Saturday, July 10, 2021

Polei Kleng – Căn cứ Lệ Khánh Biệt Động Quân Biên Phòng - Kiều Mỹ Duyên

Trại Lệ Khánh anh dũng chống trả trước bao nhiêu đợt tấn công của địch quân ròng rã gần một tháng trời. Lần lượt Charlie, Tân Cảnh rồi Dakto thất thủ. Muốn tiến vào Kontum, địch quân phải san bằng Lệ Khánh. Khi mở đầu cuộc tổng công kích vào toàn vùng Cao Nguyên, giai đoạn đầu tiên là một chiến dịch mà Cộng quân đặt tên có tính cách kích động tâm lý là chiến dịch “Poko dậy sóng”. Poko là một dòng sông nằm phía Tây Quốc Lộ 14, cách Lệ Khánh khoảng 7 cây số, cách thị xã Kontum chừng 20 cây số. “Poko Dậy Sóng” lá chiến dịch đánh chiếm một loạt các căn cứ trong vùng Tam Biên, mà Lệ Khánh là điểm cuối cùng.
Một buổi sáng, khi nắng ban mai chưa đủ ấm để làm tan hết sương mù của miền rừng núi, căn cứ Lệ Khánh lại một lần nữa rung chuyển vừa bởi đạn pháo, vừa bởi tiếng động cơ của một đoàn chiến xa T54 của địch quân. Pháo phủ đầu rồi khinh binh của địch theo chiến xa tiến vaò như thác lũ. Địch quân dùng cả những đại pháo cùa ta mà chúng lấy được ở Dakto như đại bác 105 ly, 155 ly đề bắn vào Lệ Khánh.
Thiếu Tá Bửu Chuyển và tất cả chiến sĩ của Tiểu Đoàn 62 Biệt Động Quân không hề nao núng. Đã đội lên đầu chiếc Mũ Nâu, mặc bộ đồ trận màu hoa rừng là đã sẵn sang chờ đợi những giây phút như ngày hôm nay. Và tiểu đoàn đã anh dũng chiến đấu, chiến đấu cho đến giây phút mà người chiến sĩ còn có thể chiến đấu.
*
Những ngày mở đầu, địch chỉ pháo từ 500 đến 1000 quả 82 ly và 105 ly. Những ngày về sau, cường độ pháo kích tăng lên đến mức khủng khiếp, từ 10 ngàn đến 15 ngàn quả đạn trong một ngày. Đại Tá Nguyễn Văn Đương, Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân của Quân Khu II, Đại Tá Nguyễn Bá Thìn, Tỉnh Trưởng Kontum và Tướng Lý Tòng Bá, Tư Lệnh Sư Đoàn 22 Bộ Binh thường xuyên bay trực thăng trên Lệ Khánh, trực thăng nhiều lần đáp xuống nhưng không thể nào thực hiện được. Nhất là Đại Tá Đương, ông lo lắng cho các binh sĩ của ông đang ngày đêm chịu đựng những đợt tấn công nặng nề của địch.
Ngày thứ 20, tính từ ngày đẩy lui địch quân đợt đầu, pháo của địch dội vào tới mức không thể đếm được nữa. Kho đạn căn cứ đã bị cháy. Trung Tâm Hành Quân bị đạn pháo 155 ly phá sập. Đạn dược, lương thực và nước chỉ dự trữ đủ dùng trong 3 tháng. Lệ Khánh hoàn toàn bị cô lập. Không tiếp tế, không tải thương được. Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn hỏi trên máy:
– Các anh còn chịu được không?
Thiếu Tá Chuyển trả lời:
– Chúng tôi vẫn chiến đấu.
Mấy ngày sau, toán cố vấn quân sự liên lạc khẩn về Kontum. Một cuộc oanh kích dữ dội do máy bay của Không Quân Mỹ thực hiện để dọn một bãi đáp cấp thời ngay trong trại. Hai chiếc trực thăng loại nhỏ, từ bên ngoài bay luồn vào Lệ Khánh với một độ bay thật thấp để tránh pháo, và không một lời giã từ, toán cố vấn Mỹ trong căn cứ vội vã lên trực thăng bay ra khỏi trại an toàn.
Tiểu Đoàn 62 Biệt Động Quân vẫn tiếp tục chiến đấu. Những người bị thương nặng thì nằm ở bệnh xá. Những người bị thương nhẹ được băng bó rồi tiếp tục cầm súng trở lại phòng tuyến của mình. Vợ con của các binh sĩ cũng được phát súng, phụ giúp quan sát, canh phòng, tải đạn, tải thương…
Có thể nói gần một tháng trời, Lệ Khánh không có ban đêm. Mỗi ngày khi mặt trời khuất bóng, những trái hỏa châu được máy bay thả xuống liên tục soi sáng cả một vùng chung quanh trại. Tướng Lý Tòng Bá đưa một tiểu đoàn Pháo Binh nằm tại hướng Đông Lệ Khánh, bên kia sông Poki, để yểm trợ cho căn cứ này.
Pháo yểm trợ bắn trùm chỉ cách quân trú phòng căn cứ có 20 thước. Xác của địch quân rải đầy chung quanh hàng rào phòng thủ đã hơn 20 ngày nay. Thây người chết sình thối và mùi thuốc súng pha trộn với nhau làm cho Lệ Khánh đầy đặc tử khí.
Từ ngày thứ 20 về sau, Quân Đoàn II cho lệnh Lệ Khánh được xử trí tùy theo tình hình. Liên lạc truyền tin khó khăn vì ăng-ten dù không căng lên được. Các cao điểm chung quanh Lệ Khánh đã bị chiếm và đặt súng lớn. Ăng ten dù căng lên là bị pháo trúng ngay.
Ngày thứ 25, Thiếu Tá Bửu Chuyển và Đại Úy Phan Thái Bình bàn thảo với nhau. Cuối cùng Thiếu Tá Chuyển quyết định rút. Đại Úy Bình đồng ý nhưng cảnh giác:
– Ra là đụng nặng lắm.
Trong suốt thời gian này, Đại Úy Bình nhận xét kỹ và thấy rằng, trong 13 lô- cốt chung quanh trại, chỉ có lô- cốt số 13 là khu vực tương đối ít bị pháo nhất. Bởi vậy Đại Úy đề nghị, nếu rút quân ra khỏi căn cứ, nên ra từ lô-cốt này.
Một hạ sĩ quan thủ kho đạn dược được lệnh kiểm xem còn có bao nhiêu đoạn Bangalo. Còn đúng 13 đoạn. Tất cả tiểu đoàn được lệnh chuẩn bị sẵn sàng, kể cả gia đình binh sĩ. Hành trang gọn và nhẹ, chủ yếu là súng đạn. Tất cả những tài liệu đều được hủy.
Đúng 4 giờ sáng, 3 đoạn Bangalo nối thành một ống dài xuyên qua những lớp hàng rào kẽm gai chằng chịt ở hướng lô cốt số 3. Địch vẫn pháo như mưa vào trại.
Thiếu Tá Chuyển ra lệnh. Tiếng nổ của Bangalo chìm mất trong tiếng pháo ầm ầm của địch. Một ánh lửa xanh biếc bừng lên, cả chục lớp hàng rào kẽm gai đã bị Bangalo xé ra một đường dài.
Thiếu Tá Kchong, Đại Đội Trưởng Đại Đội I được lệnh dẫn đại đội mở đường máu tiến ra trước. Thiếu Tá Chuyển cùng Bộ Chỉ Huy theo sau, tiến về hướng Đông. Đại Úy Bình dẫn một cánh với gia đình binh sĩ vừa tiến ra là đánh chiếm ngay một ngọn đồi nhỏ gần đó, phá được ổ đại liên của địch để yểm trợ cho cánh của Thiếu Tá Chuyển. Sau đó hai bên tách ra, cánh của Đại Úy Bình đi về hướng Bắc.
Phi cơ L19 bay quan sát trên cao. Người phi công gọi:
– Nam Bình, anh ở đâu trả lời.
Đại Úy Bình:
– Tôi vừa ra khỏi trại.
Phi công L19:
– Tăng địch đang xông vào trại, đông như kiến.
Đại Úy Bình hét lên:
– Cho bom dập xuống.
Phi công L19:
– Nhận rõ. Chờ xem.
Từng chiếc phản lực theo nhau bay đến. Lượn trên cao vì phòng không của địch như đan lưới. Những cánh chim bằng của Không Đoàn Biên Trấn đã từng vào sanh ra tử nên biết bao kinh nghiệm. Những chiếc phản lực nối đuôi nhau chúi xuống. Những tiếng nổ rung chuyển cả một vùng đồi núi. Lệ Khánh chìm trong biển lửa.
Đại Úy Bình gọi L19 nhờ dẫn đường. Không nghe trả lời, nhìn lên, thấy máy bay đã trúng đạn đang bốc cháy. Một cánh dù bung ra. Cầu cho anh đừng rơi vào tay địch. Ngày hôm sau, khoảng 4 giờ chiều, cánh của Thiếu Tá Chuyển và cánh của Đại Úy Bình gặp nhau. Họ mới rời Lệ Khánh được chừng 5 cây số. Địch bám theo sát, vừa đi vừa đánh. Đàn bà và trẻ con di chuyển rất chậm. Trẻ con khóc nên bị địch theo hoài. Còn chừng hai cây số nửa mới đến sông Poko. Thiếu Tá Chuyển ra lệnh đi tiếp và nói với Đại Úy Bình:
– Anh vẫn theo hướng Bắc và giữ mặt Bắc cho tôi.
Hai cánh quân chia tay. Vừa đi chừng 500 thước thì Đại Úy Bình nghe bên cánh của Thiếu Tá Chuyển có tiếng súng nổ rền. Đại Úy Bình chụp máy hỏi:
– Anh đụng nặng không?
Thiếu Tá Chuyển:
– Tôi bị tụi nó vây rồi.
Đại Úy Bình:
– Cần tôi tiếp không?
Thiếu Tá Chuyển:
– Không. Dẫn anh em đi đi.
Sau đó Đại Úy Bình không còn liên lạc được với Thiếu Tá Chuyển nữa. Và bây giờ cánh của anh bị chận đánh. Hình như ở đâu cũng có địch. Anh dàn quân, vừa đánh vừa di chuyển. Ra tới bờ sông Poko, gặp lúc mùa khô, nước cạn ngang ngực. Cả đoàn người cố băng qua sông. Đại Úy Bình cùng với một toán còn đứng lại trên bờ đánh cản hậu. Một người đàn bà Thượng đai đứa con trước ngực trúng đạn nằm chết bên bờ sông, đứa bé vẫn còn ngậm vú mẹ mà bú sữa. Cái hình ảnh đó làm cho người chiến sĩ kiên cường như Đại Úy Phan Thái Bình cũng thấy tim mình se lại. Anh ra lệnh cho một người lính Thượng ẵm đứa bé đưa qua sông, tìm cách gửi vào một làng Thượng gần đó. Địch đuổi tới, dàn súng cối 61 ly trên bờ bắn như mưa xuống đoàn người đang vượt qua sông. Nuớc sông Poko lúc ấy không dậy sóng, mà nhuộm đỏ bởi máu của đàn bà và trẻ con vô tội.
Bờ bên kia có căn cứ của Liên Đội 385 Địa Phương Quân. Đơn vị này yểm trợ cho đoàn người qua sông. Khi ra đi, cánh của Đại Úy Bình gồm có 360 người. Qua khỏi sông Poko, chỉ còn 97 người. Phần thất lạc, phần chết, phần bị địch bắt. Đại Tá Đương, Đại Tá Thìn và Tướng Bá đã đợi sẵn. Đại Tá Đương ôm chầm Đại Úy Bình an ủi và ngạc nhiên khi thấy Đại Úy Bình vẫn mang lon Đại Úy. Đại Úy Bình giải thích:
– Cặp lon rơi giữa hàng rào nên không lấy được.
Đại Tá Thìn đích thân mở một lon nước ngọt cho Đại Úy Bình, và mọi người vào Trung Tâm Hành Quân nghe Đại Úy Bình thuyết trình diễn tiến trận đánh Lệ Khánh, cùng chỉ rõ những đường nào mà chiến xa của địch có thể tiến vào Kontum. Sau đó Đại Tá Đương gắn lon cho Đại Úy Bình và ra lệnh cho xe đưa 97 người về Kontum, nhưng Thiếu Tá Bình thỉnh cầu:
– Tôi và các anh em đơn vị tôi xin ở lại đây vài hôm nữa để chờ đón những anh em thất lạc. Tôi tin tưởng thế nào cũng có người trở về được.
Những ngày kế đó, bên bờ sông Poko, từ lúc trời còn mờ sương sớm cho đến tối khi sương mù xuống dày đặc, một người đứng bên này sông nhìn qua bờ bên kia để mong ngóng người về, mặc cho pháo của địch từ bên kia bắn qua. Thiếu Tá Phan Thái Bình vẫn kiên nhẫn đứng chờ trong sương lạnh. Đã ba ngày qua, nhưng ông tin rằng thế nào ông cũng đón được một số anh em. Khi bóng đêm buông xuống, Thiếu Tá Bình nghe có tiếng nước khua động, có người đang lội qua sông. Một, hai, rồi ba, rồi bốn.. Thiếu Tá Bình nép mình sau gốc cây, chờ cho mấy bóng người vừa lên bờ, hỏi nhỏ:
– Biệt Động Quân?
Mấy cây súng châu lại định bắn, nhưng tiếng nói quen qua, một người hỏi lại:
– Đại Úy hả?
Thiếu Tá Bình bước ra. Hai bên chạy ào đến ôm nhau. Một người nói với giọng còn xúc động:
– Em tưởng Đại Úy chết rồi. Núp trong rừng, nghe tụi nó chạy ngang nói với nhau: “Đã giết được thằng tiểu đoàn trưởng và thằng tiểu đoàn phó ác ôn rồi”.
Người này là hạ sĩ quan Truyền Tin của Thiếu Tá Bửu Chuyển, anh kể:
– Thiếu Tá bị thương. Chúng bắt ông đi, ông không chịu đi, bị chúng bắn chết tại chỗ.
Khi địch lục ba-lô trên xác một người lính, thấy bộ đồ trận có gắn lon và bảng tên của Đại Úy Bình và khuôn dấu của tiểu đoàn, nên chúng tưởng tiểu đoàn phó cũng đã tử thương.
Gọi báo tin cho Đại Tá Đương ở Kontum, Thiếu Tá Bình nghẹn ngào:
– Bửu Chuyển chết rồi.
Đại Tá Đương sững sờ, ông hy vọng Bửu Chuyển sẽ về. Nhưng bây giờ ông biết, ông đã mất đi một sĩ quan ưu tú, gan lì nhất trong binh chủng.
Tháng 4 năm 1975, Đại Tá Nguyễn Văn Đương chịu chung số phận với những đồng đội của ông. Sau 13 năm tù cải tạo, ông cùng gia đình đến Hoa Kỳ ngày 26 tháng 5 năm 1992 trong đợt HO10, hai tuần trước ngày tác phẩm “Dai Uy” đưa đến nhà in. “Dai Uy” là cuốn hồi ký dày gần 300 trang của Trung Tá hồi hưu James E. Behnke, viết về cuộc chiến đấu anh dũng của Tiểu Đoàn 33 Biệt Động Quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đơn vị mà hồi đó, Đại Úy Nguyễn Văn Đương là Tiểu Đoàn Trưởng, Đại Úy James E. Behnke là cố vấn của tiểu đoàn. Cho đến năm 1992, hai người lính bạn cùng chiến đấu với nhau mới gặp lại nhau trên đất Hoa Kỳ, hai người vẫn gọi nhau một cách thân mật là “Đại Úy” như ngày nào họ sát cánh bên nhau, cùng vào sinh ra tử trên chiến trường Việt Nam.

No comments:

Post a Comment

TỔNG LƯỢC VỀ TRẬN ĐÁNH TÁI CHIẾM CỔ THÀNH QUẢNG TRỊ Chu Tất Tiến.

Tháng 12, năm 2020, một nhóm người trẻ thuộc thế hệ thứ 2 đã xin được sự đồng thuận 5/5 của thành phố Westminster cho phép xây dựng Tượng Đà...