(Xin
cám ơn NT Ngô Văn Định và các MX Mai Văn Tấn, MX Trần Như Hùng, Nguyễn
Hữu Hào đã cung cấp thêm các dữ kiện, hình ảnh, bản đồ, phóng đồ.)
Sau
khi mãn khoá học Đại Đội Trưởng tại Trường Bộ Binh Thủ Đức cuối năm
1971, tôi được sự vụ lệnh về trình diện TĐ2/TQLC đang hành quân ở Vùng I
Chiến Thuật. Trung Tá Nguyễn Xuân Phúc, Tiểu Đoàn Trưởng TĐ2 TQLC chỉ
định tôi chỉ huy Đại Đội 4. Tiểu Đoàn Phó TĐ2 là Thiếu Tá Trần Văn Hợp,
K19 Võ Bị Đà Lạt. Đơn vị chúng tôi đã trải qua những ngày mùa Đông rét
mướt, lạnh buốt trên những căn cứ tiền đồn Holcomb, Sarge, Bá Hô… ở phía
Tây của Tỉnh Quảng Trị.
TĐ2/TQLC
được đơn vị bạn đổi quân, về Sài Gòn nghỉ dưỡng quân vào giữa tuần lễ
thứ ba của tháng 3 năm 1972 sau gần 4 tháng tăng phái hoạt động ở đây.
Chưa
được hai tuần lễ ở hậu cứ thì chiến sự bùng nổ lớn ở Vùng Hỏa Tuyến với
chiến dịch Nguyễn Huệ của cộng sản bắc việt (CSBV) vào ngày 30 tháng 3
năm 1972. CSBV tung một lực lượng lớn đồng loạt tấn công mãnh liệt vào
các vi trí của ta.
Lực
lượng địch gồm các Sư Đoàn 304, 308 và các đơn vị thuộc Mặt Trận B5 gồm
các Trung Đoàn 3, 246, 270 và Trung Đoàn 126 Đặc Công, Trung Đoàn Pháo
Binh 38,Trung Đoàn 84 Hoả Tiển địa không. Ngoài ra, có khoảng 200 chiến
xa thuộc các Trung Đoàn 203, 204 yểm trợ cho các đơn vị trên.
Ngày
2 tháng 4 năm 1972 , các Tiểu Đoàn 2, 5, 9 cùng Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn 369
lại được không vận bằng C-130 ra phi trường Phú Bài, Huế để vào vùng
hành quân ở mặt trận phía Tây Tỉnh Quảng Trị.
1.Trấn Thủ Căn Cứ Barbara
Đại
Đội 4, Tiểu Đoàn 2 TQLC tiến chiếm căn cứ Barbara, vị trí xa nhất ở
phía Tây khoảng 10 cây số cách Quốc Lộ số 1. Hằng ngày, chúng tôi hướng
dẫn các phi tuần phản lực của Hoa Kỳ đánh bom vào các ổ phòng không của
địch ở các ngọn đồi quanh căn cứ, tuần tiễu quanh vị trí, mở đường mòn
thông với đơn vị bạn gần nhất, lo tích trữ nước uống, đạn dược để dự
phòng cho một cuộc tấn công và bao vây căn cứ của địch.
Khi
tình hình trên tuyến ở phía Bắc Tỉnh Quảng Trị bị áp lực mạnh của đối
phương, thì hằng ngày căn cứ Barbara cũng bị địch pháo kích mạnh, làm
cháy nổ các đạn pháo binh mà đơn vị bạn còn để lại trong nhiều tiếng
đồng hồ.
Trong
lần pháo kích ồ ạt vào gần cuối tháng 4 năm 1972, chúng tôi có vài quân
nhân bị thương nhẹ, riêng căn hầm chữ A được xây sẵn bằng loại ống cống
của Ban Chỉ Huy Đại Đội 4, với hành lang và hai lối vào đã bị một quả
đạn pháo kích rơi cách lối vào 1 mét, sức nổ đã bắn tung khẩu súng cối
60 ly đặt gần đó.
Sức
ép của tiếng nổ đã làm cho cá nhân tôi và các âm thoại viên bị bật ngữa
và bất tỉnh trong giây lát. Nhưng nhờ căn cứ rộng, triền đồi dốc, vả
lại chúng tôi bố trí điểm sát hàng rào phòng thủ nên ít bị thiệt hại.
Các khoảng trống được gài mìn bẩy và kiểm soát bằng hỏa lực .
2. Phòng Thủ Trên Tuyến Mỹ Chánh
Tiểu
Đoàn 2 TQLC có lịnh rút về phòng tuyến thiên nhiên sông Mỹ Chánh để
ngăn chặn địch vào chiều ngày 2 tháng 5 năm 1972. Đại Đội 4 lại được
giao phó trọng trách trấn giữ cầu Mỹ Chánh và kéo dài về phía Tây dọc bờ
Nam sông Mỹ Chánh độ 250m. Ngoài ra còn có nhiệm vụ phối hợp với đơn vị
công binh để giật sập cầu Mỹ Chánh khi có lệnh.
Ngày
5/5/ 1972, một phi tuần của Hoa Kỳ trước khi đáp xuống hàng không mẫu
hạm ngoài khơi biển Đông đã thay vì trút hết bom thừa vào vùng oanh kích
tự do phía Bắc sông và cầu Ô Khê, cách sông và cầu Mỹ Chánh hơn 4 cây
số về hướng Tây Bắc, thì phi tuần này lại thả một loạt bom vào cầu Mỹ
Chánh dài về phía Nam đến 300m. Sự lầm lẫn này đã gây thiệt hại cho Đại
Đội 4 đến 10 tử thương, 21 bị thương.
Vào
hai ngày 24 và 25 tháng 5 năm 1972, Đại Đội 4 đã tiêu diệt hơn chục tên
cộng phỉ bắc việt và bắt sống được 7 tên phỉ quân chính qui CSBV thuộc
Trung Đoàn 66, Sư Đoàn 304 trong hai lần chúng đánh thăm dò vào vị trí
của trung đội thuộc Đại Đội 4 nằm phía Tây cầu Mỹ Chánh, đối diện với
thôn Lương Điền (2) ở bờ Bắc sông Mỹ Chánh.
Chiến
thắng này đã được Đại Tá Lữ Đoàn Trưởng 258 TQLC tưởng thưởng hiện kim
vì đã giúp lữ đoàn xác nhận rõ ràng đơn vị chính qui BV bên kia sông. Sư
Đoàn TQLC đã giữ vững được phòng tuyến Mỹ Chánh và đã ngăn chận được đà
tấn công của CSBV và giúp cho TQLC và các đơn vị bạn có thì giờ chỉnh
đốn, tái bổ sung.
Trung
Tá Nguyễn Xuân Phúc, người đàn anh với tài thao lược, đã được thử lửa ở
chiến trường ngoại biên trong những giờ phút cam go năm 1971. Anh là vị
chỉ huy xuất sắc, thanh liêm đã đem lại nhiều chiến thắng cho đơn vị.
Anh được đề cử làm Lữ Đoàn Phó Lữ Đoàn 147 TQLC và bàn giao chức vụ tiểu
đoàn trưởng cho Thiếu Tá Trần Văn Hợp vào tháng 6 năm 1972. Đại Uý Phạm
Văn Tiền là Tiểu Đoàn Phó TĐ2 và bàn giao chức vụ Đại Đội Trưởng Đại
Đội 5 cho Trung Úy Huỳnh Văn Trọn vừa học xong khóa Căn Bản Sĩ Quan TQLC
Hoa Kỳ (The Basic School-TBS-) ở Hoa Kỳ trở về.
Ngày
28 tháng 6 năm 1972, hai đơn vị Tổng Trừ Bị của QLVNCH là Nhảy Dù và
TQLC bắt đầu vượt sông Mỹ Chánh và tiến chiếm những vùng định tạm chiếm
thuộc Tỉnh Quảng Trị.
3. Hành Quân Để Bắt Tay Với TĐ1/TQLC Bên Kia Sông Vĩnh Định, Triệu Phong
Ngày
11/7/1972, TĐ1/TQLC được trực thăng vận đổ thẳng vào giữa lòng địch
thuộc Quận Triệu Phong, phía Bắc của Cổ Thành Quảng Trị bằng trực thăng
CH-46 Sea Knight và trực thăng Sikorsky CH-53 của TQLC Hoa Kỳ. Những
trực thăng đổ quân này tối tân, vận tốc nhanh, có sức chứa 60 quân nhân
(CH-53) và 20 quân nhân (CH-46).
Đây
là cuộc đổ quân với qui mô lớn trong cao điểm của cuộc chiến, chỉ trong
một chuyến (in one lift- tài liệu của Cố Vấn TQLC/HK) đã đưa đến bãi
đáp hơn 700 quân của tiểu đoàn TQLC và 10,000 lbs tiếp liệu. Trong số 32
trực thăng đổ quân, 29 chiếc bị trúng đạn phòng không, 1 nổ ở bãi đáp, 2
bị rớt trên đường về. Mục đích cuộc đổ quân là đánh từ trong lòng địch,
làm phân tán và rối loạn phối trí của địch.
Trong
nỗ lực tấn công các đơn vị CSBV nhằm giảm áp lực địch trên toàn tuyến
phía Bắc và Đông-Bắc Thị Xã Quảng Trị và bắt tay với TĐ1/TQLC. Ba Tiểu
Đoàn 2, 4, 7 TQLC đã dàn hàng ngang tấn công ào ạt từ Đông sang Tây
trong kế hoạch đó.
TĐ2
còn cách vị trí đổ quân của TĐ1 gần cả 10 cây số. Cánh B/TĐ2 Trâu Điên
do Đại Úy Phạm Văn Tiền, Tiểu Đoàn Phó chỉ huy gồm có Đại Đội 4 và Đại
Đội 5, được tăng phái một Chi Đoàn của Thiết Đoàn 18 Thiết Kỵ Thiết Vận
Xa, có nhiệm vụ vượt qua mọi trở ngại để bắt tay với các Quái Điểu
TĐ1/TQLC.
Trên
đường tiến quân ngày N+1 tức 12 tháng 7 năm 1972, Đại Đội 4 và Đại Đội 5
đã tiêu diệt hoàn toàn một đại đội tăng-thiết giáp thuộc Trung Đoàn 202
tại thôn Thanh Lê, Quân Triệu Phong tọa độ YD 380533. Tịch thu:1ống
phóng DKB và hơn 10 đạn 122ly, 3 xe Molotova, 3BTR50, 1T34, 4T54, 3 cây
37mm phòng không được thiết trí trên xe kéo 4 bánh, 2 khẩu BS-3 nòng
100mm, 1 súng cối 82ly, 14 AK47, 2K54 cùng nhiều đạn dược, thuốc tây,
gạo, tài liệu về chiến xa và 13 xác địch.
Chiến
thắng này đã mang danh dự về cho Binh Chủng TQLC: TĐ2TQLC và TĐ11 Nhảy
Dù đã được bình chọn giải nhất đồng hạng Quân Khu I về diệt chiến xa
địch của Tổng Thống VNCH trong “Chiến Dịch 3 Tháng Thừa Thắng Xông Lên
Tái Chiếm Lãnh Thổ Năm 1972”.
Cánh
B/TĐ2 bắt tay được với TĐ1 vào ngày N+2 tức ngày 13 tháng 7 năm 1972.
Sau đó, TĐ2 thay thế TĐ1 vào ngày N+4(14/7/1972) để các Quái Điểu về
nghỉ dưỡng quân, di tản thương binh và tử sĩ , đồng thời giúp di tản cả
ngàn thường dân bị kẹt lại về tuyến sau. Các Quái Điểu đã đánh một trận
thật đẹp, từ trên trời nhảy vào đầu chúng. Các bạn thật sự đã làm kinh
hồn bạt vía quân địch. Chứng tỏ cho chúng thấy tinh thần quyết chiến của
TQLC và quân dân miền Nam và QLVNCH có thể đánh chúng bất cứ nơi nào và
lúc nào.
4. Một Đơn Vị Của Sư Đoàn 325 CSBV Tấn Công ĐĐ4/TĐ2/TQLC
Đại
Đội 4/TĐ2 thay thế vị trí đóng quân của Đại Đội 2/TĐ1 của Trung Úy
Dương Văn Tươi tại Thôn Nại Cửu(2) tọa độ YD348552. Mấy ngày sau đó,
CSBV đã huy động một lực lượng áp đảo tấn công nhiều đợt trong đêm,
nhưng nhờ tổ tiền đồn phát giác chúng sớm, nên toàn bộ Đại Đội 4(-) đã
sẵn sàng, gây thiệt hại nặng về nhân mạng và vũ khí cho địch. Địch để
lại trên 30 xác chết, vũ khí cá nhân, cộng đồng, và 5 khẩu K54. Xác địch
ngổn ngang trên chiến địa. Để bảo đảm vệ sinh cho khu vực đóng quân
trong mùa Hè nắng nóng, nên anh em ĐĐ4 đã chôn cất tập thể các cán binh
CSBV xuống các hố B52 kế cận.
5. Cắt Đường Tiếp Vận Của CSBV Trên Hương Lộ 560
Để
cắt đứt một con đường tiếp tế quan trọng cho lực lượng CSBV trong Thị
Xã Quảng Trị- Cổ Thành là phải chiếm chợ Sãi, nó nằm ngay trên Hương Lộ
560. Đây là trục lộ nối liền Đông Hà-Cửa Việt qua các thôn nằm dọc sông
Thạch Hãn cho đến đường Gia Long chạy dọc bờ sông của Thị Xã Quảng Trị.
Làm chủ được khu vực chợ Sãi là đánh ngục CSBV về mặt tiếp vận.
Vào
khoảng ngày 20/7/1972, Cánh B/ TĐ2/TQLC gồm Đại Đội 4 và Đại đội 5 bắt
đầu tiến đánh đánh chợ Sãi, Quận Triệu Phong. Sau nhiều trận đánh gay
go, tiến chiếm từng căn nhà, từng giao thông hào. Địch đã sử dụng tối đa
hỏa lực bắn thẳng và các loại pháo để yểm trợ. TQLC đã đánh bật chúng
ra khỏi chợ Sãi và Hương Lộ 560 sau hai ngày giao tranh ác liệt với hỏa
lực pháo binh yểm trợ tiếp cận. Suốt nhiều ngày đêm trấn giữ TQLC đã bị
nhiều tiểu đoàn của trung đoàn 101, sư đoàn 325 cộng phỉ bắc việt xa
luân chiến. Tuy nhiên, trung đoàn 101 cộng phỉ bắc việt đã thất bại thảm
hại và nhục nhã trước hai đại đội thuộc Tiểu Đoàn 2 TQLC VNCH.
Sau
này, tin tình báo kỹ thuật cho biết tên trung đoàn trưởng 101 bị mất
chức vì y xin thêm một ngày nữa để dứt điểm, nhưng đã không thể đánh bật
được TQLC ra khỏi chợ Sãi. Cái giá chiến thắng phải trả, chỉ riêng Đại
Đội 4 có 23 quân nhân tử thương gồm có hai Trung Đội Trưởng là Chuẩn Úy
Hội và Chuẩn Úy Dương và hơn 62 quân nhân bị thương. Về phía địch, tổn
thất nhân mạng rất lớn do dân chúng báo cho biết khi đồng bào chạy về
với TQLC. Trên chiến địa, xác những tên giặc cướp xâm lược từ phương
bắc, vũ khí ngổn ngang nhưng quá cận kề nên rất khó thu gom.
Sau
khi hoàn tất nhiệm vụ tái chiếm chợ Sãi, TĐ2/TQLC bàn giao lại cho
TĐ1/TQLC để về tuyến sau dưỡng quân, bổ sung, huấn luyện và có nhiệm vụ
bảo vệ Bộ Tư Lệnh SĐ/ TQLC/ HQ tại Quận Hương Điền
6. TQLC Với Nhiệm Vụ Bảo Quốc An Dân
Trong
suốt các cuộc hành quân tái chiếm lãnh thổ năm 1972, chỉ riêng Tiểu
Đoàn 2 đã giải thoát và đưa về nơi an toàn hơn 13,200 đồng bào Quảng Trị
bị kẹt lại trong vùng địch tạm chiếm. Đặc biệt, Thiếu Tá Tiểu Đoàn
Trưởng TĐ2/TQLC đã chỉ thị đơn vị săn sóc, nuôi dưỡng 8 cụ già, 2 bà lão
bị thất lạc gia đình, mai táng 5 cụ già, 2 đàn bà và 2 trẻ nhỏ tại tại
Thôn Nại Cửu, Quận Triệu Phong. ĐĐ4 cũng vừa diệt địch, vừa chăm sóc và
giúp di tản được 1600 đồng bào, chôn cất nhiều đồng bào ở Thôn Ba Du,
Quận Hải Lăng.
Đồng
bào kẹt trong vùng địch cho biết rằng họ đã lợi dụng những lúc pháo
binh, hải pháo, B52 đánh vào vị trí giặc hoặc lợi dụng đêm tối để chạy
về hướng anh em TQLC. Từng đoàn người dân trông thật xơ xác, thảm
thương. Họ bồng bế, dìu nhau để cố vượt thoát vòng kiềm tỏa của bọn cộng
phỉ bắc việt.
Vì
muốn sống tự do, đồng bào phải liều thân ra đi nên đôi lúc họ bị thương
vong vì tên bay đạn lạc. Anh em TQLC đã chia xẻ chính khẩu phần ăn,
nước uống của mình cho đồng bào. Trung Đội Quân Y của Tiểu Đoàn 2, các y
tá của đại đội đã săn sóc đồng bào tận tình như chính đồng đội của
mình.
Những
tin tức về địch của người dân Quảng Trị đã giúp chúng tôi hiểu rõ về
tình hình, vị trí để đánh giá khả năng địch, và tiêu diệt chúng một cách
chính xác và hiệu quả.
Nhiệm Vụ Đại Đội 4/TĐ2TQLC Trong Giai Đoạn: Từ 9/9/1972 Đến 16/9/1972 Trong Cuộc HQ Sóng Thần 07/258/72.
Vào
nửa cuối tháng 8/1972, trong một buổi họp với Tiểu Đoàn Trưởng TĐ2 TQLC
và tất cả các đại đội trưởng, Thiếu Tướng Tư Lệnh Bùi Thế Lân chỉ thị:
“Sư
Đoàn hiện có trong tay một khối hỏa lực yểm trợ hùng hậu do QLVNCH và
Đồng Minh Hoa Kỳ cung ứng. Vừa rồi, Tướng Vogt, Tư Lệnh Phó MACV viếng
thăm Bộ Tư Lệnh và hứa sẽ ưu tiên và tăng cường các loại hoả lực cho
SĐTQLC. Vì vậy, tôi ra lệnh cho quân nhân các cấp phải tái chiếm Thị Xã
Quảng Trị và Cổ Thành trong vòng vài tuần lễ sắp tới, vì đây là một mục
tiêu có tầm mức quan trọng cả về quân sự lẫn chính trị và TĐ2TQLC sẽ là
một trong những đơn vị được vinh dự thi hành lệnh trên”.
Chúng
tôi thật sự hãnh diện được trở lại tuyến đầu cùng các Tiểu Đoàn 3,6,8
trong trận thư hùng chung cuộc này với CSBV tại Thị Xã Quảng Trị-Cổ
Thành. Từ thâm tâm, tôi hãnh diện vì màu cờ sắc áo và tự hào là một
trong những đơn vị ưu tú nhất của QLVNCH. Do đó chúng tôi hăng say nhận
trách nhiệm tham dự những trận đánh quan trọng để giải quyết chiến
trường.
Vào
giai đoạn sau cùng trong kế hoạch tái chiếm Cổ Thành Đinh Công Tráng.
Cổ Thành được chia làm đôi theo trục Đông –Tây (tức theo trục cửa Tả qua
cửa Hữu).
Hai Lữ Đoàn TQLC được giao phó nhiệm vụ như sau:
1/ Lữ Đoàn 147/TQLC với hai nỗ lực chính là TĐ3 và TĐ7 (giai đoạn sau là TĐ8): một nửa Cổ Thành phía Bắc
2/
Lữ Đoàn 258 TQLC với hai nỗ lực chính là TĐ2 và TĐ6: một nửa Cổ Thành
phía Nam. BCH /TĐ2/TQLC đóng tại ngã ba Long Hưng, góc đường Lê Huấn và
Quốc Lộ 1.
Đại
Đội 4/TĐ2 tiến dọc theo đường Hồ Đắc Hanh. Ban Chỉ Huy ĐĐ4 đóng quân
đêm trong một căn nhà gạch đổ nát mà trước đây là quán cà phê Sanh trên
đường Hồ Đắc Hanh. Rạng sáng ngày 14 tháng 9 năm 1972, địch dọn “điểm
tâm” cho ĐĐ4 và ĐĐ5 (bên cánh trái của ĐĐ4) bằng một trận pháo ác liệt
với pháo tầm xa 130ly.
Bị
trúng một quả 130 ly ngay nhà, nhưng may mắn, tôi và hai âm thoại viên
là Hạ Sĩ Hoàng và HS Chính chỉ bị ngộp thở và xây xát nhẹ vì nhờ có hầm
tránh pháo kích có sẵn trong nhà. Nhưng đại đội có hai người cần tải
thương trong đó có Thượng Sĩ Thường Vụ Đại Đội Đào Chữ.
Mục
tiêu của Đại Đội 4 là Trường Phước Môn, cách khoảng 300m trước mặt.
Trung Đội 43 của Chuẩn Úy Thu bị địch bắn chận rất ác liệt, vì địch đã
cảm nhận quyết tâm tấn công tái chiếm Thị Xã Quảng Trị của TQLC. Để phản
kích, tôi dùng hỏa lực pháo binh bắn tiếp cận với một khẩu 105 ly với
đầu nổ được điều chỉnh delay (nổ chậm), và điều chỉnh tác xạ
“trái-phải-xa-gần” 25m hoặc 10m ngoài binh thư, sách vở.
Đây
là lối tác xạ rất quen thuộc của các đơn vị TQLC năm 1972 để đối phó
với các chốt địch ẩn núp trong các loại hầm chữ A. Cuối cùng, tôi xử
dụng đại bác 90ly trên chiến xa M48 bắn trực xạ để thanh toán nốt các
chốt địch còn sót lạị trong trường Phước Môn nằm trên đường Phan Thanh
Giản.
Đến
14 giờ 30, chúng tôi hoàn toàn làm chủ khu vực trường Phước Môn và qua
khai thác tù binh biết chúng thuộc Sư Đoàn 320B vừa vượt sông Thạch Hãn
đêm qua lúc 3 giờ sáng ngay trước khu vực dinh Tỉnh Trưởng và toà Hành
Chánh. Phương tiện vượt sông là dây thừng được căng từ khu vực trên với
bờ sông phía Tây phía bên kia. Khi vượt sông chúng chỉ mang theo ba lô,
vũ khí sẽ được trang bị khi đến bên nầy.
Một
tù binh quê quán Quỳnh Lưu, Nghệ An cho biết đơn vị vượt sông do tên
Thiếu Úy Dũng chỉ huy và y đã tử thương. Chúng còn cho biết rất sợ lối
đánh thần tốc, bám trụ và hỏa lực pháo binh của TQLC. Qua nhật ký tù
binh bắt được, một tù binh ghi:
_ “Ghét những cây pháo chết tiệt của ngụy”
_ “A trưởng gọi đi lãnh tiếp tế nhưng vờ không nghe vì ngại pháo”.
( A trưởng là tiểu đội trưởng)
Tuy
vậy, các chốt bắn sẻ của địch từ hướng bờ sông Thạch Hãn, trong khu chợ
Quảng Trị, vẫn còn gây khó khăn cho đơn vị tôi. Trong lúc phối hợp để
đóng quân với Đại Uý Nguyễn Văn Loan, Khóa 20VB, Đại Đội Trưởng TĐ6TQLC,
tôi và Thiếu Úy Đại Đội Phó Nguyễn Hữu Hào đã suýt mất mạng vì cú bắn
sẻ từ hướng bờ sông vào, viên đạn chỉ cách đầu non gang tay và làm cho
gạch, ciment từ khung cửa đi vào lớp học rơi tung tóe trước mặt ba chúng
tôi.
Để
chuẩn bị cho trận đánh quyết định và quan trọng sáng ngày 15/9/1972 vào
khu vực dinh Tỉnh Trưởng và toà Hành Chánh Tỉnh Quảng Trị tức Mục Tiêu
90 trong phóng đồ hành quân, tôi và Hào (có biệt danh Ông Già 72 vì tài
xử dụng hỏa tiển cầm tay M72 của Hào) bàn tính rất chi tiết hầu hoàn
thành nhiệm vụ và giảm thương vong cho đơn vị vì chẳng có cấp chỉ huy
nào mà không đau lòng, xót xa khi đơn vị có thương vong.
Địa
hình thị xã Quảng Trị lúc bấy giờ khá bằng phẳng vì các cao ốc, khu
phố, các trụ điện hầu như bị san bằng và các con đường bị bao phủ bởi
một lớp đất bụi dày đến vài centimet do những trận oanh kích và mưa pháo
của ta lẫn địch.
Kế Hoạch Cho Đêm 14/9/1972 Như Sau:
Nghi binh tấn công để phát giác sự bố trí quân và hỏa lực địch để tìm cách thanh toán.
1.
Đêm nay tôi và Thiếu Úy Tài, tiền sát viên pháo binh, sẽ tác xạ khu vực
quanh mục tiêu (MT) 90, dọc đường Gia Long, đường Trần Hưng Đạo tức là
trước và sau mục tiêu. Đặc biệt tác xạ giữa sông, bờ sông để ngăn chặn
địch xâm nhập tiếp tế hoặc tản thương. Theo ước đoán thì BCH địch có lẽ
đã dời về khu vực hầm rượu ngầm (được xây cạnh dinh Tỉnh trưởng) vì khu
vực Cổ Thành đã bị nhồi nát bởi phi-pháo.
2.
Xin Cánh B/TĐ2 tác xạ vào các đường tiến sát của địch vào bờ Tây sông
Thạch Hãn, đặc biệt khu vực đối diện MT 90. Mục đích các điểm tác xạ làm
chúng mất ăn mất ngủ đêm nay để dễ dàng thanh toán chúng vào sáng ngày
mai.
3.
Các Trung Đội 41 và 43 chỉ trang bị vũ khí đạn dược cơ hữu. Trang bị
nhẹ để tận dụng tối đa tính di động nhanh hầu giảm thiểu thương vong. Ba
lô cá nhân của 41 và 43 sẽ do trung Đội 44 cũa Chuẩn Úy Hiếu và Thường
Vụ đại đội coi sóc.
4. Đạn dược trừ bị được tải lên gần vị trí tiền đồn xa nhất trong đêm nay.
Ngày 15/9/1972: Tấn Công Dinh Tỉnh Trưởng, Toà Hành Chánh Tỉnh QT.
Quảng
Trị đang trong mùa mưa bão, nước sông Thạch Hãn dâng cao, bầu trời u
ám, trần mây thật thấp vì ảnh hưởng của cơn bão Flossie. Suốt nhiều
tháng qua, nơi đây cảnh đau thương tang tóc, máu đổ thịt rơi cũng chỉ vì
mưu đồ xâm chiếm miền Nam của tập đoàn CS phương Bắc.
Khu
vực Cổ Thành đã được Tiểu Đoàn 3 và Tiểu Đoàn 6/TQLC hoàn toàn chiếm
giữ trong đêm 14 rạng ngày 15 tháng 9 năm 1972. Cho nên TĐ2 không bị hỏa
lực địch bên cánh phải của trục tiến quân.
Kế hoạch hành quân:
Cánh B/TĐ2TQLC do Đ/Úy Phạm Văn Tiền, TĐP, chỉ huy gồm:
-ĐĐ5, ĐĐT Tr/Úy Huỳnh Văn Trọn, tiến chiếm MT 53, chợ Quảng Trị, lấy trục đường Quang Trung làm trục tiến quân.
-ĐĐ4,
ĐĐT Đ/Úy Lê Quang Liễn, xuất phát góc Tây Nam Cổ Thành, cách ngã tư
đường Trần Cao Vân và đường Phan Đình Phùng gần 50 mét, đánh chiếm MT90.
Hai đại đội cùng xuất phát tấn công nhằm hổ tương yểm trợ, phân tán hỏa lực và bố trí quân của địch.
Dinh
TỉnhTrưởng và toà Hành Chánh Tỉnh Quảng Trị, mục tiêu 90, của TĐ2 TQLC
trên phóng đồ hành quân Sóng Thần 07/258/72. Mục tiêu này được giao phó
cho ĐĐ4. Tin tức tình báo cho biết, MT90 có rất nhiều chỉ dấu về hoạt
động khác thường của địch. Cho nên ngoài hỏa lực yểm trợ của pháo binh
cơ hữu của TQLC, ĐĐ4 còn được tăng cường 2 chiến xa M48, 2 thiết vận xa
M113 có trang bị súng phun lửa thuộc Chi đội 2,Thiết Đoàn 20 chiến xa.
Quan niệm điều quân của Đại Đội 4:
-Trung
Đội 41 bên trái của Chuẩn Úy Bùi Quang Đức và Trung Đội 43 bên phải của
Chuẩn Úy Thu là nỗ lực chính. Thiếu Úy Hào, ĐĐP, chỉ huy cánh quân này.
- ĐĐT và Trung Đội 42 của Chuẩn Úy Mai Ngọc Huyện là thành phần trừ bị, sẵn sàng tiếp ứng cho nỗ lực chính.
Nếu tình thế trận địa trở nên tồi tệ, ĐĐ4 hoặc sẽ củng cố vị trí chờ yểm trợ hoặc tấn công thăm dò phía trước.
Hiệu
lệnh tấn công khi hỏa lực yểm trợ của M48 và M113 chuyển xạ cao trên
MT90. Chúng tôi đã tận dụng hỏa lực của đại bác 90ly và các đại liên
12.7 ly và 7.62ly bắn ác liệt, trên 500-600 viên/phút của chiến xa nhằm
tiêu diệt và áp đảo tinh thần địch.
Vừa
rời tuyến xuất phát được 20 mét, hướng về ngã tư đường Trần Cao Vân và
đường Phan Đình Phùng, địch bắt đầu chống trả bằng những tràng AK47 nghe
chát chúa và hỏa lực B40, B41 chống chiến xa. Thật may mắn, những loạt
B40, B41 đều trật mục tiêu, có lẽ địch mất bình tỉnh nên bắn hơi cao
trước khí thế xung trận của Trâu Điên ĐĐ4 và M113. Đã có 3 cọp biển của
Trung Đội 42 trừ bị bị thương vì mảnh B40. Điạ thế trước mặt, bên kia
đường Phan Đình Phùng, hướng về dinh Tỉnh trưởng là những đống gạch đổ
nát, những gốc cây đã gãy đổ. Địch bố trí sau những đống hoang tàn đó.
Những
đứa con đầu của ĐĐ4 đã nhanh chóng vượt qua được ngã tư Trần Cao Vân và
Phan Đình Phùng dưới hoả lực yểm trợ của những đại liên trên M113, hòa
lẫn với những tràng M16, M79, đại liên M60 rất dòn dã cùng tiếng hô xung
phong nghe vang rền cả góc trời, cộng thêm những loạt đạn súng cối 60ly
bắn chính xác vào sau những đống đổ nát mà địch đang bố trí giữa hai
đường Trần Hưng Đạo và Phan Đình Phùng.
Trong
vùng ánh sáng tờ mờ của ngày 15/9/1972, bụi đất cùng khói thuốc súng
làm mịt mù trận điạ. Hỏa lực của địch yếu hẳn đi, ĐĐ4 và M113 không để
lỡ thời cơ, nhanh chóng tấn công và tràn ngập vị trí địch dọc theo đường
Trần Hưng Đạo, vị trí bảo vệ tuyến ngoài quanh dinh TỉnhTrưởng và toà
HC Tỉnh Quảng Trị. Trung Đội 42 tăng cường cho nỗ lực chính đã chuyển 4
quân nhân bị thương về sau cho Thường Vụ ĐĐ và y tá săn sóc.
Tuy
nhiên, tại vị trí cố thủ sát góc khuôn viên dinh Tỉnh trưởng do tên
Thiếu Úy CSBV Lê Viết Thắng chỉ huy (theo tài liệu bắt được cho biết y
quê Quảng Bình, mới cưới vợ được 20 ngày và vừa xâm nhập, thuộc Trung
đoàn 48B, Sư Đoàn 320B CSBV) vẫn ngoan cố chống trả và cả tổ của y đã bị
tiểu đội của Hạ Sĩ Nhất Cao thanh toán gọn, hạ sát 4 tên, tịch thu
1AK47, 1K54, 1đại liên 12ly 7và 1B40.
(Thiếu
Úy Hào và Hạ Sĩ Nhất Cao là chiến sĩ xuất sắc năm 1972. MX Hào được Phó
Tổng Thống VNCH Trần Văn Hương gắn “Biệt Công Bội Tinh” tại Dinh Độc
Lập vào dịp Quốc Khánh 1/11/1972).
Trung
Đội 41 nhanh chóng xung phong chiếm toàn bộ Dinh Tỉnh Trưởng, cùng lúc
Trung Đội 43 tấn công Toà Hành Chánh Tỉnh Quảng Trị kế bên, 43 thanh
toán nhanh vì sức đề kháng yếu ớt của địch. Hơn chục tên phỉ quân chính
qui CSBV thuộc Trung Đoàn 48, Sư Đoàn 320B CSBV đã buông súng đầu hàng
để khỏi bị tiêu diệt chung quanh MT90.
Vùng
MT90 hoang tàn đổ nát, dinh tỉnh trưởng được kiến trúc kiên cố với 2
tầng lầu nay đã sập, muốn đi vào phải khom người xuống. Toà HC hầu như
cũng bị san bằng. Vùng MT, không khí thật kinh khủng vì mùi hôi thối do
địch bài tiết tại chỗ cộng thêm mùi xác chết từ những hố chôn tập thể
xác địch .
ĐĐ4/TĐ2TQLC
hoàn toàn làm chủ khu vực dinhTỉnhTrưởng và toà HC Tỉnh Quảng Trị lúc 8
giờ 30 sáng ngày 15 tháng 9 năm 1972. Chúng tôi thu hồi được cả khuôn
dấu của Toà Hành Chánh Tỉnh Quảng Trị.
• Đại Đội 4 TĐ2/TQLC đã bắt sống được tù binh, tịch thu một số lớn các chiến lợi phẩm như sau:
• 412 súng cá nhân.
• 102 súng cộng đồng.
• Đạn dược đủ loại.
• 40 thùng lương khô do Trung Cộng sản xuất.
• 23 máy truyền tin sơn màu vàng của Trung Cộng.
• 18 tù binh.
• Nhiều hố chôn tập thể quanh MT 90.
• Hơn 30 xác CSBV còn nằm rải rác quanh khu hầm rượu và khu vực gần bờ sông Thạch Hãn.
Những điều đặc biệt:
-
Khu hầm rượu rất hôi hám (nằm bên trái dinh Tỉnh Trưởng khoảng 30 m,
xây ngầm và rộng độ 60 mét vuông 12x5m). Nhiều máy truyền tin của CSBV
đang còn hoạt động dưới đó, bên cạnh là những ghế bố nhôm của Mỹ. Chúng
gọi nhau ơi ớí một cách hoảng loạn. Điều này chứng tỏ chúng đang hoang
mang cao độ, và đây đúng là khu vực chỉ huy của CSBV.
-
Có một tên cán binh CSBV cứ ôm đầu la hét, và đồng bọn cho biết về tên
này vì quá sợ pháo nên đã lên cơn như thế từ nhiều ngày trước.
- Bọn cộng phỉ phóng uế ngay trên sàn dinh Tỉnh Trưởng vì sợ pháo nên không dám ra ngoài.
-
Tôi thường đọc nhật ký, hỏi chuyện với các tù binh CSBV bắt được từ
tuyến Mỹ Chánh hồi tháng 5 cho đến những kẻ bị bắt ở khu vực dinh Tỉnh
Trưởng Quảng Trị, tôi có nhận xét: đa số rất trẻ, nhỏ con, mất tinh
thần, rất sợ sệt.
-
Ở tuyến Mỹ Chánh, gặp dịp đơn vị vừa nhận tiếp tế, tôi mời các tù binh
uống thử trà đá, thì hơn nửa mới thấy nước đá lần đầu và kêu lên “nạnh
quá”. Cách xưng hô lúc hỏi chuyện thì lúc nào cũng “thưa quan,…” rất xa
lạ, khó nghe.
-
Tôi thương cảm cho cuộc sống lầm than, thụt hậu của họ so với miền Nam
đến cả chục năm. Còn anh em TQLC với tính tình cởi mở, đầy lòng nhân ái,
rộng lượng sẵn có của dân miền Nam thì giúp những kẻ sa cơ nào là cơm
sấy, thịt hộp, nước uống và luôn cả thuốc lá là thứ quí của anh em.
- Dinh Tỉnh Trưởng bị hư hại nặng, chỉ còn tầng trệt. Quanh khu vực cầu thang của dinh, tôi không thể đứng thẳng người được.
- Chúng tôi phải chôn xác CSBV, rải thuốc sát trùng DDT lên các hố chôn tập thể.
-
Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 2 TQLC phải xử dụng đến 6 đợt thiết vận xa M113 để
chuyển tù binh và chiến lợi phẩm tịch thu về Bộ Chỉ Huy.
-
Dân chúng Quảng Trị lợi dụng lúc CSBV “chém vè” để đào thoát về khu vực
do ta kiểm soát. Người dân cho biết quân CSBV chạy tán loạn về hướng
Đông Hà, Cam Lộ. Và để giữ thể diện, chúng nói bừa là quân ta được lính
Thái Lan, Đại Hàn tăng cường nên chúng tạm về đây.
Việc
bọn tàn quân cộng phỉ bắc việt cố chạy càng xa Cổ Thành càng tốt đã
được chứng nghiệm đúng vì lẽ sau khi quét sạch chúng ra khỏi Thị Xã
Quảng Trị-Cổ Thành thì chúng tôi đã có một thời gian hơn nửa tháng không
bị chúng quấy phá. Thỉnh thoảng, bọn chúng chỉ bắn quấy rối vài quả
pháo tầm xa 130ly.
Sau này tài liệu phía bọn cộng sản cũng thừa nhận hầm chỉ huy của chúng ở khu hầm rượu.
Trích dẫn
“Sở
chỉ huy thành cổ (QĐNDVN) ở ngay sát mép sông, dưới một căn hầm rượu
của dinh tỉnh trưởng Quảng Trị đã bị bom đạn làm đổ nát, gạch đá gỗ sắt
đổ ngổn ngang bao phủ cả khu hầm dày tới 4-5 mét, bom ném bên cạnh cũng
chẳng hề gì. QĐNDVN đã cải tạo khu hầm, chia thành ba ngăn có giao thông
hào chạy ra bên ngoài. Một ngăn làm khu phẫu thuật, ngăn cho thông tin
trinh sát và một ngăn chỉ huy và trực ban tác chiến. Cửa hầm được thiết
bị chiến đấu chu đáo, có trung liên và B-41 bảo vệ. Không lực VNCH và
Hoa Kỳ hàng ngày soi tìm, nhưng do họ ngụy trang kín đáo, kỷ luật, khói
lửa và đi lại ban ngày được duy trì nghiêm mật, nên vẫn chưa phát hiện
được mục tiêu sở chỉ huy, tuy có nghi ngờ, thường xuyên tìm kiếm.”(ngưng
trích)
Hoặc những thất bại bi thảm(trung Đoàn chỉ còn chưa đến tiểu đội) mà chúng tự nhận như sau:
Trích
…“Sau
4 tháng 16 ngày (81 ngày đêm) chiếm giữ Cổ Thành và thị xã Quảng Trị,
QĐNDVN đã bị đánh bật và tổn thất rất lớn. Riêng trung đoàn Triệu Hải
(trung đoàn 27 QĐNDVN) với hơn 1.500 quân cố thủ trong Cổ Thành đã tử
trận hoặc bị thương gần hết, chỉ còn chưa đến 1 tiểu đội còn lành lặn
khi rút ra ngoài. Chi tiết về trung đoàn này cũng đã được phóng viên báo
Tuổi Trẻ ghi lại theo lời kể của 1 cựu chiến binh (một trong gần 10
người còn lành lặn của trung đoàn này) qua bài ký đăng trong số báo ra
ngày 26 tháng 7/1998, có đoạn như sau” Ngưng trích
Chính cấp tướng lãnh của chúng viết ra:
Trích:
….
“Ngoài
trung đoàn Triệu Hải bị xóa sổ, trung đoàn 48B thuộc sư đoàn 320B
QĐNDVN - đơn vị chiếm giữ trung tâm thị xã, cũng đã bị thiệt hại hơn 80%
quân số. (QĐNDVN có 2 sư đoàn cùng mang số 320, đó là sư đoàn 320 thuộc
B-3 đã tham dự cuộc tổng tấn công vào Kontum trong tháng 5/1972, và sư
đoàn 320 B thống thuộc quyền chỉ huy của bộ tư lệnh quân khu tại Trị
Thiên). Trong một hồi ký phổ biến vào năm 1997, trung tướng Lê Tự Đồng,
nguyên tư lệnh lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam tại mặt trận tỉnh
Quảng Trị, ghi nhận là các sư đoàn và trung đoàn tham chiến đã bị tổn
thất hơn 50% quân số.” Ngưng trích
***
Đã
hơn 40 năm trôi qua, nay tôi phải viết lại đoạn đường cùng đồng hành
với anh em ĐĐ4/TĐ2/TQLC chỉ vì món nợ máu xương, những trách nhiệm quá
lớn mà anh em chúng ta đã cùng nhau gánh vác, đã hoàn thành trách nhiệm
mà Quân Đội và Tổ Quốc giao phó. Một số lớn anh em chúng ta đã hy sinh
hoặc bị tàn phế, và sau ngày 30/4/75 một số đông anh em khác lại phải
đày đọa những năm tháng dài trong ngục tù CS và nổi trôi theo vận nước
điêu linh!
Những
anh hùng thật sự của đơn vị là những Binh Nhì Hợi, Binh Nhất Danh,
Chính, các Hạ Sĩ Hoàng, Thành, My, Hội, Rít, Trãi, Ba Gà Khắn, Hạ Sĩ
Cao, Trung Sĩ Trọng, Khoa, Trần Sơn, Trung Sĩ Nhất Cảnh, Ngà, Thượng Sĩ
Đào Chữ, các Chuẩn Úy Dương, Hội, Huyện, Hiếu, Thu, Đức, các Thiếu Úy
Lộc, Tài PB, Hào v.v... và còn nhiều anh em khác nữa mà tôi không thể
nhớ hết. Chính các anh đã viết nên những trang sử hào hùng của Binh
Chủng TQLC. Chúng ta chiến đấu vì Tự Do Dân Chủ, chiến đấu để “Bảo Quốc,
An Dân”./
(Sài Gòn trong tôi/ MX Lê Quang Liễn)
No comments:
Post a Comment