Lời giới thiệu:
Tháng 5 năm 1975 chiến tranh đã hoàn toàn chấm dứt. Trên toàn cõi Việt-Nam không còn nghe bom nổ, không còn thấy đạn bay. Nhưng giữa tháng 5 năm 1975 cũng có những cựu chiến binh Việt-Nam Cộng-Hòa đã bị đem đi mất biệt, mãi mãi không về…
Ðời tôi đã có một tháng 5 tràn đầy hạnh phúc, đó là tháng 5 năm 1969. Vào một ngày đẹp trời giữa tháng 5 này, ở Ban Mê Thuột, tôi đã gặp được người trong mộng ước của mình. Người con gái tôi gặp ngày đó đã thành người tôi yêu suốt đời. Người đó đã trở thành mẹ của 4 đứa con tôi, đã thành bà của 5 đứa cháu tôi. Hơn thế nữa, người đó, với tôi còn là một người vợ chung thủy, đồng thời là một người bạn tri kỷ không ai thay thế được.
Tóm lại, từ lâu lắm rồi, tháng 5, với tôi đã trở thành một tháng thần tiên, trừ ra một tháng 5 thật là đáng ghét, nhưng tôi cũng không thể nào quên nó được, đó là tháng 5 năm 1975.
Tôi đã sống qua những ngày đau thương của cái tháng 5 năm ấy, đã bị giằng co bởi những quyết định sống còn của cuộc đời mình, đã xuôi tay chấp nhận cái chết, và đã chứng kiến những cảnh chia ly não lòng.
Tháng 5 năm 1975 trên toàn cõi Việt-Nam không còn tiếng súng giao tranh, nhưng có những người đi không thấy về.
Sáng 1 tháng 5 năm 1975 tôi lang thang trong vùng Ngã Bảy Chợ-Lớn, trên đường tìm về nhà mẹ tôi.
Ngày hôm trước đơn vị của tôi đã bị đánh tan. Ðêm qua, sau khi trốn thoát một cuộc truy sát của kẻ thù, tôi vào tá túc trong nhà một người quen nằm trên đường An-Bình, Chợ Lớn.
Tới trưa 1 tháng 5 tôi mới về tới nhà. Vậy mà chỉ vài giờ sau đã có lệnh kêu tôi sáng mai phải có mặt ở văn phòng liên gia trưởng khu phố để khai báo lý lịch.
Sáng 2 tháng 5 năm 1975, tôi rời nhà ra chợ tìm tới văn phòng liên gia trưởng. Văn phòng liên gia là một căn nhà nhỏ vách phên, lợp tranh, nằm sát bên một hiệu tạp hóa lớn của người Hoa.
Lúc tôi tới văn phòng thì đã có vài vị cựu sĩ quan Quân- Lực Việt- Nam Cộng- Hòa hiện diện ở đây rồi. Những vị này là người cư trú trong liên gia này. Họ và ông liên gia trưởng có vẻ không lạ lẫm gì nhau.
Hình như chỉ có mình tôi là người xứ khác, không phải là dân Sài-Gòn. Vì đơn vị tôi bị tan hàng, nên tôi mới phải chạy về tá túc ở đây.
Nghe các ông sĩ quan nói chuyện, tôi được biết ông đứng ghi danh trước tôi là một trung úy An-Ninh Quân-Ðội, nhà ông này ở ngay đầu hẻm và cách nhà mẹ tôi chừng năm, sáu căn. Bên cạnh tôi là ông đại úy Không Quân ở cách nhà tôi ba căn. Sau lưng tôi là ông chủ tiệm gạo bên kia đường, ông này là đại úy sĩ quan Công Binh.
Ông liên gia trưởng khu phố TK9 phường Nguyễn Cảnh Chân mà mẹ tôi cư trú là bác Thọ. Nhà của bác Thọ cách nhà mẹ tôi một con hẻm nhỏ.
Vì là hàng xóm, hôm qua bác Thọ đã chứng kiến cảnh mẹ tôi khóc sướt mướt khi tôi bước vào nhà, nên vừa nhìn thấy mặt tôi, bác đã niềm nở,
– Bác có nghe má cháu nói cháu đi lính ngoài Miền Trung. Chắc cháu mới chạy về phải không? Cháu mau xưng tên họ để bác ghi vào sổ. Cháu là lính Ðịa Phương Quân phải không? Cháu là trung sĩ chứ gì? Cháu chỉ cần khai vắn tắt thôi! Quan trọng nhất là cái địa chỉ tạm trú phải khai cho đúng! Nếu Cách Mạng có lệnh gì thì bác cứ theo địa chỉ mà thông báo cho cháu.
– Thưa bác, bác ghi tên cháu là Vương Mộng Long, nhưng cháu không phải là trung sĩ…
Tôi nói chưa hết câu, “cháu không phải là trung sĩ mà là thiếu tá…” thì bác Thọ đã lớn tiếng phán một cách chắc chắn như đinh đóng cột,
– Cháu và thằng con bà hàng xóm nhà cháu ngang tuổi, ngang lớp với nhau, nó khai là trung sĩ thì cháu cũng là trung sĩ thôi, không thể khai là binh nhất hay binh nhì được đâu! Tội gian khai là nặng lắm đó!
Hai ông sĩ quan đứng bên tôi cũng gục gục đầu khuyên:
“Trung sĩ thì cứ khai là trung sĩ, có gì đâu mà phải sợ? Khai man hay giấu giếm cách gì thì người ta cũng phát giác ra thôi!”
Bác Thọ hất hàm ra lệnh cho anh thư ký,
– Số thứ tự 25 là Vương Mộng Long, cấp bậc trung sĩ Ðịa Phương Quân, địa chỉ TK9…
Tôi chưa kịp phản đối thì bác Thọ gọi người tiếp theo, đó là ông chủ tiệm gạo. Ông sĩ quan Công Binh này là một người cao to như một vị hộ pháp. Ông ta vừa bước lên là tôi bị văng sang bên ngay.
Trong lúc ông đại úy khai tên và đơn vị thì tôi thấy nơi cuối hàng có một bàn tay ai đó giơ lên vẫy gọi mình,
– Long! Long ơi!
Tôi giơ tay vẫy lại,
– Chờ chút! Chờ chút!
Rồi tôi sấn tới trước bàn giấy, cầm tay bác Thọ,
– Cháu có việc phải đi ngay! Yêu cầu bác đính chính lại số thứ tự 25 Vương Mộng Long là thiếu tá Biệt Ðộng Quân, không phải trung sĩ Ðịa Phương Quân!
Ông liên gia trưởng ngớ người ra,
– Cháu không nói đùa đấy chứ! Xóm mình từ xưa tới giờ làm gì có ai là sĩ quan cấp tá!
Tôi nghiêm mặt,
– Cháu nói thật đấy!
Ông đại úy chủ tiệm gạo nheo mắt nhìn tôi rồi buột miệng,
– Ðù mạ! Giờ này mà còn hám danh! Khoa trương! Làm oai!
Chắc ông đại úy nghĩ tôi chỉ là một anh trung sĩ hám danh, man khai thành thiếu tá để lấy le nên ông ta lớn tiếng chửi thề cho bõ ghét.
Mấy vị sĩ quan đứng gần đó cũng cau mày, nhăn mặt tỏ vẻ khó chịu và khinh bỉ.
Có lẽ vì thấy tôi có vẻ trẻ trung, khỏe mạnh, lại ăn mặc không được chững chạc lắm, nên bà con cho rằng tôi chỉ là một hạ sĩ quan nhưng thích làm oai.
Chờ cho anh thư ký điều chỉnh xong lời khai báo của tôi, tôi chui ra khỏi đám đông để gặp người vừa vẫy tay gọi tên mình.
Thì ra đó là ông Thiếu tá Lương Ðình Chi, cựu Trưởng ty Cảnh-Sát Bà-Rịa, một người bạn vong niên của tôi. Nhà ông ta ở bên kia đường, ngay góc Trần Hưng Ðạo, Nguyễn Biểu. Ông Chi vô tình ghé đây. Nhìn thấy tôi trong đám đông, nên ông ta giơ tay vẫy gọi. Ông ta cũng vừa tới văn phòng liên gia trưởng của ông để khai báo.
Ðâu ngờ, cái chuyện khai báo lý lịch xem ra thật đơn giản và không có gì đáng lo ngại, vậy mà nó che đậy một cái bẫy sập ghê gớm.
Chỉ với cái tên, cấp bậc và đơn vị mà chúng tôi khai với ông liên gia trưởng, đã đủ để những người Cộng-Sản có thể phát hiện ra những kẻ thù mà chúng cần truy cứu.
Chỉ ít bữa sau, một Thượng tá Trung đoàn trưởng của Sư Ðoàn 320A Cộng-Sản đã tới gõ cửa nhà tôi để thăm tôi.
Tôi và ông ta đã từng có vài lần đối đầu qua những trận đánh đẫm máu năm 1974 ở Tây Nguyên.
Cũng từ cái chuyện khai báo lý lịch mà chưa tới mười ngày kế đó, sáng 11 tháng 5 năm 1975, tôi đã trở thành một tù binh.
Mười ba năm sau, trên cái giấy ra trại của tôi đã ghi rõ ràng rằng: Ðương sự bị bắt ngày 11 tháng 5 năm 1975.
Hôm đó, tôi bị gọi lên văn phòng liên gia trưởng. Bác Thọ nhìn tôi ái ngại,
– Phường Nguyễn Cảnh Chân vừa nhận được lệnh nội nhật ngày 11 tháng 5 năm 1975 phải áp giải tên Vương Mộng Long lên giao nộp cho Ủy Ban Quân Quản Thành Phố Sài-Gòn Gia-Ðịnh.
Văn phòng phường không có xe, nên bác Thọ ra lệnh cho anh thư ký của liên gia chở tôi đi bằng xe gắn máy.
Tới Trại Lê Văn Duyệt của Biệt Khu Thủ Ðô, nay là trụ sở Ủy Ban Quân Quản Thành Phố Sài-Gòn Gia-Ðịnh của Việt-Cộng, tôi xuống xe rồi tự động đứng lẫn vào đám người đang tụ tập trước sân cờ.
Hôm đó, có khoảng vài trăm quân nhân viên chức Việt-Nam Cộng-Hòa bị tập trung về từ nhiều nơi quanh Sài-Gòn. Họ được chở trên những quân xa đủ loại. Người xuống hết, xe chạy đi, nối đuôi nhau. Chỉ có mình tôi tới đây bằng xe hai bánh do người khác cho quá giang.
Trong số những người hiện diện trong sân, tôi thấy Thiếu Tướng Lê Minh Ðảo, Chuẩn tướng Lê Trung Tường và mấy vị tướng khác, cùng vài người quen của tôi như Trung tá Nguyễn Hiệp, Trung tá Nguyễn Ðỗ Tước, Thiếu tá Hồ Văn Hòa, Thiếu tá Lương Ðình Chi, và Trung sĩ Thông Dịch Viên người Hoa là Huỳnh Cẩm Lường.
Chúng tôi đứng trước sân chờ nghe cái loa treo trên cột cờ kêu tên mình để vào trình diện một trong số những căn phòng đánh số thứ tự A, B, C, D…X, Y, Z… nằm ở tầng trệt của dãy nhà lầu phía sau.
Tôi được gọi tên để vào làm việc trong căn phòng nơi cửa có cái bảng carton cỡ 40X40 cm ghi chữ «Z” thật to bằng sơn đen, nằm ở đầu hồi. Phòng có cái bảng chữ «Z» là nơi tiếp quản của Quân Khu 5 Cộng-Sản. Quân Khu 5 Cộng-Sản bao gồm lãnh thổ các tỉnh từ Quảng-Trị tới Phú-Yên. (Chữ Z= phát âm là Zét)
Văn phòng này do bốn cán binh Việt-Cộng phụ trách. Bốn tên cán binh này mặc quân phục xanh, không đeo phù hiệu hay quân hàm, và cũng không vũ trang.
Có khoảng trên dưới hai chục người được gọi vào phòng Z. Mỗi người được phát một tờ giấy in roneo gọi là bản tự khai, chỉ có mấy dòng:
1) Họ tên
2) Cấp bậc, chức vụ
3) Ðơn vị và nơi đồn trú.
4) Thời gian phục vụ ở địa bàn Quân Khu 5 từ năm nào tới năm nào?
5) Ðịa chỉ cư trú và liên lạc hiện nay
Dưới đó là ngày tháng và ký tên.
Công việc ghi chép những câu trả lời 5 mục nêu trên và ký tên diễn ra không tới một giờ.
Tiếp theo là giai đoạn khẩu vấn, công việc này cũng chỉ nhằm mục đích xác nhận xem chúng tôi có đúng là người mà Quân Khu 5 cần tiếp quản hay không.
Từng người trong chúng tôi phải lần lượt đối diện với bốn thẩm vấn viên để trả lời những câu hỏi liên quan tới từng đề tài khác nhau như quê quán, tôn giáo và gia cảnh.
Kết thúc buổi thẩm vấn, tên cán bộ trưởng toán xoa tay cười khẩy, rồi đẩy mấy tờ giấy ghi lời khai của tôi ra trước mặt tôi,
– Ðược rồi! Anh đọc lại đi! Có gì cần sửa thì trình cho tôi. Tôi có cho phép anh thì anh mới được sửa. Nghe rõ chưa?
Tôi liếc qua những dòng chữ đã ghi trên bản tự khai rồi lắc đầu,
– Tôi không muốn sửa chữa điều gì cả.
Nghe vậy, tên Việt-Cộng vội xếp tờ giấy tự khai của tôi vào cái bìa cứng rồi đưa tay ra cho tôi bắt,
– Anh có thể đi về, nhớ đúng 8 giờ sáng mai lại vào đây trình diện!
Ra khỏi phòng, tôi đi một vòng quanh trại để tìm người quen, thì được tin Trung tá Nguyễn Hiệp, Thiếu tá Hồ Văn Hòa, Thiếu tá Lương Ðình Chi, đã bị còng tay chở đi rồi.
Trung tá Nguyễn Ðỗ Tước và ông Thông Dịch Viên người Hoa là Huỳnh Cẩm Lường còn ở trong phòng nào đó chưa ra.
Sáng 12 tháng 5 tôi leo lên Honda chạy một lèo tới Ủy Ban Quân Quản Thành Phố Sài-Gòn Gia-Ðịnh.
Gửi xe xong, tôi bước vào trại để tới phòng Z; đã có nhiều quân nhân khác nhanh chân hơn tôi; họ có mặt trong sân doanh trại từ sáng sớm.
Vào phòng, tôi mới hay, sau buổi thanh lọc ngày hôm qua đã có nhiều người được trả tự do vì lời khai của họ không phù hợp những chi tiết mà Quân Khu 5 đã nêu ra.
Hôm nay, trong phòng Z chỉ còn lại đúng bảy (7) người.
Chúng tôi không phải khai báo gì hơn, chỉ ngồi tán gẫu với nhau thôi.
Những cán binh phụ trách công việc tiếp quản chúng tôi cũng vui vẻ nói chuyện với chúng tôi không chút ngại ngùng. Qua vài câu trao đổi, chuyện trò, tôi được biết, hai trong số bốn cán bộ Cộng-Sản này là người Thanh-Hóa, một là dân Hà Nam Ninh, một là dân Hải-Hưng (tỉnh Hải Hưng là tên do hai tỉnh sáp nhập Hải Dương và Hưng Yên) Biết tôi là dân Hải Dương nên người bộ đội Cộng-Sản quê Hải-Hưng hay nhìn tôi với vẻ mặt nửa lưu luyến, nửa ái ngại và khó hiểu.
Buổi trưa chúng tôi được phép túa ra đường kiếm cơm cháo, mì, phở, một giờ sau sẽ quay trở lại.
Bên kia đường là một dãy quán hàng bán đồ ăn. Thấy một ông từ phòng Z dẫn theo vài ông khác chui vào một cái lều bên đường, tôi cũng chui vào theo.
Trong lều là một gánh cháo lòng do một bà tuổi trung niên làm chủ. Chúng tôi theo nhau, bảy người, ngồi trên hai cái ghế dài của học trò.
Chỉ qua mấy phút tâm sự, tôi đã biết lý lịch của sáu ông bạn mới. Sáu ông này gồm có một Thiếu úy Trung đội trưởng Thám Báo Tỉnh, một thẩm vấn viên của Trung Tâm Thẩm Vấn Quân Ðoàn II, hai ông sĩ quan Ban 2 Chi Khu, một Trưởng Lưới Mật Báo Viên và một nhân viên phản gián của Ủy Ban Phượng Hoàng.
Ông chồng bà bán quán là Trung sĩ Trưởng Lưới Mật Báo Viên của Tiểu Khu Bình-Ðịnh tên là Huỳnh Thanh Bền. Ông Trung sĩ Bền là một hạ sĩ quan Ðồng Hóa.
Từ ngày thứ ba, tôi không còn phải tốn tiền gửi xe Honda, tôi khóa xe, rồi để xe ngay vách quán của bà vợ ông Bền.
Trung sĩ Bền lớn hơn tôi mười tuổi, vợ ông cũng lớn hơn tôi bảy tuổi. Anh chị Bền có ba đứa con, cháu lớn là con gái 19 tuổi, đang học Sư Phạm, hai đứa kế tuổi 15 và 13 đang học trung học.
Nhà anh chị Bền ở gần Quân-Lao Gò-Vấp.
(còn tiếp)
No comments:
Post a Comment