Thursday, February 18, 2021

Quang Tri Victory Foundation TƯỢNG ĐÀI TÁI CHIỂM CỔ THÀNH QUẢNG TRỊ - PRESS RELEASE

Dự Án Xây Dựng Tượng Đài Tái Chiếm Cổ Thành Quảng Trị Đón Nhận Sự Hỗ Trợ Của Nhiều Nhân Sĩ và Hội Đoàn Cựu Quân Nhân QLVNCH

(Westminster, CA) – Nhiều đoàn thể đã lên tiếng hỗ trợ Dự Án Xây Dựng Tượng Đài Tái Chiếm Cổ Thành Quảng Trị. Bắt đầu với Gia Đình Mũ Đỏ Trung Ương bao gồm có hội Gia Đình Mũ Đỏ, tức cựu quân nhân lực lượng nhảy dù trong QLVNCH, một đơn vị đã đóng góp những chiến công lịch sử trong trận chiến tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị trong Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972.

Nhiều nhân sĩ cựu quân nhân trong QLVNCH cũng đã chính thức nhận tham gia vào Ban Cố Vấn để hỗ trợ cho dự án, trong đó có Cựu Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình, Cảnh Sát Quốc Gia VNCH; Cựu Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, Hải Quân QLVNCH; Cựu Chuẩn Tướng Trần Quốc Lịch, cựu Tư Lệnh Lữ Đoàn Dù; Cựu Đại Tá Nguyễn Hồng Tuyền, Không Quân QLVNCH và nhiều vị nhân sĩ khác trong cộng đồng.

Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài xin tiếp tục kêu gọi quí đồng hương, cộng đồng, hội đoàn và các hội cựu quân nhân tiếp tay hỗ trợ dự án xây dựng tượng đài qua các đóng góp như cung cấp các hình ảnh, tài liệu và nhân chứng về trận chiến, vận động hỗ trợ và gây quỹ cho dự án xây dựng tượng đài. Mọi đóng góp về tài chánh sẽ được chứng nhận để khai miễn thuế. Mọi đóng góp ý kiến hay xây dựng xin liên lạc về các thành viên trong Ủy Ban Xây Dựng tại các số điện thoại có ghi trên trang nhà trên lưới điện toán dưới đây.

Đây là tượng đài thứ tư liên quan đến Chiến Tranh Việt Nam, theo sau Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, Đài Tưởng Niệm các Tướng Lãnh Tuẫn Tiết và Đài Tưởng Niệm Trận Hải Chiến Hoàng Sa. Điểm đặc biệt của tượng đài mới này không những là để tưởng niệm các chiến sĩ Việt Mỹ đã hy sinh trong trận chiến lịch sử này để bảo vệ và tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị, mà còn để vinh danh tinh thần và khả năng chiến đấu anh dũng và kiên cường của nhiều đơn vị và binh chủng trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, nhất là vào giai đoạn khó khăn nhất của cuộc chiến Việt Nam sau khi các lực lượng chiến đấu của Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam qua chính sách Việt Nam Hóa Chiến Tranh của Mỹ. Cùng với các biểu tượng khác về chiến tranh Việt Nam, Tượng Đài Cổ Thành Quảng Trí sẽ đánh dấu thêm một trang sử hào hùng và một bài học sống động cho nhiều thế hệ cư dân, học sinh và tuổi trẻ từ khắp nơi trên toàn Hoa Kỳ.

Trận chiến khốc liệt nhằm tái chiếm Quảng Trị đã kéo dài từ ngày 28 tháng 5 đến 16 tháng 9 năm 1972 khi QLVNCH toàn thắng và dựng lại lá cờ vàng quốc gia trên Cổ Thành Quảng Trị. Trong trận chiến này, CSVN đã đổ vào hơn 6 sư đoàn quân chính quy cùng với sự hỗ trợ hùng hậu về xe tăng và trọng pháo và là một trong những trận đầu tiên quân CS đã xử dụng chiến thuật tác chiến với lực lượng chính qui lớn để áp đảo lực lượng phòng thủ của QLVNCH. Chiến thắng tại Cổ Thành Quảng Trị là biểu tượng của tinh thần chiến đấu cao độ, chấp nhận mọi hy sinh của QLVNCH để đánh bật quân Cộng sản Bắc Việt xâm lược với quân số áp đảo, để bảo vệ mảnh đất tự do của miền Nam Việt Nam. Đó cũng là câu trả lời cho giới truyền thông phản chiến trên thế giới thường bôi nhọ, xuyên tạc tinh thần chiến đấu của Quân Lực VNCH.

Tượng Đài Cổ Thành Quảng Trị sẽ do Quảng Trị Victory Foundation phụ trách xây dựng và không tốn một chi phí nào cho thành phố Westminster. Mô hình và các chi tiết về tượng đài có trình bày chi tiết trên trang nhà của Ủy Ban Xây Dựng tại địa chỉ www.quangtrimonument.com. Dự án với chi phí khoảng $125,000 được dự trù hoàn tất trước ngày 16 tháng 9 năm 2021 nhân kỷ niệm lần thứ 49 ngày tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị.

PRESS RELEASE QUANGTRIMONUMENT - Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ Hỗ Trợ Dự Án Xây Tượng Đài Cổ Thành Quảng Trị

PRESS RELEASE
9141 BOLSA AVE., SUITE 303, WESTMINSTER, CALIFORNIA 92683
PHONE: (714) 891-1901 * INFO@QUANGTRIMONUMENT.COM
CONTACT: Lan Quoc Nguyen, (714) 891-1901
DATE: 1 tháng 2 năm 2021
RE: Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ Hỗ Trợ Dự Án Xây Tượng Đài Cổ Thành Quảng Trị
Cựu Đại Tá Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ và Dân Biểu Liên Bang Paul Cook Hỗ Trợ Dự Án Xây Tượng Đài Tái Chiếm Cổ Thành Quảng Trị
(Westminster, CA) – Cựu Đại Tá Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ và là cựu Dân Biểu Liên Bang Hoa Kỳ, ông Paul Cook, đã nhận lời tham dự vào Ban Cố Vấn để hỗ trợ cho dự án xây dựng Tượng Đài Tái Chiếm Cổ Thành Quảng Trị. Ông từng là sĩ quan hành quân trong lực lượng Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ phục vụ tại Việt Nam và đạt được nhiều huy chương cao quí, trong đó có hai Huy Chương Purple Hearts và Huy Chương Đồng với danh hiệu V cho Valor (Anh Dũng). Ông Paul Cook từng tham dự trong chiến trường Việt Nam vào những năm 1967-1968 và đã hai lần bị thương tại Việt Nam.
Cựu Đại Tá Paul Cook hiện là Giám Sát Viên Quận San Bernardino, miền Nam California. Ông đã từng là Dân Biểu Quốc Hội Hoa Kỳ, đại diện Khu Vực Dân Biểu Số 8, trong 4 nhiệm kỳ (2012-2020) và từng là Dân Biểu Tiểu Bang California trong 3 nhiệm kỳ trước đó.
 Điểm đặc biệt của tượng đài mới này không những là để tưởng niệm các chiến sĩ Việt Mỹ đã hy sinh trong trận chiến lịch sử này để bảo vệ và tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị, mà còn để vinh danh tinh thần và khả năng chiến đấu anh dũng và kiên cường của nhiều đơn vị và binh chủng trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972 và trong suốt cuộc chiến Việt Nam. Cùng với các biểu tượng khác về chiến tranh Việt Nam, Tượng Đài Cổ Thành Quảng Trị tại Westminster sẽ đánh dấu thêm một trang sử hào hùng và một tấm gương sáng đáng hãnh diện cho thế hệ mai sau, đặc biệt là bài học sống động cho nhiều thế hệ cư dân, học sinh và tuổi trẻ từ khắp nơi trên toàn Hoa Kỳ.
Trận Tái Chiếm Cổ Thành Quảng Trị là một trận chiến quân sự qui mô quan trọng lần đầu tiên hoàn toàn do lưc lượng QLVNCH chủ động và thực hiện để đối đầu với một lực lượng Bắc Việt với số quân áp đảo. Lực lượng Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam đã cùng với nhiều binh chủng và lực lượng trong QLVNCH tham chiến để đối đầu với hơn 6 sư đoàn thiện chiến của Bắc Việt được tung vào chiến trường với ý định dứt điểm mục đích thôn tính miền Nam vào năm 1972 lợi dụng lúc Hoa Kỳ vừa rút lực lượng lục quân ra khỏi Việt Nam.
Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài xin kêu gọi toàn thể đồng hương, thương gia, nghiệp chủ, đặc biệt là các đoàn thể cựu quân nhân trong cộng đồng tích cự tham gia đóng góp vào dự án này. Mô hình và các chi tiết về tượng đài có trình bày chi tiết trên trang nhà của Ủy Ban Xây Dựng tại địa chỉ www.quangtrimonument.com. Dự án với chi phí khoảng $125,000 được dự trù hoàn tất trước ngày 16 tháng 9 năm 2021 nhân kỷ niệm lần thứ 49 ngày tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị.
Mọi thắc mắc về dự án, xin liên lạc về: info@quangtrimonument.com 
hay (714) 891-1901.

Cập Nhật số 4 Về Dự Án Xây Dựng Tượng Đài Cổ Thành Quảng Trị

(Westminster, CA) - Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài Quảng Trị xin loan báo và chia buồn cùng gia đình Cựu Chuẩn Tướng Trần Quốc Lịch về sự ra đi của ông vào ngày 3 tháng 2, 2021. Chuẩn Tướng Lịch đã nhanh chóng nhận lời tham dự vào Ban Cố Vấn của UBXD Tượng Đài lúc còn khỏe mạnh và bất thần ngã bệnh và ra đi một cách đột ngột. Cựu Chuẩn Tướng Lịch là Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 2, Sư Đoàn Dù và là một cấp chỉ huy can đảm đã tham dự trong trận Tái Chiếm Cổ Thành Quảng Trị. Cầu cho linh hồn Cựu Chuẩn Tướng Trần Quốc Lịch sớm được siêu thoát.
UBXDTD cũng xin đón chào Bác sĩ Phạm Đức Vượng, đương kiêm Chủ Tịch Ban Điều Hành Tập Thể Cựu Chiến Sĩ tại hải ngoại, đã nhận lời tham dự vào Ban Điều Hành của UBXDTD trong phiên họp thường kỳ của UB vào ngày 1 tháng 2 vừa qua. Cũng tại phiên họp này, Bs Vượng đã cùng với hai thành viên khác từ Miền Bắc California, đó là ông Huỳnh Lương Thiện, Chủ Bút Báo Mõ Bắc California và ông Nguyễn Trung Cao đã tình nguyện đóng góp mỗi người $1,000 đầu tiên vào quỹ xây dựng trượng đài. Cựu Thiếu Tá Thủy Quân Lục Chiến, ông Trần Quang Duật, một thành viên của UBXDTD cũng tình nguyện đóng góp $1,000.00 vào quỹ xây dựng tượng đài.
UBXDTD đang thảo luận và sẽ phổ biến kế hoạch gây quỹ cho tượng đài trong thời gian sắp tới. Xin kêu gọi quí ân nhân, thương gia, đoàn thể và cá nhân hãy tích cực tham gia đóng góp tài chánh vào dự án. Quí ân nhân đóng góp từ $5,000 trở lên sẽ có bảng tên riêng khắc vào tường đài. Ủy Ban cũng có bảng tri nhân khắc tên quí ân nhân đóng góp theo mức độ $1,000, $2,000 hay $3,000. Mọi đóng góp sẽ được ghi nhận để khai trừ miễn thuế.
UBXDTD cũng xin kêu gọi quí đồng hương hãy đóng góp những tài liệu, sách vở, kinh nghiệm, hình ảnh, nhân chứng, di vật để xây dựng một văn khố trên lưới điện toán để ghi nhận những trang sử hào hùng của các binh chủng trong QLVNCH đã góp phần vào trận chiến lịch sử này. Đây là một mục tiêu mà UBXDTD muốn tạo nên cho nhiều thế hệ có thể tìm hiểu thêm về tầm mức lịch sử của trận chiến bên cạnh việc xây dựng tượng đài bên cạnh Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ tại Westminster.
Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài xin kêu gọi toàn thể đồng hương, thương gia, nghiệp chủ, giới truyền thông, đặc biệt là các đoàn thể cựu quân nhân trong cộng đồng tích cự tham gia đóng góp để giúp dự án này có thể thành công tốt đẹp. UBXD sẽ có phiên họp thường xuyên vào mỗi tối thứ hai tuần thứ nhất và tuần thứ ba mỗi tháng, lúc 7 giờ tối giờ Calif. và họp qua hệ thống video conference Zoom. Quí đồng hương muốn đón nhận tin tức thường xuyên về dự án xin ghi tên qua email về địa chỉ info@quangtrimonument.com. 
Mọi thắc mắc về dự án, xin liên lạc về info@quangtrimonument.com hay (714) 891-1901. Chi phiếu xin đề Cổ Thành Quảng Trị và gởi về: UBXDTD, 
9141 Bolsa Ave., Suite 303, 
Westminster, CA 92683.

Cập Nhật số 5 Về Dự Án Xây Dựng Tượng Đài Cổ Thành Quảng Trị

  

(Westminster, CA) Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài Cổ Thành Quảng Trị vừa nhận được văn thư hỗ trợ từ Liên Hội Cựu Quân Nhân VNCH Bắc California và Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam. Liên Hội Cựu Quân Nhân VNCH Bắc California là một tập hợp của hầu hết các hội đoàn cựu quân nhân sinh hoạt tại Miền Bắc California. Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam là tập hợp của các khu hội cựu tù nhân chính trị từ nhiều tiểu bang trên toàn Hoa Kỳ và nhiều nơi khác trên thế giới. Trong văn thư từ Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị ký tên ông Nguyễn Trung Châu có đoạn viết “Dự án thực hiện chính nghĩa ghi lại trang sử oai hùng của quân dân Việt Nam Cộng Hòa. Mai sau những thế hệ nối tiếp thấu hiểu được những hy sinh cao quí và hào hùng của quân dân Miền Nam Việt Nam.”
Trước đây, UB cũng đã nhận được sự hỗ trợ chính thức từ Gia Đình Mũ Đỏ Trung Ương, là tập hợp của các hội cựu quân nhân sư đoàn Dù thuộc QLVNCH, Lực Lượng Sĩ Quan Thủ Đức Bắc Cali và Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Liên Bang Hoa Kỳ. Hầu hết các binh chủng trong QLVNCH đều có tham dự trong trận chiến tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị, trong đó lực lượng lính dù là một trong số nhiều lực lượng chủ lực tham dự góp phần vào chiến thắng lịch sử này.
UB cũng đã nhận được sự hỗ trợ của nhiều cơ quan truyền thông Việt ngữ từ khắp nơi như Radio Bolsa, Bolsa Radio Bắc Cali, Hệ Thống Truyền Thông Viên Thao, Trust Media Networks, Tuần Báo Mõ San Francisco/Oakland, Radio Tiếng Mõ Bắc Cali, Câu Lạc Bộ Truyền Thông Báo Chí – Bắc Cali, VNA-TV, Channel 57.3; Vì Dân Media, Việt Báo Daily News; ViệtNews TV, Channel 14.4; Trần Nhật Phong Youtube Channel; Saigon TV, Channel 57.5; Viet Media TV, Channel 57.14; IVTV, Channel 57.16; Việt Phố TV, Channel 57.10; IBC TV, Channel 57.19; Việt Mỹ Magazine & TV, Viễn Đông Daily News và Viet Vegas TV, Channel 14.8.
UBXDTD đang phát động kế hoạch gây quỹ cho tượng đài. Quí ân nhân đóng góp từ $5,000 trở lên sẽ có bảng tên riêng khắc vào tường đài. Ủy Ban cũng có bảng tri nhân khắc tên quí ân nhân đóng góp theo mức độ $1,000, $2,000 hay $3,000. Quí ân nhân đóng góp từ $2,000 cũng có bảng tri ân đặc biệt riêng và nhiều hình thức tri ân khác. Mọi đóng góp sẽ được ghi nhận để khai trừ miễn thuế.
UBXDTD cũng xin kêu gọi quí đồng hương hãy đóng góp những tài liệu, sách vở, kinh nghiệm, hình ảnh, nhân chứng, di vật để xây dựng một văn khố trên lưới điện toán để ghi nhận những trang sử hào hùng của các binh chủng trong QLVNCH đã góp phần vào trận chiến lịch sử này. Đây là một mục tiêu mà UBXDTD muốn tạo nên cho nhiều thế hệ có thể tìm hiểu thêm về tầm mức lịch sử của trận chiến bên cạnh việc xây dựng tượng đài bên cạnh Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ tại Westminster.
Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài xin kêu gọi toàn thể đồng hương, thương gia, giới truyền thông, đặc biệt là các đoàn thể cựu quân nhân trong cộng đồng tích cực tham gia đóng góp để giúp dự án này có thể thành công tốt đẹp. UBXD sẽ có phiên họp thường xuyên vào mỗi tối thứ hai tuần thứ nhất và tuần thứ ba mỗi tháng, lúc 7 giờ tối giờ Calif. và họp qua hệ thống video conference Zoom. Buổi họp kế tiếp sẽ vào ngày thứ hai, 1 tháng 3 lúc 7 giờ tối. Quí đồng hương muốn đón nhận tin tức thường xuyên về dự án xin ghi tên qua email về địa chỉ info@quangtrimonument.com. 
Mọi thắc mắc về dự án, xin liên lạc về info@quangtrimonument.com hay (714) 891-1901. Chi phiếu xin đề Cổ Thành Quảng Trị và gởi về UBXDTD, 9141 Bolsa Ave., Suite 303, Westminster, CA 92683.

Tuesday, February 9, 2021

"Mùa Hè Đỏ Lửa" 1972 -Trận Chiến An Lộc Sự thảm bại nhục nhã của cộng sản VN!

“An-Lộc địa sử ghi chiến-tích
Biệt Cách Dù vị quốc vong thân”
 
Nhân ngày kỷ niệm Song Thất sắp đến, 07-07-1972, khiến ai nấy đều nhớ lại một trong những chiến thắng anh dũng của Quân Lực VNCH, đã xẩy ra cách đây vừa đúng 48 năm trên một vùng đất nước quê hương thuộc miền Đông Bắc Nam Phần VN.
Ngày đó, vào đúng cái thời điểm mang tính cách lịch sử này, mặc dù lửa đạn chiến tranh của “quân xâm lược cộng sản bắc việt” vẫn còn chưa ngưng hẳn, nhưng Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và phái đoàn chính phủ VNCH đã bất thần đáp trực thăng vào thị trấn An Lộc.
Sự có mặt của vị Nguyên Thủ Quốc Gia, tại một mặt trận mới vừa tạm bớt tiếng súng, không những được coi là quan trọng mà lại còn rất có ý nghĩa; nhằm ủy lạo đồng bào chiến nạn, đồng thời Tổng Thống bầy tỏ lòng tri ân và khích lệ tới chiến sĩ các binh chủng thuộc lực lượng bảo vệ thị trấn An Lộc.
Hơn thế nữa, sự hiện diện của vị Tư-Lệnh Tối Cao còn có tác động mạnh đến tinh thần Chiến Đấu Tự Vệ của toàn thể quân nhân các cấp thuộc Quân Lực VNCH; những chiến sĩ quả cảm, lúc đó đang hiện diện, chiến đấu anh dũng trên khắp các mặt trận đã và đang xẩy ra khốc liệt tại phía nam bờ sông Bến Hải, thuộc phần đất của Việt-Nam Cộng Hòa.
Kế hoạch xâm luợc ăn cướp miền Nam của bọn cộng phỉ bắc việt được tuyên truyền bằng vô số các ngôn từ đao to búa lớn một cách lố bịch, loại “lộng ngôn” như: “cuộc tổng tiến công” (tràn qua vĩ tuyến 17), hay “chiến dịch năm 1972”, tức “chiến dịch hồ chí minh“ (‘chữ’ của vc); được coi là một trong những “kế hoạch vi phạm trắng trợn nhất”; phản bội lại các điều khoản ghi nhận trong một hiệp định thư; đã đươc chính hồ chí minh và tập đoàn việt-minh cộng sản ký kết với Pháp nhằm “chia cắt đất nước” tại Genève vào năm 1954.
Đầu mùa mưa năm 1972, lợi dụng số vũ khí được lén lút vận chuyển vào Nam, bọn cộng sản bắc việt tận dụng các giàn đại pháo 130 ly, pháo kích (tiền pháo, hậu xung) cùng lúc huy động cả hàng chục sư đoàn bộ đội cùng vũ khí đạn dược băng qua sông Bến Hải và vượt Trường Sơn. Chúng khai triển kế hoạch, mở các cuộc tấn công đại qui mô vào Khu Phi Quân Sự, phía nam vĩ tuyến 17. Bọn bắc quân thực hiện chủ trương của Hồ chí Minh (ngay từ lúc còn sống) là “Tận dụng vũ lực, quyết tâm xâm lược Miền Nam VNCH, bằng mọi giá”.
Vì thế sau hiệp định Genève, họ Hồ tiếp tục kéo dài chiến tranh, gây thêm tang tóc trên sinh mạng đồng bào của cả hai miền Nam và Bắc VN. Kết quả là những cuộc giao tranh đẫm máu đã được phát khởi đồng loạt tại lãnh thổ VNCH, đặc biệt trong Phân Đoạn I của bài viết này, là những trận chiến khốc liệt nhất, đã xẩy ra đúng vào đầu mùa mưa năm 1972 !
Đấy chính là lý do mà một thị trấn nhỏ bé, nằm ém trong vùng rừng cây, giữa những đồn điền cao su trải dài ngút tầm mắt của tỉnh Bình Long; cho nên vào thời điễm đó, khiến cả thế giới bỗng chốc được nghe nhắc đến tên An Lộc.
An-Lộc, do đó còn được coi như là biểu tượng của một cuộc tranh chấp quyết định giữa hai phe Quốc Gia và cộng sản (tưc Miền Nam Tự Do và cộng sản miền bắc độc tài, khát máu).
An-Lộc, một danh từ kép, là địa danh được nhắc nhở một cách trang trọng, ghi dấu một trận chiến thắng ‘Anh Dũng’ của quân và dân tỉnh Bình Long vào đầu mùa Hè năm 72.
An-Lộc, mặc dù chỉ là một thị xã hành chánh thuộc Quận Châu Thành, tỉnh Bình-Long, bỗng dưng được coi là một trong 3 mặt trận quan trọng nhất, lúc đó đang đồng loạt bùng nổ tại các Quân Khu 1, QK 2 và QK 3; của VNCH.
Quân sử tất nhiên đã ghi nhận, suốt hơn hai tháng trời ròng rã, thị trấn An-Lộc bị quân cộng sản bắc việt xâm lược bao vây, pháo kích và cường tập gồm cả gần chục lần.
– Về phần không gian, với một diện tích rộng chỉ gần 4 cây số vuông, An-Lộc đã có lúc bị Cộng quân tấn công nhắm ‘dứt điểm’ cho một cuộc xâm lược bằng vũ lực, đã buộc phải co lại chỉ còn gần một nửa phần thị trấn ở phía đông nam thị xã.
– Về phương diện chính-trị, ngược lại, thì quả thật là to lớn “vĩ đại” theo đúng như lối tuyên truyền của phía bắc quân. Do cung từ của một trong những tù binh bộ đội, cộng sản bắc việt và vc (Trung ương cục miền Nam) mưu toan chiếm lấy cho được thị trấn An-Lộc để làm địa điểm ra mắt cho một chính phủ “ma” của bọn bù nhìn ‘Mặt trận Giải phóng’!
Với mục đích đó, bọn bắc quân xâm lược do Võ Nguyên Giáp, tổng chỉ huy, đã cho phát động chiến dịch mang tên Nguyễn Huệ, như đã đề cập: nhằm tung toàn lực các binh đoàn chính qui cùng xe tăng và vũ khí ồ ạt tràn qua khu phi quân sự, trước tiên tạo nên mặt trận phía cực bắc của VNCH:
– Tấn công vào Đông Hà, thuộc tỉnh Quảng Trị (ngày 30 tháng 3-72).
– Tiếp tục xua đám thiếu niên “sinh Bắc, tử Nam” xâm nhập bằng đường mòn hcm, vượt Trường sơn vào đánh vùng phía tây, cao nguyên Kontum, khởi đầu với mặt trận Tân Cảnh (ngày 24 tháng 4-72).
– Mặt trận thứ ba, cuối cùng và đương nhiên được coi là quan trọng hơn cả, đã được tướng Giáp khởi động, tấn công vào tỉnh Bình Long (cánh quân ‘tiến công’ này bắt đầu đánh vào Lộc Ninh tối ngày 04 tháng 04-72).
Mặt trận xẩy ra tại tỉnh Bình-Long được coi là nguy hiểm hơn cả nếu đem so sánh với Quân khu 1 và QK 2. Vì cuộc giao tranh có tính cách quyết định này chỉ xẩy ra ở một vị trí cách thủ-đô Sàigòn khoảng một trăm cây số về hướng bắc, theo đường chim bay. Dư luận cho rằng nếu vì một lẽ gì mà An-Lộc bị thất thủ vào tay quân cộng sản bắc việt, thì sớm muộn Sài Gòn, thủ-đô của miền nam cũng sẽ bị nguy ngập.
Cuộc xung phong ồ ạt của hơn 4 sư đoàn - công trường ‘bộ đội’ (“sinh bắc, tử nam”) vào bốn phía của thị trấn An Lộc, trực thuộc quyền tổng chỉ huy của Võ Nguyên Giáp, được khởi đầu vào đêm 11 rạng ngày 12-4-72. Nhưng thực tế, theo tin tình báo A2 của lực lượng bạn, sự xuất hiện của các đơn vị cộng sản bắc việt và vc đã bị phát giác khoảng hơn cả tuần lễ trước đó.
■Quân cs bắc việt (Tổng số đông gấp khoảng 5 lần lực lượng VNCH trấn giữ An-Lộc) bao gồm toàn bộ của hơn 4 sư đoàn - thuộc công trường 5, 7, 9 và công trường Bình Long (địa phương) và đoàn 28 đặc công + 429 đặc công miền; với một tổng lượng quân số vào khoảng từ 60 đến 70 ngàn lính, cộng thêm các đơn vị yểm trợ ở cấp trung đoàn, như: đơn vị xe tăng với các chiến xa đủ loại (T 54, T 59, PT 76,..) do quốc tế cộng sản viện trợ, đơn vị pháo và đặc biệt là các loại vũ khí gồm pháo và phòng không tối tân nhất (?) do Nga Sô viện trợ như: đại bác 75 và 90 ly, cao xạ phòng không 37 ly, hỏa tiễn SA 7, giàn phóng hỏa tiễn 107 và 122 ly, đại pháo 130 ly…
■Về phiá VNCH lực lượng bảo vệ thị trấn An-Lộc, quân số hiện diện vào cỡ 15 tiểu đoàn, khoảng 7.500, với thành phần chủ lực thuộc Sư Đoàn 5 Bộ Binh, dưới quyền chỉ-huy trực tiếp của Tướng Lê Văn Hưng, cộng thêm đơn vị Địa Phương Quân, lính cơ hữu và Cảnh Sát của Tiểu Khu Bình Long; với sự yểm trợ của một pháo đội với vài khẩu đại bác 105 và 155 ly.
Do sự chi phối của các mặt trận khác tại QK1 và QK 2 cùng xẩy ra vào lúc đó, quân số tăng viện cho Quân Khu 3 cũng chỉ lên được tới khoảng hơn 10,000; Gồm những đơn vị Tổng Trừ Bị trực thuộc Bộ TTM (Đơn vị Nhẩy Dù, Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù), Không Quân, Thiết Giáp, Biệt Động Quân và vài trung đoàn Bộ Binh thuộc Quân Khu 4 tăng phái cho chiến trường Bình Long (thuộc QK 3).
Một số đơn vị tăng viện, đã ‘bị cầm chân’ tại phía nam An Lộc với những cuộc giao tranh đẫm máu xẩy ra tại dọc QL 13, con đường dẫn tới thị xã.
Võ Nguyên Giáp cho áp dụng chiến thuật cố hữu “Tiền pháo, hậu xung” và “Công đồn, đả viện”, nên đã tung một số trung đoàn thuộc sư đoàn CT 7, đặc biệt tấn công từ phía Tây nam An Lộc, với mục đích khống chế QL 13, con đường giao thông huyết mạch nằm hướng Bắc-Nam của tỉnh Bình Long.
Vì thế những cuộc điều quân phát xuất từ căn cứ Lai-Khê hoặc Chơn Thành nhắm tiếp vịện cho lực lượng phòng thủ An-Lộc; đã gặp phải những trận đụng độ mãnh liệt; gây tổn thương nặng nề cho cả đôi bên.
Cũng do cộng sản bắc việt mưu toan chiếm An Lộc vào năm 1972, nên con đường liên tỉnh mang tên QL13, đã được mệnh danh là “Quốc Lộ Máu”; vì đã được thấm đẫm máu của quân xâm lược cộng sản bắc việt lẫn máu của các Chiến Sĩ Anh Dũng VNCH bảo vệ Miền Nam Tự Do. Đặc biệt nhất phải kể đến máu và nuớc mắt của đồng bào vô tội tỉnh Bình Long; bị “lính bác hồ” pháo kích chết thảm trên con đường đào thoát về phía Nam để tránh bọn bộ đội cs bắc việt và các cán binh việt cộng MTGPMN.
……
Sau hơn 2 tháng trời, các đợt pháo kích (tiền pháo) và kế tiếp là cường tập (hậu xung) của bộ đội cs bắc việt; hết thẩy đều gặp phải sự kháng cự, chống trả mãnh liệt của lực lượng VNCH, tức quân trú phòng tử thủ An-Lộc. Cộng thêm hỏa lực yểm trợ kịp thời và chính xác của Không Quân VNCH và Đồng Minh, áp lực địch do đó đã giảm lần theo tỉ-lệ thuận với thời gian sau hơn hai tháng trời thị trấn An-Lộc bị vây khổn.
Ngay từ lúc khởi sự cho một trận đánh quyết định, Võ Nguyên Giáp đã đem áp dụng lý thuyết và chủ trương điều quân (của việt minh cộng sản) bằng cách: “Tiến cẩn trọng, đánh chắc thắng”, “Điều nghiên thật kỹ, thấy chắc thắng mới đánh”!
Hơn nữa Giáp còn tận dụng “Tiền pháo, hậu xung”, tiếp theo dùng “chiến thuật biển người” cố hữu, nhắm tấn tấn công dứt điểm mặt trận. Cho nên một thị trấn nhỏ bé, tội nghiệp, cỡ như An-Lộc (diện tích gần 4 cs vuông) đã bị uy hiếp, trung bình đã phải hứng chịu khoảng từ 5 tới 7000 quả đạn trái phá do bọn bắc quân pháo kích mỗi ngày; Vì thế trong con số từ 5 đến 6 ngàn thường dân vô tội bỏ mạng trong cuộc ‘tiến công’ vào thị trấn, đã có tới 90% bị chết là do đạn pháo kích của bọn bắc quân xâm lược.
Một nhân chứng sống, trực tiếp chiến đấu để bảo vệ An-lộc (1) đã phải thốt lên như sau:
“ .Ở chiến trường này, đạn pháo của địch (CS Bắc việt) đã không nhân nhượng, khoan dung cho bất cứ một thứ gì. Từ một bàn thiên trước ngõ cho đến một con chó lạc chủ lang thang bên đường. Tất cả đều phải hủy diệt. Đó là điều mong muốn của địch. Nên đã chúng đã dùng pháo để băm vằm thành phố, băm vằm chúng tôi- những người lính đã quyết tử với họ…để giữ cho An-lộc được tồn tại trên phần đất tự-do miền Nam.”
Kết cuộc sự việc xẩy ra đã hoàn toàn trái ngược hẳn với những kế hoạch điều nghiên cũng như “triển khai” tại bộ chính trị đảng cộng sản bắc việt, của tập đoàn Lê Duẩn; lúc đó Võ Nguyên Giáp giữ trách nhiệm thực hiện kế hoạch.
Hết thẩy những lần cường tập tấn công của bọn bắc quân, bộ đội cộng sản, gồm pháo và tăng, mà Giáp tưởng chừng chiến thuật biển ngưới (Tiền pháo, hậu xung), hoặc tấn công bằng các loại tăng tối tân của Xô-viết, sẽ nắm chắc trong tay phần thắng mười mươi. Nhưng kết quả thảm hại nhục nhã xẩy ra tại mặt trận An-Lộc, đã ngược lại những điều Giáp toan tính. Hầu hết tất cả mọi mũi “tiến công” của bọn bộ đội cộng sản bắc việt đều bị lực lượng quân trú phòng của Tướng Lê Văn Hưng (VNCH) và hỏa lực Không Quân bẻ gẫy và đánh tan nát khiến chúng thất bại nhục nhã và phải lui trở ra khỏi phòng tuyến An-Lộc, bắt chúng phải rút vào vùng rừng rú nơi bọn chúng xuất phát.
Kết cuộc, các loại ‘tăng’ đã bị bắn hạ, vô số tử thi bộ đội cháy thui trong những đống sắt vụn khổng lồ, nằm bất động ngay trên các đường phố trong thị xã. Bọn cộng sản bắc việt, trên thực tế đã bị thiệt hại nặng nề cả về sinh mạng lẫn vũ khí. Được biết các loại thiết giáp nêu trên, là những ‘chiến cụ’ do khối cộng sản đàn anh Nga, Tàu viện trợ; được Giáp sử dụng đường mòn hcm, lén lút vận chuyển, xâm nhập vào phía nam vĩ tuyến 17.
* * *
Một lần nữa, sau hơn hai tháng, lực lượng cộng sản bắc việt tich cực vây hãm, “triển khai” nhiều đợt cường tập; tận dụng triệt để pháo kích, phòng không và tăng đủ loai. Cộng thêm nhân số của hơn 4 sư đoàn bộ đội; thực hiện nhiều đợt “tiến công” nhắm ‘dứt điểm’ An-Lộc; bọn cộng sản bắc việt vẫn không thể nuốt trôi được thị trấn nhỏ bé này.
Kết cuộc Võ Nguyên Giáp đành cam chịu thất bại nhục nhã, rút lui toàn bộ lực lượng thất trận ra khỏi chiến trường Bình Long, tháo lui trở về vị trí cũ là chốn rừng sâu để lẩn trốn. Nghĩa là lại tiếp tục nằm “ém quân” dọc theo vùng biên giới Miên Việt, gồm các khu vực trải dài từ Đăm-be, Mi-mốt, Chup tới Snoul…v…v.
 
Tướng Giáp sau khi đánh thua tan tác thê thảm tại trận An-Lộc, tên tuổi dần dần bị lu mờ trước Văn Tiến Dũng. Vào thời kỳ sau năm 1975, do những tranh chấp của phe cánh ‘”thân Nga và thân Tàu”; Giáp đã bị bộ chính trị trung ương đảng cs Hà Nội cho ‘gọi lên làm việc’, ‘viét bản tự kiểm thảo’, ‘bị khiển trách’, và bị bổ xung qua một “khâu” khác hoàn toàn không có tính cách ‘quân sự’; nên từ đó đành phải ngậm miệng để chờ một cơ hội khác (?)
Tóm lại, mặt trận An-Lộc hay chiến trường Bình Long tại Quân Khu 3, đã chấm dứt với phần thiệt hại nặng nề thê thảm thuộc về bọn giặc xâm lược do Võ Nguyên Giáp tổng chỉ huy, tức cộng sản bắc việt và bọn vc (Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam).
Nói chung, mức tổn thất của các sư đoàn - công truờng cộng sản (Phần lớn bao gồm bọn thiếu niên bắc việt, được “đánh bóng” và tuyên dương vào thành phần “Sinh Bắc, Tử Nam” !) được ghi nhận lên tới 60% là do hỏa lực của Không Quân bạn, đặc biệt là các pháo đài bay B-52. Kết quả có lần được ghi nhận nguyên cả một trung đoàn lính cộng phỉ, cùng đủ loại tăng, pháo đã bị vùi xâu trong những hố bom to lớn của các phi vụ Không Quân Chiến Lược loại này.
Trước khi tạm chấm dứt bài viết, tựa đề “Sự thất trận An-Lộc, khiến huyền thoại Điện Biên (54) của VN Giáp bị xụp đổ”, tác giả xin ghi nhận sau đây một đoạn tin chiến sự quan trọng:
“Sau ngày 12-6-72, nhìn ngọn “Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ” phất phới tung bay ngạo nghễ, đã được một đơn vị Biệt Kich Dù VNCH cắm trên đỉnh đồi Đồng-Long; Người Hùng An-Lộc, Tướng Lê-Văn-Hưng đã tuyên bố: “Thị trấn An-Lộc đã được hoàn toàn giải tỏa“ !
Những nguyên nhân chính đã khiến đưa đến sự thất bại thê thảm và nhục nhã, đặc biệt tại mặt trận An-Lộc, của bộ đội tướng Giáp (cộng sản bắc việt) cần phải được ghi nhận với những chi tiết sau đây:
* Giáp thua trận vì đánh gía sai ‘địch’ (VNCH).
* Giáp thua vì không có “Yếu tố Nhân Hòa” (dân chúng bỏ chạy xa lánh bọn cộng sản).
* Giáp thua vì chính lối ‘tuyên truyền dối trá theo kiểu cộng sản’.
* Giáp phải thụ giáo Tướng Hiếu (VNCH) về chiến thuật “Nhị Thức Bộ Binh và Thiết Giáp”.
* Võ Nguyên Giáp là “tên sát nhân“ vì áp dụng ‘chiến thuật biển người’ của Mao Trạch Đông (TC).
Nguyễn Ngọc Tùng
Ghi chú (1):
–Trich trong bài “Nhớ về An-Lộc” của Thiếu Tá Nguyễn Sơn, Cựu Đại Úy - Đại Đội Trưởng Đ/Đ 2, Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù.

Cuộc Chiến Mùa Hè Đỏ Lửa (1972)

Tái chiếm cổ thành Quảng Trị

Mùa hè đỏ lửa là tên một quyển bút ký chiến tranh của nhà văn Phan Nhật Nam, ghi lại những trận đánh khốc liệt vào mùa hè năm 1972. Hôm nay, bốn chục năm sau, xin sơ lược trở lại những trận đánh ghi dấu một thời oanh liệt của quân đội Việt Nam Cộng Hòa (VNCH).

1. NGUYÊN NHÂN

Tháng 5-1971, bộ Chính trị đảng LĐ Bắc Việt Nam đưa ra “quyết định thế tiến công chiến lược trên chiến trường miền Nam, đánh bại chính sách Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ, giành thắng lợi quyết định trong năm 1972, buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng trong thế thua.” (Bộ Quốc Phòng CHXHCNVN, Lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam (1944-1975), Hà Nội: Nxb. Quân Đội Nhân Dân, 2005, tr. 644.) Ngoài lý do đã được tiết lộ trên đây, nguyên nhân việc CSVN mở cuộc tấn công năm 1972 có thể phỏng đoán là:

Thứ nhất, sau cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân thất bại, CSVN phải ra nghị quyết 9 cho quân đội CS ở trong Nam nghỉ dưỡng và tránh đụng độ với quân đội VNCH. (Nguyễn Kỳ Phong, “Hành quân Lam Sơn 719: Nguồn gốc và khuyết điểm”, điện báo Talawas ngày 12-6-2008.) Trong khi đó quân đội VNCH mở những cuộc hành quân lớn đánh qua Cao Miên (4-1970 đến 2-1971) và Hạ Lào (1971), nắm thế chủ động trên chiến trường.

Sau khi đưa thêm nhiều sư đoàn để bổ sung lực lượng ở trong Nam, CSVN quyết định tái phát động hành quân, nhằm giành lại thế chủ động trên chiến trường. Tháng 12-1971, Nicolai Podgorny, chủ tịch nhà nước Liên Xô, đến Hà Nội và hứa hẹn gia tăng viện trợ không hoàn lại các loại võ khí hạng nặng. Đầu năm 1972, Liên Xô gởi qua các chiến xa T-54, T-55, PT-76, đại bác 130 ly, 150 ly, đại bác phòng không 57 ly, hỏa tiễn chống chiến xa AT-3 Sagger, hỏa tiễn địa không SA-7 Strela. (Nguyễn Đức Phương, Chiến tranh Việt Nam toàn tập, từ trận đầu (Ấp Bắc – 1963) đến trận cuối (Sài Gòn – 1975), Toronto: Nxb. Làng Văn, 2001, tr. 550.)

Thứ hai, về phương diện quân sự, CSVN thất bại trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân, nhưng về phương diện chính trị, CSVN đã gây chấn động lớn đến dân chúng và chính trường Hoa Kỳ trong năm bầu cử tổng thống 1968. Tổng thống Lyndon Johnson phải bỏ cuộc, không ứng cử tổng thống lần thứ hai. Richad Nixon, ứng cử viên đảng đối lập đánh bại ứng cử viên đảng đương quyền, lên làm tổng thống. Ngày 24-6-1970, thượng viện Mỹ bãi bỏ “Nghị quyết vịnh Bắc Việt”, giới hạn quyền của tổng thống gởi quân ra nước ngoài. (John S. Bowman, The Vietnam War, Day by Day, New York: Mallard Press, 1989, tr.166.) Đây là thời cơ thuận tiện để CS mở cuộc tấn công, nhất là sau cuộc họp giữa Kissinger và Chu Ân Lai vào tháng 7-1971, CSVN được biết thêm tin chắc chắn người Mỹ sẽ rút quân, bỏ rơi VNCH.

Năm 1972 cũng là năm bầu cử tổng thống ở Hoa Kỳ. Vấn đề Việt Nam rất nhạy cảm với cử tri Mỹ. Có thể vì vậy, CSVN tung đại quân tấn công VNCH nhằm tạo ra một chấn động mới, thúc đẩy dân chúng Hoa Kỳ đòi hỏi chính phủ Hoa Kỳ chẳng những nhanh chóng rút quân mà chấm dứt hẳn sự can thiệp vào Việt Nam.

Thứ ba, CSVN mở các chiến dịch 1972 nhằm tăng cường uy thế của phía CSVN trong hòa hội đang tiếp diễn tại Paris. Trong hòa hội Paris, CS đòi giữ nguyên trạng sau khi ngưng bắn. Vì vậy, CS mở cuộc tấn công nhằm lấn đất giành dân. Cũng trong dự thảo hiệp định Paris, CSVN đòi hỏi quân đội và võ khí nước ngoài không được nhập vào VNCH sau khi hiệp định được ký kết. Vì vậy CSVN tìm cách hủy diệt các đơn vị cũng như quân nhu quân dụng quân đội VNCH, để VNCH yếu hẳn sau khi ngưng bắn. Trái lại, toàn khối CS bí mật tiếp tục viện trợ cho Bắc Việt qua đường bộ ở biên giới giữa Việt Nam với Trung Quốc, mà không ai có thể kiểm soát được.

2.- DIỄN TIẾN CHIẾN CUỘC

Theo quyết định của bộ Chính trị đảng LĐ, quân đội CSVN mở chiến dịch đại quy mô, tấn công ở cả bốn quân khu VNCH: Quảng Trị và Thừa Thiên ở Quân khu I (từ 30-3-1972); Kontum ở Quân khu II (từ 30-3-1972 ); Bình Long ở Quân khu III (1-4-1972); Định Tường, Kiến Tường ở Quân khu IV (10-6-1972). Cộng sản đặt tên cho các cuộc hành quân trên đây lần lượt là: chiến dịch Trị Thiên, chiến dịch Bắc Tây nguyên, chiến dịch Nguyễn Huệ, và chiến dịch Đồng bằng sông Cửu Long. Phía VNCH, gọi chung cuộc chiến năm 1972 là “mùa hè đỏ lửa”, phát xuất từ tên quyển ký sự chiến trường là Mùa hè đỏ lửa, của nhà văn Phan Nhật Nam. Về phía Hoa Kỳ, thì cuộc chiến năm 1972 được gọi là Easter Offensive.

Mặt trận Quảng Trị ở Quân khu I (từ 30-3-1972): CSVN gọi đây là chiến dịch Trị Thiên. Lực lượng CS gồm ba sư đoàn Bộ binh (304, 308, 324), hai trung đoàn độc lập (27 và 48), bốn tiểu đoàn BB Quân khu Trị Thiên, Đoàn đặc công 126 và 10 tiểu đoàn đặc công, hai trung đoàn xe tăng (202, 203), bảy trung đoàn pháo binh, ba sư đoàn pháo phòng không (365, 367 và 377), bốn tiểu đoàn tên lửa, phòng không và lực lượng võ trang địa phương. (Trung Tâm Tự Điển Bách Khoa Quân Sự, Tự điển bách khoa quân sự Việt Nam, Hà Nội: Nxb. Quân Đội Nhân Dân, 2004, tr. 202.)

Đối đầu với lực lượng hùng hậu nầy, về phía VNCH có hai sư đoàn Bộ binh là Sư đoàn 1 đóng ở Huế và Sư đoàn 3 (thành lập tháng 10-1971) đóng ở Quảng Trị, hai lữ đoàn TQLC (147, 258), ba thiết đoàn (20, 11, 17), một số tiểu đoàn Địa phương quân, một số đơn vị Pháo binh, và về sau tăng cường thêm hai lữ đoàn Dù (1 và 2). Chiến cuộc tại vùng Quảng Trị có thể chia thành ba giai đoạn:
Thứ nhất: Mở đầu, ngày 30-3-1972, CSVN xua quân vượt vĩ tuyến 17, xâm phạm vùng phi quân sự, tấn công các căn cứ tiền đồn dọc đường số 9, chiếm căn cứ Carroll ngày 2-4-1972. Trung tá Phạm Văn Đính, trung đoàn trưởng Trung đoàn 56 BB, thuộc Sư đoàn 3 BB, đầu hàng địch tại căn cứ nầy.

Cũng ngày 2-4-1972, tổng thống Nixon ra lệnh cho Hạm đội 7 oanh kích những nơi quân đội Bắc Việt tập trung tại vùng phi quân sự, vừa bằng phi cơ vừa bằng chiến thuyền đậu dọc duyên hải Quảng Trị. Ngày 6-4-1972, hai oanh tạc cơ Mỹ bị hòa tiễn SAM-2 bắn rơi. SAM-2 là võ khí Liên Xô mới trang bị cho Bắc Việt. Khi đến Đông Hà, CSVN bị chận đánh dữ dội. Trước tình hình căng thẳng, bộ Tổng tham mưu VNCH tăng phái thêm ba liên đoàn BĐQ 4, 5, 6 cho Quân đoàn I.

Thứ hai: Ngày 26-4, CSVN tiếp tục tấn công, chiếm Đông Hà ngày 28-4, áp lực nặng nề Quảng Trị. Ngày 30-4, chuẩn tướng Vũ Văn Giai, tư lệnh Sư đoàn 3 BB, họp cùng các sĩ quan chỉ huy, quyết định chuyển quân khỏi Quảng Trị, nhưng trung tướng Hoàng Xuân Lãm, tư lệnh Quân đoàn I ra lệnh tử thủ Quảng Trị. Lệnh tử thủ đến sau khi các đơn vị thuộc Sư đoàn 3 đã chuyển quân. Trong khi đó, CSVN đưa một cánh quân khác tiến qua A-Shau (A Sao), bao vây các căn cứ Bastogne và Checkmate, đe dọa Huế. Ngày 1-5-1972, CSVN chiếm thành phố Quảng Trị, tiến quân tới bờ bắc sông Mỹ Chánh. Thành phố Huế hoảng loạn. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu liền cử trung tướng Ngô Quang Trưởng, tư lệnh Quân đoàn IV, ra giữ chức tư lệnh Quân đoàn I, thay trung tướng Hoàng Xuân Lãm. Tướng Trưởng tái lập an ninh thành phố Huế, tái phối trí lực lượng phòng thủ.

Thứ ba: Ngày 8-6-1972, các lữ đoàn TQLC cùng các lữ đoàn Dù vượt sông Mỹ Chánh, phản công ra hướng bắc, mở đầu giai đoạn thứ ba của cuộc chiến Quảng Trị. Từ ngày 13-9, quân VNCH tái chiếm Quảng Trị, và treo cờ lên cổ thành Quảng Trị ngày 16-9-1972. Quân đội VNCH tiếp tục tảo thanh quân CS. Tuy chống cự mãnh liệt, quân CS dần dần rút lui, nhưng vẫn chiếm giữ vùng phía bắc sông Thạch Hãn. Sau biến cố Quảng Trị, thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh được đề cử thay thế chuẩn tướng Vũ Văn Giai, chỉ huy Sư đoàn 3 BB-VNCH.

Mặt trận Kontum ở Quân khu II (từ 30-3-1972): CSVN gọi cuộc hành quân nầy là chiến dịch Bắc Tây nguyên. Lực lượng CS gồm hai sư đoàn Bộ binh (320 và 2), bốn trung đoàn BB (24, 28, 66, 95), hai trung đoàn pháo binh, trung đoàn đặc công 400, sáu tiểu đoàn pháo phòng không, một tiểu đoàn xe tăng, một đại đội tên lửa, cùng lực lượng võ trang địa phương. (Trung Tâm Tự Điển Bách Khoa Quân Sự Hà Nội, sđd. tr. 157.) Phía VNCH, tại Quân khu II lúc đó, có hai sư đoàn Bộ binh (22 và 23), hai lữ đoàn Dù, 11 tiểu đoàn BĐQ Biên phòng và Địa phương quân.

Chiến cuộc Kontum có thể chia thành hai giai đoạn.
1) Vào đầu tháng 4-72, quân CS uy hiếp các căn cứ phía bắc Kontum. Ngày 11-4, quân CS tấn công căn cứ Charlie. Trung tá Nguyễn Đình Bảo, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 11 Dù tử trận. Ngày 21-4, CS tràn ngập căn cứ Delta. Charlie và Delta là hai căn cứ hỏa lực nằm về phía tây của căn cứ Võ Định. Căn cứ Võ Định cũng không giữ được. (Võ Định nằm trên quốc lộ 14, phía bắc Kontum và phía nam Tân Cảnh.) Ngày 24-4, quân CS chiếm các căn cứ Tân Cảnh và Daktô II ở phía bắc Võ Định. Quân CS tiếp tục tấn công các căn cứ khác ở vùng nầy, nhưng không chiếm được căn cứ Ben Het do các tiểu đoàn 72 và 95 BĐQ trấn giữ. Ngày 10-5-1972, thiếu tướng Nguyễn Văn Toàn, phụ tá hành quân Quân đoàn I, được cử làm tư lệnh Quân đoàn II, thay thế thiếu tướng Ngô Dzu.
2) Từ 14-5-1972, quân CS tập trung tấn công vào Kontum. Có khi quân CS chiếm được trại Ngọc Hồi ở Kontum, hậu cứ của Thiết giáp và căn cứ tiếp vận, nhưng đã bị đẩy lui ngay. Sư đoàn 2 Sao Vàng bị B52 gây thiệt hại nặng, sau đó phải giải thể. Vào cuối tháng 5-1972, mặt trận Kontum yên tĩnh trở lại. Quốc lộ 14 giữa Kontum và Pleiku được khai thông.
Sau Kontum, CSVN tấn công Bình Định cũng thuộc Quân khu II vào đầu tháng 6-1972, chiếm các quận Tam Quan, Hoài Nhơn và Hoài An, Tuy nhiên, vào cuối tháng 7-1972, quân đội VNCH tái chiếm ba quận nầy.

Mặt trận An Lộc (Bình Long) ở Quân khu III (1-4-1972): CSVN gọi cuộc hành quân nầy là chiến dịch Nguyễn Huệ. Lực lượng CS gồm ba sư đoàn Bộ binh (5, 7, 9), ba trung đoàn BB (24, 71, 205), trung đoàn đặc công 429 (7 tiểu đoàn), 1 trung đoàn và 1 tiểu đoàn pháo binh, 2 tiểu đoàn xe tăng thiết giáp, 4 tiểu đoàn pháo phòng không, 20 tiểu đoàn và 63 đại đội bộ đội địa phương. (Trung Tâm Tự Điển Bách Khoa Quân Sự Hà Nội, sđd. tr. 186.)

Phía VNCH, Quân khu III có ba sư đoàn Bộ binh 5, 18 và 25, một lữ đoàn Dù, năm liên đoàn BĐQ, một lữ đoàn Thiết kỵ, Liên đoàn 81 Biệt cách Dù, và các đơn vị Địa phương quân. Phòng thủ chính bên trong An Lộc là sư đoàn 5 BB do đại tá Lê Văn Hưng chỉ huy. (Đại tá Hưng lên chuẩn tướng tại mặt trận An Lộc. Ông đã cam kết: “Khi nào tôi còn, An Lộc còn.”)

An Lộc là tỉnh lỵ tỉnh Bình Long, nằm trên quốc lộ 13, án ngữ giữa Sài Gòn và mật khu 708 của CSVN trên đất Cao Miên. Cộng sản dự tính đánh chiến An Lộc để làm lễ ra mắt chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam vào ngày 20-4-1972. (Nguyễn Đức Phương, sđd. tr. 569.) Nhằm tạo thế nghi binh, từ 1-4-1972 một số đơn vị CS tấn công các căn cứ phía bắc Tây Ninh. Ngày 4-4-1972, sư đoàn 5 CS tiến về Lộc Ninh (tỉnh Bình Long), phía bắc An Lộc, và chiếm được Lộc Ninh ngày 8-4-1972.
Sau khi chiếm Lộc Ninh, quân CS tiến xuống phía nam, đe dọa An Lộc. Cuộc chiến An Lộc kéo dài từ 8-4-1975 đến ngày 12-6-1972. Ngoài sư đoàn 5 CS, một cánh quân khác của CS, sư đoàn 7 CS xuất phát từ biên giới Cao Miên, đi vòng qua An Lộc, phong tỏa quốc lộ 13 phía nam An Lộc. Trong khi đó, sư đoàn 9 CS cũng từ biên giới Cao Miên, đánh thẳng vào phía tây An Lộc. Như thế cả 3 sư đoàn CS đánh kẹp An Lộc vào giữa. Quân CS vừa pháo kích dữ dội, vừa sử dụng xe tăng T-54 và BTR-60 dẫn đầu, tiến chiếm phía bắc thành phố An Lộc, đồng thời chiếm các căn cứ trên quốc lộ 13, phía nam An Lộc, để chận đường tiếp tế của quân đội VNCH.

Quân đội VNCH dàn ra đối phó với hai trận tuyến của CS. Một mặt quân phòng thủ An Lộc chiến đấu anh dũng, chận đứng và đẩy lui các cuộc xung phong của quân CS ngay tại An Lộc. Một mặt các đơn vị VNCH khác cương quyết giải tỏa quốc lộ 13, nhằm tiếp ứng An Lộc. Ở cả hai mặt trận, hai bên giằng co từng tấc đất, từng ngôi nhà. Quân CS sử dụng chiến thuật “tiền pháo hậu xung”, pháo kích dữ dội trước khi xung phong. Quân VNCH biết rõ cách đánh nầy, nên sau mỗi đợt CS pháo kích, liền chuẩn bị sẵn sàng để nghênh chiến.

Bên cạnh đó, Không quân đã yểm trợ tích cực cho Bộ binh VNCH chiến đấu. Ngoài việc oanh kích các nơi tình nghi quân CS trú đóng, Không quân VNCH phụ trách chuyển vận quân đội, thả tiếp liệu (lương thực, nước uống, quân nhu, quân dụng), tải thương binh. Vừa vì thời tiết xấu, vừa vì bị súng phòng không của CS bắn phá, việc tiếp liệu có khi ít hiệu quả, một số kiện hàng không đến tay quân đội VNCH mà lọt vào tay quân CS. Hơn nữa, vì bị bắn phá dữ dội, các trực thăng tải thương hoạt động rất khó khăn, và nhiều trực thăng bị bắn rơi. Trong khi đó, những phi vụ B-52 Hoa Kỳ liên tiếp dội bom nặng nề xuống chiến trường, giúp đánh tan các đơn vị CS chung quanh An Lộc, phá vỡ các kho võ khí do CS mới chuyển từ miền Bắc Việt Nam.

Riêng tại thị trấn An Lộc, kể từ 8-4-1972, quân CS tấn công tất cả 7 lần.
1) Trong lần đầu, ngày 13-4-1972, quân CS dùng chiến xa T-54 tiến vào An Lộc. Dù đã bắn cháy 7 chiếc, quân VNCH phải lui về phòng thủ phía nam thị trấn.
2) Ngày 14-4, quân CS xung phong lần thứ hai. Quân VNCH ẩn nấp trong các cao ốc, hầm trú ẩn, sử dụng súng M72, súng B40 và B41 (hai loại nầy tịch thu được của quân CS), chống trả và gây hư hại nặng các loại xe tăng CS. Ngày 16-4, Liên đoàn 81 Biệt Cách Dù được đưa đến An Lộc, tăng cường lực lượng phòng thủ ở đây.
3) Ngày 18-4, quân CS tấn công An Lộc lần thứ ba. Nhờ sự yểm trợ của Không quân, nhất là B-52, quân CS bị chận đứùng.
4) Sáng sớm 21-4-1972, CS pháo kích 2,000 trọng pháo đủ loại vào thị trấn và mở 4 mũi tấn công. Đêm 22 rạng 23-5, quân CS gia tăng tấn công, nhưng bị đẩy lui khi các chiếc xe tăng của CS bị bắn cháy.
5) Sáng 11-5-1972, quân CS tấn công An Lộc lần thứ 5, với chiến xa T-54 dẫn đầu. Hai bên cận chiến. Suốt ngày 12-5, quân đội VNCH đẩy lui lần nữa cuộc tấn công của CS.
6) Chỉnh đốn lại đội ngũ, ngày 14-5, CS tấn công tiếp ở các mặt đông bắc, tây và nam. Trong ba ngày giao chiến, số binh sĩ cả hai bên tử trận lên đến 600 người. Các chiến sĩ Biệt cách Dù phải lập một nghĩa địa bên cạnh chợ An Lộc để an táng. (Sau khi An Lộc được giải tỏa, trước nghĩa trang nầy có hai câu đối: “An Lộc địa, sử ghi chiến tích / Biệt cách Dù vị quốc vong thân.”)
7) CSVN dự tính tấn công ngày 19-5 để kỷ niệm sinh nhật Hồ Chí Minh, nhưng bị B-52 dội bom chận đứng. Ngày 23-5, quân CS mở bốn đợt tấn công vào phòng tuyến quân đội VNCH ở phía nam thị trấn An Lộc. Lần nầy, những cuộc tấn công của CS yếu ớt nên đều bị đẩy lui.

An Lộc - 1972

Từ đây vòng đai bảo vệ An Lộc mở rộng dần, trong khi quân đội VNCH ở ngoài cũng dọn được đường vào An Lộc. Ngày 8-6-1972, quân bên trong và bên ngoài An Lộc bắt tay được với nhau. Ngày 12-6-1972, chuẩn tướng Lê Văn Hưng tuyên bố trên đài phát thanh: “An Lộc hoàn toàn giải tỏa.”

Mặt trận các tỉnh ở Quân khu IV (10-6-1972): CSVN gọi cuộc hành quân nầy là chiến dịch Đồng Bằng Sông Cửu Long. Lực lượng CS gồm 2 sư đoàn Bộ binh (5 và C30b), 3 trung đoàn Bộ binh chủ lực thuộc Quân khu 8 (1, 88, 320), 1 trung đoàn và 2 tiểu đoàn pháo binh, ba tiểu đoàn đặc công, 7 tiểu đàn và 14 đại đội địa phương. (Trung Tâm Tự Điển Bách Khoa Quân Sự Hà Nội, sđd. tr. 170.) Về phía VNCH, có hai sư đoàn BB (7 và 9), một liên đoàn BĐQ, hai trung đoàn Thiết giáp, một liên đoàn Đặc nhiệm Hải quân, năm đại đội Tuần Giang và Địa phương quân.
Cuộc tấn công của CS tại đồng bằng sông Cửu Long lần nầy diễn ra trong ba giai đoạn:
1) Quân CS tấn công căn cứ Long Khốt (thuộc tỉnh Long An) và thị xã Mộc Hóa (thuộc tỉnh Kiến Tường). Tấn công nhiều lần nhưng thất bại, quân CS phải rút lui ngày 14-6.
2) Trong tháng 7-1972, quân CS tấn công phía bắc và nam đường số 4 thuộc hai tỉnh Kiến Tường và Mỹ Tho.
3) Từ 6-8 đến 10-9, quân CS tấn công Bến Tre, Chợ Gạo, Gò Công, nhưng đều bị đẩy lui.

3. KẾT LUẬN

Tính đến tháng 9-1972, thiệt hại về nhân mạng về phía quân đội CSVN lên đến khoảng 100,000 quân; và phía VNCH khoảng 50,000 quân. Một số thống kê khác cho thấy CSVN thiệt hại 70,000 quân trong khi VNCH 30,000. (Nguyễn Đức Phương, sđd. tr. 587.) Người ta ghi nhận thêm sau khi CSVN thất bại trong các chiến dịch 1972, ở Bắc Việt, đại tướng Võ Nguyên Giáp bị người phụ tá là đại tướng Văn Tiến Dũng thay thế, nắm thực quyền trong bộ Quốc phòng Bắc Việt Nam.

Các cuộc tấn công của CSVN vào năm 1972 nói chung không thành công, và bị quân đội VNCH đẩy lui ở khắp bốn mặt trận. Những trận đánh vào mùa hè đỏ lửa cho thấy khi còn được trang bị đầy đủ, dầu số quân ít hơn, quân đội VNCH cũng đủ sức để đẩy lui những cuộc tấn công vũ bảo của đối phương. Trong cuộc chiến vào mùa hè nầy, cộng sản chỉ gây được tiếng vang về chính trị trên thế giới để đẩy mạnh cuộc vận động ngoại giao.

TRẦN GIA PHỤNG (Toronto Canada)

Anh Không Chết Đâu Anh - Nhật Trường - Thanh Lan

Người Ở Lại Charlie

Thăm lại đồi Charlie: Nghe người đi, linh hồn ở lại - Tuấn Khanh

Máu xương người Việt…

Chúng tôi chọn những ngày cuối năm để leo lên ngọn đồi lịch sử Charlie, bởi vào lúc này thời tiết không quá khắc nghiệt để lần mò được đến nơi. Mang theo trong chuyến đi, những thứ quan trọng nhất là rượu, hoa và nhang: quà cho những người mà thế hệ chúng tôi chưa từng biết mặt.
Khác với việc thắp nhang ở nghĩa trang quân đội Biên Hòa, nay nằm trong địa phận tỉnh Bình Dương, đường đi nghĩa trang không khó nhưng lại phải chịu sự dòm ngó và hạch hỏi của nhóm gác cổng do công an địa phương cắt đặt, còn đường đi đến đồi Charlie chỉ có núi rừng, vài tấm bảng chỉ đường phủ đầy bụi đỏ. Thi thoảng trên đường có bắt gặp vài người dân tộc Jarai hay Sedang.
Charlie là một chóp đồi cao nằm giữa ba huyện Sa Thầy, Đắk Tô và Ngọc Hồi, thuộc tỉnh Kon Tum. Đường đi đến đó cheo leo và trắc trở. Chúng tôi đoán là trước năm 1975, hầu hết cuộc chuyển quân đều dựa trên không vận mới có thể nhanh và an toàn. Người Việt trong vùng gọi là Sạc-Li, dựa theo âm tiếng Anh, mà trong chiến tranh Việt Nam, cứ điểm cao 900m so với mặt nước biển được quân đội đặt tên, tạo thành tuyến phòng thủ và quan sát khu vực ngã ba Đông Dương. Nơi đây còn là vùng bảo vệ cho sân bay quân sự Phượng Hoàng và bản doanh bộ Tư lệnh Hành quân Sư đoàn 22 Bộ binh ở Tân Cảng của miền Nam.

Việc đặt tiểu đoàn 11 nhảy dù Quân lực Việt Nam Cộng Hòa trấn giữ ở đồi Charlie là một sự khó chịu vô cùng đối với quân Bắc Việt, vì mọi cuộc chuyển quân ở ngã ba Đông Dương hay từ Bắc vào, qua ngã này, đều có thể bị phát hiện. Cho nên, trong cuộc tổng tiến công năm 1972 của quân đội Bắc Việt, cùng với một phần của Mặt trận Giải phóng miền Nam, đồi Charlie là mục tiêu cần phải bị xóa sổ. Cái gai cần phải nhổ cho đường tiến quân thuận tiện từ Tây Nguyên xuống đồng bằng miền Nam.
Mùa hè 1972, người ta gọi đó là mùa hè đỏ lửa. Đỏ lửa là bởi sự nóng bức của thiên nhiên, cộng thêm súng đạn bay khắp nơi trong một cuộc tương tàn nhân danh giải phóng của chủ nghĩa cộng sản. Không có số liệu chính xác nào nói về thương vong của cả hai bên ở đồi Charlie, nhưng dựa trên phần sử liệu được công bố thì phía Việt Nam Cộng Hòa có tiểu đoàn 11 Song kiếm Trấn ải (tạm tính khoảng hơn 600 người) đối đầu với quân của sư đoàn 320 Bắc Việt (tạm tính khoảng gần hơn 7,000 người), chưa kể phía lực lượng Mặt trận Giải Phóng Miền Nam không được công bố, thì con số ít nhất thiệt mạng sau khi máy bay B-52 bỏ bom rải thảm tái chiếm, những thanh niên Việt Nam của cả hai bên thiệt mạng, ít ra cũng phải là 4,000 đến 5,000 người trong trận đó.
Điều đó, có nghĩa rằng chuyến đi mất gần ba tiếng di chuyển lên đến đỉnh đồi của chúng tôi, nơi đâu cũng có máu xương người Việt. Từng viên đá, từng khúc quanh, từng ngọn cây… chắc đều giữ lại phần bí mật nhất chưa bao giờ được kể lại về số phận không chỉ của từng con người, mà của một dân tộc phải chịu điêu linh vì cuộc chiến tranh màu lý tưởng cộng sản.
Ngọn đồi Charlie xanh mướt và lặng lẽ giữa thông xanh, trời mây và gió se sắt lạnh. Đầu ngõ vào cầu treo dẫn đến chân đồi, chính quyền địa phương đến hôm nay cũng chưa dám ghi rõ ràng về cuộc chiến này, mà chỉ đơn giản là “Di tích lịch sử của điểm cao 1015 Charlie và 1049 Delta” – khác với giọng điệu thường đắc thắng và kiêu ngạo sau 1975, khi mà những di tích thường có thêm các tấm bia ngợi ca sự anh dũng của quân đội Bắc Việt. Nhưng ở Charlie, mất mát quá lớn có thể là điều nhà cầm quyền ngại ngùng không muốn nhắc tới.  Hàng năm không chỉ có những chuyến xe từ Bắc vào Charlie để viếng người thân sinh Bắc tử Nam, mà chính người miền Nam đứng trên ngọn đồi ấy cũng ngậm ngùi: Ai, điều gì… đã xô đẩy khiến cho máu xương Việt Nam chia lìa và chôn vùi thảm khốc đến vậy?

 “Đi thăm ông Trung tá Bảo à?”
Chúng tôi đi xe máy, sáu người chở nhau và tận dụng mọi sức lực tay chân để có thể đến đỉnh đồi, trước khi trời sụp tối. Có đoạn phải vừa nổ máy xe, vừa đẩy, có đoạn vứt bớt đồ lại vì quá mệt, mang vác không nổi. Đoạn đường vừa tạm hết lầy sau mùa mưa, lại khô, trơn và nhiều ổ gà và đá vụn. Mọi người trong đoàn có lúc mệt đến mức hoa mắt, tay chân bủn rủn, thở không được vì không khí ngày càng loãng. Anh B., người khỏe nhất trong nhóm, có lúc đứng lại chắp tay và cầu nguyện “Đã đến được đây, mấy anh phải giúp tụi em đến nơi thắp hương mời rượu cho mấy anh”.
Đã 45 năm rồi. Những ngôi mộ, nếu có, thì giờ cũng đã um tùm cỏ lau. Thịt xương cũng đã là rêu bụi. Chiến địa đã trở thành rừng xanh bao phủ trên núi, ôm kín mọi nỗi lòng. Đó là chưa nói nhiều thế hệ đã đi qua, không biết, hoặc bị tuyên truyền bóp méo tin tức về những người lính Việt Nam Cộng Hòa ở đây. Vậy mà mấy lần, gặp một người Jarai hay Sedang, thấy chúng tôi hồng hộc thở trên đường, họ cười thân thiện và hỏi “đi thăm ông Trung tá Bảo à?”.
Lạ lùng. Sao họ lại biết Trung tá Bảo nhỉ? Thậm chí bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh có tên Người ở lại Charlie cũng không nhắc gì về tên của người chỉ huy tiểu đoàn Song kiếm Trấn ải này. Dù sau khi tử trận ở Charlie, Trung tá Nguyễn Đình Bảo (1936-1972) được truy phong đại tá, nhưng dân trong vùng vẫn nhớ về một vị Trung tá, giữa hàng ngàn người đã gửi lại hình hài ở nơi này.

Người ở lại Charlie
Trận chiến Charlie diễn ra trong một tuần, dữ dội. Quân đội Bắc Việt được điều động tiến vào Nam, số trang bị và nhân lực được kể là gấp sáu lần quân Việt Nam Cộng Hòa trấn giữ. Một người lính miền Nam phải chống cự với 6-7 người lính miền Bắc. Pháo kích và tiến công biển người diễn ra cấp tập trong ba ngày đầu. Đạn pháo kích đã khiến Trung tá Nguyễn Đình Bảo tử trận vào ngày thứ hai (12-4-1972), các chỉ huy nối nhau thay quyền kiểm soát cũng tử trận liên tục.
Không chỉ tấn công mà mục tiêu của sư đoàn 320 còn là tiêu diệt cho được tiểu đoàn Song Kiếm Trấn Ải (theo nhà văn Phan Nhật Nam thì sau trận đồi Charlie, tiểu đoàn này mất 400 quân nhân) nên quân Bắc Việt bao vây và chặn đường mọi ngã. Thậm chí súng phòng không  Bắc Việt còn được chuẩn bị để ngăn không cho trực thăng tiếp viện. Sau khi không còn đạn dược và lương thực, những quân nhân Việt Nam Cộng Hòa còn lại đã rút lui, nhường đường cho tốp máy bay B-52 bỏ bom hủy diệt toàn bộ phần Sư đoàn 320 đang tràn lên ở đây. Charlie phút chốc thành bình địa, kể cả những bộ đội từ Bắc vào, cho đến những thân xác còn nằm lại của những quân nhân Việt Nam Cộng Hòa.
Mọi nỗ lực tấn công hao tổn về con người và súng đạn của phía quân chính quy Bắc Việt hoàn toàn thất bại. Có lẽ vì vậy mà trong wikipedia Việt ngữ nói về Sư đoàn 320, chiến sử Charlie đã không được ghi lại cũng như cũng cố ý không nhắc tới, trong các mục viết ca ngợi danh tiếng của Sư đoàn này.
Nói về trận đánh đó, vùng đất đó, nhà văn Phan Nhật Nam có viết trong bài Người ở lại Charlie: “Bi kịch không riêng đối với những người lính Tiểu Đoàn 11 Dù, qua lần đi khuất của Cố Đại Tá Nguyễn Đình Bảo – Nhưng cũng là bi kịch của mỗi thân phận Người Miền Nam hiện thực qua hy sinh xả kỷ của Người Lính, sự chịu đựng âm thầm của Người Vợ-Đứa Con Người Lính. Nỗi Đau kia hằng mới vì Nỗi Đau Luôn Là Nỗi Đau Chung, cùng với những dấu tích kỳ diệu miên viễn của Tình Yêu trong đời sống trần thế giới hạn của nhân sinh”. (trích)
Cuối năm 1972, quân đội Việt Nam Cộng Hòa có tổ chức dựng bia tưởng niệm trên đỉnh đồi để tưởng các quân nhân đã hy sinh trong cuộc chiến, và ghi nhớ nơi tử trận của Đại tá Nguyễn Đình Bảo. Nhưng rồi sau 1975, chính quyền địa phương theo lệnh từ Hà Nội đã cho đập phá tất cả. San bằng mọi thứ. Nhưng đáng ngạc nhiên, là chính nhà cầm quyền Bắc Việt cũng không hề dựng bất kỳ bia tưởng niệm nào cho hàng ngàn người lính của họ đã thiệt mạng ở nơi này.
Mãi cho đến giữa thập niên 1990, những đoàn thân nhân từ miền Bắc vào để viếng, nơi con em của họ đã để lại tuổi xuân trên ngọn đồi Charlie mới góp tiền cùng nhau dựng một bàn thờ, hương khói. Còn về những người miền Nam, không biết ai đó đã ùn một đống đất, tựa như một gò nhỏ, hay có thể là một nấm mộ tượng trưng cho những ai lên thắp hương cho Đại tá Nguyễn Đình Bảo và những quân nhân Việt Nam Cộng Hòa. Và dù rất khiêm tốn, không có bia hay chữ ghi chú nào, nhưng mọi người đều biết nếu thắp nhang cho những người miền Nam, thì đến đó.

Giải oan cho cuộc biển dâu này
Khi cả nhóm loay hoay trên ngọn đồi, lúc chiều xuống đậm rồi, vẫn không biết là nơi nào để hướng đến, thì chính một người trẻ tuổi địa phương bất ngờ có mặt xuất hiện trên đó chỉ giúp, “nơi của ông Bảo”, hay nơi để viếng những người cùng ông ngã xuống, cũng vậy.
Hương bay theo gió, những cánh hoa vàng phất phơ trên cỏ. Tôi chợt nhớ đến phần cuối trong Đồi gió hú của Emily Bronte, rằng “dưới những cành hoa phất ấy, những người nằm dưới nấm mộ ấy có thật sư yên nghỉ không?”. Không có ai trả lời tôi suy nghĩ đó, chỉ có tiếng gió rít qua từng hồi như tiếng thở than.

https://hung-viet.org/images/file/f8-tDVfI2AgBAPB6/tuankhanhdoicharlie.jpg

Chúng tôi chọn những ngày cuối năm để leo lên ngọn đồi lịch sử Charlie, bởi vào lúc này thời tiết không quá khắc nghiệt để lần mò được đến nơi. Mang theo trong chuyến đi, những thứ quan trọng nhất là rượu, hoa và nhang: quà cho những người mà thế hệ chúng tôi chưa từng biết mặt.

Con đường xuống núi nguy hiểm và khó khăn hơn cả lúc đi lên, vì chung quanh là bóng tối, đường lầy với cát khô và đầy khúc quanh đốc xuống thẳng đứng. Nhưng bên cạnh chuyện việc lo lắng đi ra, ai cũng mang theo một cảm giác kỳ lạ. Trận chiến Charlie lại sống động như mới hôm qua, những người Việt Nam nổ súng vào nhau như vẫn còn nghe tiếng đạn bay. Rừng núi âm u như vẫn chực chờ những cái chết vô định. Chúng tôi cảm nhận được hết mọi thứ và ngồi lại, kể với nhau khi ra đến bên ngoài.
Ký ức thường rồi dần sẽ phai mờ, sự khốc liệt của chiến tranh, máu và nước mắt rồi cũng khô cạn. Nhưng anh hùng tử, khí hùng bất tử, cái chết vì chính nghĩa bảo vệ miền đất tự do của những thanh niên miền Nam Việt Nam quyết bảo vệ vùng đất của mình vẫn được nhớ đến, vẫn phảng phất trong hương gió núi vùng Dakto, trong lời hát, bất ngờ hiện ra vào chiều sẩm tối ở đồi Charlie, khiến chúng tôi gai người – sự linh thiêng của núi sông là đây, của cha anh là đây, của nghịch cảnh tương tàn vì tham vọng cơ đồ là đây.
Đi trong đoàn có hai sư thầy trẻ, vừa là bạn tín ngưỡng, vừa là người đồng chí hướng. Nhang được đốt lên, hoa được đặt xuống mặt đất bằng. Chai rượu trắng được rót xuống cùng những lời cầu nguyện khác nhau. Anh V., đứng thẳng dáng gầy, tay chắp nhang ngang mày im lặng. Sự tôn nghiêm của anh làm hơi rượu như nồng hơn, sẻ chia như những vần thơ của Tô Thùy Yên:

Ta về như lá rơi về cội
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
Chén rượu hồng đây xin rót xuống
Giải oan cho cuộc biển dâu này


Giờ thì không có ai là kẻ thù, cần diệt trừ và không có nơi chốn nào, cần phải bị giải phóng. Chỉ có những con người nằm lại với nhau, xương thịt nằm lại trên cùng một mảnh đất, cùng ngửa mặt lên bầu trời đêm của ngọn đồi Charlie để thấy thương đau là tên gọi chung của tất cả. Tất cả thịt xương Việt Nam đã đến, đã hư không, chỉ còn linh hồn ở lại.
Chắc chắn rồi chúng tôi sẽ trở lại, rót rượu cho mọi người, không phân biệt là ai. Vì như có một lời hứa âm vang trong tim với những con người đã đến, thân xác ra đi nhưng linh hồn mãi mãi ở lại Charlie. Những người anh em Việt Nam đã chết trên đất nước, đem lại những điều quý giá. Có những người dạy cho thế hệ sau biết chính nghĩa quốc gia là gì, và có những người lại dạy cho chúng tôi biết cuộc tương tàn ấy đau đớn thế nào trong tham vọng chủ nghĩa.

(Tháng 12-2020)
Tuấn Khanh

Video Người Ở Lại Charlie - Lâm Thúy Vân - Lâm Nhật Tiến

1. Anh ! Anh ! Hỡi anh ở lại Charlie
Anh ! Anh ! Hỡi anh giã từ vũ khí
Vâng, chính anh là ngôi sao mới
Một lần này chợt sáng trưng
Là cánh dù đan bằng tiếc thương vô cùng

Này anh ! Anh ! Hỡi anh ở lại Charlie
Anh ! Vâng, chính anh là loài chim quí
Ôi, cánh chim trùng khơi vạn lý
Một lần dậy cánh bay
Người để cho người nước mắt trên tay

ÐK:
Ngày anh đi, anh đi
Anh đi từ tổ ấm
Anh ơi, địa danh nào thiếu dấu chân anh ?
Ðợi anh về
Chỉ còn trên vầng trán đứa bé thơ,
tấm khăn sô bơ vơ
Người góa phụ cầu được sống trong mơ

Toumorong, Dakto, Krek, Snoul
Ôi Dambe, Ðức Cơ, Krek, Snoul
Trưa Khe Sanh gió mùa, đêm Hạ Lào thức sâu
Anh ! Cũng anh vừa ở lại một mình,
vừa ở lại một mình
Charlie, tên vẫn chưa quen người dân thị thành.

2. Anh ! Anh ! Nhớ anh trời làm cơn bão
Anh ! Anh ! Tiếc anh chiều rừng thay áo
Ôi! Vết đau nào đưa anh đến
Ngàn đời của nhớ thương
Hỡi bức chân dung trên công viên buồn

Xin một lần thôi, một lần thôi
Vẫy tay tạ từ Charlie (2)
Xin một lần nữa, một lần nữa
Vẫy tay chào buồn anh đi (2)

ÐK:
Ngàn đời của nhớ thương
Gởi bức chân dung trên công viên buồn 

Mùa Hè Đỏ Lửa 1972: Trung Tá Nguyễn Đình Bảo, ‘Người Ở Lại Charlie’

Vann Phan/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – Các trận đánh trong Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, trong đó nổi bật nhất là các cuộc giao tranh tại ba mặt trận lớn ở An Lộc, Kon Tum và Quảng Trị.

Trung Tá Nguyễn Đình Bảo (trái). (Hình: Tài liệu)

Từ những ngày đầu Tháng Tư, 1972, tại vùng Tân Cảnh-Dakto ở phía Tây Bắc Kon Tum diễn ra các cuộc giao tranh trước tiên, trong khuôn khổ Chiến Dịch Bắc Tây Nguyên của quân đội Cộng Sản Bắc Việt, và nhắm vào các lực lượng Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) tại Vùng II Chiến Thuật.

Bối cảnh trận đánh tại căn cứ Charlie

Quân Lực VNCH trấn đóng tại vùng phía Tây Bắc tỉnh Kon Tum gần biên giới Việt-Miên-Lào gồm các lực lượng Bộ Binh, Thiết Giáp, Biệt Động Quân, và Nhảy Dù, với nhiệm vụ chính là bảo vệ sườn phía Tây của Vùng II Chiến Thuật, đồng thời theo dõi các hoạt động chuyển quân từ Bắc vào Nam của Quân Đội Cộng Sản Bắc Việt trong mưu đồ tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam.

Mỗi khi phát hiện các đoàn quân Cộng Sản xâm nhập này, phía VNCH sẽ báo cáo lại cho Hải và Không Quân Hoa Kỳ, đặc biệt là các phi đội oanh tạc cơ khổng lồ B-52, bay đến tiêu diệt họ cùng với số vũ khí, quân trang, quân dụng, và lương thực mang theo.

Hai căn cứ Charlie và Delta, nằm trong tuyến phòng thủ gồm nhiều cứ điểm của Quân Đoàn II Quân Lực VNCH ở phía Tây Sông Pôkô và Quốc Lộ 14, là những mục tiêu bị Cộng Quân tấn công đầu tiên trên đường tiến quân của họ về hướng Tân Cảnh, Dakto và thị xã Kon Tum, một trong ba mặt trận lớn trong Mùa Hè Đỏ Lửa. Trận đánh quyết định tại Đồi Charlie diễn ra từ ngày 11 đến 14 Tháng Tư, 1972, trong đó Trung Tá Nguyễn Đình Bảo, tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù (Tiểu Đoàn Song Kiếm Trấn Ải), tử trận, và Thiếu Tá Lê Văn Mễ, tiểu đoàn phó, quyết định rút quân khỏi Charlie.

Từ đầu Tháng Ba, 1972, biết được kế hoạch của Cộng Sản Bắc Việt là sẽ dùng các Sư Đoàn 320A, Sư Đoàn 322, và Sư Đoàn F10 cùng các đơn vị du kích của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam tấn công vào các cứ điểm của Quân Lực VNCH, Trung Tướng Ngô Du, tư lệnh Quân Đoàn II và Vùng II Chiến Thuật, đã điều động các lực lượng Bộ Binh và Thiết Giáp của Sư Đoàn 22 Bộ Binh lên Tân Cảnh để đối phó. Tướng Du còn điều động Liên Đoàn 22 Biệt Động Quân đến các căn cứ biên phòng, đặc biệt là đồn Ben Het, để bảo vệ các tuyến giao thông đi vào Vùng II.

Vị tư lệnh Quân Đoàn II cũng yêu cầu Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH cho tăng cường thêm Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù để làm lực lượng trừ bị tại Kon Tum và sẵng sàng cứu ứng cho Tân Cảnh khi cần thiết. Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù đóng tại làng Võ Định, cạnh Quốc Lộ 14, giữa khoảng Kon Tum và Dakto. Các đơn vị trực thuộc được bố trí tại các cao điểm trên Dãy Rocket Ridge về phía Tây quốc lộ 14, với các căn cứ Alpha, Yankee, Charlie, Delta, Hotel… Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù dưới quyền Trung Tá Nguyễn Đình Bảo được chỉ định trấn đóng căn cứ Charlie, gồm các cao điểm 960, 1020, và 1050.

Nhạc phẩm “Người Ở Lại Charlie” 
của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. (Hình: Tài liệu)

Cộng Quân tấn công căn cứ Charlie, Trung Tá Nguyễn Đình Bảo hy sinh

Từ ngày 3 Tháng Tư, các lực lượng Sư Đoàn 320A khởi sự tấn công căn cứ Charlie và cứ điểm Rocket Ridge. Cuộc tấn công diễn ra nhiều đợt, và cho đến ngày 11 và 12, Cộng Quân liên tục nã hàng ngàn quả đạn 130 ly, 122 ly, và hỏa tiễn đủ loại vào hệ thống phòng ngự của căn cứ Charlie, quyết dứt điểm căn cứ này.

Khoảng 9 giờ sáng 12 Tháng Tư, Cộng Quân tiếp tục pháo loại đạn nổ chậm. Hầm chỉ huy của Trung Tá Nguyễn Đình Bảo tại cao điểm 1020 bị trúng nguyên một trái đạn 130 ly và bị sập toàn bộ, xác vị chỉ huy tiểu đoàn bị mảnh đạn cắt đứt nhiều chỗ. Khoảng 10 giờ rưỡi đêm đó, các lực lượng Trung Đoàn 52 của Sư Đoàn 320A đã chiếm được nhiều nơi trên căn cứ Charlie.

Ngày 13 Tháng Tư, Đại Úy Hùng “Móm” dẫn Đại Đội 112 tổ chức phản công với ý định chiếm lại cao điểm 960 để bảo vệ nguồn nước và bãi đáp dành cho trực thăng ở khu yên ngựa của cụm đồi Charlie, nhưng cuộc phản công bị Cộng Quân đầy lui.

Ngày 14, Cộng Quân tiếp tục tấn công vào các cao điểm cón lại của căn cứ Charlie bằng những trận mưa pháo ghê gớm. Vừa dứt pháo, Cộng Quân tràn lên tấn công vào Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù do Thiếu Tá Lê Văn Mễ, tiểu đoàn phó, chỉ huy. Vào lúc này, Thiếu Tá Mễ biết rõ là đơn vị đã hết đạn và cạn lương thực, bởi vì từ ngày 7 Tháng Tư đến nay, tiểu đoàn không nhận được tiếp tế đạn dược và lương thực. Trước hoàn cảnh bi đát đó, Thiếu Tá Mễ bàn với Thiếu Tá Đoàn Phương Hải, trưởng Ban 3 tiểu đoàn, là cần phải rút quân để tìm lấy cái sống trong cái chết cận kề.

Để thực hiện kế hoạch này, vị chỉ huy Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù đã ra lệnh cho các đại đội rời căn cứ Charlie theo hướng Đông-Bắc và tìm đường rút về Tân Cảnh (bộ chỉ huy hành quân của Sư Đoàn 22 Bộ binh) thay vì về Võ Định (nơi đóng quân của Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù) vì vị trí này quá xa căn cứ Charlie. Thiếu Tá Mễ cũng xin Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù, nửa giờ sau khi lính Dù đã rút đi, cho bắn đạn nổ chụp ngay trên đồi Charlie để tiêu diệt quân tấn công đang tràn ngập căn cứ.

Trung Tá Nguyễn Ðình Bảo (phải) và Ðại Tá Trương 
Vĩnh Phước trong chiến dịch Damber, Cambodia, 
Tháng Tám, 1971. (Hình: Tài liệu)

Vĩnh biệt Trung Tá Nguyễn Đình Bảo, “người ở lại Charlie”

Khoảng 5 giờ chiều cùng ngày, cả năm đại đội và bộ chỉ huy tiểu đoàn cùng nhau rời cao điểm 1020, vĩnh biệt Trung Tá Nguyễn Đình Bảo, “người ở lại Charlie.” Cộng Quân tràn lên chiếm đồi thì bị trọng pháo của Nhảy Dù từ các căn cứ hỏa lực gần đó đồng loạt bắn vào. Sau đó, một phi đội pháo đài bay B-52 xuất hiện, dội hàng trăm tấn bom xuống căn cứ Charlie vừa bị bỏ lại. Các lực lượng Cộng Sản Bắc Việt mới tiến lên căn cứ và chưa kịp chấn chỉnh hàng ngũ thì đã bị tan nát dưới trận mưa bom của Không Lực Hoa Kỳ.

Cái chết của vị sĩ quan anh hùng này đã gây nhiều xúc động trong lòng các chiến hữu Nhảy Dù và cả các chiến binh thuộc các quân, binh chủng bạn, bởi vì Trung Tá Bảo nổi tiếng là vị chỉ huy tài ba, gan dạ và hết lòng yêu thương đồng đội.

Charlie hay Tân Cảnh, Dakto, Kon Tum… không phải là những chiến trường duy nhất mà gót giày sô của vị trung tá đã đi qua, mà còn những địa danh khác nữa, như “Toumorong, Dakto, Dam-be, Đức Cơ, Krek, Snoul, Khe Sanh, Hạ Lào…” như được kể đến trong ca khúc “Người Ở Lại Charlie” của Trần Thiện Thanh, và còn nhiều, nhiều nữa những “địa ngục trần gian” khác từng “dàn chào” bao người chiến binh Quân Lực VNCH như Nguyễn Đình Bảo trong suốt cuộc chiến bảo vệ miền Nam Tự Do trước cuộc chiến tranh xâm lược của Cộng Sản Quốc Tế hồi hạ bán thế kỷ trước.

Giữa mùa tao loạn, cái chết ngay tại chiến trường mới là vinh dự thật sự của người chiến binh, cố Đại Tướng Đỗ Cao Trí, lúc sinh thời, vẫn thường nói vậy. Nếu Trung Úy Nguyễn Văn Đương chỉ nhờ một trận đánh trên Đồi 31 tại chiến trường Hạ Lào mà trở thành “người anh hùng Mũ Đỏ tên Đương” thì Trung Tá Nguyễn Đình Bảo, “người ở lại Charlie,” trở thành người anh hùng trong cuộc chiến. Không phải chỉ vì một trận chiến trên một ngọn đồi tại vùng núi rừng Kon Tum heo hút mà là vì những chiến công của Trung Tá Nguyễn Đình Bảo qua biết bao nhiêu lần vào sinh, ra tử tại các mặt trận khác, bởi vì danh vị anh hùng đó còn tùy thuộc vào chiều dài của đời quân ngũ và bề dày của những hy sinh, gian khổ mà người chiến binh cống hiến cho quốc gia, dân tộc.

Trong trận chiến trên đồi Charlie, thiết tưởng hai chiến sĩ khác, một Việt, một Mỹ, cũng rất đáng được khâm phục và ngợi ca.

Bản đồ căn cứ Charlie, 1972. (Hình: nhayduwdc.org)

Theo các bài viết về trận đánh tại căn cứ Charlie của tác giả Vương Hồng Anh trên các trang mạng vietbao.com và dongsongcu.wordpress.com, người thứ nhất đáng được vinh danh là Trung Sĩ Lung thuộc Đại Đội 111, Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù, người chiến sĩ can trường đã xung phong bắn mở đường cho đồng đội tháo lui, rồi sau đó còn gan lì đoạn hậu để che chở cho anh em rút đi yên ổn trước khi hy sinh vì trúng đạn của Cộng Quân.

Người thứ nhì là Thiếu Tá Duffy, John Duffy, một sĩ quan Lục Quân Mỹ, sau trở thành Cố Vấn Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù Quân Lực VNCH. Trong cuộc rút quân khỏi căn cứ Charlie, vị sĩ quan Mỹ gan dạ này luôn nằm trong số những người sau cùng lên trực thăng di tản vì có lòng tốt muốn nhường chỗ cho các chiến binh Nhảy Dù lên máy bay trước. Và, vào phút chót, khi đã đặt chân được lên trực thăng rồi mà Thiếu Tá Duffy, bất chấp nguy cơ có thể bị bỏ lại vùng địch chỉ vì đây là chuyến trực thăng chót trong cuộc di tản khỏi Charlie, vẫn còn phải nhảy xuống đất để kịp đỡ Thiếu Tá Hải lên trực thăng, sau khi vị thiếu tá Dù bị trúng đạn địch mà rớt khỏi phi cơ.

Phải biết rằng Quân Đội Thiên Hoàng Nhật Bản (hồi Đệ Nhị Thế Chiến) và Quân Lực VNCH (thời Chiến Tranh Việt Nam) vẫn nổi tiếng là hai đạo quân có các chiến binh dũng cảm nhất thế giới. Điều lý thú là các sĩ quan Mỹ từng tâm sự rằng họ rất “ngán” khi được phái đến làm cố vấn cho các đơn vị như Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, và Biệt Động Quân, bởi vì ai cũng lo sợ mình không đủ gan dạ để theo kịp những người bạn chiến đấu đó trong Quân Lực VNCH. (Vann Phan)

Đường Trở Lại Charlie - Nguyễn Thanh Phương 

Người ở lại Charlie Dạ Lan và Hoàng Oanh Charlie hát cho người nằm lại - Nguyễn Thanh Khiết


Nơi đây có 1 miếu thờ do người nhà các binh sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã tử trận tại Charlie, lập từ năm 2016 - Ảnh : Mai Thanh Hải





Trong mùa hè 1972, những thanh niên Việt Nam của cả hai bên thiệt mạng ít ra cũng phải là 4.000 đến 5.000 người trên ngọn đồi này.

 

Con đường được gọi là "sống lưng khủng long", lên đỉnh Charlie - Ảnh : Mai Thanh Hải

Không chỉ cán bộ nhân dân địa phương thường qua thắp nhang, mà những cựu chiến binh của sư đoàn 320 CSBV đã từng chiến đấu tại Sa Thầy, khi trở lại thăm chiến trường xưa, cũng tìm đến thắp nhang - Ảnh : Mai Thanh Hải

 

Khu vực đồn trú của bộ chỉ huy tiểu đoàn dù 11, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. - Ảnh : Mai Thanh Hải

Điểm cao Charlie (1015), nhìn từ trên cao - Ảnh : Nguyễn Độc Lập

Người ở lại Charlie, di ảnh cố Đại tá Nguyễn Đình Bảo (đeo kính đen bên phải), Tiểu đoàn trưởng Song Kiếm Trấn Ải, Tiểu đoàn 11 Nhảy dù và Đại úy Dù Đoàn Phương Hải (trái) đang thi sát mặt trận

 

TỔNG LƯỢC VỀ TRẬN ĐÁNH TÁI CHIẾM CỔ THÀNH QUẢNG TRỊ Chu Tất Tiến.

Tháng 12, năm 2020, một nhóm người trẻ thuộc thế hệ thứ 2 đã xin được sự đồng thuận 5/5 của thành phố Westminster cho phép xây dựng Tượng Đà...