Hóa ra cảm giác nhạt nhạt nơi miệng, buồn buồn đè nặng, đau đau ở trũng ngực làm đứa nhỏ có thói quen luôn rờ tay lên ngực áo như muốn gỡ đi một khối nặng vô hình dính sâu đâu trong người, mà sau nầy khi khôn lớn, nó mới biết đó là vị trí gần quả tim, chặn ngang đường thở. Tâm cảnh nầy vốn có từ rất lâu, nên dẫu vốn tinh nghịch, hiếu động, đứa bé có lúc bất thần ngồi lặng, rũ xuống; hay đang trong giấc ngủ, chợt giật mình thức dậy giữa bóng tối với cảm giác lo sợ bồn chồn - Cảm giác thời thơ ấu còn nhỏ dại nó chưa biết gọi nên tên.
Ðịch cố gắng chống lại một cách tuyệt vọng và đến khi người lính TQLC dựng lá cờ vàng 3 sọc đỏ ở bờ phía Tây Cổ Thành thì tiếng súng im bặt. Bao nhiêu lính BV ở trong thành đã bị chết hoặc chôn vùi dưới đống gạch vụn. Sáng ngày 16 một buổi lễ thượng kỳ long trọng được cử hành trước sự vui mừng của người chiến sĩ TQLC nhưng xen lẫn với những dòng nước mắt tưởng nhớ đến những đồng đội đã hy sinh nằm xuống cho trận đánh dữ dội nhất và hao tổn xương máu nhiều nhất trong quân sử VNCH.
Monday, July 12, 2021
Ngày Thật Chết Với Quê Hương Tác giả: Phan Nhật Nam
Hoặc, buổi thanh xuân, đang ở tuổi hai-mươi nơi
trường Đà Lạt, đầu những năm 60. Hằng đêm, khi bóng tối chìm rét lạnh
phủ kín dầy khu rừng phía sân bắn, đối diện Vũ Đình Trường, anh khắc
khoải nhìn ra hướng vườn Bích Câu nơi xa, đường vòng Hồ Xuân Hương chập
chờn giàn đèn màu tím đẫm lẫn trong mù sương. Và thế rồi, sinh hoạt ồn
ào với đồng bạn bỗng nhiên chững lại, lắng xuống, mất biến. Anh lần tìm
thấy, hiểu ra: Sẽ chỉ còn một mình với Nỗi Buồn, về một điều Không Thật.
Nhưng quả tình anh cũng chưa biết từ đâu? Là gì? Tại sao?
Sau những năm kể trên, ra đơn vị, lần chịu phạt
quân kỷ đầu tiên tháng 8, năm 1964 ở Bộ Tổng Tham Mưu, đường Võ Tánh,
Gia Định. Phòng giam mờ đục, ngột ngạt, suốt ngày nằm dán xuống chiếc
giường sắt lót nệm rơm cũ ẩm, khô khan, anh nghe sự sống bên ngoài qua
tiếng mưa chợt ào đến, vụt tắt dưới mái hàng hiên - Mưa Miền Nam - Mưa
mùa Hè thất thanh, vùng vẫy. Và anh thấy trước sẽ có một mất mát rất lớn
ắt phải xẩy ra - Mà đã thật xẩy ra như khi người vô cùng thương mến bỏ
đi. Không biết đi đâu. Tiếp kỳ bị giam của những năm sau, cũng nơi nầy:
Bộ Tổng Tham Mưu, cơ quan chỉ huy tối cao, cuối cùng của Quân Lực Miền
Nam. Những lần trở lại nơi nầy giúp anh hiểu rõ thêm cường độ về Nỗi Đau
- Cái Đau của Sự Chết - Hiện thực với khoảng tối của phòng giam tầng
tầng chụp xuống, anh há miệng ra như đang bị bóp cổ, mắt ráo hoảnh trừng
trừng nhìn lên đỉnh chiếc mùng nhà binh - tấm vải trắng nhờ nhờ như như
nắp quan tài.. bay lên cao.. cao.. cao nơi xa dật dờ như một giải khăn
tang.. Giật mình, anh ngồi dậy, mồ hôi đẫm ướt mặt, và tận hiểu về một
điều bí ẩn nhưng cụ thể:Người có thể thật-chết khi đang hiện-sống.
Nhưng không hẳn chỉ là thế, sâu xa hơn những ám ảnh
tuổi thơ, phiền bực tuổi trẻ còn có điều gì khác, lớn lao, kinh hoàng,
khốc liệt hơn: Đấy là Nỗi Đau-Sự Chết dần hiện thực sắc nét như chính
bản thân - Là cuộc đời anh với thân phận Người Lính trên quê nhà, dọc
suốt quê hương.
Nầy đây, hình như mới đây, của ngày hôm trước, giờ
vừa qua - Cảm giác gần kề, rờn rợn, dẫu tính đến nay đã gần hết một thập
niên. Năm 1965, sau trận chiến bùng nổ ngày 11 tháng 6, với mưa Miền
Nam, nơi Nghĩa Trang Quân Đội Gò Vấp. Mưa không đủ lớn, không dài lâu để
cho người có cảm giác được tẩy rửa, cuốn trôi. Mưa âm âm, ngột ngạt làm
bốc dầy thêm mùi xác chết của những đơn vị, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 7,
Sư đoàn 5 Bộ Binh; của Biệt Động Quân, Tiểu đoàn 52; và đơn vị đầu đời,
thiết thân, thương mến, Tiểu đoàn 7 nhẩy dù với những người lính anh
quen mặt từ buổi trưa cuối năm 1963 mang chiếc xắc marin nhà binh bước
qua cổng doanh trại, vào trình diện tiểu đoàn trưởng.. Đấy là xác của
Binh nhất Thái, Binh nhì Niên; xạ thủ đại liên Phan Niên, tải đạn Phan
Thỏn.. Những người lính với sức chịu đựng dường như vô hạn dưới khối
nặng của thùng đạn, ba-lô, nón sắc, vũ khí họ mang trên vai, vác lên
lưng, để từng ngày cúi gầm mặt bước xuống vùng sình lầy mênh mông, trèo
lên dốc đá núi thăm thẳm, lội xuyên rừng rậm ngút ngàn không tiếng nhỏ
than van. Họa chăng chỉ có hơi thở dài nặng nhọc ghìm lại. Trong đám xác
chết còn có những người đã cùng anh vui đùa với hân hoan bất tận bằng
hữu.. Những Trần Trọng Hợp với cách nói rất nhanh dẫu miệng vẫn ngậm
chặt chiếc tẩu; với Dương Văn Chánh người thấp đậm, rắn chắc, đang học
văn khoa Pháp, tình nguyện nhập ngũ Thủ Đức, cố xin được ra tiểu đoàn
tác chiến dù người thân là sĩ quan cao cấp của binh chủng; là Trần Văn
Ký, á khoa khóa 17 Đà Lạt, ngày ra trường, sẵn có trước mắt một hàng đơn
vị để tự do chọn lựa, nhưng cuối cùng đã thuyên chuyển về đây, tiểu
đoàn nhảy dù tân lập, nhận tập trận, huấn luyện từ chiến trận hung hãn
nguy biến; là Trần Trí Dũng, cùng đoàn Hướng Đạo, cùng trường, cùng lớp,
với những trò chơi con trẻ ở Đà Nẵng mười năm trước với anh.. Nay tất
cả những người gần gũi thân mến nầy đã là những xác chết căng cứng, da
tím sẫm bốc mùi xanh xao tanh tưởi; khuôn mặt, dạng người tinh anh tươi
trẻ của tuần, tháng trước biến dạng thành những khối thịt ủng lầy máu,
đất đỏ, nhầy nhụa thêm bởi thấm mưa của bao ngày nằm nơi chỗ đụng trận,
một chốn gọi là xã Đồng Xoài, quận Đôn Luân, tỉnh Bình Dương, xa Sài Gòn
khoảng 50 cây số đường chim bay. Nghĩa trang ngày ấy âm âm tiếng người
khóc kể.. Cháu ơi sao chết trẻ bỏ bà!!. Con ơi, biết bao giờ mạ mới gặp
lại con con ơi Dũng ơi là Dũng ơi!! Anh ơi là anh ơi.. anh chết sao cho
đành bỏ mẹ con em anh ơi là anh ơi!! Có bà lão ngồi im không đủ sức
khóc, không còn lực khéo chiếc fermeture bao xác đựng người lính tuổi
hẳn còn rất trẻ. Vòng khăn tang của thân nhân những người lính chết trận
dần lấm đỏ chạch của đất nghĩa trang mà nay đã thành một bãi bùn sênh
sếch thêm máu từ những thây người rỉ ứa. Mưa Miền Nam Mùa Hè từ đấy đối
với anh có mùi máu. Máu của người.
Nhưng những người chết của cảnh tượng kể trên vẫn
còn có điều an ủi oan nghiệt: Họ chết với nguyên dạng người và được tẩm
liệm, đem chôn. Chết Mậu Thân, 1968 và chết mùa Hè 1972 tiếp theo lại là
những cái chết toàn diện. Những cái chết tận diệt mà anh chứng kiến,
sống cùng.
Từ Giao Thừa Mậu Thân, bắt đầu ở Huế, ngõ Âm Hồn,
lối đi ra đường Mai Thúc Loan, hướng Cửa Đông Ba. Khoảng đường u thẫm
chập dầy bóng đen mà đứa nhỏ thất thần, cuống quýt, lạc lõng vào lúc
chiều đổ tối một ngày mưa hai-mươi năm trước, 1948 lập lại hôm nay, đêm
Xuân 1968, với tình thế nguy biến tang thương hơn qua hoạt cảnh người
lính xao xác chạy dọc những khu nhà đổ nát, vừa chạy tránh đạn, vừa kéo
xác đồng đội.. Anh đi ngang qua căn nhà có xác người đàn bà chết trong
vị thế quỳ trước chiếc bàn thờ xiêu đổ tung tóe, hẳn đang khấn lạy, cầu
xin, nhưng chỉ còn thân người, bởi chiếc đầu đã bị cắt lìa, vất tung đâu
đó. Bên cạnh, thây cô gái tóc dài lây lất, khuôn mặt chỉ còn những tảng
thịt rời rã.. Nhận biết đấy là người thiếu nữ do chiếc áo dài trắng và
áo len màu tím than, màu riêng biệt đặc trưng của người thiếu nữ xứ Huế.
Trước mặt ngôi nhà bên cạnh là một ngôi mồ chôn vội với chân người chết
lú ra qua lớp đất vụn mỏng. Đấy là cảnh tượng ngày tiểu đoàn anh từ
Quảng Trị đổ bộ vào Huế, mồng 5 Tết. Qua những ngày sau, dãy nhà không
còn hình dạng, dần bị vỡ tan, đỗ xuống, hoang tàn bày ra những xác chết
khác- Những người thoát nạn những đợt pháo kích đầu tiên, nay, sự may
mắn không thể kéo dài, lập lại nên dấu hiệu sự sống, người còn sống cũng
dần mất hẳn đi, lượng xác chết thêm nhiều lớp lớp. Cũng bởi lý do, cán
binh cộng sản sau hai tuần tạm chiếm thành phố đã có được kinh nghiệm
điều chỉnh đạn pháo, nên đạn bắn vào "mục tiêu" càng thêm chính xác -
dân chúng thương vong, thiệt hại dần tăng trội. Cuối cùng người chết ở
đâu nằm ở đấy, không còn người sống để lo toan. Lũ chó đói kéo lê nhưng
bộ phận, tay chân người vương vãi. Xác dân, xác lính chen chúc, lẫn lộn
vào nhau. Nhưng, như một an ủi khốn cùng, ở Huế, hay quanh ngoại ô Sài
Gòn, vùng Nhị Bình, Thạch Lộc, Hốc Môn, Gia Định trong dịp chiến loạn
Mậu Thân, người ta vẫn còn khả năng phân biệt đấy là xác chết của lính
hay của dân; của dân chúng Huế hay gã bộ đội Sinh Bắc-Tử Nam, hoặc cán
binh Mặt trận giải phóng.. qua áo quần, dạng tướng, đôi dép Nhật làm ở
Chợ Lớn, giày botte de saut, hay loại dép râu mang theo từ Miền Bắc. Bởi
người chết làm sao nói lên được điều gì ngoài đôi mắt đứng tròng, khô
rốc chống ngược nhìn lên trời mù mưa xứ Huế, hoặc ngày nắng sáng phương
Nam, nơi cù lao sông Sài Gòn chảy qua Bình Phước, Bình Triệu, Thạnh Lộc,
Nhị Bình, Gò Vấp.. Cả một vùng hoa Mai tàn tạ trong ánh nắng rung rinh
mùi tử khí.
Nhưng đến năm 1972, cảnh chết trên quê hương miền
Nam tăng vụt cường độ; bất hạnh, tang thương nhân lên bội phần cho dù
trí tưởng tượng về tình cảnh khốn cùng từ lâu đã được người Việt hằng
mang nặng, chuẩn bị chịu đựng. Trên chín cây số từ La Vang, nam Quảng
Trị đến Cầu Trường Phước lớp nhựa đường đã hoàn toàn chảy nhão, đun nóng
sôi bởi một thứ lửa nhân tạo. Lửa được cháy lên do từ xăng, dầu, gỗ,
thép của khối quân trang cụ, vũ khí của các đơn vị thuộc mặt trận giới
tuyến bị phục kích trong cuộc lui binh rời bỏ Thị Xã Quảng Trị ngày 29
tháng 4. Nhưng ngọn lửa ác nghiệt kia sở dĩ còn thoi thóp tồn tại cho
đến ngày quân lực miền Nam vượt tuyến sông Mỹ Chánh phản công (27 tháng
6) vì chúng được tiếp bồi bởi những vật chất cháy đượm - những áo quần,
tay nải, bao bị, gồng gánh, và những tế bào thịt da của người - Những
người dân chạy loạn. Bởi trong ngày 29 tháng 4, toán quân miền Nam dẫu
bị rơi vào thế trận phục kích, họ vẫn còn có bản năng người lính- bản
năng vượt thoát, tránh né, chống cự đối với cái chết. Người dân thì hoàn
toàn toàn bất động và bất lực. Họ giương mắt nhìn đám lính Sư đoàn 308
bộ binh Bắc Việt; họ nghe rõ từng tiếng nổ của loạt đạn chống chiến xa,
chống công sự của giàn sơn pháo Súng Không Giật có đạn đạo thẳng - đạn
bay thẳng tới mục tiêu - loại vũ khí đặc biệt của binh đội cộng sản. Và
tiếp liền, xác họ bay lên như nùi rơm bị xáo tung. Nhưng đấy chỉ là lần
chết đầu tiên. Những thây xác tan nát kia tiếp bị xé tơi, nung cháy,
miết xuống mặt đường nhựa, tẩm vào lưỡi lửa của áo quần, xăng nhớt, biến
thái nên ngọn lửa bền bỉ âm ỉ. Trên quãng đường chín cây số nam Thị Xã
Quảng Trị mà báo chí Miền Nam đặt nên tên đau thương Đại Lộ Kinh Hoàng
hoàn toàn không còn dạng thây ma để được gọi nên là xác chết, mà chỉ là
những mảnh xương cốt rời rã, lăn lóc, lẫn lộn đất, đá, cát vương vãi
dưới gầm khung xe cháy nám, nơi ổ súng cong queo, sau những bụi lùm trơ
trọi, những gò, đụn oan khiên mà ổ mối đùn lên gây gây tanh mùi máu.
Ở An Lộc, vào thời điểm đầu mùa Hè, 1972 nơi Bệnh
viện Tiểu Khu Bình Long cũng xẩy ra tình cảnh kinh hoàng đau thương
tương tự. Vì pháo binh cộng sản yểm trợ cho các Công trường (sư đoàn) 5,
7 bộ binh đã học được một kinh nghiệm hữu dụng: "Ban ngày pháo kích
xuống nhiều điểm bên trong thị xã để dân chúng tin rằng, "bộ đội giải
phóng" không pháo kích vô chỗ bệnh viện!" Nhưng vào đêm, điển hình của
những đêm 9, 10 rạng 11 tháng 5, 1972, tám ngàn (8000) quả đạn cùng tập
trung vào những điểm "chọn lọc điều nghiên": Trường Trung Học Cộng Đồng,
Bệnh Viện Tiểu Khu.. nơi lớp lớp người bị thương đang lê lết trong bãi
máu, giữa những người hấp hối để cầu sống sót, cầu được lúc bình yên -
cho dẫu bình yên được chết. Những điểm tập trung người dân tị nạn, và
người bị thương nầy là điểm pháo tập trung dội xuống trong khoảng thời
gian mà Hà Nội ra lệnh Trung ương Cục Miền Nam quyết dứt điểm An Lộc để
lấy Bình Long làm thủ đô ra mắt Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam
Việt Nam trước cộng đồng báo chí quốc tế! Tám ngàn quả đạn 130 ly rơi
xuống xé tung đám xác người (người sống lẫn kẻ chết), ném tung lên dăm
lần, ba lượt (hoặc rất nhiều lần) để thân thể con người chỉ còn là những
mảnh vụn tơi tả lẫn với bụi, khói, mãnh thép.. Không thể phân biệt con
người nào đã chết, hoặc đang còn sống ở An Lộc trong những đêm, ngày cào
xé kể trên. Sau đêm 10 rạng 11, tháng 5 ấy, người cha sống sót của một
gia đình gồm năm con người (vợ và ba con); hoặc người mẹ có ba con gái
đồng tử nạn ngồi giữa đống xác chết ngổn ngang.. Họ không thể phân biệt
đầu lâu nầy, chân tay nọ là của những ai, nên cuối cùng, đành gói những
đống thịt, xương hỗn độn kia nên thành những bó riêng biệt, chôn chung
vào một hố với hàng chữ ghi số lượng và tên người chết lên tấm bảng gỗ
thay mộ bia. Đám táng tập thể ở sân Trường Trung Học Bình Long thực hiện
với xe ủi đất dưới đạn pháo nổ chụp. Không ai đủ sức để khóc. Trận Đồng
Xoài năm xưa trên vùng đất nầy đã trở nên là cảnh tượng nhỏ nhoi, bởi ở
Đồng Xoài năm 1965 chỉ với những người lính tác chiến gục ngã do đạn
súng tay. Thây xác họ may mắn còn nguyên vẹn hình hài.
Năm 1972, trên quê hương miền Nam cái chết đã có
những "tiến bộ vượt bực" theo đánh giá của Bộ chính trị trung ương đảng
cộng sản ở Hà Nội - Thủ đô của "niềm tin và hy vọng" - cách gọi đầy hàm
súc, nhiều tính trí tuệ của những người viết văn, làm thơ, viết nhạc gọi
là "văn nghệ sĩ cách mạng" ở miền Bắc Việt Nam.
Với những tình cảnh sống-chết đan kín, xen kẽ cùng
nhau trong suốt chặng đường dài từ ngày ra đơn vị, nên đã rất nhiều lần,
bất chợt anh nghe ra tiếng gọi oán hờn từ Nghĩa Trang Quân Đội.. Và có
nhiều đêm, một thân từ Căn cứ Nguyễn Huệ, Lữ đoàn II Dù, anh ra xa lộ,
dừng xe ở chân Tượng Tiếc Thương, nhìn lên dạng người - Người Lính Chờ
Đợi - Anh nghe tự trong thân âm động thảm thiết vang dội cơn gầm ghìm
kinh hoàng của lần "phải sống đau đớn khó khăn hơn được ngã chết."
TẤT CẢ HIỆN ĐỦ TRONG BUỔI SÁNG HÔM NAY.
Sự Chết bắt đầu trùm chiếc cánh tối tăm hung hiểm
lúc 6 giờ 15 chiều ngày 28 tháng 4, khi chuỗi bom dưới cánh những chiếc
A37 do viên phi công phản trắc Nguyễn Thành Trung hướng dẫn rơi nhanh
xuống phi đạo Tân Sơn Nhất. Anh đã sống trong những phi trường từ ngày
ra trường, về đơn vị nhảy dù, vì lực lượng nhảy dù (theo tổ chức quân
đội Pháp) luôn có chung doanh trại cùng binh chủng không quân, trong các
phi trường. Tân Sơn Nhất là chốn đầu đời, cũng là nơi làm việc cuối
cùng của anh, Ban Liên Hợp Quân Sự, tổ chức trung ương thành hình ngày
27 tháng 1, 1973 theo điều khoản của Hiệp Định Paris. Anh đã sống cùng
Tân Sơn Nhất dài lâu trong ánh sáng đèn cao áp luôn rực sáng. Anh đã qua
tuổi trẻ trong những căn cứ không quân, lúc phi đạo phi trường Biên Hòa
còn lót bằng vỉ sắt PSP; quanh Tân Sơn Nhất là những khu rừng cao su
xanh ngắt màu lá, hoặc lũy tre vùng Hốc Môn, Gò Vấp đan dày.. Quả bom
rơi xuống phi đạo, phá bung hệ thống nhà máy điện, và Tân Sơn Nhất lần
đầu tiên từ ngày thành lập chìm ngập vào bóng tối, bừng bừng bốc lên
lưỡi lửa. Đạn phòng không bắn lên, phi cơ F5 đuổi theo muộn màng, vô
vọng. Cửa ngỏ tháo chạy của Sài Gòn đóng sập lại. Cuối cùng, Tân Sơn
Nhất thật sự vùng vẫy, hấp hối, chìm dần trong lửa hỏa ngục khi dàn đại
pháo, hỏa tiễn cộng sản từ Đồng Dù, Củ Chi, ranh giới Hậu Nghĩa, Gia
Định bắt đầu đỗ xuống không ngắt nhịp.. Hơn hai năm trú đóng điều nghiên
trong Tân Sơn Nhất, phái đoàn cộng sản ở Ban Liên Hợp Quân Sự đã có đủ
yếu tố các điểm tác xạ.. Một trái đạn, chỉ một trái thôi đủ phá tan đài
kiểm báo; thêm một hỏa tiễn hạ sập bồn chứa nhiên liệu. Từng trái đạn
130 ly, từng hỏa tiễn 122 ly chính xác rơi xuống..Tân Sơn Nhất vật vã,
co quắp, rã chết, sụp vỡ, hấp hối trong khói đen, lửa ngọn.. Cuộc hành
hình kéo dài từ 4 giờ sáng ngày 29 tiếp tục đến rạng đông. Ở căn cứ DAO
(Văn phòng Tùy Viên Quân Lực Mỹ), ba ngàn người tỵ nạn chờ đợi di tản
bằng C130, hoặc C141 qua Guam đưa mắt nhìn lên trời, giữa vũng lửa, đếm
rõ từng viên đạn pháo rơi xuống.. đống hành lý khổng lồ gồm quý kim,
vàng, kim cương, giấy bạc Năm Trăm Trần Hưng Đạo của Ngân Hàng Quốc Gia
Việt Nam; giấy bạc đô-la của ngân khố Mỹ.. tất cả cùng trộn lẫn với thịt
da thân thể người thành một thứ pháo bông tan tác bay tung tóe, hiện
thực cảnh địa ngục vô vàn của Dante nơi trần thế. Cùng lúc, tại phòng
hội La Celle St. Cloue, địa điểm nghị hội "Thi Hành Hiệp Định 27 tháng
1, 1972, Tái Lập Hòa Bình tại Việt Nam ", sau khi nhận được tin Dương
Văn Minh tiếp cầm quyền từ Tổng Thống Trần Văn Hương (5 giờ chiều cùng
ngày), và cuộc oanh tạc, pháo kích Tân Sơn Nhất đang thực hiện.. Phát
ngôn nhân phái đoàn Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam ra
thông cáo: "Dân chúng Sài Gòn nổi dậy và quân đội buông súng đầu hàng.."
Con trai Dương Văn Minh nhân cơ hội đòi Tòa Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa
tại Paris bàn giao nhiệm sở. Và cũng lần đầu tiên, Đài Phát Thanh Giải
Phóng chính thức xác nhận: "Dương Văn Minh chẳng đại diện cho ai. Y cũng
không phải là thành phần thứ Ba nào cả.." Phái đoàn "ngoại giao" của
"tổng thống Dương Văn Minh" gồm Trần Ngọc Liễng, Châu Tâm Luân và Chân
Tín vào Camp Davis gặp Võ Đông Giang để tìm giải pháp chính trị giải
quyết tình thế trong tinh thần "anh em một nhà"- Chữ của Dương Văn Minh
trong diễn văn nhậm chức mấy giờ trước. Thầy su cai đồn điền Nguyễn Nhã
(tên thật của Giang) bắt luôn cả đám, gởi điện văn ra Hà Nội xác nhận:
"Nghị quyết ngày 26 là quan điểm cuối cùng để chỉ đạo thực hiện: Loại
trừ hẳn chế độ Miền Nam.." Số phận "chính quyền Dương Văn Minh" đã được
quyết định, và chỉ cần đợi thêm vài ngày sẽ thấy thêm một nạn nhân không
lường trước- Cái gọi là "Chánh phủ lâm thời cộng hòa miền Nam Việt
Nam".
Những viên tướng lãnh đã ra đi, những sĩ quan cấp
tá cũng rời bỏ nhiệm sở, đơn vị, nhưng, Trung Úy Phi Công Nguyễn Văn
Thành còn lại. Thành (có biệt hiệu "Thành mọi" bởi nước da ngâm đen quá
độ) ra chỗ đậu tàu, anh nỗ máy chiếc C119 Hỏa Long, đơn độc bay lên trời
xanh bảo vệ, cứu viện Tân Sơn Nhất. Từ trên cao, Thành thấy rõ những vị
trí pháo của binh đội cộng sản.. Chúng đang ngang nhiên pháo kích, nhả
đạn vào Tân Sơn Nhất không che dấu từ lúc đầu đêm đến bây giờ, ngày rạng
của buổi sáng 29, tháng Tư. Thành nghiêng cánh, chúc mũi chiếc Hỏa Long
căm phẫn trút xuống tràng đạn 7.62 ly, và tất cả hỏa lực cơ hữu của hai
khẩu đại bác 20 ly gắn dưới cánh.. Lửa nháng lên dưới thân tàu, toán
phòng không cộng sản phản pháo, nhưng không kịp, Thành bình tĩnh, tài
giỏi lách ra khỏi vùng hỏa tập lưới đạn của giặc. Anh đáp xuống lại phi
đạo thân yêu quen thuộc đang bốc khói mù bởi cuộc dội bom chiều hôm qua
do kẻ phản bội Nguyễn Thành Trung hướng dẫn, và cuộc pháo kích cường tập
từ sau nửa đêm về sáng của ngày đau thương tang tóc nầy. Mặc, Thành tự
tay nạp đạn vào tàu, anh nhìn quanh phía sau phi đạo, những dãy nhà của
Bộ Tư Lệnh Không Quân, xa hơn nữa, Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam
Cộng Hòa - Quân Đội Cộng Hòa - đời sống máu thịt của chính bản thân anh.
Thành là Thiếu Sinh Quân, người con thân yêu của quân đội chịu số phần
bão táp bi tráng cùng vận mệnh quê hương. Anh không có thi giờ để suy
nghĩ thêm.. Tân Sơn Nhất vừa có được phút hồi sinh sau gần một đêm dài
chịu pháo. Nhiều thân tàu cất cánh rời khỏi không phận Sài Gòn bay về
hướng Tây - Hướng Thái Lan, nơi khơi xa của Hạm Đội 7. Trong số có trực
thăng của những tướng lãnh rời Bộ Tổng Tham Mưu. Mặc, Thành trở lại bầu
trời trên phi cảng Tân Sơn Nhất - Cửa ngỏ của Miền Nam. Anh nhìn xuống
những vị trí pháo cộng sản mà giờ nầy tạm ngưng hoạt động vì vừa bị anh
tấn công.. Hóa ra cả một quốc gia chỉ còn được lần cứu viện bi hùng
tuyệt vọng nầy. Thành nghiêng cánh, bấm chặt hệ thống kích hỏa bên cạnh
chỗ ngồi, một mình anh lấy đường nhắm.. Một mình anh.. Phải chỉ một mình
anh - Trung úy Nguyễn Văn Thành, "Thành Mọi - Thành Thiếu Sinh Quân".
Thành hạ thấp hơn để đường đạn thêm phần chính xác. Thân tàu rung mạnh..
Lửa! Lửa! Lửa cháy ngang cánh trái con tàu, ngay bình xăng, sát cạnh
ghế ngồi.. Thành giật mạnh chốt thoát hiểm để bung thân ra khỏi con tàu.
Tất cả kẹt cứng. Anh dùng tay đẩy cửa buồng lái phóng mình ra, chiếc dù
bung mạnh.. Các múi, giây dù vướng vít rối rắm. Anh bị giữ chặt bởi
chiếc dù và khung cửa. Lửa bừng bừng! Lửa ào ạt.. Người phi công chìm
trong lửa, gục ngất giữa không gian..
Dưới đất, anh theo dõi cảnh chết của người bạn (lúc
ấy chưa biết là ai) từ khi chiếc hỏa tiễn tầm nhiệt SA7 bay lên cắt đôi
thân tàu.. Anh đứng ở cổng Trại Trần Quý Mại của Tiểu Đoàn 8 Nhẩy Dù,
nhìn chéo vào căn nhà Tử Sỹ Đường của Không Quân, nhìn lên trời, nghe rõ
tiếng gào kêu im lặng của người phi công đang vùng vẫy trong trong vũng
lửa vàng tươi. Anh ôm con vào lòng (đứa bé anh vừa tìm ra sau một đêm
chạy xuyên hỏa ngục Tân Sơn Nhất), hai người bạn, Phạm Gia Cổn và Minh
"Râu" trờ chiếc xe sát cạnh hỏi gắt.. Ông đi đi chứ còn đợi gì? Có đi
không? Anh đưa tay kiệt lực, vô nghĩa.. Anh muốn chỉ lên hướng trời- Nơi
có Người Phi Công vừa chết cho Tổ Quốc, giữa Không Gian. Nhưng anh
không nhấc nổi cánh tay. Anh cũng muốn đưa chiếc máy hình lên.. Nhưng
tất cả đã là vô ích. Trên cao, thân máy bay dần rã ra từng mảnh, có phần
chiếc dù của Thành kẹt nơi khung cửa.. Anh nhìn lên cổng trại Tiểu đoàn
8 Dù. Tiểu đoàn đầu tiên của Đại Úy Trương Quang Ân,1960. Trung tá Ân,
chiến đoàn trưởng ngày anh ra trường; Chuẩn Tướng Ân, Tư lệnh Sư đoàn 23
Bộ binh.. Người lính chết trên vùng trời cao nguyên.. Tướng lãnh đầu
tiên chết nơi trận địa.. Người chết cùng phu nhân giữa vũng lửa trên
trời cao. Người đầu tiên. Người cuối cùng chết cùng vận nước. Với quê
hương. Những Thiếu Sinh Quân, những người lính nhỏ nhất, cũng vô vàn cực
lớn của quân lực cộng hòa.
Anh lục túi lấy hết giấy tờ...Chứng Chỉ Tại Ngũ,
Thẻ Lãnh Lương, Thẻ Báo Chí, Chứng Minh Thư mang Danh số 41 Ban Liên Hợp
Quân Sự Trung Ương...Có cảm giác buồn cười..."Hoá ra đến giờ nầy vẫn
chưa có chứng chỉ sĩ quan mới, sau lần lên trung uý, trận Đồng Xoài. Tờ
giấy chứng nhận đầu tiên và cuối cùng về một lý lịch, bị mất năm 1965".
Anh đặt tất cả vào trong chiếc ví, vật dụng tương đối có giá trị vật
chất của bản thân, lại là chiếc ví kỷ niệm nhận được hôm sinh nhật vừa
qua. Anh ném tất cả xuống miệng cống trước trước nhà sách Khai Trí,
đường Lê Lợi.. Coi như mình đã chết...Hình như anh vừa nói ra lời. Có
cảm giác thanh thản của người vừa cất xong gánh nặng quá lớn. Vất bỏ
cùng lần với đời sống chính mình. Tay giữ chặt hai chiếc máy ảnh trước
ngực.. Ít ra mình còn có vật dụng để thực hiện một công việc, làm một
nhiệm vụ. Đây là những hình ảnh không thể thiếu cho mai sau. Để tương
lai còn có người biết đến, hiểu ra. Anh nhắc nhở, nâng đỡ. Cũng chỉ là
cách tự an ủi trong một hoàn cảnh kiệt cùng. Với ứng phó, giải thích tội
nghiệp, thảm hại nầy anh đi về phía Công Trường Lam Sơn, trước trụ sở
Hạ Viện. Chung quanh Sàigòn vắng hoe. Trời bỗng nhiên trở mưa.. Cơn mưa
ngắn, từng giọt khô nồng, u uất.
Chiếc xe Molotova Trung Cộng (sau khi đi tù mới
biết đấy là xe Zin) từ hướng đường Trần Hưng Đạo, chạy chậm rãi qua bùng
binh chợ Bến Thành, những người đi đường nhìn lên, ngó mông trống trải.
Xe tới trước thềm Hạ Viện, đám thiếu nữ nhẩy xuống, một anh đội mũ tai
bèo, chắc là người chỉ huy trung đội lính phụ nữ, từ ca-bin xe bước ra,
chỉ trỏ, ban lệnh, kéo từng người vào vị trí "chiến đấu"... các đồng
chí, các đồng chí... bố trí đây nì, sẵn sàng tác chiến... Giọng người
vùng miền Bắc Trung Việt cấm cẳng, the thé. Anh cùng hai phóng viên
người Nhật đi đến tổ súng thượng liên đang ngồi nơi những bậc thềm; ba
người đưa máy hình lên, nhắm góc độ, điều chỉnh ánh sáng.. Những thiếu
nữ ngồi bất động nghiêm trọng. Tất cả đều mặc áo quần mới, áo mầu xanh
dương, quần đen, vải nội hóa còn nguyên dấu hồ, giây đạn đeo chéo qua
thân, miết xuống những thớ thịt ở ngực, phần bụng. Đạn cũng mới tinh, đỏ
au. Cơ thể cô gái phụ xạ thủ như muốn nức toang do chiếc áo quá chật bó
thắt vào khối thịt căng phồng. Đôi mắt nhỏ nhắm hờ, một lằn chỉ khép
kín để khỏi nhìn thấy ống kính, cô ta ngồi im, cánh mũi phập phồng, mồi
hôi ứa đẫm trên lớp da mặt đỏ nâu lốm đốm dấu mụn.
Từ góc nhà hàng Givral, Công Trường Lam Sơn, đầu
đường Nguyễn Huệ, đám đông dần tập trung để xem mặt "bộ đội Việt cộng".
Thêm hai xe đổ quân trước rạp Rex. Lính nhẩy xuống, chạy vội vào hàng
hiên, nằm, trườn, bò, nháo nhác. Từ Hạ Viện, anh đi băng qua hành lang
Eden.
Tiếng đập đục rầm rập từ những cơ sở ngoại quốc,
những khối cửa sắt lay động, phá bung, những tấm kiếng tủ lớn bị đập vỡ,
đồ đạt kéo lê hỗn độn, vội vàng trên mặt đường. Người mỗi lúc mỗi đông.
Người dồn dập ùn ùn, la ó, chưởi thề, giành giựt. Đám đông chạy về phía
Building Brink, khu Đồn Đất, nhà thương Grall, những nơi có cơ sở của
Mỹ kiều, những văn phòng mà chủ nhân đã bỏ đi. Bất chợt, tất cả lắng lại
để nghe rất rõ..Có người tự tử. Có người mới bắn chết. Ai? Lính, không
biết, chỉ thấy mặc đồ lính mình. Ở đâu? Ở ngoải, chỗ tượng Thủy quân lục
chiến.. Lời trao đổi đứt khúc, vội vã, mất hút giữa những tiếng thở dồn
dập, bước chân cuống cuồng nôn nóng của đám đông đang hăm hở tiến tới
những kho hàng, cơ sở đầy ắp vật dụng quí giá, thức ăn đắt tiền. Anh
cũng nhập vào đám đông xô đẩy đó trong giờ phút vỡ toang mối nối thời -
không với những động tác, việc làm bất định, bất ngờ, vô nghĩa, vô ích.
Anh kiểm soát lại số phim đang còn trong máy, trong túi, đi băng qua lối
ngang trong thương xá, ra ngõ quán Thanh Vị, quẹo phải, men theo hàng
hiên tiệm kem Đô Chính. Súng nổ.. Súng Aka và những bóng người chạy lúp
xúp vào cổng Tòa Đô Chính. Anh tiếp tục làm "nhiệm vụ", đưa máy hình
lên.. Động tác quen thuộc, thuần thục từ bao năm, anh và các bạn, những
phóng viên chiến trường của báo chí miền Nam hằng thực hiện nơi những
chốn sự chết, lửa đạn vây bủa. Đồng một lúc anh chợt nhói đau - Đây là
lần cuối cùng. Đây là giờ cuối cùng. Hình như một nhân vật trong Doctor
Zhivago cũng đã kêu lên như thế. Anh chỉ nhớ loáng thoáng bởi đang có
cảm giác người cạn ly rượu hành quyết trước khi bịt mắt, dẫn đi. Anh
chạy theo đám lính cộng sản với hai thanh niên cầm cờ đỏ. Thật ra chỉ là
một mẫu vải màu đỏ. Loại hàng may áo dài.
Thoáng rất ngắn, anh ngừng lại, liếc về phía khối
tượng đài Thủy Quân Lục Chiến, nơi có Người Lính vừa chết. Anh cúi gập
người. Nôn khan.
Buổi Sáng 30 tháng Tư, 1975. Chen giữa âm sắc xích
xe tăng đổ nhào cửa Dinh Độc Lập có tiếng nổ khô nhỏ của viên đạn ghim
vào, nằm sâu trong đầu Trung Tá Cảnh Sát Quốc Gia NGUYỄN VĂN LONG.
Anh lên yên, nhấn mạnh bàn đạp, động tác bàn chân
quay vòng không chủ đích. Xe đi dọc đường Lê Văn Duyệt, qua Chợ Đũi, nơi
các bạn anh hôm qua (nay đã trở thành xưa cũ) hằng vui vầy, sống động..
Tạ Ký, Nguyễn Xuân Hoàng, Đoàn "càn", Tôn Thất Trung Nghĩa và thỉnh
thoảng có cả Bùi Giáng với con mèo ôm trước ngực. Các bạn bây giờ ở đâu?
Quán vắng, cửa đóng kín, ghế úp ngược lên bàn chỏng chơ, hàng me rũ
xuống gờn gợn như giải phướn. Định rẽ vào Yên Đỗ về Phú Nhuận, nhưng
không hiểu từ đâu thúc dục, anh đạp dài theo Lê Văn Duyệt giữa giòng âm
động dồn dập của Sài Gòn đang hồi tẩm liệm với nhịp chày vồ dộng mạnh
xuống trăm, ngàn quan tài. Mà quả thật có nhiều quan tài của những người
vừa chết.. Thầy tướng số M.Y, bạn của Hoàng Ngọc Liên, một mình tử thủ
căn lầu vùng Ngã Ba Ông Tạ trước nhiều đợt tấn công của một đại đội lính
cộng sản, và trận đấu không cân sức chỉ kết thúc sau khi ông ta đã dùng
hết số đạn và lựu đạn xin được của lính Tiểu Đoàn 2 Dù của Trần Công
Hạnh. Đơn vị đã bắn cháy những chiếc T54 cuối cùng nơi Ngã Tư Bảy Hiền
trước khi đồng đập vỡ súng XM16, đại liên 60 lên mặt đường, vất nón sắt,
cởi giây đeo đạn ba chạc. Đến trước cổng trại Nguyễn Trung Hiếu, hậu cứ
Tiểu Đoàn 1 Dù, anh hỏi Hạnh, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2: "Bây giờ
bạn tính sao?" Hạnh im lặng nhìn ra đường lộ đang ùn ùn lớp người chạy
loạn về hướng trung tâm Sài Gòn. Tròng mắt bạn khô khan ráo hoảnh sau
bao ngày đêm không ngủ. Có một xác con trẻ trần truồng không biết ai vất
ra từ bao giờ.. Cô gái áo trắng nữ sinh đi đến, gác chiếc xe đạp mini
cạnh lề đường, bình thản, thành thạo đưa máy ảnh lên, lấy góc cạnh thây
đứa trẻ chết. Cháu chụp tấm hình nầy làm gì?Anh không dám nhìn đến thây
đứa trẻ mà giờ nầy đã miết xuống mặt nhựa đường do đám người chạy loạn
dẫm lên. Để làm chứng tội ác Mỹ-Ngụy trước khi bọn chúng rẫy chết! Giọng
cô gái đanh lại, mắt quắt lên sau lớp kính trắng. Anh thoáng kinh hãi
vì chứng kiến một điều ghê rợn: "Hóa ra Sự Ác có thể chụp xuống lòng
người mau chóng đến thế sao?" Bấy giờ, chỉ mấy mươi phút sau lệnh đầu
hàng của Dương Văn Minh. Khi Hạnh châm điếu thuốc; anh lập lại câu hỏi
với bạn mà biết rằng chẳng có trả lời. Hạnh nói dứt khoát, dẫu mệt nhọc,
rời rã: "Tôi còn đến 500 người lính; tất cả các đại đội trưởng đang đợi
lệnh tôi, anh xem tôi có thể làm gì, đi đâu?!" Anh đạp xe vào Cư Xá Sĩ
Quan Chí Hòa cốt đến thăm gia đình người em.. Biết đâu là lần cuối cùng!
Anh không dám, không thể nghĩ gì thêm. Có trung đội lính Dù (thật sự
chỉ khoảng hơn một tiểu đội) giữ nhiệm vụ an ninh cư xá đặt dưới quyền
chỉ huy của Chuẩn Tướng Hồ Trung Hậu (Tư lệnh phó Sư đoàn Dù trước
1972). Chuẩn Tướng Hậu đang trải chiếc bản đồ trên mui xe jeep, bàn tính
với những viên sĩ quan. Khi biết lệnh đầu hàng đã thi hành, ông vất
tung chiếc bản đồ, gầm lên..Đ.. m.. đồ chó đẻ! Anh nói với viên thiếu úy
trung đội trưởng: Anh vừa gặp ông Hạnh ngoài cổng tiểu đoàn 1. Ông Hạnh
không có ý kiến, bảo anh em ai về nhà nấy. Viên thiếu úy quyết liệt:
"Em không đầu hàng, em với trung đội sẽ ra bến tàu.." Thái, Thiếu úy
Huỳnh Văn Thái tập họp trung đội, hô nghiêm, xếp hàng, ra lệnh di
chuyển.. Trung đội lính ra khỏi cư xá theo lối cổng Đường Tô Hiến Thành,
rẽ vào Nguyễn Tri Phương, đi về phía chợ Cá Trần Quốc Toản, hướng bến
tàu. Nhưng những Người Lính Nhẩy Dù của Thiếu Úy Huỳnh Văn Thái không ra
đến bến Bạch Đằng, tới đến bùng binh Ngã Sáu Chợ Lớn, họ xếp thành vòng
tròn, đưa súng lên trời đồng hô lớn.. Việt Nam Cộng Hòa Muôn Năm..Con
chết đây cha ơi! Và những trái lựu đạn tiếp nhau bừng bực nỗ sau lời hô
vĩnh quyết cùng đất nước Miền Nam.
Sau nầy, anh biết thêm, trên con đường anh vừa đi
qua, đường Bắc Hải, ngõ nhỏ băng ra Chợ Ông Tạ, trong một căn nhà đã
diễn nên hoạt cảnh uy nghi bi tráng của cả một gia đình quyết tử cùng
vận nước. Thiếu Tá Đặng Sĩ Vĩnh (em của Bà Hà Thượng Nhân, Trung Tá Phạm
Xuân Ninh, niên trưởng của giới báo chí quân đội Miền Nam) Khóa 1 Nam
Định là sĩ quan của ngành tình báo đặc biệt, biệt phái ngoại ngạch qua
ngành viễn thông, phụ trách đường giây quốc ngoại. Người con trai lớn
của gia đình, Trung Úy Đặng Trần Vinh sĩ quan Phòng 2 Bộ Tổng Tham Mưu..
Hai người cùng trao đổi đối thoại sau khi có lệnh đầu hàng.. Tùy con,
riêng bố đã quyết như đã nói với con từ trước. Nếu bố đã quyết như thế,
con và các cháu cũng đồng lòng. Toàn gia đình uống chậm những liều thuốc
độc cực mạnh đã chuẩn bị từ trước. Trung Úy Đặng Trần Vinh kết thúc bi
kịch với viên đạn bắn tung phần sọ não sau khi đứng chào tấm Đại Kỳ Cờ
Vàng Ba Sọc Đỏ với lời hô khiến sông núi cũng quặn thắt thương đau..
Việt Nam Cộng Hòa Muôn Năm!
Và ở vùng IV, chị Nguyễn Thị Thàng vợ một Nghĩa
Quân Đồn Giồng Trôm, thay chồng giữ đồn đến trái lựu đạn cuối cùng. Chị
kết thúc đời sống bên cạnh thây của chồng, các con, với những vũ khí,
máy truyền tin đã bị phá hủy.. Không để cho Việt cộng một cái gì cả!
Người chồng đã dặn chị trước khi lâm tử.
Cùng lần với những danh tướng vị quốc vong thân
Nguyễn Khoa Nam, Lê Nguyên Vỹ, Trần Văn Hai, Lê Văn Hưng, Phạm Văn Phú,
Hồ Ngọc Cẩn... rất nhiều người không ai biết đã chết cùng lần vĩnh quyết
Miền Nam. Anh đi qua biên giới tử sinh nầy với mặc cảm phạm tội - Tội
đã được sống sót- Cảm ứng có thật từ ngày 15 tháng 3, 1975 khi anh theo
đoàn người di tản dọc tỉnh lộ 7 từ Pleiku về Phú Bổn, xuống Tuy Hòa..
Khi đứng trên Đèo Hải Vân ngày 25 tháng 3, nhìn đoàn người chạy từ Quảng
Trị, Huế vào Đà Nẵng. Nghe ra tiếng hờn đau ai oán của người đàn bà
chân trần, tóc rối, lật vạt áo dài ra để thấy đứa con nhỏ đã chết từ lâu
trên tay.
Anh đạp xe với màn nước mắt pha máu; trên áo, ở đầu
ngón tay, nơi cánh mũi rây rây, nồng gắt mùi máu do khi anh đến gần,
cúi xuống chụp hình viên thiếu úy và những người lính nhảy dù tự sát.
Mắt người chết nhìn anh trừng trừng khốc liệt. Hai chiếc máy ảnh vừa
chụp những "đoạn phim lịch sử" kia cũng đã bị một gã nào đó bên đường
cướp giật, anh cũng chẳng màn kể đến. Và không hiểu anh đã về đến nhà
theo lối nào, lúc mấy giờ, nhưng đây thật là đoạn đường dài nhất, mệt
nhọc nhất, gớm ghê nhất anh vừa đi qua với cổ đắng, miệng khô rốc, trí
óc vỡ loãng trỗng không. Đến đầu ngõ đường Hồ Biểu Chánh, anh kiệt sức,
xuống xe, dắt đi xiêu ngã.. Người đứng dưới tàng cây vú sữa trước căn
nhà kín cửa đưa tay ngoắt anh dồn dập... Trời ơi.. sao mầy còn đây...
Tại sao, tại sao mầy còn đây?! Hoàng hỏi anh thất thanh, mắt bạn hốt
hoảng. Anh biết bạn đang lo sợ, băn khoăn cho số phận anh chứ không vì
tình thế của riêng mình. Cơn đau được nhẹ đi, anh tránh tầm mắt xao
xuyến, se thắt của bạn. Bởi, anh thật muốn cầm lấy bàn tay đang rung
rung giật giật trên ghi đông xe, và bật òa khóc với bạn. Người chứng
kiến phút giây anh đi, về từ sự chết.
Hậu từ,
Ngày 14 tháng 1, 2002 tại Đại Học Ngoại Ngữ thuộc
hệ thống Đại Học Đông Kinh, trong hội thảo tìm hiểu Nguyên nhân và Tác
động của Chiến Tranh Việt Nam đối với các quốc gia Á Châu hằng tham dự
vào cuộc chiến: Nhật, Đại Hàn, Trung Hoa và Việt Nam. Anh đã có lời kết
luận cho phần nói chuyện của mình.. "Người Nhật là một dân tộc vĩ đại
qua nghi lễ hiến tế - Sepuku (mổ bụng tự sát) khi danh dự cá nhân, tập
thể, tổ quốc bị xúc phạm. Dân tộc Việt Nam chúng tôi không có nghi thức
uy hùng, dũng cảm ấy. Tuy nhiên, Người Việt cũng có phương thức riêng để
bày tỏ Lòng Yêu Nước, cách gìn giữ phẩm giá Con Người. Chúng tôi xử
dụng Cái Chết để chứng thực nguyện vọng kia qua cách thế im lặng và đơn
giản nhưng không kém phần cao thượng. Khác với những vị tướng quân ôm
ảnh tượng Nhật Hoàng nhảy xuống biển trầm mình khi quân đội Nhật phải
đầu hàng sau hai quả bom nguyên tử rơi xuống Nagasaki và Hiroshima. Sau
ngày, 30 tháng 4, 1975 khi quân đội Miền Nam buộc phải buông súng đầu
hàng kẻ nghịch đi từ phương Bắc xuống, từ rừng rậm về, đã có hàng loạt
những vị tư lệnh quân đội đồng lần tự sát trong im lặng. Nhưng không chỉ
những tướng quân chỉ huy những đại đơn vị cấp quân đoàn, sư đoàn, mà
ngay cả những viên thiếu, trung úy cùng quyết định với những người lính
của mình - Những tập thể trung, tiểu đội nổ tung thân xác sau lời hô
vĩnh biệt quê hương. Và không phải riêng đối với những người lính phải
buông súng, mà cả gia đình, vợ, con họ cùng lần kết liễu cuộc sống khi
tổ quốc lâm tử. Ba thế hệ ông, cha, cháu của gia đình Thiếu Tá Đặng Sĩ
Vĩnh, Trung Úy Đặng Trần Vinh và những trẻ nhỏ thuộc gia đình nầy là một
hiến tế uy nghi bi tráng vô cùng cho Tổ Quốc Việt Nam, nước Việt Nam
Cộng Hòa. Cuối cùng, bi kịch không chỉ xẩy ra với thời điểm 30 tháng tư,
1975 mà sau đó, suốt hai thập niên 70, 80, hai triệu người Việt Nam,
không phân biệt người Nam, hay người Bắc (những người đã sống dài lâu
dưới chế độ cộng sản Hà Nội từ 1945, từ 1954) đã phá thân băng biển lớn,
rừng rậm của vùng Đông-Nam Á, với giá máu 600.000 người chết trên đường
di tản ra khỏi nước. Hóa ra Dân Tộc Việt, những người Việt Nam bình
thường đã đồng lần thực hiện một điều mà họ không hề diễn đạt nên lời:
Con người sống được nhờ bánh mì, cơm gạo, do những nhu cầu vật chất,
nhưng Người cũng có thể Chết về những điều Cao Thượng Siêu Hình - Chết
vì Tự Do, để bảo vệ Phẩm Gia, Quyền Làm Người. Người Việt Nam đã, đang
hiện thực điều mầu nhiệm nầy qua từng ngày vượt sống trên quê hương khổ
nạn, với chính thân xác của mình."
Anh nói những lời trên không riêng cho hội thảo ở Đông Kinh mà muốn gởi đến thế giới về Vĩ Đại Đau Thương của toàn Dân Tộc Việt.
Xin tất cả hãy lắng nghe.
Viết lại cho Ngày 30 Tháng Tư,
Hai-mươi tám năm sau, >
(1975-2003).
Phan Nhật Nam
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
TỔNG LƯỢC VỀ TRẬN ĐÁNH TÁI CHIẾM CỔ THÀNH QUẢNG TRỊ Chu Tất Tiến.
Tháng 12, năm 2020, một nhóm người trẻ thuộc thế hệ thứ 2 đã xin được sự đồng thuận 5/5 của thành phố Westminster cho phép xây dựng Tượng Đà...

-
Tháng 12, năm 2020, một nhóm người trẻ thuộc thế hệ thứ 2 đã xin được sự đồng thuận 5/5 của thành phố Westminster cho phép xây dựng Tượng Đà...
-
Quang Tri June 19, 1972 -- NEW BRIDGE AT NORTHERN FRONT-- Công binh Nam VN đang lắp đặt một cầu phao vượt sông Mỹ Chánh hồi gần đây tại t...
-
Hai gã thiếu niên đi hàng đầu căng biểu ngữ: "Hoan hô Quân đội". Hai gã khác mang một biểu ngữ màu vàng: "Cương quyết bảo v...
No comments:
Post a Comment