Thursday, July 15, 2021

Chào mừng các chiến hữu Sư Đoàn 1, 2, 3 Bộ Binh hội ngộ

              Huy hiệu của ba Sư Đoàn 1, 2, và 3 Bộ Binh
Bài HỒ ĐẮC HUÂN

Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) vào những năm sau cùng trước 1975 có khoảng một triệu quân. Tổng hợp trong ba quân chủng Hải, Lục và Không Quân được tổ chức hàng ngàn đơn vị lớn, nhỏ. Riêng quân chủng Lục Quân gồm Chủ Lực Quân và Địa Phương Quân, Nghĩa Quân. Với nhiều binh chủng và ngành hoạt động từ hậu phương đến tiền tuyến qua sự gắn kết phối hợp các Quân, Binh Chủng để hoạt động được hữu hiệu.
Cấp Sư Đoàn Bộ Binh được tổ chức thành 11 Sư Đoàn: 1, 2, 3, 5, 7, 9, 18, 21, 22, 23 và 25. Riêng hai Sư Đoàn Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến thuộc thành phần Tổng Trừ Bị. Binh chủng Biệt Động Quân có quân số hơn 2 Sư Đoàn. Có 1 Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù.
Việc phối trí các Sư Đoàn Bộ Binh vào thời ấy thuộc 4 Quân Đoàn như sau: Quân Đoàn 1 gồm Sư Đoàn 1, 2 và 3. Quân Đoàn II gồm Sư Đoàn 23 và 25. Quân Đoàn III gồm Sư Đoàn 5, 18 và 25. Quân Đoàn IV gồm Sư Đoàn 7, 9 và 21.

Quân Đoàn I trách nhiệm hoạt động trên lãnh thổ 5 tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi và hai thành phố Huế và Đà Nẵng. Quân Đoàn I ở vùng địa đầu giới tuyến với 3 Sư Đoàn 1, 2 và 3 Bộ Binh.
Về hoạt động diện địa Quân Khu 1 có lực lượng ĐPQ và NQ của các Tiểu Khu và Đặc Khu trên.

Để kịp thời đối phó với âm mưu cưỡng chiếm Miền Nam của Cộng Sản Bắc Việt, Quân Đoàn I còn có thêm một Bộ Tư Lệnh Tiền Phương đóng tại Huế do một cấp tướng chỉ huy, đôi khi được tăng cường thêm 2 Sư Đoàn Dù và TQLC cùng một số Liên Đoàn Biệt Động Quân (BĐQ)...

Vận nước đưa đẩy, từ lực lượng đôi bên không tương xứng, Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) bị bức tử từ 30/4/1975 đưa đến QLVNCH hoàn toàn rã ngũ. Quân Đoàn I Quân Khu 1 tan hàng trong ngày 29/3/1975 tại Đà Nẵng. Sự sụp đổ Miền Nam, quân nhân các cấp vô cùng buồn tủi. Một số vượt thoát ra nước ngoài, còn lại kẻ tù trong, người tù ngoài. Số lớn vượt biên, vượt biển, đa số thoát được. Còn lại kẻ chết trên biển, trong rừng, người chết trong tù. Đau thương nhất là anh em thương phế binh và cô nhi, quả phụ trải qua cuộc sống vô cùng khổ cực! Sự đau buồn chồng chất hơn bốn thập niên qua. Hiện anh em quân nhân ở hải ngoại (đa số là Sĩ Quan) tuổi cao, bệnh hoạn, già yếu, lần lượt về bên kia thế giới. Phần các đệ đến nay người trẻ nhất cũng đã 60 tuổi. Trong 20 năm tới các bạn cũng lần lượt ra đi, may ra còn số người thọ thêm 5, 7 năm nữa là cùng. Cuộc đời binh nghiệp của các Huynh, Đệ qua những vui buồn không bút mực nào kể hết. Đến nay cũng khó biết được hết ai còn, ai mất cùng hoàn cảnh gia đình anh em thế nào?

Đáp ứng nguyện vọng của anh em là mong có một ngày họp mặt để có dịp hàn huyên, tâm sự, nhớ lại quãng đời binh nghiệp của anh em cùng chung các đơn vị, trong các Sư Đoàn 1, 2 và 3 Bộ Binh. Sau ngày giã từ vũ khí gặp phải cuộc sống bi ai, để rồi một số anh em may mắn gặp cơ hội tạm dung tại hải ngoại, nhiều nhất là ở Hoa Kỳ, một quốc gia được mệnh danh là cường quốc thế giới.

Từ tâm huyết một số anh em từng là cấp chỉ huy, Sĩ Quan Tham Mưu thuộc 3 Sư Đoàn trên một thời từng trải, lăn lộn cùng anh em trên chiến trường vùng hỏa tuyến góp phần đạt nhiều chiến công hiển hách cho màu cờ, sắc áo của 3 Sư Đoàn 1, 2, 3 Bộ Binh đã thành lập Ban Tổ Chức cho ngày hội ngộ gồm có: Trưởng Ban Đại Tá Lê Bá Khiếu, Sư Đoàn 2 cùng các quý vị: Sư Đoàn 1: Nguyễn An, Nguyễn Văn Hóa, Nguyễn Ngật, Hoàng Mão, Nguyễn Mỹ, Nguyễn Văn Tảo; Sư Đoàn 2: Nguyễn Đình Minh Hùng, Trần Bảo, Lê Quang, Phạm Minh Đức, Quốc Toản (Sư Đoàn 1-2); Sư Đoàn 3: Nguyễn Tri Tấn, Nguyễn Phước Ái Đỉnh, Nguyễn Tâm Tỷ. Đặc biệt trong Ban Tổ Chức còn có thêm thân hữu Phạm Văn Hồng thuộc P3 Quân Đoàn I và quyết định: chọn ngày Chủ Nhật 4/9/2016 họp mặt tại nhà hàng Mon Cheri, 12821 Harbor Blvd., Suite H-1B, Garden Grove, CA 92840. Thời gian từ 10-15 giờ. Đặc biệt 9 giờ sáng cùng ngày các chiến hữu tập trung tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ đặt vòng hoa tưởng niệm các Tử Sĩ VNCH, Hoa Kỳ và Đồng Minh nói chung. Riêng tưởng nhớ đến các Tử Sĩ đồng đội của các Đại Đơn Vị thuộc mọi Quân Binh Chủng đã hy sinh nhiều nhất phải kể các trận chiến ác liệt như Mậu Thân 1968, Lam Sơn 719 (Hành quân ngoại biên 1971), Mùa Hè đỏ lửa 1972 phản công lấy lại cổ thành Quảng Trị 1972, giao chiến với Trung Cộng âm mưu cưỡng đoạt Hoàng Sa 1/1974 và nhiều trận chiến ác liệt khác... thuộc vùng hỏa tuyến để bảo vệ Miền Nam mến yêu.

Thiếu Tá Hồ Đắc Huân
I. Lược qua vài chi tiết lịch sử của 3 Sư Đoàn Bộ Binh VNCH vùng hỏa tuyến

Sư Đoàn 1 Bộ Binh
Sư Đoàn 1 Bộ Binh được thành lập vào ngày 1 tháng Một, 1955 tại Huế, với danh xưng ban đầu là Sư Đoàn 21 Bộ Binh (Nghị Định số 012-QP/NĐ ngày 17/1/1955 và Sự Vụ Văn Thư số 474/TTM/1/1/SC ngày 27/1/1955) do Trung Tá Lê Văn Nghiêm làm Tư Lệnh đầu tiên.
Sư Đoàn 21 Bộ Binh là biến thân của Liên Đoàn Lưu Động số 21 được thành lập vào ngày 1/9/1953 tại Huế. Đến ngày 15/12/1954, Liên Đoàn Lưu Động 21 được lệnh giải tán và dùng làm nòng cốt để thành lập Sư Đoàn 21 Bộ Binh.
Ngày 1/8/1955, Sư Đoàn 21 Bộ Binh cải danh thành Sư Đoàn Dã Chiến 21.
Ngày 1/10/1955 Sư Đoàn Dã Chiến 21 được cải danh thành Sư Đoàn Dã Chiến số 1 (Sự Vụ Văn Thư số 3975/TTM/1/1/SC ngày 17/9/1955) và cuối cùng là Sư Đoàn 1 Bộ Binh từ ngày 1/12/1958. Sư Đoàn là đơn vị thiện chiến, luôn luôn phải đương đầu với kẻ địch thường xuyên, xâm nhập từ vĩ tuyến phía Bắc, không một ngày được nghỉ vì Việt Cộng lợi dụng địa thế để quấy phá.
Phương châm trên Quân Kỳ của Sư Đoàn 1 Bộ Binh là Quyết Tiến.
Sư Đoàn 1 Bộ Binh được ân thưởng Dây Biểu Chương màu Tam Hợp.
Từ ngày thành lập cho tới 30/4/1975, Sư Đoàn 1 Bộ Binh đã trải qua 15 vị Tư Lệnh (trong đó Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Chuân đã hai lần đảm nhiệm chức vụ).


Danh sách của quý vị Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh
1. Trung Tá Lê Văn Nghiêm 1/1/1955 (sau lên đến Trung Tướng)
2. Đại Tá Nguyễn Khánh 1/1956 (Đại Tướng)
3. Đại Tá Tôn Thất Đính 1957 (Trung Tướng)
4. Đại Tá Nguyễn Văn Chuân 8/1958 (Thiếu Tướng)
5. Đại Tá Tôn Thất Xứng 2/1959 (Thiếu Tướng)
6. Trung Tá Nguyễn Đức Thắng 1/1/1961 (Trung Tướng)
7. Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu 10/1961 (Trung Tướng)
8. Đại Tá Đỗ Cao Trí 12/1962 (Đại Tướng)
9. Đại Tá Trần Thanh Phong 22/12/1963 (Thiếu Tướng)
10. Đại Tá Nguyễn Chánh Thi 7/2/1964 (Trung Tướng)
11. Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Chuân 4/11/1964
12. Chuẩn Tướng Phan Xuân Nhuận 10/3/1966
13. Đại Tá Ngô Quang Trưởng 19/6/1966 (Trung Tướng)
14. Chuẩn Tướng Phạm Văn Phú 23/8/1970 (Thiếu Tướng)
15. Chuẩn Tướng Lê Văn Thân 1/11/1972
16. Đại Tá Nguyễn Văn Điềm 1/11/1973 (Chuẩn Tướng)

Sư Đoàn 2 Bộ Binh
Sư Đoàn 2 Bộ Binh được thành lập vào ngày 4/2/1955 tại Đà Nẵng với danh xưng ban đầu là Sư Đoàn 32 Bộ Binh (Nghị Định số 041/1P/NĐ ngày 10/2/1955, Sự Vụ Văn Thư số 1064/TTM/1/1/SC ngày 14/2/1955). Sư Đoàn 32 Bộ Binh là biến thân của Liên Đoàn Lưu Động số 32 được thành lập vào ngày 3/11/1953 tại Mỹ Côi, Ninh Bình. Đến ngày 16/1/1955, Liên Đoàn Lưu Động số 32 được lệnh giải tán và dùng làm nòng cốt để thành lập Sư Đoàn 32 Bộ Binh.
Ngày 1/8/1955, Sư Đoàn 32 Bộ Binh được cải danh thành Sư Đoàn Dã Chiến Số 2 và cuối cùng là Sư Đoàn 2 Bộ Binh từ ngày 1/12/1958.
Tháng 5/1965, Sư Đoàn 2 Bộ Binh di chuyển từ Đà Nẵng vô Quảng Ngãi.
Đầu năm 1975, di chuyển về Chu Lai, Quảng Tín.
Phương châm trên Quân Kỳ của Sư Đoàn 2 Bộ Binh là Chiến Thắng Vinh Quang.
Sư Đoàn 2 Bộ Binh được ân thưởng Dây Biểu Chương màu Tam Hợp.
Kể từ ngày thành lập cho tới sau cùng đã trải qua 13 vị Tư Lệnh.

Danh sách của quý vị Tư Lệnh Sư Đoàn 2 Bộ Binh:
1. Trung Tá Tôn Thất Đính 1/1/1955 (sau thăng Trung Tướng)
2. Trung Tá Đặng Văn Sơn 22/11/1956 (Đại Tá)
3. Trung Tá Lê Quang Trọng 14/6/1957 (Đại Tá)
4. Trung Tá Dương Ngọc Lắm 23/8/1958 (Thiếu Tướng)
5. Đại Tá Lâm Văn Phát 8/6/1961 (Trung Tướng)
6. Đại Tá Trương Văn Xương 18/6/1963
7. Đại Tá Tôn Thất Xứng 6/12/1963 (Thiếu Tướng)
8. Đại Tá Ngô Du 30/1/1964 (Trung Tướng)
9. Đại Tá Nguyễn Thanh Sằng 9/7/1964 (Chuẩn Tướng)
10. Chuẩn Tướng Hoàng Xuân Lãm 15/10/1964 (Trung Tướng)
11. Đại Tá Nguyễn Văn Toàn 10/1/1967 (Trung Tướng)
12. Đại Tá Phan Hòa Hiệp 21/1/1972(Thiếu Tướng)
13. Đại Tá Trần Văn Nhựt 27/8/1972 (Chuẩn Tướng)
Sư Đoàn 3 Bộ Binh
Sư Đoàn 3 Bộ Binh được thành lập vào ngày 1/10/1971 tại căn cứ Ái Tử Quảng Trị.
- Nghị Định số 2334-QP/TCTT/NĐ ngày 31/10/1971.
- SVVT số 4511/TTM/P3/2/K ngày 4/10/1971.
Sư Đoàn 3 Bộ Binh gồm các Trung Đoàn:
- Trung Đoàn 2 (chuyển từ Sư Đoàn 1 BB qua).
- Trung Đoàn 56 và 57 (chuyển một số Tiểu Đoàn từ Sư Đoàn 2 BB cộng thêm quân nhân thuộc Quân Khu 1).
Sau khi tổ chức và huấn luyện, nhiệm vụ trấn giữ vùng phi quân sự.
Là Sư Đoàn thành lập về sau nên thực lực chiến đấu còn hạn chế.
Vào các tháng 3, 4 và 5/1972, Cộng Sản Bắc Việt đã điều động một số quân gấp nhiều lần hơn, có chiến xa tùng thiết và pháo binh yểm trợ tấn công các cứ điểm của Sư Đoàn. Với chiến thuật biển người cùng hỏa lực quá mạnh, Sư Đoàn 3 đã rời bỏ vị trí phòng thủ dọc vùng phi quân sự rút về Đà Nẵng. Bộ Tư Lệnh đóng tại đồi Tự Do để bổ sung quân số, tái tổ chức, trang bị huấn luyện bổ túc.
Giữa năm 1972, Sư Đoàn 3 Bộ Binh trách nhiệm hoạt động tại hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Tín và Đặc Khu Đà Nẵng.
Khi thành lập, phù hiệu Sư Đoàn 3 Bộ Binh có hình 3 ngôi sao và hai chữ Bến Hải, cò dòng sông chảy qua vùng phi quân sự. Về sau không còn trấn giữ giới tuyến Bến Hải, phù hiệu được thay đổi với con số 3 màu trắng trên nền nửa đỏ, nửa xanh.
Phương châm trên Quân Kỳ của Sư Đoàn 3 Bộ Binh là Sư Đoàn Bến Hải.
Sư Đoàn 3 Bộ Binh được ân thưởng Dây Biểu Chương màu Anh Dũng Bội Tinh.
Kể từ ngày thành lập cho tới 1975 đã trải qua 2 vị Tư Lệnh chính thức.
Danh sách của quý vị Tư Lệnh Sư Đoàn 2 Bộ Binh:
1. Chuẩn Tướng Vũ Văn Giai từ 1/11/1971 đến 3/5/1972
2. Chuẩn Tướng Nguyễn Duy Hinh từ 9/6/1972 đến 4/1975, sau thăng Thiếu Tướng.
(Đại Tá Phạm Văn Chung Tư Lệnh Phó Sư Đoàn Xử Lý Thường Vụ Tư Lệnh kể từ 3/5/1972 đến 9/6/1972).
II. Tài liệu về dây biểu chương
a. Văn kiện căn bản:
- Thông Tư số 71/QP/CA ngày 20/1/1953.
b. Mục đích:
Dây Biểu Chương dành ân thưởng cho các đơn vị thuộc QLVNCH đã được tuyên dương công trạng tập thể trước Quân Đội từ 2 lần trở lên.
c. Đẳng cấp:
Dây Biểu Chương gồm có 4 hạng:
- Dây Biểu Chương màu Anh Dũng Bội Tinh: cho những đơn vị đã được 2 lần tuyên dương công trạng trước Quân Đội.
- Dây Biểu Chương màu Quân Công Bội Tinh: cho những đơn vị đã được 4 lần tuyên dương công trạng trước Quân Đội.
- Dây Biểu Chương màu Bảo Quốc Huân Chương: cho những đơn vị đã được 6 lần tuyên dương công trạng trước Quân Đội.
- Dây Biểu Chương màu Tam Hợp: Anh Dũng Bội Tinh, Quân Công Bội Tinh và Bảo Quốc Huân Chương: cho những đơn vị đã được 9 lần tuyên dương công trạng trước Quân Đội.
d. Thẩm quyền ân thưởng:
Tổng Trưởng Quốc Phòng ân thưởng Dây Biểu Chương.

Lời kết
Trong đời binh nghiệp, người viết không có cơ duyên phục vụ trong các Sư Đoàn 1, 2, 3 Bộ Binh nhưng lại có cơ hội được biết một số anh em từng phục vụ tại Quân Đoàn I và Quân Khu 1 cùng 3 Sư Đoàn trên do:
- 1970, từ TTHL/QG Vạn Kiếp đã được tháp tùng phái đoàn Tổng Cục Quân Huấn viếng thăm TTHL/QG Đống Đa và TTHL Hòa Cầm.
- Từ 6/1975-1981 không may tôi đã rơi vào ngục tù nhỏ (khổ sai) tại các trại Hiếu Đức, Kỳ Sơn và Tiên Lãnh thuộc Quảng Nam, Đà Nẵng.
- Từ 1996-2008 được tín nhiệm của anh em, tôi là Hội Trưởng Cựu TNCT Kỳ Sơn, Tiên Lãnh, QN, ĐN tại Nam California.

Nhân dịp các chiến hữu thuộc 3 Sư Đoàn Bộ Binh vùng hỏa tuyến cùng gia đình và thân nhân họp mặt ngày 4/9/2016 tại Nam California. Đây là ngày hội ngộ vô cùng quý mà anh em trong Ban Tổ Chức đã đem tâm huyết lo lắng từ nhiều tháng qua tạo cơ hội cho nhiều anh em từ các nơi xa về cùng gặp nhau ở tuổi cuối đời.
Thân mến kính chúc các chiến hữu về họp mặt luôn khỏe mạnh, vui tươi, tràn đầy hạnh phúc. Kính chúc Ban Tổ Chức Đại Hội thành công tốt đẹp.

Westminster ngày 1/9/2016

Tài liệu tham khảo:
- Lược sử QLVNCH của Trần Ngọc Thống, Hồ Đắc Huân, Lê Đình Thụy (2011).
- Huy chương ân thưởng trong QLVNCH của Bộ Tổng Tham Mưu (1969).

No comments:

Post a Comment

TỔNG LƯỢC VỀ TRẬN ĐÁNH TÁI CHIẾM CỔ THÀNH QUẢNG TRỊ Chu Tất Tiến.

Tháng 12, năm 2020, một nhóm người trẻ thuộc thế hệ thứ 2 đã xin được sự đồng thuận 5/5 của thành phố Westminster cho phép xây dựng Tượng Đà...