I- Sơ lược bối cảnh dẫn đến trận Quảng Trị
Phía Hoa Kỳ:
Chiến thuật lùng diệt địch áp dụng tại cuộc chiến Việt Nam rất hiệu
quả, lối đánh chủ động này là tìm kiếm địch bất cứ ở đâu, từ đồng
bằng đến cao nguyên, ngay cả mật khu Việt cộng nằm giữa rừng rậm
cũng xông vào. Những đoàn trực thăng đổ quân ngay trên đầu địch để
giao chiến, các đơn vị chính quy Cộng sản Bắc Việt bị săn đuổi thiệt
hại nặng nề, chạy tan tác. Không còn chỗ nào an toàn, bổ xung dưỡng
quân nữa phải dạt sang lãnh thổ Cam Bốt và Lào để sinh tồn.
Lẽ dĩ nhiên suốt ngày tìm địch mà đánh thì thương vong phải nhiều,
người viết nhớ có tuần cao nhất là hơn 3OO lính Mỹ hy sinh làm rúng
động quần chúng. Sự chịu đựng của dân chúng Hoa Kỳ thường thường
giới hạn, thêm vào sự thiên tả của giới truyền thông báo chí đã
phóng đi những hình ảnh mô tả tin tức chiến sự một chiều, gây ảnh
hưởng xấu về cuộc chiến bảo vệ Tự do tại miền Nam Việt Nam.
Phong trào phản chiến cũng phát động rầm rộ tại các trường đại học,
sinh viên tuần tự biểu tình chống chiến tranh Việt Nam khắp Hoa Kỳ.
Bắt mạch rõ tâm lý quần chúng, nhất là nhu cầu tranh cử hứa cố gắng
chấm dứt chiến tranh, khi tái đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon
một mặt cố gắng bắt tay Trung cộng, một mặt ra lệnh rút dần các đơn
vị tham chiến Mỹ, Đồng minh khỏi Việt Nam, chỉ để lại sĩ quan cố vấn
các đại đơn vị Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, một phái bộ yểm trợ tiếp
vận tại Saigon đồng thời tuyên bố Việt Nam hóa chiến tranh.
Miền Nam Việt Nam:
Miền Nam phồn thịnh giả tạo nhờ hơn nửa triệu quân Mỹ, Đồng minh trú
đóng, nên khi đoàn quân này rút đi, những khó khăn về kinh tế bắt
đầu. Các phong trào đối lập chính trị với chính phủ nền đệ II Cộng
hòa quấy phá mạnh mẽ gây nhiều xáo trộn xã hội. Một số quần chúng
chỉ lo làm giàu nhờ chiến tranh, còn đa số không thấu triệt lắm về
Cộng sản, đã thờ ơ với cuộc chiến đấu tự vệ sống còn này, gần như
giao khoán trên vai những người lính của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Miền Bắc Việt Nam:
Như trên đã trình bày, các đơn vị chính quy Cộng sản Bắc Việt bị săn
đuổi thường xuyên, mất địa bàn hoạt động. Tiếp đến trận Tổng công
kích Tết Mậu Thân năm 1968 hy vọng dân chúng miền Nam nổi dậy theo,
đã hoàn toàn thất bại. Tại miền Nam mọi hạ tầng cơ sở, những đơn vị
du kích địa phương hậu cần, mật khu gần như bị tiêu diệt hoặc phá vỡ
tan hoang, không thể hướng dẫn, yểm trợ tiếp vận những đơn vị từ Bắc
vào được nữa. Cũng suốt thời gian này quân Việt Nam Cộng Hòa và Đồng
minh tiếp tục săn đuổi truy lùng tiêu diệt, vượt sang cả lãnh thổ
Cam Bốt và Hạ Lào. Vì vậy chiến trường miền Nam yên lặng trống vắng
suốt từ 1968 đến 1971.
Về nội tình miền Bắc sức chịu đựng của dân chúng gần như kiệt lực.
Kinh tế suy thoái trầm trọng, các cơ sở kinh tế hạ tầng vừa nhen
nhúm đã bị không quân Mỹ oanh tạc tàn phá. Bắc Việt cảm thấy không
thể thắng được, nhất là không thể nào xây dựng lại cơ sở hạ tầng để
tiếp tục cuộc chiến nửa du kích nửa chính quy mà người Cộng sản gọi
là “cuộc chiến có mức độ” trong miền Nam được nữa. Có nhiều mâu
thuẫn trong hàng lãnh đạo Cộng sản Bắc Việt, nhưng rồi họ quyết định
phải giải quyết cuộc xâm chiếm miền Nam dù thắng hay bại bằng chính
quy chiến liên hợp với thủ thuật chính trị, dốc toàn lực vào trận
chiến cuối cùng.
Dựa vào những yếu tố chính trị, quân sự thuận lợi cho họ như Mỹ bắt
tay Trung cộng, miền Nam Việt Nam không còn là nút chặn Cộng sản về
phía Nam nữa, quần chúng Mỹ bị giới truyền thông báo chí thiên tả
hướng dẫn sai lạc về cuộc chiến Việt Nam, thấy rõ ý đồ của Mỹ chỉ
muốn rút chân khỏi vũng lầy Việt Nam và sẽ không trở lại bất cứ tình
huống nào. Trong hơn 3 năm chuẩn bị như mở rộng đường mòn Hồ Chí
Minh làm đường tiếp vận chính, có khả năng chịu đựng được sự vận
chuyển của chiến xa hạng nặng Nga, pháo cùng cơ giới, dụng cụ chiến
tranh khác do Nga sô mới viện trợ, hoàn tất hệ thống ống dẫn dầu,
xăng vào chiến trường vùng I, II của Việt Nam Cộng Hòa. Chuẩn bị, bí
mật chuyển quân đã xong.
Thực hiện mưu đồ:
Như những bài trước đã viết, vào ngày 3O/3/1972 hồi 12 giờ trưa Cộng
sản Bắc Việt khai diễn chiến dịch Nguyễn Huệ, tung hàng chục sư
đoàn, hàng ngàn chiến xa, đại pháo, hỏa tiễn ồ ạt tấn công vào lãnh
thổ vùng I, II, III miền Nam. Ý đồ muốn chiếm một tỉnh nào đó để có
đất có dân hầu đặt chính phủ do họ nặn ra (Giải phóng miền Nam) như
Ban Mê Thuột, Bình Long hay Quảng Trị.
Mở màn được ít tuần, cả 3 mũi tiến chiếm đều bị chặn, phản công kịch
liệt của quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Thấy khó đạt ý định chiếm Ban
Mê Thuột hay Bình Long là tỉnh ở gần Saigon thủ đô miền Nam có nhiều
lợi điểm chính trị, gây tiếng vang quốc tế nhiều hơn. Ban chính trị
Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam quyết định đổi diện thành điểm,
nhắm vào tỉnh Quảng Trị gần hậu phương Bắc Việt, tiện bề tăng viện,
yểm trợ đồng thời tung thêm 2 sư đoàn trừ bị cuối cùng vào trận
Quảng Trị. Khi khởi đầu tại vùng hỏa tuyến, Bắc Việt xua 5 sư đoàn
tác chiến, 2 trung đoàn pháo, 1 trung đoàn phòng không cùng các đơn
vị thuộc mặt trận B5 (Quảng Tri.-Thừa Thiên) gồm: 2 trung đoàn tác
chiến, 1 trung đoàn pháo, 1 trung đoàn tên lửa (hỏa tiễn), 1 trung
đoàn đặc công, như vậy là hơn 1 sư đoàn nữa. Họ dùng chiến thuật bộ
binh hợp đồng chiến xa, chia nhiều mũi nhỏ, tiền pháo hậu xung các
cứ điểm hay hỏa lực của ta suốt dọc phía Nam vĩ tuyến 17 từ bờ biển
lên đến biên giới Lào.
Bất ngờ bị một lực lượng đông hơn 4, 5 lần tấn công nên Sư đoàn 3 Bộ
binh cùng một số lực lượng Tổng trừ bị cầm cự lui dần tuần tự bỏ thị
trấn Đông Hà, căn cứ Ái Tử bản doanh của Sư đoàn 3 Bộ binh, qua sông
Thạch Hãn, thị xã Quảng Trị, về hẳn phía Nam sông Mỹ Chánh. Tại con
sông này, đà tấn công ồ ạt, hung hãn của quân Cộng sản Bắc Việt đã
bị Lữ đoàn 369 Thủy Quân Lục Chiến chận đứng vào ngày 3/5/1972. Đây
là đường ranh Nam Bắc phân tranh tạm thời cho đến khi Quân lực Việt
Nam Cộng Hòa đứng lên tiến vào tái chiếm thị xã Quảng Trị vào ngày
16/9/1972.
II- Công cuộc tái chiếm.
Vào khoảng 1 giờ trưa ngày 5/5/72 Trung tướng Ngô Quang Trưởng cùng
Thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh, Đại tá Lê Văn Thân (sau thăng cấp Chuẩn
tướng), Đại tá Phạm Văn Phô trưởng phòng 2 Quân đoàn, đáp trực thăng
bất ngờ thăm viếng Bộ chỉ huy Lữ đoàn 369 tại quận lỵ Phong Điền
tỉnh Thừa Thiên. Sự thăm viếng này gây ngạc nhiên cho chúng tôi vì
hiện ông đang là Tư lệnh Quân đoàn 4. Vẻ mặt đăm chiêu suy nghĩ
Trung tướng Trưởng chậm rãi nói:
- Tôi vừa được Tổng thống chỉ định thay thế Trung tướng Hoàng Xuân
Lãm, Chung cho tôi rõ tình hình bây giờ ra sao ?
Sau khi nghe trình bày sơ qua tình hình bạn, địch xong, trên đường
trở lại bãi đáp, Trung tướng Trưởng vẫy tay để đoàn tùy tùng đi
trước, riêng ông đứng lại để có dịp nói riêng với tôi. Ông không
dùng uy phong của một vị Tư lệnh Quân đoàn để hỏi một Đại tá Lữ đoàn
trưởng dưới quyền, tôi cảm thấy từ lời nói, ánh mắt như biểu lộ tình
huynh đệ chân thành, tình chiến hữu giữa trận mạc cùng nhau chia xẻ
nhiệm vụ nặng nề, ông nói:
- Chung đừng ngần ngại gì hết, cứ nói thật. "Ông nhấn mạnh chữ nói
thật" cho tôi biết, liệu mình có giữ được không ? "ý ông muốn hỏi
còn có thể chịu đựng được những đợt tấn công sắp tới không? ".
Tôi trả lời:
- Mình giữ được Trung tướng.
Nghe tôi trả lời chắc nịch, dứt khoát như vậy, mắt ông bừng lên ánh
lửa quyết tâm. Ông trầm ngâm một chút rồi hỏi thêm:
- Chung có yêu cầu gì ở tôi không?
- Xin Trung tướng chú trọng đặc biệt tới Bộ Tham Mưu Quân Đoàn hơi
kém và lực lượng Địa Phương Quân Thừa Thiên cứ muốn rút đi.
- Tôi hứa với Chung sẽ chấn chỉnh Bộ Tham Mưu Quân đoàn đồng thời
chỉ thị cho Đại tá Tôn Thất Khiên, Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng
ngay về các đơn vị Địa Phương Quân.
Về phía Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, ngoài sự thay đổi Tư lệnh Quân
đoàn 1, tuần tự kế tiếp trong tháng 5/72 Đại tá Bùi Thế Lân, Tư lệnh
phó lên thay Trung tướng Lê Nguyên Khang Tư lệnh Sư đoàn Thủy Quân
Lục Chiến, Tướng Khang về Phụ tá Hành quân Tổng Tham Mưu trưởng Quân
lực Việt Nam Cộng Hòa. Đại tá Lân sau đó thăng cấp Chuẩn tướng. Đại
tá Lê Quang Lưỡng thăng cấp Chuẩn tướng thay Trung tướng Dư Quốc
Đống, Tư lệnh Sư đoàn Nhảy Dù, tháng sau đó. Về nội bộ Sư đoàn Thủy
Quân Lục Chiến: Đại tá Nguyễn Thành Trí thay Đại tá Lân làm Tư lệnh
phó Sư đoàn, Trung tá Nguyễn Thế Lương sau thăng cấp Đại tá được chỉ
định Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 369 thay Đại tá Phạm Văn Chung giữ nhiệm
vụ Tham mưu trưởng Hành quân Sư đoàn. Tướng Ngô Quang Trưởng là vị
Tướng trận mạc, ông có thói quen sau khi nhận nhiệm sở mới thường
bay một vòng quan sát, tự tai nghe các sĩ quan Chỉ huy mặt trận
trình bày để phối kiểm các điều sĩ quan trong Bộ tham mưu cung cấp
cho ông. Ông nhận thấy 3 điểm chiến lược quân sự, chính trị cần phải
làm ngay:
1. Tái bổ xung, trang bị các đơn vị bị tổn thất vừa qua, tái phối
trí lực lượng còn lại ngay để có thể ngăn chận âm mưu địch tiến
chiếm thị xã Huế từ hướng Bắc (vượt tuyến Mỹ Chánh), hoặc phía Tây
(từ thung lũng Ashau - Alưới).
2. Tái chiếm lại những phần đất vừa lọt vào tay quân Cộng sản Bắc
Việt.
3. Vãn hồi trật tự xã hội, gây lòng tin cho quân dân cán chính vùng
địa đầu giới tuyến. Những năm trước đó Tướng Trưởng đã giữ chức Tư
lệnh Sư đoàn 1 Bộ binh nên ông rành rẽ nhân văn địa thế toàn vùng.
Đây là lợi điểm để ông dễ dàng khôi phục lại lòng tin của mọi người.
Song song việc thi hành điểm chiến lược 1, ông nghĩ ngay đến việc
tái chiếm thị xã Quảng Trị (người viết đoán vì tình hình chính trị
hồi đó, Tổng thống Thiệu đã phần nào thôi thúc ông). Ông chỉ định
Đại tá Lê Văn Thân (là một sĩ quan Pháo binh giỏi, đi cùng ông từ
vùng 4 chiến thuật ra) làm Trưởng ban thiết kế kế hoạch tái chiếm
Quảng Trị gồm:
- Quân đoàn 1: Đại tá Phạm V. Nghìn Trưởng phòng 3, Đại tá Phạm V.
Phô Trưởng phòng 2.
- Sư đoàn Dù: Đại tá Lê Văn Ngọc, Đại tá Lê Văn Phát
- Sư đoàn TQLC: Đại tá Phạm Văn Chung, Trung tá Đỗ Kỳ (sau thăng cấp
Đại tá).
Để bảo mật tuyệt đối, ông cho lập một phòng riêng biệt (không liên
hệ gì với các sĩ quan tham mưu khác của Bộ tư lệnh Quân đoàn 1) dành
cho ban thiết kế soạn thảo kế hoạch.Sau khi chiếm tỉnh, thị xã Quảng
Trị quân Cộng sản Bắc Việt phòng thủ kiên cố chiều sâu dày đặc,
nguyên thị xã, cổ thành Đinh Công Tráng do một Sư đoàn tăng cường
chiến xa, 1 Trung đoàn đặc công và bao bọc bởi hỏa lực pháo, hỏa
tiễn khủng khiếp. Xung quanh về phía Nam giáp tuyến Mỹ Chánh, phía
Tây nhà thờ La Vang, phía Đông biển, phía Bắc sông Thạch Hãn với 4
Sư đoàn khác chia nhau trấn giữ, giai đoạn này chúng thêm 2 Sư đoàn
trừ bị cuối cùng 32O và 325 đã vào đến phía Nam sông Bến Hải.
Mưu đồ chính trị của Bắc Việt là nhất quyết chiếm giữ thị xã Quảng
Trị làm thủ đô cho chính phủ bù nhìn Giải Phóng Miền Nam để mạnh
tiếng nói trong Hội đàm Ba Lê đang tiếp diễn. Về phía chính phủ Việt
Nam Cộng Hòa ra lệnh Quân đoàn 1 phải chiếm lại bằng mọi giá, nên
trận đánh từ bản chất đả nói lên sự gay cấn, ác liệt ngay từ giây
phút đầu. Trong khi đang thiết kế cùng tập trung lực lượng tái chiếm
như Sư đoàn Dù tăng phái Quân đoàn 1 ngày 22/5, Sư đoàn Thủy Quân
Lục Chiến tuyến phòng thủ phía Bắc (sông Mỹ Chánh), Sư đoàn 1 Bộ
binh trấn phía Tây thị xã Huế. Tất cả đều tung các cuộc tấn công hạn
chế thăm dò để giữ thế chủ động trong phòng thủ:
Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến:
- Ngày 12/5 cuộc hành quân Sóng Thần 5/72 của Lữ đoàn 369 có 2 tiểu
đoàn trực thăng vận vào quận Hải Lăng, 1 Tiểu đoàn vượt sông Mỹ
Chánh bắt tay với 2 Tiểu đoàn trên. Đụng độ với Trung đoàn 66 của Sư
đoàn 3O4 Bắc Việt.
- Ngày 24/5 hành quân Sóng Thần 6/72 của Lữ đoàn 147 đã tung 2 Tiểu
đoàn trực thăng vận vào Đông Bắc quận Hải Lăng, 1 Tiểu đoàn đổ bộ từ
tàu vào bãi biển Mỹ Thủy. Đụng độ với Trung đoàn 18 của Sư đoàn 325
Bắc Việt.
Sư đoàn 1 Bộ binh:
- Ngày 15/5 tung 2 Trung đoàn mở rộng vòng đai về phía Tây, chiếm
căn cứ hỏa lực Bastogne và Checkmate. Đụng độ với các Trung đoàn
thuộc Sư đoàn 324 B của Bắc Việt.
Phía Cộng sản Bắc Việt:
- Ngày 21/5 bộ binh cùng chiến xa địch tấn công vào khu vực phòng
thủ của Lữ đoàn 369 Thủy Quân Lục Chiến, thọc sâu vào tuyến phòng
thủ của ta nhưng bị đẩy lui.
- Ngày 22/5 khoảng 3 giờ sáng địch tung 2O chiến xa và bộ binh tấn
công 2 đợt vào 1 Tiểu đoàn cùng Bộ chỉ huy Lữ đoàn 369 Thủy Quân Lục
Chiến, bị đẩy lui trước khi trời sáng rõ.
- Ngày 25/5 địch chuyển hướng tấn công sang Lữ đoàn 258 Thủy Quân
Lục Chiến phía Tây, dàn trận giữa ban ngày, bị đẩy lui, thiệt hại
nặng vì phi pháo của ta.
- Ngày 26/5 địch tấn công mạnh mẽ vào khu vực Liên đoàn 1 Biệt Động
Quân, lọt vào gần sát các cơ sở chỉ huy, nhưng Biệt Động Quân đã
dũng mãnh phản công đẩy lui.
Sang tháng 6/72 để chuẩn bị cho công cuộc tái chiếm thị xã Quảng
Trị, Thủy Quân Lục Chiến tấn công (Sóng Thần 8/72) đồng loạt tung 4
Tiểu đoàn vượt sông Mỹ Chánh, được không quân, pháo binh yểm trợ,
địch kháng cự mạnh mẽ, nhưng lực lượng Thủy Quân Lục Chiến tiếp tục
tiến, chiếm giữ phần đất vừa giành được. Các đơn vị Công binh theo
sau lập ngay tuyến phòng thủ sâu lên phía Bắc. Ngày 18/6 tiếp luôn
cuộc hành quân Sóng Thần 8A/72, nhiều Tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến
song song tiến chiếm, giành từng trăm thước đất một, đẩy lui địch
khoảng 4 cây số về phía Bắc tuyến Mỹ Chánh và chấm dứt ngày 27/6.
Quân đoàn 1 với lệnh hành quân Lam Sơn 72, chính thức mở màn cuộc
tái chiếm thị xã Quảng Trị. Lực lượng Việt Nam Cộng Hòa gồm: Sư đoàn
Dù, Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến, 3 Liên đoàn Biệt Động Quân, Lữ đoàn
1 Kỵ binh Thiết giáp, Pháo binh cùng các đơn vị yểm trợ khác cơ hữu
Quân đoàn 1, Không quân, Hải quân vùng 1 chiến thuật. Về tương quan
lực lượng thì quân Cộng Sản Bắc Việt trội hơn ta về bộ binh, thiết
giáp, pháo binh 4 trên 1. Riêng Quân lực Việt Nam Cộng Hòa ưu thế về
không quân và hải quân (xem bản tương quan lực lượng). Quan niệm
hành quân: ngày 28/6 hồi 7 giờ sáng, lực lượng Việt Nam Cộng Hòa
vượt tuyến xuất phát (Mỹ Chánh) tiến về hướng Bắc (Quảng Trị). Sư
đoàn Dù tăng phái thiết đoàn xa, các Liên đoàn Biệt Động Quân tiến
theo trục quốc lộ 1, trách nhiệm kéo dài về phía Tây. Sư đoàn Thủy
Quân Lục Chiến tăng phái chiến xa, các lực lượng tăng phái khác
trách nhiệm phía Đông quốc lộ 1 đến sát bờ biển. Ngoài biển có hải
quân tuần phòng kiểm soát, xa hơn nữa có vài chiến hạm của Đệ thất
hạm đội Mỹ, nếu cần lực lượng tái chiếm có thể xin hải pháo yểm trợ,
không quân yểm trợ hỏa lực theo nhu cầu trận địa. Khoảng đường từ Mỹ
Chánh đến thị xã Quảng Trị chừng 15 cây số, đoạn này lực lượng tái
chiếm coi như 15 cây số máu. Quân Cộng sản Bắc Việt đặt các chốt hầm
hố kiên cố, mìn bẫy, yểm trợ bởi hỏa lực pháo binh, hỏa tiễn hiện
đại. Lực lượng Dù và Thủy Quân Lục Chiến phải phá chốt từng vài trăm
thước một để tiến lần sát mục tiêu Quảng Trị.
Sau khoảng 3O ngày chiến đấu trong hoàn cảnh bất lợi về mọi mặt, Dù
và Thủy Quân Lục Chiến song tiến vượt qua đường máu, bám sát thị xã
Quảng Trị như đã nói trên được phòng thủ bởi 1 Sư đoàn với chiến xa,
riêng Cổ Thành 1 Trung đoàn thêm các đơn vị đặc công. Phía Thủy Quân
Lục Chiến, Tướng Bùi Thế Lân tính toán chấp nhận rủi may, thả những
đợt trực thăng vận quân vào sau lưng địch như: ngày 11/7 đổ Tiểu
đoàn 1 vào vùng 2 cây số phía Bắc thị xã, hương lộ 56O cắt trục tiếp
vận của địch vào trận địa. Ngày 24/7 thả Tiểu đoàn 5 vào vùng 1O cây
số Đông Bắc Quảng Trị, mục đích gây nao núng tinh thần, xáo trộn sau
lưng địch để mũi tấn công chính đẩy địch ra khỏi hệ thống phòng thủ
kiên cố, thu ngắn thời gian cùng bớt tổn hao xương máu quân sĩ. Bình
thường ra mục tiêu nằm trên trục tiến quân của đơn vị nào thì đơn vị
đó đánh chiếm. Quận lỵ Hải Lăng, thị xã Quảng Trị nằm trên đường
tiến quân của Thủy Quân Lục Chiến nhưng Tướng Trưởng lại giao cho Dù
đánh chiếm 2 mục tiêu trên. Lý do dự đoán Tướng Trưởng nguyên gốc
Dù, có lẽ ông muốn dành vinh dự cho Sư đoàn Dù, việc này làm Tướng
Lân của Thủy Quân Lục Chiến buồn lòng không ít .
Sát vòng đai thị xã, các chốt phòng thủ địch càng dầy đặc hơn, lực
lượng tái chiếm phải tiêu diệt địch từng trăm thước, tiến lên , lùi
xuống dằng co nhiều ngày, lúc tung lựu đạn, khi cận chiến lưỡi lê...
Tấn công lúc xẩm tối, khi mờ sáng giành nhau từng thước đất, từng
căn phố ! Từ xa nhìn về Quảng Trị chỉ thấy một trời khói đất mịt mù,
tiếng bom đạn, tiếng súng lớn súng nhỏ đôi bên không còn phân biệt,
chỉ nghe ầm ì như sấm động rền rĩ cả bầu trời. Người ta có cảm tưởng
như thành phố Quảng Trị đang rung lên vì một cơn địa chấn nặng, tàn
phá hãi hùng. Khai thác nhật ký trên tử thi binh sĩ Bắc Việt ghi lại
cảnh bom đạn trút xuống đầu họ như sau: “Mẹ ơi, con chắc không thể
nào sống sót để nhìn thấy mẹ nữa, bạn chung quanh con chết dần hàng
ngày rồi, con đang cuốn mình trong căn hầm này cả tháng rồi không ra
khỏi. Pháo, giời ơi pháo suốt ngày đêm, đầu con lung bung, ăn không
được, ngủ không được, đầu con như muốn vỡ tung ra, máu tai đã bắt
đầu chảy rồi, như các bạn con đứa nào chết cũng đầy máu tai máu mũi.
Pháo, giời ơi lại pháo, con điên mất không thể nào chịu đựng được
nữa, chắc không thể nào con về Bắc với mẹ nữa”.
Đấy là hậu quả của 2, 3 đợt “Hỏa Lôi”, xin nói rõ mỗi đợt lâu 24 hay
48 tiếng đồng hồ, mọi hỏa lực yểm trợ như: không quân, hải pháo,
pháo binh tập trung hàng trăm khẩu thay phiên nhau trút bom, tác xạ
ngày đêm không ngừng theo thời gian ấn định vào mục tiêu (Time on
target). Thật là địa ngục trần gian ! Thủy Quân Lục Chiến đã chiếm
xong phía Đông và Đông Bắc mục tiêu Quảng Trị, để Dù tấn chiếm thị
xã cùng cổ thành. Đơn vị tuyến đầu của Dù vẫn chưa tiến sát được tới
Cổ Thành, một vài lần cố gắng cắm cờ vào tường Cổ Thành. Lực lượng
Dù đã bị tổn thất nhiều qua các trận đánh ác liệt tại Cao nguyên,
Bình Long - An Lộc, tiếp theo sự thiệt hại khá cao trong trận tái
chiếm này nên sự dũng mãnh có phần nào sa sút.
Theo sự hiểu biết giới hạn của người viết, Tổng thống Thiệu sốt ruột
có ý thúc Tướng Trưởng ráng chiếm lại Quảng Trị nhanh hơn vì nhu cầu
chính trị quốc tế lúc bấy giờ, nên Tướng Trưởng chỉ định Thủy Quân
Lục Chiến thay Dù đánh chiếm thị xã và Cổ Thành Quaœng Trị vào ngày
27/7/72.
Nhận được lệnh, Tướng Lân trầm ngâm suy nghĩ, nét mặt ông hằn lên,
người viết nhận thấy hình như nội tâm ông đang dằng co mãnh liệt, vì
danh dự binh chủng, quân đội và ngay cả tương lai võ nghiệp. Ông
cùng các sĩ quan tham mưu thiết kế kỹ lưỡng và chọn chiến thuật xa
luân chiến. Nghĩa là dùng Lữ đoàn 258 Lữ đoàn trưởng là Đại tá Ngô
Văn Định trách nhiệm phía Tây, Lữ đoàn 147 Lữ đoàn trưởng Đại tá
Nguyễn Năng Bảo phía Đông thị xã, Lữ đoàn 369 Lữ đoàn trưởng Đại tá
Nguyễn Thế Lương trừ bị, còn các Tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến từ 1
đến 9 thay phiên nhau trực thuộc Lữ đoàn lên tuyến đầu chiến đấu,
rồi lui về sau bổ sung nghỉ ngơi.
Nhờ vậy các Tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến đều được bổ sung đều đặn,
khả năng chiến đấu không quá suy giảm vì tổn thất. Suốt thời gian
đánh chiếm lại thị xã Quảng Trị, Tướng Lân cứ 6 giờ sáng bay từ Bộ
tư lệnh Sư đoàn tại quận lỵ Hương Điền lên sát trận địa, ngồi ngay
cạnh các Lữ đoàn trưởng trực tiếp điều khiển trận đánh. Ông rất chi
tiết, kỹ lưỡng từng điểm nhỏ, cũng không lạ lắm vì ông nổi tiếng là
một sĩ quan tham mưu giỏi trước khi nhận nhiệm vụ Tư lệnh Sư đoàn,
nhờ vậy Thủy Quân Lục Chiến tránh được nhiều tổn thất vô ích.
Trận Quảng Trị được mô tả là khủng khiếp, ác liệt, đẫm máu không
thua gì các trận đánh đẫm máu khác trên thế giới. Xin hãy nghe một
sĩ quan Trung đội trưởng nói: “Muốn bị thương dễ lắm, chỉ cần dơ tay
lên khỏi miệng hố cá nhân hoặc thò tay ra khỏi cửa hầm thì dính đạn
liền!”. Khoảng 5O ngày trong khung vuông mỗi chiều chừng 15 cây số,
hàng chục Sư đoàn của hai phía quần thảo nhau dưới màn hỏa lực yểm
trợ hiện đại khủng khiếp đôi bên. Dưới mắt các nhà quân sự thì trận
chiến đã tự diễn tả cái nồng độ tàn khốc, đẫm máu của nó, nói gì,
viết gì thêm cũng không thể hiện đầy đủ.
Riêng phía Thủy Quân Lục Chiến có nhiều bài viết về trận đánh lịch
sử này, nhưng mỗi tác giả nhìn một góc cạnh khác nhau, như Trung tá
Tiểu đoàn trưởng Thủy Quân Lục Chiến Trần Văn Hiển với bài viết
“Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam và trận chiến xuân 1972 tại vùng I
chiến thuật”, như một Thủy Quân Lục Chiến với bài “Tiến về Quảng
Trị”, như Trung úy Thủy Quân Lục Chiến Văn Tấn Thạch bút hiệu Sói
Biển Thạch Thảo với “Tái chiếm cổ thành”, là cấp Trung đội trưởng,
Đại đội trưởng chiến đấu ngay sát tuyến đầu, vậy xin độc giả tìm
hiểu thêm các bài này để có cái nhìn toàn bộ trận đánh, từ một vài
yếu tố chính trị, tham mưu thiết kế đến lực lượng chiến đấu tuyến
đầu.
Thường ra thì lực lượng tấn công bao giờ cũng phải trội hơn từ 3 đến
5 lần lực lượng phòng thủ, thế mà trong trận Quảng Trị địch phòng
thủ lại trội hơn ta tấn công đến 4 lần. Thật là phép lạ hay vì yếu
tố danh dự, tâm lý nào mà Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã tạo nên
chiến thắng vẻ vang đó. Suốt thời gian tiếp diễn, biết bao nhiêu con
mắt từ mọi phía đều theo dõi, nhìn vào, cảm tình phe này, ác cảm phe
kia hay ngược lại. Nhưng kết quả cuối cùng đã chứng minh cái danh và
giá trị để đời của nó.
Sau trận đánh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa được kính nể, coi như một
đội quân thiện chiến trên thế giới. Ngày 15/9/72 hồi 12 giờ 45 trưa
Thủy Quân Lục Chiến chiếm xong cổ thành, mục tiêu cuối cùng trong
trận Quảng Trị, cắm 2 lá cờ vàng 3 sọc đỏ nhỏ do toán tiến chiếm
tiền phong của 2 Lữ đoàn 258, 147 mang theo với cán cờ nối buộc sơ
sài trên 2 cổng cổ thành. Quảng Trị tan hoang, đổ nát thành đống
gạch vụn, vụn đến 2 lần, không một tấc đất nào không bị bom đạn cày
xới, không một vật nào trên mặt đất mà không bị đạn, miểng đạn cắt
xẻ. Và ngày 16/9/72 một lễ thượng kỳ tương đối long trọng hơn với
đầy nước mắt của binh lính Thủy Quân Lục Chiến. Quảng Trị thực sự
được tái chiếm.
III- Tiếng vang trận đánh
Cho đến hơn 2O năm sau, trong một quân trường Hoa kỳ, nhân sau bài
giảng về quân sự thế giới, vị Tướng thuyết trình viên đã hỏi khoảng
2OO sĩ quan sinh viên (khóa sĩ quan tu nghiệp) rằng:
- Trên thế giới, quân đội nào chiến đấu giỏi?
Người nói quân đội Mỹ, kẻ nói Anh, Pháp , Do Thái ... Ông Tướng
thủng thẳng vừa mỉm cười vừa nói:
- Lực lượng Tổng trừ bị Thủy Quân Lục Chiến, Dù, Biệt Động Quân Quân
Lực Việt Nam Cộng Hòa chiến đấu giỏi. Một Sư đoàn của họ có khả năng
chiến đấu bằng 5 Sư đoàn khác, nhưng tiếc thay những lực lượng này
không còn nữa. Và ông hỏi tiếp:
- Ở đây có sĩ quan nào gốc Việt Nam hãy đứng lên.
Một tiếng có vang lên gần cuối phòng, một thanh niên Mỹ gốc Việt mặt
xạm đen, đầy hãnh diện đứng lên. Hàng trăm con mắt đều nhìn về phía
Đại úy Nhảy Dù Mỹ gốc Việt giòng họ Lương. Vị Tướng tiếp:
- Tôi đoán không lầm thì thân sinh của Đại úy là cựu quân nhân xưa
kia. Đại úy Lương trả lời:
- Thưa Trung tướng vâng, cha tôi là một cựu Thiếu tá Thủy Quân Lục
Chiến Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa.
Tất cả mọi người trong hội trường đều kêu “ồ” và vị Tướng cho phép
Đại úy Lương ngồi xuống. Sau buổi học đó, các bạn đồng khóa nhìn Đại
úy Lương với con mắt nể phục hơn. Đại úy Lương tâm sự: “Khi còn ở
nhà, thấy bố tôi và các chiến hữu của ông nói về Quân Lực Việt Nam
Cộng Hòa cùng các trận đánh..., tôi có ý coi thường, vì các ông già
trên dưới 6O tuổi này, ốm o, nhăn nhúm, nói tiếng Mỹ ngập ngừng,
ngắt quãng, làm sao để lại ấn tượng hào hùng trong tâm trí tôi được.
Nhưng nay tôi thật tình cúi đầu tạ lỗi cùng bố tôi và các chiến hữu
của ông. Kể từ ngày đó, cái nhìn và suy nghĩ của tôi về bố mình khác
xưa nhiều lắm".
Trận Quảng Trị cũng được một số trường quân sự cao cấp của các quốc
gia đồng minh lấy làm case điển hình để nghiên cứu, giảng dạy.
IV- Hệ quả sau trận Quảng Trị
Điện tín, thư từ chúc mừng của các Tướng lãnh tên tuổi, các quốc gia
Đồng minh gửi đến ca ngợi chiến thắng hào hùng này. Tổng thống,
Thượng Hạ viện Việt Nam Cộng Hòa họp khẩn cấp thông báo cùng toàn
dân. Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ hãnh diện với thế giới về trận
Iwo-Jima thì Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam đã làm cho thế giới nể
phục với chiến thắng Quảng Trị 16/9/72. Tiếng tăm đã vượt ra khỏi
cuộc chiến đấu tự vệ của miền Nam để đi vào tầm vóc quốc tế.
Những ngày sau đó, nhiều phái đoàn quân sự của các quốc gia bạn đã
đến tận nơi tìm hiểu. Đặc biệt Tướng Vanuxem của phái đoàn Pháp sau
khi nghe trình bày sự thương vong đôi bên (riêng Thủy Quân Lục Chiến
khoảng 35OO binh lính hy sinh, theo tỷ lệ cứ 1 hy sinh khoảng 3 bị
thương), ông đứng bật dậy dơ tay chào và nói: “Tôi ngưỡng mộ Tướng
Lân cùng toàn thể binh lính Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam”. Tướng
Vanuxem được mệnh danh là “con hùm xám Bắc Việt” (trong chiến tranh
Pháp - Việt Minh trước 1954), đứng trước sự tan hoang, đổ nát của cả
một thành phố cùng sự thiệt hại đôi bên, ông Tướng già dày dạn chiến
trường này đã cảm thấy ngay cái mức độ tàn khốc, ác liệt, đẫm máu
của trận đánh nên mới tỏ lời như trên.
Người chiến binh Thủy Quân Lục Chiến đã chiến đấu dũng cảm, đem thân
xác mình ra chịu đựng thử thách giữa một hoàn cảnh thua thiệt mọi bề
để đạt mục tiêu to lớn của Quân đội và Quốc gia. Đài Saigon đã phát
thanh chương trình đặc biệt về chiến thắng này và bài hát “Cờ bay
trên cổ thành Quảng Trị” đã được hát lên từ những ngày tháng oai
hùng đó.
Ngoài Bắc, Tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Cộng
sản Bắc Việt đã bật khóc khi hay tin Quảng Trị thất thủ với hàng
trăm ngàn quân sĩ thương vong, vũ khí và trang bị nặng bị tổn thất
hầu hết. Ông mất chức sau đó ít lâu.
V- Kết luận
Người viết xin có đôi lời với những người lính Thủy Quân Lục Chiến:
- Lịch sử là những biến cố nhân tạo hoặc thiên tạo, chiến thắng
Quảng Trị là do công sức của mọi quân binh chủng, Thủy Quân Lục
Chiến hy sinh thêm những giọt máu cuối cùng.
- Hai mươi bốn năm sau, có dịp nói chuyện với những người lính Cộng
sản Bắc Việt đã dự trận Quảng Trị, họ đều bày tỏ sự tàn khốc, ác
liệt, đẫm máu của trận đánh.
-Người đời sau nói đến Quảng Trị không thể nào không nhắc đến binh
đoàn Thủy Quân Lục Chiến với những người lính Mũ Xanh anh dũng đã
làm tròn nhiệm vụ được giao phó. Bắc Việt đã rút kinh nghiệm từ thất
bại đau đớn của cuộc đại tấn công mùa hè năm 1972, họ chuẩn bị thêm
3 năm nữa mới dám mở cuộc tấn chiếm 1975.
MX Phạm Văn Chung
Ðịch cố gắng chống lại một cách tuyệt vọng và đến khi người lính TQLC dựng lá cờ vàng 3 sọc đỏ ở bờ phía Tây Cổ Thành thì tiếng súng im bặt. Bao nhiêu lính BV ở trong thành đã bị chết hoặc chôn vùi dưới đống gạch vụn. Sáng ngày 16 một buổi lễ thượng kỳ long trọng được cử hành trước sự vui mừng của người chiến sĩ TQLC nhưng xen lẫn với những dòng nước mắt tưởng nhớ đến những đồng đội đã hy sinh nằm xuống cho trận đánh dữ dội nhất và hao tổn xương máu nhiều nhất trong quân sử VNCH.
Thursday, January 28, 2021
Cờ Bay Trên Cổ Thành Quảng Trị MX Phạm Văn Chung
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
TỔNG LƯỢC VỀ TRẬN ĐÁNH TÁI CHIẾM CỔ THÀNH QUẢNG TRỊ Chu Tất Tiến.
Tháng 12, năm 2020, một nhóm người trẻ thuộc thế hệ thứ 2 đã xin được sự đồng thuận 5/5 của thành phố Westminster cho phép xây dựng Tượng Đà...

-
Tháng 12, năm 2020, một nhóm người trẻ thuộc thế hệ thứ 2 đã xin được sự đồng thuận 5/5 của thành phố Westminster cho phép xây dựng Tượng Đà...
-
Quang Tri June 19, 1972 -- NEW BRIDGE AT NORTHERN FRONT-- Công binh Nam VN đang lắp đặt một cầu phao vượt sông Mỹ Chánh hồi gần đây tại t...
-
Hai gã thiếu niên đi hàng đầu căng biểu ngữ: "Hoan hô Quân đội". Hai gã khác mang một biểu ngữ màu vàng: "Cương quyết bảo v...
No comments:
Post a Comment