đánh tư sản, chiếm nhà, cướp của, bắt cải tạo, đẩy đi kinh tế mới bao nhiêu thành phần trí thức cũng như binh lính VNCH ra vùng rừng sâu nước độc. Đã bao nhiêu người ngã xuống cho hả dạ kẻ chiến thắng. Bao gia đình tan tác, rồi bao nhiêu sinh linh phải bỏ trên đường lánh nạn tìm tự do. Ngay cả ngày hôm nay, nhà nước vẫn còn phân biệt đối xử với con em VNCH. Người Mỹ Nam Bắc tương tàn, mà sau khi hòa bình cũng đâu có làm như vậy, cải tạo hay phân biệt đối xử. Làm như vậy thì làm sao lại trách người dân ta là không chịu "hòa hợp, hòa giải dân tộc".

Không tên
Tôi không hiểu việc anh Hoàng Dương sinh sau năm 75 thì liên quan gì đến sự thật về Đại Lộ Kinh Hoàng? Sự thật là sự thật, bất luận có anh HD ở trên đời hay không! Sách L.sử & báo chí ở VN chắc tóm gọn "sự thật" trong vài dòng ngắn ngủi, kiểu như "Địch rút chạy, quân ta chặn đánh, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ". Sạch sẽ và êm đẹp quá phải không? Nếu ai thấy không vừa ý thì có thể đọc Nhân dân, QDND, An ninh thế giới,... mà say sưa men chiến thắng, hoặc có tài thì tống trang BBC này vào sau firewall cho dân VN khỏi đọc tin bậy, OK?

Tuấn, Tp Hồ Chí Minh, Việt Nam
Nếu nói rằng CS tiêu diệt hàng ngàn Ngụy quân và dân thường năm 1972, vậy tại sao sau ngày 30-04-1975, Sài gòn không bị "tắm máu", và không có một người lính VNCH nào bị CS xử bắn ? Có lẽ Hoàng Dương cũng chỉ là kẻ sinh sau chiến tranh, đừng nên hồ đồ như thế.

Gary, Mỹ
Tôi có vào internet và nghe đi nghe lại, nhiều lần bài tường thuật và phỏng vấn của anh về chiến trường ở Quảng Trị, gợi nhớ biết bao kỷ niệm thời chinh chiến, nhất là Đaị Lộ Kinh Hoàng, đây là danh từ của các nhà báo ờ miền nam đặt tên cho khỏang đường kinh hoàng và kinh dị nầy, không sai lầm chút nào cả…những người lính chiến chúng tôi còn thấy “kinh hoàng” huống chi những người dân thường.

Sau nầy qua Mỹ, sưu tầm những tài liệu, cũng như những phim ảnh documentary, chúng tôi đươc biết nguyên nhân xảy ra “đại lộ kinh hoàng” :CS Bắc Việt tiến chiếm những mục tiêu chiến lược như Cửa Việt, Gio Linh, Đông Hà… Tiểu Đoàn 3 TQLC được lệnh giựt xập cầu sông Mỹ Chánh để chặn bước tiến quân của chiến xa địch, các đơn vị Viễn Thám, Trinh Sát ! TQLC nhào qua sông đánh “cận chiến”, với trang bị hỏa tiển “TOW” chúng tôi “nướng” rất nhiều T54 và PT 76 của CS Bắc Việt, các chiến sĩ TQLC rượt theo các chiến xa, leo lên nấp và quăng lựu đạn vào các pháo tháp chiến xa…Ổn định được chiến trường xong, thì chúng tôi TQLC được lệnh bàng giao chiến tuyến lại cho Sư Đoàn 1 Bộ Binh, và TQLC rút về phòng thủ Sông Mỹ Chánh…

Đa số dân chúng ở thị xã Đông Hà, Quảng Tri là thân nhân hoặc liên hệ với gia đình binh sĩ của VNCH (SĐ 1 BB hoặc Tiểu Khu Quảng Trị), không biết do tin đồn sai, hoặc vì hốt hoảng; “tại sao TQLC đang quần thảo với CS BV, rồi đột ngột lại rút quân? Đưa Bộ Binh ra thay thế…” thế rồi những người già, đàn bà con nít, gồng gánh theo nhau, với gia súc như gà, heo, chó… TQLC chúng tôi di! quân đến đâu họ bám sát theo đến đó, rồi v! i áp l ực của CSBV, các BB ở tuyến Sông Thạch Hãn cũng bỏ tuyến theo đoàn quân của chúng tôi, và họ đồn rằng Lê Đức Thọ và Kissinger đi đêm với nhau “nhường” Quảng Trị cho Hà Nội, anh tưởng tượng hằng trăm ngàn người đi bộ dọc theo QL1, hỗn độn và náo loạn, cản trở các đoàn quân sa, pháo binh… kẹt cứng chỉ nhút nhít mà thôi.

Lợi dụng cơn hỗn loạn nầy các đơn vị CSBV pháo kích dữ dội vào đám đông, người chết la liệt đủ kiểu chết, chết nằm chết ngồi, những hình ảnh tang thương chịu không nổi, dù chúng tôi là những người chứng kiến cảnh chết chóc hằng ngày cũng không kềm được nước mắt khi thấy cảnh đứa bé khát sữa, khóc khan tiếng nằm bên xác mẹ chết xình cứng. Heo, bò, chó... chết banh thây, sình thúi nằm cạnh hằng ngàn xác người, mùi hôi! thối từ xác người, xác thú, dân có lính có, vô cùng kinh hoàng, dù những phim kinh hoàng nhất của Hollywood cũng không thể so sánh cảnh thảm sát vì đạn pháo ở đoạn đường kinh hoàng nầy… dù hơn 33 năm qua tuởng tương đến cảnh nầy tôi còn lợm giọng, buồn nôn…

Những chuyện thời chinh chiến, thường chúng tôi chi kể nhau nghe những khi bạn bè, chiến hữu gặp lại. Thường thì chúng tôi khép kín cho chính mình, không kể lại cho vợ, con chúng tôi nghe, chúng tôi muốn vùi chôn quá khứ đau thương không muốn người thân mình biết những kinh khủng của đời mình. Tuy nhiên khi các anh làm phóng sự, tìm hiểu về chiều sâu, về sự thật của cuộc chiến, của con người Cộng Sản thì cũng nên cũng cấp những dữ kiện chính xác, và công bằng, để cho lịch sử phê phán, đễ cho thế hệ sau họ nhìn thẳng vào sự kiện lịch sử vô tư hơn…

Tôi có những nhận xét như sau: 1) Những trận chiến mà chúng tôi tham dự ở chiến trường hoả tuyến, thường là các đơn vị chính qui CS BV, họ là người miền Bắc; các người anh phóng vấn họ nói giọng Quảng Trị, nhiều lần anh hỏi họ đơn vị của họ thì họ trả lời lắp vắp, dài dòng, theo tôi nghĩ thời gian đó họ chỉ là du kích nằm vùng…theo tôi được biết một trong những đơn vị chỉ huy của CSBV là Tướng Hoàng Đan 2) Tôi đề nghị anh cũng nên phỏng vấn những vị chỉ huy trận tái chiếm cổ thành Đinh Công Tráng; Đại Tá Chung, ĐT Trí, ĐT Bão, Thiếu Tướng Lân v.v. , và đặc biệt nhất là những anh em TQLC(chứ không phải Nhảy Dù) dựng cờ tại cổ thành, Đại Úy Thạch, Đại Đội Trưởng/TĐ 6

Không tên
Đọc phê bình Hoàng Dương của LUX ở Nhật, tôi có cảm nghĩ ai mà nói ông ta là Cộng Sản, thì chắc là phải lãnh đủ mấy đòn nhu đạo . Nói lại diễn tiến lịch sử thì ai cũng phải lập lại danh nghĩa lúc đương thời của cả hai phe là điều căn bản . Học trò dốt

Trần Việt Nhân, Alexanria, VA, USA
Ngày 30/4/1975, ngoài việc thống nhất nước Việt Nam, nhà cầm quyền Hà Nội còn làm được gì? Sau 30 năm nhìn lại, người dân của cả hai miền có bớt thống khổ hơn trong thời kỳ đất nước bị chia đôi và mịt mù khói lửa đạn bom, hay cái khốn cùng vẫn đè nặng trên vai người dân lành, để rồi đa số những thanh niên chỉ muốn đi lao động hợp tác với nước ngoài để kiếm tiền sinh sống hoặc những cô gái chỉ chờ đợi 1 người chồng nước ngoài với hy vọng mình và gia đình sẽ có 1 cuộc sống tốt đẹp hơn?

Trước đây lớp tuổi chúng tôi được học địa lý nước Việt Nam trải dài từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau nhưng nay nhà cầm quyền Hà Nội lại nói là từ Móng Cái đến mũi Cà Mau, vậy cái ải Nam Quan đâu rồi? Các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thềm lục địa của tổ quốc còn chỗ nào, mất chỗ nào??? 30 năm rồi sau ngày thống nhất, quê hương Việt Nam đã được những gì và mất những gì? Là những người cầm vận mệnh đất nước, nhà cầm quyền Hà Nội chỉ nói giỏi thôi chưa đủ, mà còn phải biết làm tốt nữa, nếu không sẽ là tội đồ của dân tộc Việt Nam.

Hoàng Hà, Huế, VN
Kính gửi bác Lux. Tôi thấy anh Hoàng Dương mô tả như vây là khách quan. Vì tôi đang sống tại Huế và thường ra ngoài Quảng Trị nên thấy những gì anh Hoàng Dương mô tả là đúng. Tại sao báo chí VN lại gọi quân VNCH là "Ngụy" hay "tay sai"? Cuộc chiến đã qua đi nhưng những người cộng sản không thực lòng xoá bỏ những hình ảnh tang thương đó mà họ còn say mê men chiến thắng "đậm đà" hơn. Những ngày này tại VN nhà nào cũng bắt phải treo cờ - lòng yêu nước bắt buộc đấy (!), và báo đài cứ ra rả ca ngợi thấy chán ghê. Nếu hàng năm nhà nước VN giảm bớt những cuộc hội nghị "kỷ niệm" như vậy thì sẽ giúp được nhiều người nghèo lắm đấy. Tiền chi phí cho những tỉnh được "giải phóng" quá xá cao. Trong khi những chuyện thiết thực hơn giúp cho người dân thì bị bỏ quên hơi nhiều. Chúc quý đài luôn vững mạnh.

Không tên
Những ngày như thế này tôi nghĩ chính phủ hay mọi người hãy nghĩ đến phải làm gì để cho dân bớt khổ, có một chút chiến thắng nhưng đem lại bao tổn thất nhất là người vậy mà mọi người vẫn có thể cười nói và ham mê chiến thắng, hãy gột cái tâm mình cho sạch, còn bao gia đình đói ăn bao em bé không đến trường bao người già không nơi nương tựa....hãy quan tâm đến cái đó đi. Lão Tử cũng từng nói: vũ khí tốt là vật dụng chẳng lành vậy mà những người làm lãnh đạo vẫn còn khoe khoang, thay bằng đến cái tuổi già nên biết tịnh tâm.

Lux, Kyoto, Nhật Bản
Chiến tranh như vậy là đủ rồi, các ông hãy để cho người dân được yên ổn làm ăn. Khi nào dân giàu lên, ắt xã hội sẽ văn minh, sẽ dân chủ hơn và tiến bộ hơn. Đừng tìm cách đào bới quá khứ và chà xát nỗi đau của dân tộc mình. Ông Hoàng Dương, dù đã rất cố gắng thể hiện sự nhìn nhận khách quan tối thiểu của một phóng viên, nhưng qua những câu chữ của mình, vẫn hằn lên một sự thù hận đen tối. Vì sao lại cứ phải dùng từ "phe cộng sản Bắc Việt" một cách đầy hiềm khích như vậy? Rồi khi VNCH sụp đổ, tướng chạy, quân chạy, để làm gì (hay để cho tốn đạn)lực lượng cộng sản lại tiêu diệt đến hàng ngàn người dân thường. (sau khi tướng Vũ Văn Giai của Việt Nam Cộng hoà thất trận và được di tản, đã để lại một dòng người bỏ chạy hỗn loạn gồm cả lính thất trận lẫn thường dân và bị cộng sản tiêu diệt tới hàng ngàn). Làm phóng viên, nếu không có tấm lòng với cái nòi giống Việt trong máu cùa mình, thì chí ít cũng phải công minh trong câu chữ, vậy mới đúng là kẻ được gọi là có tý chữ mà kiếm ăn.

No comments:

Post a Comment

TỔNG LƯỢC VỀ TRẬN ĐÁNH TÁI CHIẾM CỔ THÀNH QUẢNG TRỊ Chu Tất Tiến.

Tháng 12, năm 2020, một nhóm người trẻ thuộc thế hệ thứ 2 đã xin được sự đồng thuận 5/5 của thành phố Westminster cho phép xây dựng Tượng Đà...