Tiểu đoàn đợi tại Bình Dương suốt cả ngày, lính vui đùa trong các quán nước, người tôi nặng như đá đeo, nằm lì một chỗ. Gặp Tánh khóa 17, rủ thêm hai anh Hợp và Ký kéo nhau vào ăn cơm ở ngôi nhà cạnh đường, bữa cơm không hẹn trước hóa ra ngon. Trong câu chuyện của giây phút này thì nghe tin Vũ chết. Cuộc hành quân của chúng tôi nằm trong khuôn khổ một chiến dịch lớn, xử dụng ba tiểu đoàn Nhảy dù và một tiểu đoàn Thủy quân lục chiến để làm giảm áp lực địch phía đông bắc tỉnh lỵ Bình Dương, phần đất của quận Bến Cát. Tiểu đoàn của Vũ đi trước chúng tôi hai ngày, từ ngày N-2 (1) của cuộc hành quân, đến lượt tiểu đoàn chúng tôi và tiểu đoàn 4 Thủy quân lục chiến vào trận, lực lượng sẽ lục soát từ bắc xuống nam dọc theo sông Thị Tính nằm song song với quốc lộ 13... Vũ, người sĩ quan Thủ khoa khóa tôi, ở cùng phòng với nhau, anh thuộc loại người đứng đắn, cẩn thận, dễ gây lòng tin cho kẻ khác, người sinh ra để chỉ huy hoặc chịu chỉ huy, trong khi tôi là một lông bông không nghiêm nghị. Năm thứ hai Vũ trở thành sinh viên sĩ quan Liên đoàn trửơng, tôi kẻ đứng gần chót trong số 191 người cùng khóa. Cái hố cách biệt giữa tôi và Vũ từ đó xa hẳn ra mặc dù vẫn ở chung đại đội. Nhưng nghe tin Vũ chết, những gần gũi năm đầu tiên trở lại mênh mang, đêm Giao thừa đầu tiên xa nhà Vũ nướng hai cái lạp xưởng, mùi thơm bay đầy phòng, tôi phải lấy chăn trùm lấy Vũ cùng chiếc réchaud vì sợ khóa đàn anh bắt gặp. Đêm đó, lần đầu tiên trong hai tháng gần nhau Vũ mới nói cho tôi biết một vài chi tiết của đời anh. Người con gái thường đến thăm anh không phải là em gái, nhưng là fiancée. Vũ thật kín đáo.
Ðịch cố gắng chống lại một cách tuyệt vọng và đến khi người lính TQLC dựng lá cờ vàng 3 sọc đỏ ở bờ phía Tây Cổ Thành thì tiếng súng im bặt. Bao nhiêu lính BV ở trong thành đã bị chết hoặc chôn vùi dưới đống gạch vụn. Sáng ngày 16 một buổi lễ thượng kỳ long trọng được cử hành trước sự vui mừng của người chiến sĩ TQLC nhưng xen lẫn với những dòng nước mắt tưởng nhớ đến những đồng đội đã hy sinh nằm xuống cho trận đánh dữ dội nhất và hao tổn xương máu nhiều nhất trong quân sử VNCH.
Friday, July 16, 2021
Dấu Binh Lửa - Phan Nhật Nam - Chương 7: Nỗi Sợ Không Cùng - Chương 8: Để Tập Làm Người
Tin Vũ chết đưa lại như cơn gió độc, tôi bỏ dỡ bữa
cơm ra đứng cạnh quốc lộ, nghĩ thầm... Bao giờ đến lượt mình? Tiểu đoàn
Vũ còn có Trang và Lô, không hiểu có gì xảy ra cho chúng nó không?
Sáu giờ chiều, đoàn xe khởi hành, đoạn đường Bình
Dương — Bến Cát hơn hai mươi cây số nhưng đầy hiểm nghèo. Trời tối, xe
để đèn mắt mèo, tốc độ hạn chế mười cây số một giờ, con đường bị đào xới
nát bấy, chiếc GMC di chuyển khó khăn. Quốc lộ 13, con số xui xẻo, đoạn
đường khốc liệt nhất trong cuộc chiến tranh trước cũng như bây giờ, con
đường nằm ngang chiến khu D, những mật khu kiên cố Bầu Bàng, Bời Lời,
vùng trú quân an toàn để từ đấy địch xâm nhập và uy hiếp xuống hai tỉnh
Gia Định, Biên Hòa. Trời tối hẳn, đoàn xe phải dừng lại chờ thiết giáp
hộ tống lên dẫn đường và phá mô. Tôi không sợ phục kích nhưng sợ mìn, vũ
khí khốc hại với sức tàn phá khủng khiếp. Việt cộng vùng Bình Dương,
Bến Cát, nói chung toàn miền Đông nổi tiếng về tài đánh địa đạo và gài
mìn. Việt cộng ở Long An cũng thiện nghệ trong việc gài bẫy, nhưng ở đấy
bẫy chỉ gài bằng lựu đạn nội hóa hoặc mìn muỗi. Vùng này địch đã biến
chế các trái đạn súng cối 81 ly, 82 ly thành những trái mìn chống chiến
xa vô cùng công hiệu. Quốc lộ 13 con đường mang số của sự chết đã đóng
trọn nghĩa đó. Xe hàng từ Ban Mê Thuộc về chất đống ở Chơn Thành, hoặc
đi từ Sài Gòn thì đợi ở Bình Dương hằng hai ba ngày bao giờ có chuyến mở
đường mới dám tháp tùng theo.
Xe bắt đầu chuyển bánh nhận được lệnh ở trong máy
truyền tin: Có quân bạn đóng dọc đường để an ninh lộ trình. Lệnh gây tin
tửơng cho mọi người, tuy vậy xe vẫn để đèn mắt mèo; tôi hút điếu thuốc
lá đầu tiên cho chuyến đi. Những lúc thế này thuốc lá thật cần thiết,
ngồi trong đêm, chiếc xe chạy với một nhịp buồn nặng, không nhìn thấy
một điều gì, rừng cao su hai bên đường thăm thẳm... Người sống trong một
khung cảnh chết, ngọn lửa đầu điếu thuốc thật linh động; nhìn nó như
dấu vết của một phần thân thể đang sống, đang mở ra. Yêu vô ngần. Bây
giờ mới biết tại sao phần đông lính đều hút thuốc nếu không nói là hầu
hết. Đi lính là nhập vào một sinh hoạt ồn ào nhưng mênh mông cô đơn,
điếu thuốc như một người bạn âm thầm. Tôi đã đi qua con đường này vào
tháng Bảy trong trạng thái kiệt quệ tinh thần, bây giờ những ray rứt
ngày cũ đã hết, nhưng thoáng đâu đây dấu tích mệt mỏi của những ngày
phung phí tinh thần, ngày cần kề cái chết khi bị Việt cộng ra đón đường
xét giấy, tôi đã bình tĩnh dửng dưng lừa bịp những tên Việt cộng, trong
khi trong người đầy giấy tờ và tang vật của nhà binh. Sẽ không còn một
lần liều lĩnh nào như vậy trong đời nữa, em biết chăng? Đến Bến Cát lúc
mười một giờ đêm, ngủ ngay trên quốc lộ, trãi poncho xuống mặt nhựa, cởi
chiếc giày cho dễ chịu, thầy trò tôi nằm lên, thao thức không ngủ được.
Đêm mùa khô của miền Nam trời trong vắt, sao sáng rực và một ít lạnh,
lạnh của miền cao nguyên thổi về. Giá rét se sắt như kỷ niệm.
Ngày hai mươi ba tháng mười một, bốn giờ sáng trời
đầy sương mù, thức dậy không thể ngủ tiếp được, mặt nhựa khô cứng lạnh
ngắt, hơi lạnh của rừng núi, cuả mặt đất bốc lên tê cóng. Tôi đã tỉnh
giấc từ lúc hai giờ sáng, một đêm thiếu ngủ người hóa thành phờ phạc.
Cũng ngày này, năm trước, tôi ra trường.
- Mẹ, "nó" kêu mình lên hành quân mà không cho ngủ trong quận, lại đút ra ngoài đường nằm, nó coi mình như chó.
Tên lính chửi thề vu vơ, không biết "nó" ám chỉ những ai.
Bảy giờ, vượt tuyến xuất phát, tiểu đoàn 4 Thủy
quân lục chiến đi bên trái, tiểu đoàn chúng tôi đi bên phải, mục tiêu là
khu vực giới hạn bởi hai con sông, Sài Gòn ở phía đông, Thị Tính ở phía
tây. Phía bắc là khu đồn điền Alimot, Bussy. Tám giờ, đường đi bắt đầu
khó, bản đồ chỉ là rừng thưa, nhưng thực tế cây bắt đầu lớn, cây chỉ cao
trên dưới ba thước lớn bằng cổ chân nhưng đan sát vào nhau, rậm rạp chỉ
đủ để một thân người lách đi rất khó khăn. Dao đi rừng không xử dụng
được. Có hàng ngàn cánh rừng chúng tôi đã đi qua, nhưng loại rừng quái
quỉ bé nhỏ này thật quá khó chịu, lấy hướng địa bàn, hai khinh binh đi
đầu cúi khom mình bò qua các hàng cây, tôi bò tiếp theo... Một giờ qua,
chiếc cổ tưởng chừng như muốn gãy đôi, cành cây đánh vào nón sắt nghe
đến ù đầu. Tiến quân về hướng đông, xong vòng xuống hướng nam, đêm nay
đóng quân ở đồn điền ông Thịnh. Trời đã chiều, dừng quân ăn cơm tối, bảy
giờ tiếp tục đi, lấy lá rừng có chất lân tinh dán vào lưng người trước,
người sau nương theo. Quân tiến ra khu đồn điền cao su lối đi rộng rãi.
Đi thế này thì bao nhiêu chẳng được, địch cũng thế thôi, sở dĩ họ có
được sức dẻo dai chịu đựng vì có cái thế, hoàn cảnh để nương vào... Tôi
nghĩ lan man trong bóng tối.
So sánh với nỗi khổ cực phải di chuyển trong một
khu rừng rậm không lối đi lúc ban ngày với cuộc chuyển quân ban đêm như
thế này thì thật không thấm vào đâu. Việt cộng có thể di chuyển hằng hai
mươi, ba mươi cây số một đêm không có gì lạ vì họ được đi trong bóng
mát, trên đường mòn có cán bộ giao liên hướng dẫn. Đến khu đồn điền, bố
trí quân, trãi ngay poncho xuống đất, khỏi làm lều... Ngủ cái đã. Từ bốn
giờ sáng đến giờ, phải luôn luôn đứng hoặc đi nên khi vừa đặt lưng
xuống đất tôi ngủ thiếp.
Ầm... Ầm... Hai tiếng nổ chát chúa, lửa lóe sáng
rực. Pháo kích! Pháo kích! Tôi lăn xuống chiếc hố, nằm im chờ đợi. Tất
cả trở lại im lặng, không phải pháo kích. Việt cộng ném lựu đạn. Một
trung đội thuộc đại đội 74 đóng sát bìa làng đã chui vào trong mấy chiếc
chòi để nấu cơm, Việt cộng ẩn trong hầm bí mật tung lựu đạn ra để thoát
chạy. Bác sĩ tiểu đoàn được đưa đến tận chỗ, hai chết, mười chín bị
thương. Thật xui xẻo, chưa làm ăn gì được đã mất toi một trung đội.
Ngày hôm sau, tiểu đoàn bỏ lại khu đồn điền, tiếp
tục đi vào hướng đông, phía rừng rậm. Biết được tình hình, chỉ là du
kích đồng thời để tiến quân nhanh hơn. Tiểu đoàn trưởng quyết định chia
hai cánh quân. Đại đội tôi đi đầu một cánh, trung đội lại đi đầu. Thêm
một ngày phải đi kiểu bò như cua còng nữa, lính càu nhàu. Buổi chiều,
đoàn quân lại đâm xuống hướng nam để tìm chỗ đóng quân. Ra làng rồi đấy
phải coi chừng. Tôi dặn dò mấy người khinh binh đi đầu, hai trái lựu đạn
tối hôm qua làm tôi e ngại, tình cảnh này chứng tỏ địch đã bám sát
chúng tôi. Nếu có lực lượng lớn, chúng đã đụng với chúng tôi từ trong
rừng, đây chỉ là du kích cố bám sát để làm tiêu hao phá quấy lực lượng
hành quân. Khu làng trước mặt hiện ra trống trải tôi thở hơi khoan
khoái, ném nón sắt xuống đất, quay chiếc cổ tê mỏi một cách khó nhọc.
- Ra đến làng, coi chừng mìn và lựu đạn nghe các ông, Việt cộng vùng này là vua gài mìn đấy.
Tôi dặn thêm mấy lượt rồi dè dặt cho ba khinh binh
tiến ra làng trước. Phía bên trái, đại đội 74 cũng cho một toán ra thám
sát. Tôi thấy mấy người lính của đại đội này thấp thoáng trong tàng cây.
Tiếng cuả thằng Chắc "tây lai" bô bô, một tiếng nổ kinh khiếp khói bốc
lên đen nghịt.
- Chết tôi rồi! Thằng Chắc kêu thất thanh.
- Mìn gài trên cây, kêu y tá. - Thiếu uý Đông kêu rối rít.
- Y tá theo nó cũng bị thương rồi!
Tôi nhìn lên cành cây, bây giờ nơi nào đối với tôi
cũng đầy mìn bẫy, tay chảy ướt mồ hôi, chân như muốn tê dại...Tôi ngồi
im bất động. Mìn, thứ khí giới vô hồn đó làm tôi nghẹt thở, đối diện với
một họng súng, một tên địch tôi có thể xem thường vì dù sao còn chủ
động, đối phó được nhưng đây là mìn và lựu đạn, vũ khi ti tiện vô hồn
được che dấu thật kỹ càng và sẵn sàng để nổ tung. Tôi thấy sợ, sợ thật
sự, sợ cho chính mình, cho những người lính dưới quyền. Tôi ao ước được
đụng độ, đụng ngay ở bìa rừng này, bất kể lực lượng địch bao nhiêu cũng
được, nhưng hãy cho tôi một người trông thấy được; tôi sợ vẻ im lìm ngặt
nghèo bí mật của trái mìn.
Trời tối, lệnh tắt hết lửa, toàn thể tiểu đoàn chìm
xuống im lặng không tiếng động. Ở cánh trái chúng tôi bây giờ có tiếng
người và ánh lửa, tiểu đoàn 4 Thủy quân lục chiến ra đến vùng đóng quân.
Thình lình những tiếng bục, bục, vang dội từ phía nam... Đúng là súng
của địch bắt đầu bắn. Tiếng đạn rít trong không khí bay qua đầu chúng
tôi. Chờ đợi, đạn nổ phía đóng quân của tiểu đoàn bạn. Pháo kích, pháo
kích... Binh sĩ xì xào chạy xuống hầm. Đừng hoảng. Tôi bấm vào máy
truyền tin liên lạc với hai toán tiền đồn ra lệnh đề phòng và trực máy.
Tôi nằm yên trong hố, thân cây chuối trên miệng hầm lúc bây giờ qủa thật
quá mỏng manh, ao ước một gốc cổ thụ, một cây đa che chở. Sợ, hai bàn
tay ướt đẫm mồ hôi. Tôi biết mình đang sợ hãi. Cảm giác buổi chiều khi
nghe tiếng mìn nổ trở lại, tôi tưởng chừng như trong bụi chuối, góc nhà
có một tên địch đang lẫn trốn, chờ đợi thời cơ hỗn loạn sẽ nhảy ra, trái
lựu đạn sẽ nổ về phía tôi... Đấy là một sợ hãi vô lý, tôi biết vậy,
nhưng thật chính là mục đích của địch trong chiến thuật tiêu hao dần lực
lượng của đối phương. Theo dõi, bắn sẻ, gài mìn, đặt bẫy trên hướng
tiến quân, đột kích vào vị trí đóng quân đêm, pháo kích, đó là những
phương cách có hiệu qủa nhất để làm tan hoang tinh thần cũng như sức
chiến đấu của một đoàn quân. Tôi nghe rõ những tiếng départ của súng cối
địch từ xa, khô gọn và tàn ác như lưỡi dao chém xuống thớt. Nổ ở đây?
Hay chỗ kia? Địch có điều chỉnh không? Chúng có rõ tiểu đoàn chúng tôi
đông ở đây không? Sau mỗi tiếng départ tôi chờ đợi tiếng nổ của trái đạn
với căng thẳng đun nóng trí não. Tôi thở dài nhẹ nhõm mỗi khi nghe được
tiếng nổ ở phía xa, phía đơn vị bạn. Tàn ác, ích kỷ? Có thể là như thế,
nhưng tôi không thể nào chịu đựng được giây phút trống rỗng khi qủa đạn
đang bay, tôi ao ước được đụng độ, để giữa tiếng đạn nổ, hơi thuốc súng
tôi có thể di động giữa cái sống và cái chết với ý niệm có tự do được
chọn lựa. Trong chờ đợi cuả quả nổ đã biến tôi co cứng khiếp sợ hèn mọn.
Ai không hèn mọn khi bó tay trước một cái chết không tự do.
Pháo binh từ Bến Cát phản pháo chính xác làm im
súng cối địch, trực thăng đến, di tản thương binh, ánh đèn đỏ của chiếc
máy bay lập lòe trong đêm ma quái, tôi nghĩ đến tên Việt cộng bắn súng
cối vừa rồi nếu giờ này chưa chết vì đạn pháo binh chắc hẳn hắn đang
hãnh diện vì kết quả vừa thu được. Chiến tranh quả thật tàn bạo, lấy cái
chết cuả những người mình không thù oán làm thành quả cho bản thân. Tôi
không ngủ, mong trời mau sáng để được rút ra quốc lộ 13. Cuộc hành quân
này ngắn sao tôi thấy mệt mỏi vô hạn, có lẽ vì ba đêm thiếu ngủ hay
thần kinh bị căng thẳng bởi cơn khiếp sợ chờ đợi. Buổi trưa khi tiểu
đoàn qua mặt tiểu đoàn 4/ TQLC, đơn vị nòng cốt của ngày 1-11-63. Ở tiểu
đoàn này tôi không có bạn thân, chỉ biết có mấy anh ở khóa trước làm
đại đội trưởng, trong số sĩ quan tôi chú ý một thiếu uý, người cao cân
đối, khuôn mặt đều đặn và nhất là đôi mắt xao xuyến. Vào tháng mười hai,
tiểu đoàn 4/TQLC đụng nặng ở Bình Gĩa, không hiểu bạn ấy có sống sót
hay không? Đã bao nhiêu lâu, một buổi chiều ở Biên Hòa tôi thấy anh buồn
bã và u uất. Trong đời tôi hay bị xúc động bởi những nguyên nhân bất
chợt, nên sau này bao nhiêu tháng năm qua tôi vẫn nhớ đến đôi mắt thăm
thẳm của người lính không quen đó... Người bạn không quen ấy có còn
không trong chiến tranh?
Tiểu đoàn vượt sông Thị Tính trong buổi chiều, đi
trên chiếc phà của Công binh vừa lắp xong thấy bóng mình lung linh vỡ
tung trên dòng nước, bềnh bồng như một kiếp người mỏng manh. Quốc lộ 13,
xe chờ sẵn, một đại đội của sư đoàn 5 bộ binh giữ an ninh bãi lên xe.
Tôi thấy họ thật tội nghiệp trong khi nhìn chúng tôi lên xe.
- Các anh bây giờ về Sài Gòn, vui há? - Lính chúng tôi gật đầu hãnh diện...
- Mấy anh thật sướng, đi hành quân ở đâu nhưng cũng được về nhà ở thành phố, chúng tôi ngủ bờ ngủ bụi suốt cả năm...
Xe chạy, chúng tôi vẫy tay chào, nhìn những bàn tay
đưa lên chào lại băn khoăn. Dọc đường lính đơn vị bạn giữ an ninh lộ
trình, có người đưa tay lên vẫy chúng tôi. Tội nghiệp, họ vẫy chào thành
phố chúng tôi sắp đến. Thành phố - Thủ đô... Những nhọt bẩn ung mủ trên
quê hương đối với lính sao vẫn còn quyến rũ.
Xe chạy qua tỉnh B, nhìn con đường hẻm dẫn vào nhà
em, lòng thoáng thấy cay đắng như vết thương chưa khép ngâm xuống nước
biển mặn.
Tháng 11-1964. Bến Cát, Bình Dương
Chương 8: Để Tập Làm Người
Chiều
hôm nay là chiều mồng năm Tết, tiểu đoàn chúng tôi được rời khỏi cái
nóng như thiêu như đốt của Sài Gòn... Không có chút không khí của mùa
xuân, thành phố đang sôi sục xuống đường, biểu tình, đảo chánh. Máy bay
xuống phi trường Vũng Tàu trong ánh nắng dịu dàng của đầu xuân và bên
kia là biển. Bao lâu rồi mới thấy lại cây dương liễu, cát trắng và mùi
gió biển. Cảnh sắc và mùi vị của tuổi thơ sau thời gian dài xa cách. Tối
giao thừa vừa qua là một giao thừa hạnh phúc nhất cuả thời gian dài
mười năm trong tuổi lớn... Những giao thừa năm xưa, đêm khuya gió lạnh
trên đỉnh Hải Vân... Mây phủ kín lưng đèo và tôi co quắp trong một
khoang xe vận tải dơ dáy chết máy nằm cạnh sườn núi với cô đơn của kẻ
không nhà. Bẩy giao thừa qua chém trong đời tôi những lát dao để gây
nhức nhối, để suốt đời nhớ mãi, như một vết chàm khắc sắc vào xương.
Nhưng giao thừa vừa rồi thật đầy đủ, bạn bè, em gái tôi và tình yêu của
một cô gái nhỏ, bánh mứt, tiếng cười giọng nói vang đầy căn phòng trọ.
Cám ơn tất cả, tôi đi đây, bỏ lại năm ngày ứng chiến tại Sài Gòn. Tôi
mang hết cả niềm vui của một đêm giao thừa hạnh phúc theo suốt mùa xuân.
Bốn giờ sáng, quân xuất phát từ Phù Mỹ tiến vào mật
khu Hắc Dịch. Trung đội tôi dẫn đầu đại đội, đại đội dẫn dầu tiểu đoàn.
Lính làu nhàu:
- Trung đội từ ngày có mặt thiếu uý về đến bây giờ cứ phải đi đầu hoài!
- Tao muốn thế đâu, đi đầu ngán thấy mẹ chứ thích quái gì, nhưng gắng đi mấy cha...
Rừng già, đi không khó, quân tiến nhanh như đi trên
khoảng trống. Trước mặt chúng tôi hai tiểu đoàn 5 và 6 Nhảy dù đang
được trực thăng vận để kìm Việt cộng lại. Chúng tôi có nhiệm vụ làm
thành phần chận bít, không cho Việt cộng chạy thoát ra hướng quốc lộ 15.
Mặt trời lên cao, rừng bắt đầu nóng, lớp cỏ tranh bị cháy rải tro dày
lên mặt đất, bước chân người lính quấy những lớp bụi đen nghịt, mồ hôi
chảy đầm đìa dính theo từng lớp tro lem luốc, ngứa ngáy không chịu được.
- Anh cố coi thử có con suối nào không? - Đại đội trưởng liên lạc trong máy ra lệnh tôi.
- Bản đồ tôi loại 1/100.000 nhỏ quá chẳng thấy có con suối nào cả, địa thế cũng không có vết suối...
- Bảo mấy thằng con giữ nước coi chừng kẹt nước...
Đến chiều cả tiểu đoàn kiệt sức, nước không có,
phải di chuyển gần mười cây số đường rừng, lính bãi hoãi tửơng như xô
nhẹ cũng đủ ngã. Lệnh cho đóng quân đêm. Chẳng cần làm lều, bố trí trung
đội xong, tôi nằm vật xuống đất, mệt, đói và khát nước đến muốn ngất.
Có chút cơm nắm mang theo nhưng không dám ăn vì không có nước, bi đông
còn một tí nước, tôi uống từng ngụm nhỏ chỉ vừa đủ ướt môi. Bên kia, hai
tiểu đoàn 5 và 6 đụng địch, chúng tôi nghe rõ tiếng súng nổ từng hồi,
súng của ta lẫn Việt cộng, trực thăng võ trang được gọi đến, tiếng động
cơ cùng tiếng súng vang đầy khung trời.
- Thiếu uý, ăn cơm không? - Thái, thằng bé theo làm cho tôi, chìa một lon cơm nóng...
- Ở đâu mày có được?
- Em nấu buổi chiều, lấy nước từ rễ cây.- Tôi nhai từng miếng cơm nhỏ sợ tan biến thật nhanh ở trong mồm...
- Liệu Việt cộng có đánh vào tiểu đoàn mình không thiếu uý?
- Nó đánh mình mới có hy vọng rút ra được, nếu không cứ nằm thế này thì chết khát.
- Em cũng nghĩ như vậy...
Đêm mùa khô, trời đầy sao, sau khi có mấy muỗng cơm
nóng với ngụm nước nhỏ tôi tỉnh người, đốt điếu thuốc gối đầu vào nón
sắt ghé tai vào máy truyền tin xem chừng các toán phục kích... Bên phía
hai tiểu đoàn bạn trận đánh mỗi lúc một ác liệt, chưa bao giờ tôi thấy
Gunship đánh trận đêm nhiều đến như thế.
Quân rút ra đi như một lũ ma đói, hai ngày hai đêm
thiếu nước và mất ngủ, mọi người phờ phạc trông thấy. Trung đội tôi đáng
lẽ dẫn đầu trở ra lại phải đi chót tiểu đoàn, đại đội 73 đi đầu, trung
đội của Toàn vừa đi được hai mươi thước đạp phải một trái lựu đạn, hai
chết, hai bị thương. Mấy thằng lính của trung đội tôi cười như mếu. May
quá, mình đi đầu là chết rồi! Tôi cũng nhủ thầm mình có số mạng...
Người trước đi, tôi đi theo chẳng cần đội hình, ý
tứ gì nữa, hai ngày vừa qua có được bốn muỗng cơm, người tôi không còn
một sức lực nào nữa... Tôi dặn lính:
- Tụi mày cứ theo trung đội trước mà đi, sát vào nhau đừng để lạc.
Đầu gục xuống, súng vác trên vai, tôi thở không
những bằng mũi mà cả bằng chiếc mồm há thật lớn, chiếc lưỡi căng phồng,
nhức nhối và đôi môi khô không còn chút cảm giác. Tro rừng, đất bụi bám
đầy mặt mũi, bay đầy vào mồm, không còn tí nước bọt nào để nhổ ra, tôi
đưa tay vào mồm chà trên lưỡi từng tảng tro đen! Quốc lộ 15 đây rồi, có
thửa ruộng nhỏ bên đường, tôi úp chiếc mặt vào dòng nước đục ngầu phủ
lớp bùn non... Uống! Uống! Như loài thú hoang trên sa mạc. Ngày hôm nay
mới mồng tám Tết.
Về đóng quân ở quận Đất Đỏ, trong vườn cây vú sữa
xanh tươi bóng mát. Tôi căng võng đọc sách, cho lính đi mua gà về nhậu
với rượu đế, ngà ngà say suốt ngày. Nắng như thêu hoa trên áo, những
ngày thật bình yên. Nhưng đêm thì thao thức không ngủ được, những hôm
trời trăng sáng đem lính đi phục kích nằm trong rừng tiêu, cây tiêu dưới
bóng trăng lạnh trông như những bóng ngườikhổng lồ. Vẻ đẹp của khu vườn
chứa đầy bí ẩn kinh dị. Chim heo bay qua kêu từng tiếng thật ai oán và
tôi nhớ em, tình yêu đã mất. Ôi tôi đã xa em từ tháng Bảy năm 1964 đến
giờ... Xa em quá lâu rồi đấy hở? Sao lòng tôi vẫn thao thức nhớ thương
đến độ điên cuồng. Cả ngàn đời em cũng không biết được tình yêu đó.
Ngày 19 tháng Hai một giờ sáng tiểu đoàn nhận lệnh
trở về Sài Gòn, cho lính lên xe trong đêm tối, lính yên lặng không kinh
ngạc. Có quái gì đâu, những trò hề này chúng tôi đã quá quen! Đảo chánh,
chỉnh lý hay cái gì đi nữa cũng chỉ vậy thôi, chúng tôi vô can, đứng
ngoài.
- Đ.m... Về Sài gòn lại đứng đường, gác chợ nữa như thằng ăn mày.
Tiếng chửi thề rơi vào im lặng, mọi người còn ngái
ngủ. Sáu giờ sáng vượt cầu Phan Thanh Gỉan, xuống xe, quân tiến vào Đài
phát thanh. Đại đội tôi có nhiệm vụ dẫn đầu... À, chuyến này tôi làm
"cách mạng" thực sự rồi. Những chiến sĩ can trường đã đánh bật quân
phiến loạn ra khỏi Đài phát thanh trong buổi sáng hôm nay! Mẹ đời, coi
chừng Đài phát thanh lại gọi đích danh tôi để ca ngợi không chừng...
Tiến vô, thôi đánh trong thành phố với người anh em một lần cho biết.
Trung đội tôi chạy luồn vào con đường nhỏ để đâm ra đường Phan Đình
Phùng... Đến ngã ba, nơi rẽ tay trái hướng Đài phát thanh, hai tên khinh
binh chạy đằng trước tôi thối lui lại...
- Thiết giáp! Thiết giáp! Thiếu uý khoan ra đã...
- Đ.m... Tao đâu có ngu, đạn 12 ly 7 đụng vào là hết chữa, chết cái này lãng xẹt đếch có tuyên dương công trạng được.
Tôi báo cáo với đại đội trưởng tình hình rồi xin mượn khẩu SKZ 57 ly. Tôi hỏi ông ta:
- Bây giờ tôi khai hỏa xông thẳng vào Đài phát thanh hay sao?
- Bậy! Bậy! Chết bây giờ, xông con c... Đợi đó để tôi hỏi ý kiến tiểu đoàn...- Ông ta trả lời như thét.
Lệnh cuối cùng: Không được khai hỏa trước, chỉ sẵn
sàng tìm cách vào Đài phát thanh và chiếm mấy cái xe thiết giáp một cách
yên thấm...
- Sao làm vậy được? Xe nó bằng sắt chứ phải bằng giấy đâu mà tôi lấy khơi khơi? - Tôi phản đối đại đội trửơng.
- Tôi không biết, lệnh trên người ta kêu xuống như vậy.
Tôi chửi thề với mấy thằng lính...
- Đ.m... Muốn đảo chánh thì tới đây mà chiếm Đài phát thanh, mắc mớ gì kéo tụi mình vào.
Tôi bò sát chân tường, liếc về phía Đài phát thanh
để quan sát: Hai chiếc thiết giáp đậu im lìm chỉa súng về phía chúng tôi
một cách đáng ngại, cửa các pháo tháp đóng kín chứng tỏ ở trong đó đang
sẵn sàng... Những cửa sổ trên lầu Đài phát thanh lấp ló họng súng và
những chiếc áo xanh của lính bộ binh. Tôi bò lui báo cáo với đại đội
trửơng:
- Lên không được! Cả tiểu đoàn có lên cũng chết nữa chứ đừng nói một trung đội tôi.
- Anh cố làm sao vào trong đài đi!
Tôi mở máy phân bua với mấy thằng lính:
- Đại uý bảo gắng vào đài, thằng nào muốn làm ca sĩ thì thử liều đi! - Mấy tên lính lắc đầu cười méo mó...
Tôi bò ra ngã ba một lần nữa, bây giờ cửa của hai
chiếc thiết giáp đã mở, mấy anh lính thiết giáp leo lên ngồi im lìm...
Tôi bớt ngại, tháo chiếc khăn đỏ ở cổ ra phất phất mấy cái, mấy anh lính
bộ binh từ trên đài đưa tay phất lại. Lính thiết giáp thì thầm hỏi ý
kiến nhau. Tôi lấy tay chỉ vào người tỏ ý muốn vào đài, mấy anh thiết
giáp gật đầu. Tôi chỉ vào chiếc xe và lấy tay đánh vào đầu tỏ ý sợ bị
bắn, mấy anh trên xe cười rộ ngoắc tôi vào trong, tôi đứng dậy đi về
phía mấy chiếc xe, mồm cười thật tươi...
- Sao không có gì chứ bạn?
Tôi hỏi mấy người lính ngồi ở pháo tháp. Có mẹ gì
đâu, tự nhiên bắt giữ Đài phát thanh thì giữ chứ biết gì? Tôi ngoắc tay
ra dấu cho trung đội tôi chạy vào đài, lính vừa chạy vừa kháo chuyện cứ y
như trẻ con chạy đua. Lúc vào đến trong đài, lính tôi và lính bộ binh
đang ngồi nói chuyện với nhau, mấy người lính rờ vào lớp giấy chống
tiếng động tại phòng ghi âm tò mò một cách khôi hài; có đứa dựng nắp
chiếc piano lên đánh như điên... Cái phòng này để tụi ca sĩ hát radô đấy
mày... Mày ca cải lương tao coi chơi. Lính đùa như phá. Bên phòng kia,
một anh đang ngồi viết bản tin mới nhất chắc thế nào cũng có câu: "Quân
cách mạng đã chiếm lại Đài phát thanh..."
Tôi đi vào tiệm phở trước cửa đài, có mấy người lính thiết giáp ngồi ăn ở trong đó, chúng tôi cười với nhau.
- Vừa rồi tôi cứ sợ các bạn bắn tôi chứ.- Bắn ông
làm quái gì, đang đi hành quân bỗng nhiên được lệnh về giữ Đài phát
thanh chứ biết khỉ gì đâu.- Các ông ở đâu đến? - Dưới Mỹ Tho... - Tôi
cũng vừa ở Bà Rịa về, chẳng ra con mẹ gì cả! - Ừ. - Người lính thiết
giáp ghếch đôi giày đầy bùn lên mặt ghế đánh rầm.
Tôi bước chân ra khỏi quán phở, nói nhỏ với thằng lính:
- Ở đây hình như có chỗ chơi bời, mày kiếm thử xem.
Thấp thoáng trước thềm đài một lô sĩ quan cao cấp đang đứng nói chuyện hân hoan.
Đột nhiên tất cả những ồn ào lắng xuống, tôi như bị
bao cứng bởi một nỗi buồn rầu, giận dỗi vô cớ... Tội nghiệp cho tôi
biết bao nhiêu, nào ai biết được? Sĩ quan trẻ đầy tương lai!
Tháng 2-1965. Sài gòn
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
TỔNG LƯỢC VỀ TRẬN ĐÁNH TÁI CHIẾM CỔ THÀNH QUẢNG TRỊ Chu Tất Tiến.
Tháng 12, năm 2020, một nhóm người trẻ thuộc thế hệ thứ 2 đã xin được sự đồng thuận 5/5 của thành phố Westminster cho phép xây dựng Tượng Đà...

-
Tháng 12, năm 2020, một nhóm người trẻ thuộc thế hệ thứ 2 đã xin được sự đồng thuận 5/5 của thành phố Westminster cho phép xây dựng Tượng Đà...
-
Quang Tri June 19, 1972 -- NEW BRIDGE AT NORTHERN FRONT-- Công binh Nam VN đang lắp đặt một cầu phao vượt sông Mỹ Chánh hồi gần đây tại t...
-
Hai gã thiếu niên đi hàng đầu căng biểu ngữ: "Hoan hô Quân đội". Hai gã khác mang một biểu ngữ màu vàng: "Cương quyết bảo v...
No comments:
Post a Comment